Thương chiến Mỹ-Trung có phải là sự đụng độ giữa các nền văn minh?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Minxin Pei, “Is Trump’s Trade War with China a Civilizational Conflict?”, Project Syndicate, 14/05/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Cuối tháng trước, tại một diễn đàn an ninh ở Washington, DC, Kiron Skinner, Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã mô tả cuộc xung đột Mỹ-Trung ngày nay là “một cuộc chiến với một nền văn minh và một hệ tư tưởng thực sự khác biệt, và Hoa Kỳ chưa từng gặp phải điều đó trước đây”. Nếu là một quả bóng thí nghiệm, nỗ lực rõ ràng nhằm định nghĩa cuộc đối đầu của chính quyền Trump với Trung Quốc này đã không thành công.

Bằng cách định nghĩa cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc như là một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh, Skinner – người giữ vị trí từng được đảm nhận bởi các ngôi sao sáng như George Kennan, Paul Nitze, Richard N. Haass và Anne-Marie Slaughter – vừa tỏ ra không có gì mới, vừa không chính xác. Nhà khoa học chính trị Samuel P. Huntington đã đưa ra khái niệm này hơn một phần tư thế kỷ trước, trong khi bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc lại là một thực thể đã bị phá sản về mặt hệ tư tưởng.

Tồi tệ hơn, bài diễn văn đầy đủ của Skinner còn chứa đựng những giọng điệu phân biệt chủng tộc. Không giống như sự cạnh tranh giữa Mỹ với Liên Xô, điều mà bà mô tả là “một cuộc chiến trong nội bộ gia đình phương Tây”, sự cạnh tranh với Trung Quốc được cho là “lần đầu tiên chúng ta sẽ có một cường quốc đối thủ không phải của người da trắng”. Bà quên mất là Mỹ đã chiến đấu chống lại Nhật Bản trong Thế chiến II.

Người ta hy vọng nhận xét của Skinner về cuộc đụng độ giữa các nền văn minh da trắng và không phải da trắng chỉ là một sự lỡ lời. Những người cố tình đưa ra những ý tưởng như vậy phải biết rằng họ có thể dẫn đến không chỉ sự thua cuộc của một bên về mặt kinh tế hay quân sự, mà còn có thể là sự hủy diệt của cả một xã hội. Cách các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận bản chất cuộc xung đột Mỹ-Trung sẽ có tác động sâu rộng, và Hoa Kỳ phải chứng minh rằng các chính sách của mình được thúc đẩy bởi các mục đích đạo đức cao thượng hơn nếu họ muốn nhận được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi.

Hầu hết các nhà bình luận coi cuộc xung đột Mỹ-Trung là một cuộc đấu tranh giữa một cường quốc hiện tại và một cường quốc đang trỗi dậy thách thức vị thế đó của nó. Hai nước dường như rơi vào cái mà người ta hay gọi là “Bẫy Thucydides”, một lời tiên tri tự trở thành hiện thực mà theo đó một cường quốc bá chủ do sợ hãi bị phế truất dẫn đến hành động theo cách có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh giành bá quyền toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc xung đột ngày nay đang được thúc đẩy bởi một cuộc ganh đua quyền lực một mất một còn, thì đó cũng không nên là sự cân nhắc duy nhất của Hoa Kỳ. Trước nguy cơ sụp đổ nền văn minh do biến đổi khí hậu, việc chính quyền Trump chỉ tập trung vào lợi ích của Mỹ sẽ tỏ ra là ích kỷ và vô trách nhiệm với phần còn lại của thế giới.

Thực tế là hầu hết thế giới – bao gồm một phần lớn người dân Mỹ – không muốn lao vào một cuộc chiến tranh lạnh khác chỉ để bảo vệ quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Nếu chính phủ Hoa Kỳ muốn thu hút sự ủng hộ của quốc tế để chống lại sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc, thì họ phải đưa ra được một lý do thuyết phục hơn.

Điều này không hề quá khó khăn, vì sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới chế độ độc tài một đảng đe dọa không chỉ bá quyền của Mỹ mà cả trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Thay vì đóng khung cuộc xung đột như một cuộc chiến tranh giữa các chủng tộc, Mỹ nên tập trung vào mối đe dọa của Trung Quốc đối với các thể chế toàn cầu, và theo đó là mối đe dọa đối với tăng trưởng và ổn định của nhiều quốc gia khác.

Dù có khiếm khuyết gì đi nữa thì trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đều mang lại cho các quốc gia khác nhiều lợi ích hơn so với bất kỳ hệ thống thay thế khả dĩ nào. Thật vậy, trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, Hoa Kỳ có được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi chính bởi vì nó đang dẫn đầu một cuộc chiến nhằm bảo vệ trật tự đó. Và kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hầu hết thế giới đều hoan nghênh hoặc chấp nhận bá quyền của Mỹ với sự hiểu ngầm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì khuôn khổ tự do đó.

Đáng buồn thay, điều kiện đó không còn tồn tại nữa. Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã theo đuổi một chính sách đối ngoại dựa trên tiêu chí “Nước Mỹ trên hết”, tạo nên khoảng cách với các đồng minh truyền thống và gây lo lắng cho phần còn lại của thế giới vì các mục tiêu chính trị hẹp hòi của mình. Sẽ không quá lời khi nói rằng các chính sách sai lầm của Trump gây ra một mối đe dọa đối với trật tự tự do lớn không kém mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Chính quyền Trump có thể tiếp tục tin rằng sức mạnh của Mỹ là đủ để đánh bại Trung Quốc. Nhưng nếu Mỹ hành động một mình sẽ rất tốn kém, và cơ hội thành công sẽ cao hơn nhiều nếu Mỹ thu hút được sự hỗ trợ của bạn bè và đồng minh.

Thất bại gần đây nhất trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại cho thấy chiến tranh lạnh Mỹ-Trung đang leo thang sang giai đoạn tiếp theo. Sớm hay muộn, chính quyền Trump sẽ nhận ra rằng họ thực sự cần sự ủng hộ của các đồng minh để có thể thắng thế so với Trung Quốc. Khi ngày đó đến, sẽ tốt hơn nếu Mỹ ngừng nói về xung đột giữa các nền văn minh và đối đầu giữa các chủng tộc, thay vào đó nên đưa ra một lý do chính đáng về mặt đạo đức để biện minh cho sự đối đầu với Trung Quốc. Mỹ là người bảo vệ truyền thống của trật tự tự do; và Mỹ cần phải bắt đầu hành động để chứng minh cho vai trò đó.

Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.

Copyright: Project Syndicate 2019