Nhật ký Bắc Kinh (06/07/20): Kỳ thi cao khảo ở Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary”, Nikkei Asian Review, 7/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc của Trung Quốc, gọi là “cao khảo” (gaokao), bắt đầu vào thứ Ba. Chuỗi bài thi kéo dài ba đến bốn ngày còn được gọi là “khoa cử thời hiện đại”, một cách nói liên hệ với hệ thống khoa cử thời phong kiến Trung Quốc, kéo dài khoảng 1.300 năm đến cuối triều đại nhà Thanh vào năm 1905.

Sáng thứ Ba, ngày đầu tiên của cao khảo, tôi ghé qua trường trung học Số 35 Bắc Kinh, một trong những điểm thi ở thủ đô. Tôi thấy phụ huynh và người giám hộ động viên các thí sinh ở trước cổng.

“Con hãy thoải mái. Kết quả ra sao cũng được”, một bà mẹ trấn an con gái. “Mẹ, mẹ không cần phải đợi ở đây đâu,” cô gái trong bộ đồ thể thao trả lời trước khi bước vào, có vẻ căng thẳng.

Kỳ thi cao khảo thường diễn ra vào tháng 6 nhưng đã bị hoãn lại một tháng vì đại dịch coronavirus. Học sinh phải kiểm tra thân nhiệt ở lối vào, nơi cũng có các nhân viên y tế mặc áo trắng chờ sẵn phòng bất trắc.

Để tránh tiếp xúc gần, số lượng thí sinh mỗi phòng được giới hạn xuống còn 20 – ít hơn mọi năm 10 người.

Các kỳ thi cao khảo, bắt đầu từ những năm 1950, là biểu tượng cho xã hội cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc. Kết quả kỳ thi sẽ quyết định nơi sinh viên học đại học và theo đó là đường hướng cuộc đời của họ.

Năm nay, có 10,71 triệu học sinh trung học dự thi, tăng khoảng 400.000 so với năm ngoái, theo Bộ Giáo dục.

Trường trung học Số 35 Bắc Kinh là một trong những điểm thi lớn nhất trong số 400.000 địa điểm trên toàn quốc. Đây cũng là trường cũ của Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, người thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình và là nhân vật chủ chốt trên chính trường Trung Quốc.

Ông Vương, người theo học khoa lịch sử Đại học Tây Bắc ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, vào năm 1973, đã không dự thi cao khảo. Kỳ thi bị đình chỉ gần một thập niên kể từ 1966, khi Cách mạng Văn hóa đưa đất nước vào hỗn loạn.

Ông Vương bị đưa đến một ngôi làng nghèo ở Diên An, tỉnh Thiểm Tây, để “cải tạo thanh niên trí thức” và ở đó gần hai năm. Còn ông Tập, nhỏ hơn Vương năm tuổi, được gửi đến một ngôi làng gần đó. Vài năm sau, dựa trên đánh giá về quãng thời gian của họ ở các ngôi làng, ông Vương được nhận vào Đại học Tây Bắc trong khi ông Tập theo học Đại học Thanh Hoa.

Năm 1977, sau Cách mạng Văn hóa, nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình quyết định cho tiếp tục cao khảo. Chắc hẳn ông đã nhận ra tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng nhân tài để thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa” đất nước, vốn được đề ra một năm sau đó. Thủ tướng Lý Khắc Cường thi cao khảo và đậu vào Đại học Bắc Kinh.

Đã hơn 40 năm kể từ khi cao khảo được nối lại, và nhiều thí sinh giờ đã là các lãnh đạo trong xã hội Trung Quốc. Hệ thống giáo dục xoay quanh cao khảo của Trung Quốc không thể bị đánh giá thấp.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.