16/04/1943: Phát hiện khả năng gây ảo giác của LSD

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Hallucinogenic effects of LSD discovered, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, tại Basel, Thụy Sĩ, TS Albert Hofmann, một nhà hóa học đang làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu dược phẩm Sandoz, đã vô tình uống LSD-25, một loại thuốc tổng hợp mà ông đã tạo ra vào năm 1938 trong một nghiên cứu về giá trị dược liệu của các hợp chất axit lysergic. Sau khi dùng thuốc, có tên gọi chính thức là lysergic acid diethylamide, Hofmann đã có những cảm giác bất thường và ảo giác. Trong ghi chú của mình, ông viết lại trải nghiệm như sau:

“Thứ Sáu tuần trước, ngày 16/04/1943, tôi buộc phải gián đoạn công việc trong phòng thí nghiệm vào giữa buổi chiều và trở về nhà, bị ảnh hưởng bởi sự bồn chồn đáng kể, kết hợp với một cơn chóng mặt nhẹ. Ở nhà, tôi nằm xuống và chìm vào một tình trạng giống say xỉn nhưng không mấy khó chịu, đặc trưng bởi trí tưởng tượng cực kỳ kích thích. Trong trạng thái mơ màng, nhắm mắt lại (ánh sáng ban ngày trở nên chói lòa tới mức khó chịu), tôi nhìn thấy một dòng hình ảnh tuyệt vời không bị gián đoạn, những hình dạng phi thường với màu sắc rực rỡ của kính vạn hoa. Sau một vài giờ, tình trạng này biến mất.”

Sau khi cố tình dùng thuốc một lần nữa để xác nhận rằng chính nó đã gây ra trạng thái thể chất và tinh thần kỳ lạ này, Tiến sĩ Hofmann đã công bố một báo cáo về khám phá của mình, và từ đó LSD được biết tới như một loại thuốc gây ảo giác. Việc sử dụng rộng rãi loại thuốc được cho là “mở rộng tâm trí” (mind-expanding) này đã không bắt đầu mãi cho đến thập niên 1960, khi các nhân vật phản văn hóa như Albert M. Hubbard, Timothy Leary và Ken Kesey công khai về lợi ích của việc sử dụng LSD như một loại thuốc giải trí. Việc sản xuất, bán, sở hữu và sử dụng LSD, được xác định là gây ra phản ứng tiêu cực ở một số người sử dụng, đã bị coi là bất hợp pháp tại Mỹ vào năm 1965.