Nhật ký Bắc Kinh (26/06/20): Tập quyết tâm cai trị trực tiếp Hồng Kông

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 6/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Trong khi các chính sách Hồng Kông của Trung Quốc luôn được quốc tế quan tâm theo dõi, Văn phòng các Vấn đề Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện lại không như vậy.

Văn phòng liên lạc này, cơ quan giám sát hai đặc khu hành chính của Trung Quốc, nằm gần Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở phía tây Bắc Kinh. Toà nhà mà nó dùng chung với Cục Thống kê Quốc gia trông không giống với tiêu chuẩn thường thấy của các tòa nhà chính phủ trung ương Trung Quốc, vốn xây theo kiểu “khổng lồ” và “tráng lệ.”

Tôi lái xe ngang qua tòa nhà vào tối thứ Năm. Đường phố hầu như không có người, mặc dù đó là ngày đầu tiên của lễ hội đua thuyền rồng vào cuối tuần. Một người đàn ông mặc thường phục, có vẻ là một quan chức, đang rảo mắt quan sát xung quanh.

Ủy ban Thường vụ Nhân Đại sẽ họp từ Chủ nhật đến thứ Ba và dự kiến ​​sẽ thảo luận về luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với luật mới, theo đó sẽ cấm các hoạt động bất đồng chính kiến ​​trong lãnh thổ. Người đàn ông ở trước văn phòng chắc chắn là để đảm bảo không ai có thể phát động biểu tình ở đó.

Cơ quan tiền thân của Văn phòng các Vấn đề Hồng Kông và Macao mở cửa vào tháng 9 năm 1978, hai năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc. Đặng Tiểu Bình lúc đó đã trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Tháng 12 năm đó, Đảng Cộng sản đề ra chiến lược “cải cách và mở cửa”, một nỗ lực do Đặng lãnh đạo nhằm khắc phục tình trạng trì trệ kinh tế gây ra bởi các chiến dịch chính trị tai họa, bao gồm Cách mạng Văn hóa và Đại Nhảy vọt.

Vào thời điểm đó, người ta không biết Đặng thực sự xem xét việc giành lại quyền kiểm soát Hồng Kông. Văn phòng liên lạc được thành lập nhằm tận dụng sức sống của thành phố tư bản Hồng Kông để hỗ trợ chính sách cải cách và mở cửa.

Vai trò của văn phòng đã thay đổi đáng kể khi Đặng chuyển trọng tâm từ thống nhất Đài Loan sang ưu tiên giành lại Hồng Kông vào khoảng năm 1981. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc dàn xếp việc Anh bàn giao Hồng Kông theo công thức “một quốc gia, hai chế độ”.

Tuy nhiên, sau khi đạt được thỏa thuận bàn giao, ảnh hưởng của văn phòng liên lạc ngày càng suy yếu. Từ “Các vấn đề” được thêm vào tên của nó từ năm 1993. Không có nhân vật hàng đầu nào được giao phụ trách văn phòng vì nó chỉ được coi là một văn phòng liên lạc giữa chính quyền trung ương và chính quyền ở Hồng Kông.

Vì vậy, khá bất ngờ khi Hạ Bảo Long (Xia Baolong), Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Chính Hiệp Trung Quốc, được bổ nhiệm làm trưởng văn phòng vào tháng 2, khi Trung Quốc vẫn đang quay cuồng với coronavirus.

Ông Hạ là cấp phó của Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông còn là Bí thư tỉnh Chiết Giang từ năm 2003 đến năm 2007. Do đó, việc bổ nhiệm ông Hạ đồng nghĩa với tuyên bố rằng chính quyền trung ương có ý định áp đặt “quyền cai trị trực tiếp” lên Hồng Kông, trước khi áp dụng luật an ninh mới.

Chủ nhật ngày 28 tháng 6 này cũng được Đảng Cộng sản chọn là dịp kỷ niệm ngày bắt đầu Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất vào năm 1840. Tại Bảo tàng Quân sự của Cách mạng Nhân dân Trung Quốc nằm gần văn phòng liên lạc có một cuộc triển lãm về lịch sử của cuộc chiến đã khiến Trung Quốc mất Hồng Kông.

Giờ đây, 180 năm sau, chính quyền Trung Quốc sẽ lấy lại quyền kiểm soát toàn diện đối với lãnh thổ này./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.