20/09/1973: ‘Trận chiến Giới tính’ trong môn quần vợt

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: King triumphs in Battle of Sexes, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1973, trong một trận đấu quần vợt “Trận chiến Giới tính” được đăng tải rộng rãi trên khắp các mặt báo, nữ vận động viên hàng đầu Billie Jean King, 29 tuổi, đã đánh bại Bobby Riggs, 55 tuổi, một cựu nam vận động viên xếp hạng số 1. Riggs (1918-1995), một người theo chủ nghĩa số vanh giới tính tự xưng, khoe khoang rằng phụ nữ thấp kém hơn, rằng họ không thể xử lý áp lực của trò chơi này, và thậm chí ở tuổi 55 ông có thể đánh bại bất kỳ nữ vận động viên nào.

Trận đấu là một sự kiện truyền thông lớn, được chứng kiến ​​trực tiếp bởi hơn 30.000 khán giả tại Houston Astrodome và bởi 50 triệu khán giả truyền hình khác trên toàn thế giới. King đi vào sân đấu theo phong cách Cleopatra trên một chiếc cáng vàng được khiêng bởi những người đàn ông ăn mặc như những nô lệ thời cổ đại, trong khi Riggs tới trong một chiếc xe được kéo bởi những người mẫu nữ. Bình luận viên thể thao huyền thoại Howard Cosell đã bình luận cho trận đấu, trong đó King đánh bại Riggs với tỉ số 6-4, 6-3, 6-3. Thành tích của King không chỉ giúp chính thống hóa vị trí của phụ nữ trong giới quần vợt chuyên nghiệp và các vận động viên nữ, mà còn được coi là một chiến thắng cho quyền của phụ nữ nói chung.

King sinh ra với tên gọi Billie Jean Moffitt vào ngày 22 tháng 11 năm 1943, tại Long Beach, California. Lớn lên, cô là một vận động viên bóng mềm xuất sắc trước khi cha mẹ cô khuyến khích cô thử sức với môn quần vợt, được coi là nữ tính hơn. Cô thể hiện xuất sắc trong môn thể thao này, và vào năm 1961, ở tuổi 17, trong lần đầu tiên tham gia Wimbledon, cô đã giành được danh hiệu vô địch đôi nữ.

King đã giành được tổng cộng 20 chiến thắng tại giải Wimbledon, trong các trận đấu đơn, đôi nữ và đôi nam nữ, trong suốt sự nghiệp của mình. Năm 1971, cô trở thành nữ vận động viên đầu tiên kiếm được hơn 100.000 đô la tiền thưởng trong một mùa. Tuy nhiên, sự chênh lệch lương đáng kể vẫn tồn tại giữa các vận động viên nam và nữ, và King đã vận động mạnh mẽ để thay đổi điều này. Vào năm 1973, Giải Hoa Kỳ mở rộng đã trở thành giải đấu quần vợt lớn đầu tiên trao cùng số tiền thưởng cho những người chiến thắng ở cả hai giới.

Năm 1972, King trở thành người phụ nữ đầu tiên được lựa chọn bởi tạp chí Sports Illustrated là “Vận động viên của Năm” và vào năm 1973, cô trở thành chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Quần vợt Nữ. King cũng thành lập một tổ chức và tạp chí thể thao dành cho phụ nữ và một giải đấu quần vợt đồng đội. Năm 1974, với tư cách là huấn luyện viên của Philadelphia Freedoms, một trong những đội trong giải đấu, cô đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một đội thể thao nam nữ chuyên nghiệp.

“Người mẹ của thể thao hiện đại” đã giải nghệ khỏi làng quần vợt với 39 danh hiệu Grand Slam. Cô vẫn hoạt động như một huấn luyện viên, bình luận viên và người ủng hộ cho các môn thể thao nữ và các mục tiêu khác. Năm 2006, Trung tâm quần vợt quốc gia USTA, quê hương của Giải Hoa Kỳ mở rộng, đã được đổi tên để tôn vinh King. Trong buổi lễ vinh danh, huyền thoại quần vợt John McEnroe đã gọi King là “người quan trọng nhất trong lịch sử các môn thể thao nữ”.