15/06/1300: Dante trở thành Bề trên Thành Florence

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Dante is named prior of Florence, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1300, nhà thơ Dante Alighieri trở thành một trong sáu vị “bề trên” (city prior – chức vụ lãnh đạo cao nhất) của thành Florence, hoạt động tích cực trong việc điều hành thành phố. Các hoạt động chính trị của Dante, bao gồm việc trục xuất một số đối thủ, đã khiến ông bị buộc phải lưu vong khỏi Florence, thành phố quê hương ông, kể từ năm 1302. Ông sẽ viết tác phẩm vĩ đại nhất của mình, “Thần khúc” (Divina Commedia) trong khi lang bạt, tìm sự bảo vệ cho gia đình mình từ thành phố này sang thành phố khác.

Dante sinh ra trong một gia đình gốc gác quý tộc nhưng không may sa sút. Cha ông kiếm sống bằng nghề cho vay. Dante bắt đầu làm thơ ở tuổi thiếu niên và đã nhận nhiều lời khích lệ từ các nhà thơ nổi tiếng, những người được cậu thiếu niên gửi cho các bài thơ sonnet.

Năm chín tuổi, Dante lần đầu tiên nhìn thấy Beatrice Portinari, cũng chín tuổi, người mà trong suốt những thập niên tiếp theo sẽ được ông xem như biểu trưng cho vẻ đẹp hoàn hảo và tấm lòng thiện lương của phụ nữ. Dante hết lòng yêu Portinari nhưng tình cảm của ông đã chẳng được hồi đáp; sau cùng Dante đính hôn với Gemma Donati vào năm 1277; tuy nhiên, cả hai đã không kết hôn mãi cho đến tám năm sau. Hai người có với nhau tổng cộng sáu con trai và một con gái.

Khoảng năm 1293, Dante xuất bản một cuốn sách gồm cả văn xuôi và thơ có tên “Cuộc sống Mới” (La Vita Nuova); vài năm sau đó một tập sách khác, “Bữa tiệc” (Convivio), ra đời. Đến thời kỳ lưu đày, ông mới bắt tay vào viết “Thần khúc.” Trong phần thứ nhất của trường ca, Dante đã có chuyến đi qua Hỏa ngục (Inferno) với nhà thơ Virgil làm người dẫn đường. Virgil cũng là người đã đưa Dante qua Luyện ngục (Purgatorio) trong phần thứ hai. Tuy nhiên, người dẫn đường ở phần thứ ba – Thiên đàng (Paradiso) – lại có tên là Beatrice.

“Thần khúc” được viết và xuất bản làm nhiều phần, trải dài từ năm 1308 đến năm 1321. Dù ban đầu Dante chỉ đơn giản gọi tác phẩm của mình là “Comedìa” (nghĩa đen là Hài kịch), cuốn sách đã trở nên vô cùng nổi tiếng, và một ấn bản sang trọng hơn đã được xuất bản vào năm 1555 tại Venice, với tựa đề là “Divina Commedia” (nghĩa là Vở Hài kịch của Thánh thần). Dante chết vì bệnh sốt rét ở Ravenna năm 1321.