Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P2)

Nguồn: Why Russia Has Never Accepted Ukrainian Independence, The Economist, 18/12/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bài liên quan: Phần 1

Năm 1994, sau ba năm suy thoái kinh tế khủng khiếp, hai trong số ba vị tổng thống trong buổi họp tại Viskuli đã phải rời nhiệm sở. Tại Belarus, Alexander Lukashenko, người từng điều hành một nông trại tập thể chuyên chăn nuôi heo, đã thắng cử trước Shushkevich. Lukashenko nói với người dân rằng mình sẽ giải quyết tình trạng kinh tế hỗn loạn bằng cách đưa nó trở lại trật tự trước đây. Cải cách bị dừng lại, và ở giai đoạn sau, trong 27 năm cầm quyền của Lukashenko, các cuộc bầu cử cạnh tranh và công bằng cũng bị chấm dứt. Quốc kỳ, vốn trước đó được đổi thành màu đỏ và trắng như cờ của nước Cộng hòa Belarus tồn tại ngắn ngủi hồi năm 1918, đã được chuyển lại thành một lá cờ giống như thời Liên Xô.

Không có sự thay đổi tương tự ở Ukraine, nơi Kravchuk thua trong cuộc bầu cử tổng thống trước Leonid Kuchma, một nhà quản lý công nghiệp giỏi thời Xô Viết. Kravchuk được ủng hộ bởi nhóm cử tri theo chủ nghĩa dân tộc, nói tiếng Ukraine ở phía tây đất nước, trong khi Kuchma giành được khu vực nói tiếng Nga và theo chủ nghĩa tập thể ở phía đông. Nhưng không giống như Lukashenko, Kuchma không phải là một kẻ phản động, và ông đã chứng tỏ mình đủ khôn khéo để thu phục những người Ukraine lúc đầu không tin tưởng ông.

Yeltsin đã không phải tham gia tranh cử năm đó. Nhưng một năm trước, ông và những người ủng hộ cải cách đã phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của phe Cộng sản cùng một loạt các phe phái chống phương Tây, chống dân chủ do người đứng đầu quốc hội lãnh đạo. Một trong những bất bình của họ là việc mất Crimea, một bán đảo ở Biển Đen, được chuyển từ nước cộng hòa Nga sang cho nước cộng hòa Ukraine vào năm 1954, nhưng hầu hết người Nga vẫn coi nó là một phần của nước mình. Một thiên đường nghỉ mát cho cả giới thượng lưu Liên Xô lẫn hàng triệu dân thường, Crimea cũng từng là trung tâm của hoàng gia kể từ thời Catherine Đại đế.

Cuộc nổi dậy năm 1993 vô cùng đẫm máu. Yeltsin ra lệnh cho xe tăng nã pháo vào tòa nhà quốc hội. Công chúng đứng về phía ông. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau đó đã làm tăng đáng kể quyền hạn của tổng thống. Những người ủng hộ ở nước ngoài cũng đứng về phía ông, và trong năm tiếp theo, một thỏa thuận an ninh cho thấy Mỹ, Anh, và Nga đồng ý đảm bảo sự toàn vẹn của Ukraine, theo đúng biên giới hiện có của nước này – nghĩa là bao gồm cả Crimea – để đổi lấy việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân kế thừa từ Liên Xô. Ukraine sau đó thể hiện lòng biết ơn, trong khi phương Tây dần chứng kiến thêm nhiều chuyển đổi hướng tới một nước Nga dân chủ, tự do.

Tuy nhiên, vẫn có những người cho rằng quan điểm này lạc quan một cách nguy hiểm; một trong số đó là Zbigniew Brzezinski, nhà ngoại giao người Mỹ gốc Ba Lan kiêm cựu cố vấn an ninh quốc gia. Tháng 3/1994, Brzezinski đã tự mình xem xét câu hỏi của Solzhenitsyn – câu hỏi mà ông tin là đã gợi lên “khát vọng lớn của đa số các chính trị gia cũng như người dân [Nga], đó là câu hỏi ‘Nước Nga là gì?” Thay vì đưa ra một câu trả lời dứt khoát, ông lại cho rằng: “Nga có thể là một đế chế hoặc một nền dân chủ, nhưng không thể là cả hai.”

Brzezinski đã đúng. Giây phút nhẹ nhõm của Yeltsin [ở rừng thông sau cuộc họp ở Viskuli] là sự nhẹ nhõm của một người đàn ông không muốn và không cần phải cai trị một đế chế. Ông chủ động bác bỏ không chỉ ý thức hệ và chính sách kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô, mà còn cả các công cụ đã giữ cho liên bang này tồn tại – đàn áp và dối trá. Đối với ông, kinh tế thị trường là một điều kiện cho tự do, chứ không phải là một sự thay thế cho nó. Người kế nhiệm ông, Vladimir Putin, cũng theo chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, Putin không cho rằng kinh tế thị trường cần phải đi kèm tự do, và không thấy có vấn đề gì với một nhà nước hoạt động nhờ đàn áp và dối trá. Do đó, ông đã đảo ngược dự án dân chủ của Yeltsin, và dù lúc đầu không phải là người theo chủ nghĩa đế chế về lãnh thổ, Putin đã dần đưa đất nước đi vào con đường thứ hai mà Brzezinski đã đề cập. Chính điều đó đã đặt Nga và các nước láng giềng Slavơ vào tình thế khó khăn như ngày nay.

Một trong những vấn đề mà Brzezinski nhận thấy ở nước Nga của Yeltsin là “tầng lớp tư bản mới nổi ở Nga rõ ràng chính là một thứ kí sinh trùng.” Ở thời điểm Putin trở thành tổng thống vào năm 2000, nước Nga đang được điều hành bởi một giới tinh hoa đầu sỏ coi nhà nước là nguồn làm giàu cho cá nhân. Tuy nhiên, khi các cuộc thăm dò ý kiến tìm hiểu xem người dân mong đợi điều gì ở tổng thống sắp tới, thì giảm tham nhũng lại không phải là ưu tiên hàng đầu của họ. Vị thế của nhà nước mới là mục tiêu tối thượng. Người Nga muốn có một nhà nước mạnh mẽ, cứng rắn và được nước ngoài tôn trọng, như tuyên ngôn rất thành công của Putin “Một nhà nước mạnh không phải là một thứ bất thường cần phải chống lại. Xã hội mong muốn phục hồi vai trò hướng dẫn, tổ chức của nhà nước.” Ngay sau khi đắc cử, Putin đã khôi phục lại bài quốc ca Liên Xô, không phải là biểu tượng của việc tái kế hoạch hóa tập trung hay xây dựng lại một đế chế, mà là một tín hiệu cho thấy một nhà nước mạnh đã trở lại. Quyền lực nhà nước không có nghĩa là pháp quyền hay môi trường công bằng. Nó không có, hoặc không cần, một hệ tư tưởng. Nhưng nó cần có một số “thực tế địa chính trị” mà cuộc họp ở Viskuli đã tước bỏ khỏi Liên Xô.

Nhà nước mạnh, vốn tạo ra vỏ bọc hiệu quả cho chế độ tham nhũng ở nước Nga của Putin, không phải là một lựa chọn cho chính quyền đầu sỏ tương tự ở Ukraine của Kuchma. Ukraine không có lịch sử thực sự là một nhà nước, chứ đừng nói là một nhà nước mạnh. Huyền thoại quốc gia của nước này là về những người Cossack cưỡi ngựa sống lang bạt tự do. Vì vậy, thay vào đó, ở Ukraine, tham nhũng đã hóa thành bản sắc dân tộc riêng biệt. Bản chất của lập luận rất đơn giản. Như Kuchma đã nói trong một cuốn sách xuất bản năm 2003, “Ukraine không phải là Nga.”

Đó không phải là một câu nói nhằm tấn công người Nga. Người Ukraine thích Nga. Các cuộc thăm dò cho thấy họ ngưỡng mộ Putin hơn Kuchma. Đơn giản thì đây chỉ là một cách nói tôn vinh đất nước lên trên hết. Và Putin không có vấn đề gì với điều đó. Ukraine có thể không phải là Nga, nhưng nó không khác Nga đáng kể. Ukraine chỉ tham nhũng và hỗn loạn hơn một chút mà thôi.

Tuy nhiên, mức độ khác biệt giữa Ukraine và Nga đã trở nên rõ ràng hơn vào năm 2004, khi một cuộc bầu cử tổng thống gian lận đã khiến hàng nghìn người Ukraine xuống đường biểu tình. Kuchma đã có thể sử dụng vũ lực để đàn áp; Putin khuyến khích ông nên làm như vậy. Nhưng nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự chỉ trích nặng nề từ phương Tây, đã ngăn cản hành động đó. Có lẽ, nguyên nhân cơ bản nhất là ý thức của Kuchma rằng, với tư cách là một tổng thống, ông không thể khiến đất nước chia rẽ. Ông quyết định không nhúng tay vào, và đồng ý cho phép bỏ phiếu lần thứ hai. Viktor Yushchenko, ứng viên thân phương Tây, đến từ nhóm nói tiếng Ukraine, đã đánh bại Viktor Yanukovych, một kẻ tham nhũng đến từ Donbas (vùng cực đông của đất nước, và trừ khu vực Crimea, là vùng có dân số gốc Nga cao nhất), người đã tuyên bố chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên. “Cách mạng Cam,” tên gọi sau này của cuộc biểu tình, là một thách thức nghiêm trọng đối với Putin – và thách thức này càng lớn hơn nữa khi một cuộc nổi dậy tương tự ở Georgia, Cách mạng Hoa Hồng, tạo ra thêm một quốc gia thân phương Tây khác ở trên biên giới Nga.

Năm 2008, Putin tạm rời ghế tổng thống vì các quy định trong hiến pháp, hoán đổi công việc với Dmitri Medvedev, thủ tướng của mình. Sự thay đổi này không ngăn cản ông giám sát cuộc chiến chống lại Georgia vào mùa hè năm đó. Tuy nhiên, khi nhìn lại, năm 2010, Cách mạng Cam dường như đã trở thành một chiến thắng cay đắng chẳng khác nào thất bại. Yushchenko cho thấy bản thân là một tổng thống quá kém cỏi, đến mức vào năm 2010, Yanukovych có thể đường hoàng đánh bại ông trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Putin trở lại nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2012, ngay thời điểm mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Gian lận bầu cử quốc hội Nga một năm trước đó, và triển vọng trở lại của Putin, đã khiến hàng chục nghìn người xuống đường. Hoảng sợ trước sự hiếu chiến ngày càng tăng mà Nga thể hiện ở Georgia, phương Tây ngày càng quan tâm hơn đến Ukraine. EU sau đó đề xuất một hiệp định liên kết cho phép người dân Ukraine được hưởng những lợi ích của một thỏa thuận thương mại tự do sâu sắc và toàn diện, cũng như quyền tự do đi lại khắp châu Âu.

Một năm trước, một nhóm các nhà kinh tế đã nói với Putin rằng một liên minh thuế quan với Ukraine sẽ là một bước đi thông minh. Hơn nữa, một thỏa thuận như vậy sẽ ngăn cản sự liên kết của Ukraine với EU. Theo đuổi nó là cách để Putin đạt được ba mục tiêu cùng một lúc: đẩy lùi phương Tây; trao cho Nga một chiến thắng chứng tỏ tầm quan trọng của nước này; và giúp ích cho nền kinh tế.

Đã đến lúc để thống nhất vùng Slavơ. Khi Putin bay đến Kyiv trong chuyến thăm hai ngày vào tháng 07/2013, trong số những người đi theo ông có cả trưởng cố vấn kinh tế và Đức Thượng Phụ Giáo hội Chính thống giáo Nga, người có thẩm quyền bao trùm cả Nga và Ukraine. Chuyến đi trùng hợp với dịp kỷ niệm 1025 năm ngày Hoàng tử Vladimir của Kyivan Rus, và sau đó là toàn thể thần dân công quốc, cải đạo sang Thiên Chúa Giáo vào năm 988 – trong sự kiện “Lễ rửa tội của Rus.” Cùng với Yanukovych, Putin đã đến thăm nhà thờ ở Chersonesus, Crimea – được cho là nơi Hoàng tử Vladimir đã rửa tội. Ông và Đức Thượng Phụ còn đến thăm Kyiv Pechersk Lavra, một tu viện nằm sâu trong các hang động, được thành lập cách đây một thiên niên kỷ.

Cam kết mà Putin đưa ra khi đó – bảo vệ “Tổ quốc chung của chúng ta, Đại Công quốc Rus” – không phải là một tuyên bố không hàm chứa sự mỉa mai. Năm 1674, khi các thầy tu Lavra xuất bản cuốn “Lược sử” (Synopsis), cuốn lịch sử bình dân đầu tiên của Nga, thành phố này đang bị đế chế Ottoman đe dọa tấn công, và rất cần sự hỗ trợ từ các vùng đất Nga nằm ở phía bắc. Cuốn sách đã tìm cách kêu gọi sự đoàn kết của người Slavơ, bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của Vladimir và Kyivan Rus đối với cả người Kyiv lẫn người Muscovy – điều mà các nhà sử học như Plokhy ngày nay coi là “thần thoại lọc lừa.” Putin cũng đang khai thác một thần thoại được tạo ra để phục vụ các mục đích chính trị.

Yanukovych không muốn trở thành chư hầu của Nga. Ông cũng không chia sẻ các giá trị của Tây Âu – đặc biệt là khi nói đến vấn đề chống tham nhũng. Nhưng sau cùng, ông vẫn phải chọn phe cho mình. Tại một cuộc họp bí mật ở Moscow vào tháng 11/2013, khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị ký thỏa thuận với Ukraine, Yanukovych đã được Nga hứa hẹn một khoản tiền 15 tỷ USD, đưa trước 3 tỷ USD. Dĩ nhiên, ông quyết định từ bỏ thỏa thuận với châu Âu. Và vào lúc 4 giờ sáng ngày 30/11, tay chân của Yanukovych đã tấn công hàng chục sinh viên phản đối hành động phản bội của tổng thống tại Quảng trường Độc lập của Kyiv, còn được biết đến với tên gọi Maidan.

Bằng cách “biến thành Lukashenko”, như lời một nhà báo, Yanukovych đã cho thấy hai lựa chọn mà Ukraine phải đối mặt: Giữ phẩm giá? Hay chịu khuất phục? Những chiếc lều nhanh chóng mọc lên ở Maidan. Các tình nguyện viên giúp phân phát thực phẩm và quần áo. Nhóm đầu sỏ, lo ngại rằng một thỏa thuận với Nga sẽ cướp đi những lợi ích mà họ khó khăn lắm mới giành được, đã cố gắng kiềm chế Yanukovych. Putin ép ông ta sử dụng vũ lực. Yanukovych lưỡng lự, nhưng rồi đến ngày 18/02, Kyiv cũng chìm trong biển lửa. Chẳng ai thừa nhận mình đã bắn phát súng đầu tiên. Nhưng vào ngày thứ ba sau khi bạo lực bùng phát, khoảng 130 người đã chết, chủ yếu là những người biểu tình, và Yanukovych – trước sự ngạc nhiên của mọi người – đã bỏ trốn khỏi Kyiv.

Đối với Putin, điều này còn tồi tệ hơn nhiều so với Cách mạng Cam. Ukraine đã trở thành “thực tế địa chính trị” gắn với nền độc lập được tuyên bố hai thập niên trước. Những đòi hỏi về phẩm giá của nước này tương đồng với đòi hỏi từ tầng lớp trung lưu và một số thành viên tầng lớp tinh hoa của Nga, khiến Maidan trở thành một ví dụ thực sự nguy hiểm. Vì vậy, Putin quyết định sáp nhập Crimea và bắt đầu cuộc chiến ở Donbas.

Theo truyền thông nhà nước Nga, Putin đã không phá hoại một cuộc cách mạng chống lại một chế độ tham nhũng giống như chế độ của chính ông, mà là đang bảo vệ người dân và ngôn ngữ Nga khỏi bị tiêu diệt dưới bàn tay những kẻ phát xít ở tây Ukraine. Do đó, sự liên quan đến Nga của các vấn đề dẫn đến cái được gọi là “cách mạng phẩm giá” ở Ukraine là rất mơ hồ. Đồng thời, sự tàn bạo ở Donbas, được phát sóng trên truyền hình liên tục không ngừng, đã cho người Nga thấy hậu quả tai hại của việc nổi dậy: nội chiến.

Ngày 18/03, giới tinh hoa cầm quyền của nước Nga chứng kiến Putin bước vào Sảnh St George lộng lẫy nguy nga của Điện Kremlin trong niềm hân hoan, khi ông ca ngợi sự trở lại của Crimea, và theo đó, của Nga. Việc sáp nhập được gần 90% dân số Nga ủng hộ. Một năm sau, ông cho mang một tảng đá từ Chersonesus đến Moscow để làm bệ cho bức tượng khổng lồ của Hoàng tử Vladimir, đặt bên ngoài cổng Điện Kremlin. Trong bài “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine” (On the Historical Unity of Russians and Ukrainians), một bài báo được xuất bản bằng cả tiếng Nga, tiếng Ukraine, và tiếng Anh vào tháng 07/2021, Putin đã mô tả cách những người thừa kế “Cổ thành Rus” đã bị chia rẽ bởi các thế lực thù địch và giới tinh hoa phản bội, và làm thế nào Ukraine đã từ “không phải Nga” trở thành “chống Nga,” một thực thể về cơ bản là không tương thích với các mục tiêu của Nga.

Tóm lại, Putin không tấn công Ukraine để tôn vinh hay tái tạo một đế chế, dù là Nga hay Liên Xô. Ông tấn công Ukraine để bảo vệ quyền cai trị của chính mình, còn những câu chuyện lịch sử chỉ là sự tô vẽ bề ngoài mà thôi. Đồng thời, theo cách nói của Brzezinski, để Nga có thể trở thành một thứ gì đó khác với một nền dân chủ, thì chí ít nước này phải có khả năng tự coi mình là một đế chế. Và ở Nga, một đế chế nghĩa là phải có Ukraine – đất nước mà hơn bao giờ hết đang phản đối mạnh mẽ một liên minh với Nga.

(còn tiếp một phần)