Lý giải hiện tượng ‘ngoại giao chiến lang’ của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Minxin Pei, “Chinese Diplomats Behaving Badly”, Project Syndicate, 09/06/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Các nhà ngoại giao Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng là những người được đào tạo bài bản, thận trọng,và nhàm chán, những người sẽ theo đuổi nhiệm vụ của họ một cách kiên quyết mà không tạo ra những công luận bất lợi. Nhưng một lứa các nhà ngoại giao trẻ đã bỏ qua các chuẩn mực ngoại giao lâu nay nhằm tích cực thúc đẩy dòng quan điểm của Trung Quốc về COVID-19. Hiện tượng này được gọi là “ngoại giao chiến lang” – và nó đang phản tác dụng.

Ngay trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 nổ ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao Trung Quốc phải áp dụng một cách tiếp cận quyết liệt hơn để bảo vệ lợi ích và danh tiếng của Trung Quốc ở nước ngoài. Đại dịch – vốn có thể đã có quy mô nhỏ hơn nhiều nếu chính quyền Vũ Hán không phạm phải những sai lầm ban đầu – đã mang lại một cơ hội hoàn hảo để biến chỉ thị này thành hành động.

Và đó chính xác là những gì các nhà ngoại giao Trung Quốc đã và đang làm. Ví dụ: vào giữa tháng Ba, phó phát ngôn viên mới được bổ nhiệm của Bộ Ngoại giao, Zhao Lijian, đã đưa ra một thuyết âm mưu cho rằng quân đội Hoa Kỳ đã mang coronavirus chủng mới đến Vũ Hán, tâm chấn đầu tiên của đại dịch.

Tương tự, vào đầu tháng 4, đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã đăng một loạt bài viết nặc danh trên trang web của đại sứ quán, tuyên bố sai rằng các nạn nhân cao tuổi bị nhiễm virus ở Pháp đã bị bỏ mặcnằm một mình chờ chết. Cuối tháng đó, sau khi Úc tham gia cùng Hoa Kỳ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch, đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã nhanh chóng đe doạ tẩy chay và trừng phạt nước này.

Nhưng, không giống như các đặc vụ hư cấu mà họ thường được so sánh dựa theo một bộ phim hành động nổi tiếng của Trung Quốc, các nhà “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc đã không giànhđược kết quả tốt đẹp qua phong cách đối đầu liều lĩnh của họ. Thay vì giúp cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc và xoa dịu những người đang đổ lỗi cho nước này về đại dịch, hành động của họ càng làm giảm uy tín của Trung Quốc và làm cho các quốc gia khác trở nên xa cách Trung Quốc dù đáng ra họ phải làm ngược lại.

Vậy tại sao họ lại thay đổi cách tiếp cận như vậy? Một lý do là sự kết hợp hiện nay giữa tâm thế bất an lịch sử, bắt nguồn từ cái gọi là “thế kỷ ô nhục”, và sự kiêu ngạo, được thúc đẩy bởi ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn có được sự tôn trọng mà họ cảm thấy đất nước của họ xứng đáng nhận được tới mức họ đã trở nên hết sức nhạy cảm trước những lời chỉ trích và nhanh chóng đe dọa áp dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế khi các nước khác dám thách thức họ.

Một lý do khác là sự nhấn mạnh của chế độ hiện tại vào lòng trung thành chính trị. Dưới sự lãnh đạo tập quyền cao độ của chủ tịch Tập Cận Bình, các nhà ngoại giao Trung Quốc được đánh giá không phải dựa vào việc họ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình tốt như thế nào mà dựa vào việc họ trung thành và đi theo đường lối của đảng ra sao. Điều này được minh chứng bởi việc hồi năm ngoái chính quyền bổ nhiệm Qi Yu, một cán bộ tuyên truyền không hề có kinh nghiệm hoặc thành tích đối ngoại, làm bí thư đảng ủy Bộ Ngoại giao – một vị trí quan trọng theo truyền thống thường được nắmgiữ bởi một nhà ngoại giao có kinh nghiệm.

Nếu tích cực thúc đẩy quan điểm của Đảng là một vấn đề quyết định sự sinh tồn trong nghề nghiệp thì các nhà ngoại giao sẽ sẵn sàng làm điều đó, ngay cả khi họ nhận ra rằng nó phản tác dụng (như nhiều người có thể đã nhận thấy). Họ chắc chắn sẽ không cố gắng thuyết phục các lãnh đạo chính trị của mình thay đổi cách làm.

Trong khi các nhà ngoại giao có nguy cơ phải trả giá đắt nếu phản ứng theo lương tri của mình, họ lại dường như không chịu hậu quả nào, từ những chỉ trích trên các phương tiện truyền thông chính thống tới khả năng bị giáng chức hoặc sa thải – nếu thể hiện lòng trung thành dù có hại ấy. Khi việc thúc đẩy các quan điểm được Đảng thông qua mang lại các kết quả tiêu cực, thì theo cách nói của Đảng, đó chỉ là một vấn đề về chiến thuật, không phải là vấn đề“đường lối chính trị”. Trừng phạt các nhà ngoại giao trung thành vì các “sai lầm chiến thuật” sẽ khiến họ miễn cưỡng hơn khi phải thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng giao phó trong tương lai.

Bằng cách loại bỏ bất kỳ sự khuyến khích nào giúp các nhà ngoại giao tiết chế cách tiếp cận của họ và đưa ra một lý do thuận tiện để bao biện cho các thất bại, logic này giúp làm cho các chính sách tồi bén rễ. Việc Trung Quốc thiếu một nền báo chí tự do và đối lập chính trị để làm nổi bật những thất bại của cách tiếp cận “ngoại giao chiến lang” càng làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Không giống như các nhà ngoại giao phương Tây, các nhà ngoại giao Trung Quốc không sợ bị công chúng chế giễu hoặc chỉ trích. Điều quan trọng đối với họ là những gì lãnh đạo nói – và các lãnh đạo của họ muốn thực hiện “ngoại giao chiến lang”.

Đây là một sai lầm. Tại thời điểm khi mà danh tiếng của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng và quan hệ của họ với Mỹ đang rơi tự do, các nhà ngoại giao Trung Quốc nên tập trung vào việc làm nổi bật sự khác biệt giữa chính sách đối ngoại của Trung Quốc với chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chính Trump là người liều lĩnh thúc đẩy các thuyết âm mưu và tích cực đáp trả bất kỳ sự chỉ trích nào bằng cách đe dọa và trừng phạt. Chính Trump là người đã dại dột làm các nước bạn bè và đối tác xa cách thay vì nuôi dưỡng các mối quan hệ cùng có lợi. Và cũng chính Trump đã làm xói mòn danh tiếng quốc tế và làm suy yếu lợi ích của Mỹ khi nhấn mạnh một cách hung hăng sự ưu việt của Mỹ trước các nước khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lẽ ra nên biết rõ điều đó.

Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.