#105 – Sự thất bại của chiến lược an ninh tập thể và Thế chiến II

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Joseph S. Nye (2007). “The Failure of Collective Security and World War II” (Chapter 4), in Joseph S. Nye, Understanding International Conflicts (New York: Longman), pp. 87-114.

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Understanding International Conflicts

Những thăng trầm của chiến lược an ninh tập thể

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã dẫn tới những đảo lộn xã hội lớn lao và làn sóng căm phẫn trước những sự tàn sát vô nghĩa. Đường lối chính trị cân bằng quyền lực bị phê phán là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh. Woodrow Wilson, Tổng thống Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, là một người điển hình mang tư tưởng chủ nghĩa tự do thế kỷ 19, luôn coi chính sách cân bằng quyền lực là phi đạo đức bởi các chính sách này vi phạm dân chủ và quyền tự quyết dân tộc. Theo quan điểm của Wilson “cân bằng quyền lực là một trò chơi lớn giờ đây đã vĩnh viễn bị nghi ngờ. Đó là một trật tự cũ kỹ và xấu xa vốn phổ biến trước khi cuộc chiến tranh này xảy ra. Cân bằng quyền lực là điều chúng ta có thể từ bỏ trong tương lai.”[1]

Số người tử vong trong chiến tranh, 1914 – 1918
Nước Số tử vong
Áo – Hung 1.250.000
Anh (toàn bộ đế chế) 900.000
Bungari 100.000
Pháp 1.500.000
Đức 1.750.000
Ý 600.000
Rumani 300.000
Nga 1.750.000
Serbia 50.000
Thổ Nhĩ Kỳ 30.000
Mỹ 112.000

Wilson có lý ở chỗ chính sách cân bằng quyền lực không ưu tiên dân chủ hay hòa bình. Như chúng ta đã thấy, cân bằng quyền lực là một cách để bảo tồn hệ thống quốc gia chủ quyền. Các nhà nước hành động nhằm ngăn chặn một nhà nước khác trở thành bá quyền. Vì vậy, hành động cân bằng quyền lực dẫn tới chiến tranh hay vi phạm quyền tự quyết dân tộc nếu như đó là cách duy nhất nhằm bảo vệ nền độc lập. Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất có sức tàn phá quá khủng khiếp, gây nên sự hỗn loạn và bạo tàn khiến cho nhiều người bắt đầu nghĩ rằng chiến tranh nhằm bảo vệ cân bằng quyền lực giờ đây không còn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu thế giới không thể duy trì hệ thống cân bằng quyền lực, cái gì có thể thay thế hệ thống này?

Wilson thừa nhận rằng không thể xóa bỏ các nhà nước chủ quyền, nhưng vũ lực không thể được hạn chế thông qua pháp luật và thể chế như trong nội bộ từng quốc gia. Giải pháp theo chủ nghĩa tự do là phát triển các thể chế quốc tế tương tự như các cơ quan lập pháp và tòa án nhằm có thể áp dụng các quy trình dân chủ vào cấp độ quốc tế. Nhiều người theo tư tưởng tự do nghĩ rằng không chỉ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra nhằm làm cho thế giới an toàn hơn đối với dân chủ mà bản thân dân chủ cũng có thể làm cho thế giới trở nên an toàn hơn. Vào tháng Giêng 1918, Mỹ đưa ra bản tuyên bố 14 điểm về nguyên nhân Mỹ tham gia chiến tranh. Điểm thứ 14 là điểm quan trọng nhất. Điểm này kêu gọi “thành lập một hiệp hội các quốc gia theo các thỏa ước cụ thể nhằm đảm bảo sự độc lập về chính trị và toàn vẹn về lãnh thổ cho các quốc gia lớn nhỏ.” Trong thực tế, Wilson muốn thay đổi hệ thống quốc tế từ một hệ thống dựa trên chính trị cân bằng quyền lực sang một hệ thống khác dựa trên an ninh tập thể.

Hội Quốc Liên

Mặc dù các nhà phê bình gọi Wilson là một người mang lý tưởng không tưởng, bản thân Wilson tin rằng thiết lập an ninh tập thể có thể là một cách tiếp cận thực tế đối với chính trị thế giới. Ông biết rằng chỉ những hiệp ước trên giấy sẽ không đủ; cần có các tổ chức và luật lệ nhằm thực thi các hiệp ước. Đó là lý do tại sao Wilson kỳ vọng đến vậy vào ý tưởng Hội Quốc Liên. Sức mạnh đạo đức là quan trọng, nhưng sức mạnh quân sự cũng cần thiết nhằm nâng đỡ sức mạnh đạo đức. An ninh cần phải là một trách nhiệm tập thể. Nếu các quốc gia không hiếu chiến tập hợp cùng nhau, sức mạnh áp đảo sẽ thuộc về bên ủng hộ hòa bình. An ninh quốc tế phải là một trách nhiệm tập thể mà trong đó các quốc gia ủng hộ hòa bình sẽ thành lập một liên minh chống lại những kẻ xâm lược. Hòa bình vì vậy sẽ không bao giờ bị phá vỡ.

Vậy các nhà nước làm thế nào có thể xây dựng một hệ thống an ninh tập thể mới? Trước tiên là làm cho việc xâm lược trở nên bất hợp pháp và đưa các cuộc chiến xâm lược ra ngoài vòng pháp luật. Thứ hai là răn đe xâm lược bằng cách thành lập một liên minh các nhà nước chống xâm lược. Nếu như tất cả cùng cam kết hỗ trợ các quốc gia nạn nhân ở bất cứ nơi nào trên thế giới, các quốc gia chống xâm lược sẽ có sức mạnh áp đảo. Thứ ba, nếu việc răn đe thất bại và xâm lược xảy ra, tất cả các nước sẽ thống nhất trừng phạt nước phạm tội xâm lược. Học thuyết an ninh tập thể có một số điểm giống với chính sách cân bằng quyền lực ở chỗ các nước nỗ lực răn đe xâm lược bằng cách xây dựng một liên minh mạnh, và nếu răn đe thất bại thì các nước sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực.

Thế nhưng có ba sự khác biệt quan trọng giữa cách tiếp cận an ninh tập thể và cân bằng quyền lực. Thứ nhất, trong an ninh tập thể, trọng tâm nằm ở các chính sách hiếu chiến của một quốc gia hơn là năng lực của quốc gia đó. Điều này trái ngược với chính sách cân bằng quyền lực, trong đó các liên minh được tạo ra nhằm chống lại bất cứ nước nào trở nên quá hùng mạnh, nói cách khác, tập trung vào năng lực của các quốc gia. Thứ hai, trong một hệ thống an ninh tập thể, các liên minh không được tạo sẵn từ trước, do người ta không biết trước nước nào sẽ theo đuổi chính sách hiếu chiến. Tuy nhiên tất cả các nước sẽ chống lại một nước một khi nước đó phạm tội xâm lược, trong khi trong hệ thống cân bằng quyền lực, các liên minh được tạo sẵn từ trước. Thứ ba, an ninh tập thể được thiết kế để hoạt động trên phạm vi toàn cầu với sự tham gia của tất cả các nước mà không có nước trung lập hay lợi dụng “nhảy tàu”. Nếu có quá nhiều nước trung lập, liên minh các quốc gia tốt có thể trông yếu ớt và làm giảm thiểu khả năng của liên minh trong việc răn đe hay trừng phạt quốc gia xâm lược.

Học thuyết an ninh tập thể đã được đưa vào Hiệp ước Hội Quốc Liên, vốn là một trong số các hiệp ước được ký kết nhằm chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Một số điều khoản trong Hiệp ước Hội Quốc Liên rất đáng chú ý. Ở Điều 10, các quốc gia cam kết bảo vệ các thành viên khác chống lại xâm lược. Ở Điều 11, bất cứ cuộc chiến tranh hay mối đe dọa chiến tranh nào đều được tuyên bố là mối quan ngại của tất cả các nước. Ở Điều 12 và 15, các quốc gia đồng ý đưa các bất đồng của mình lên cơ quan trọng tài và không tiến hành chiến tranh cho tới thời điểm 3 tháng  sau khi các biện pháp trọng tài thất bại. Điều 16 cũng là điều khoản quan trọng, quy định rằng bất cứ một cuộc chiến tranh nào bất chấp những thủ tục của Hội Quốc Liên sẽ được xem như là một lời tuyên chiến chống lại tất cả các thành viên của Hội Quốc Liên. Quốc gia khởi chiến ngay lập tức sẽ bị trừng phạt kinh tế và Hội đồng Hội Quốc Liên có thể sẽ đề nghị áp dụng các biện pháp quân sự khác.

Điều này nghe có vẻ rõ ràng nhưng vẫn còn mơ hồ. Tất cả các thành viên phải chấp thuận áp dụng thuyết an ninh tập thể. Như vậy tất cả các quốc gia đều có quyền phủ quyết. Khi các quốc gia ký Hiệp ước Hội Quốc Liên, họ đồng ý tuân theo Điều 16, nhưng trong thực tế việc quyết định áp dụng hình thức trừng phạt nào và cách thực thi vẫn tùy thuộc vào mỗi quốc gia; họ không bị ràng buộc bởi bất kỳ thẩm quyền nào cao hơn. Do đó, Hội Quốc Liên không phải là một bước tiến hướng đến chính phủ thế giới, trong đó một thẩm quyền tối cao có thể buộc các quốc gia thành viên thực hiện một số chính sách nhất định. Đó không phải là sự kết thúc của hệ thống vô chính phủ của các quốc gia, nhưng là một nỗ lực để các nước đưa những thành viên ngang bướng của hệ thống vào khuôn phép.

Học thuyết an ninh tập thể bao gồm 2 khái niệm có liên quan với nhau: chủ quyềnluật pháp quốc tế. Định nghĩa chủ quyền rất đơn giản: quyền tối cao hợp pháp trong một khu vực lãnh thổ nhất định. Được bảo vệ bởi những người theo tư tưởng đạo đức quốc gia và Hội Quốc Liên, chủ quyền quốc gia là tuyệt đối và không thể xâm phạm; một chính phủ quốc gia có toàn quyền trong lãnh thổ của mình. Quyền hạn này được hạn chế chỉ khi có sự đồng ý của chính phủ đó; tức là, nếu một chính phủ ký hiệp ước cho phép một chính phủ khác có một số ảnh hưởng đến lãnh thổ của mình thì sự giới hạn đã được nhất trí chứ không phải là một sự vi phạm chủ quyền. Do đó, bằng cách ký Hiệp ước Hội Quốc Liên, các quốc gia sẽ tự nguyện trao một phần chủ quyền cho cộng đồng quốc tế để đổi lấy sự đảm bảo của an ninh tập thể và luật pháp quốc tế.

Như cách hiểu của Wilson và được thể hiện trong bản hiến chương của Hội Quốc Liên, luật pháp quốc tế có hiệu lực cao hơn luật pháp quốc gia và vì vậy vượt quá chủ quyền quốc gia trong một số trường hợp cụ thể. Từ sau Hòa ước Westphalia năm 1648, nguyên lý cơ bản của luật pháp quốc tế là quốc gia có chủ quyền trừ trường hợp quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế, khi đó quốc gia sẽ bị trừng phạt. Vai trò của an ninh tập thể đối với luật pháp quốc tế cũng giống như vai trò của cảnh sát đối với luật pháp quốc gia. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế ít được công nhận hơn so với luật pháp quốc gia. Rất nhiều nước không muốn bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế và cho rằng sự phục tùng là tự nguyện chứ không phải bắt buộc.

Mỹ và Hội Quốc Liên

Sự không sẵn lòng từ bỏ một phần chủ quyền để đổi lấy an ninh tập thể của các nước là một trong những nhược điểm đáng chú ý nhất của Hội Quốc Liên, điển hình là việc Mỹ không tham gia vào tổ chức do chính họ tạo ra. Thượng viện Mỹ đã từ chối phê chuẩn Hiệp ước Versailles, trong đó có các nội dung làm cơ sở cho sự thành lập Hội Quốc Liên. Vì vậy, hệ thống an ninh tập thể phải hoạt động mà không có mặt quốc gia đáng lẽ ra đã là thành viên lớn nhất của mình.

Tại sao Mỹ do dự trong khi Hội Quốc Liên phần lớn là một kế hoạch mang tính chất tự do của Mỹ nhằm sắp xếp lại trật tự chính trị thế giới? Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phần lớn người Mỹ muốn quay trở về “trạng thái bình thường”. Nhiều người định nghĩa “bình thường” có nghĩa là tránh dính líu đến các vấn đề quốc tế. Những người phản đối sự dính líu của Mỹ vào các vấn đề quốc tế cho rằng Học thuyết Monroe năm 1823 đã quy định lợi ích của Mỹ chỉ giới hạn ở Tây bán cầu, đồng thời nhắc tới cảnh báo của George Washington rằng Mỹ cần tránh xa các “liên minh rối rắm.” Lãnh đạo phe chống đối Hội Quốc Liên, Thượng nghĩ sĩ Henry Cabot Lodge của bang Massachusetts, sợ rằng Điều 16 của Hiệp ước sẽ pha loãng chủ quyền của Mỹ và quyền tuyên chiến của Thượng viện theo quy định của hiến pháp. Lodge e rằng Mỹ có thể bị cuốn vào những cuộc chiến tranh xa xôi do quyết định của Hội Quốc Liên nhằm thực thi an ninh tập thể thay vì dựa trên quyết định của Thượng viện hay ý chí của người dân Mỹ.

Cuộc tranh luận giữa Tổng thống Wilson và Thượng nghị sĩ Lodge thỉnh thoảng được miêu tả như cuộc đụng độ giữa một người theo chủ nghĩa lý tưởng và một người theo chủ nghĩa hiện thực, nhưng nó cũng có thể được coi là một cuộc xung đột giữa các dạng thức đạo đức của nước Mỹ. Một phần của vấn đề chính là việc Wilson luôn từ chối đàm phán tìm tiếng nói chung với Lodge. Nhưng sự phản đối của Lodge phản ánh thái độ lâu đời của Mỹ về cân bằng quyền lực ở châu Âu. Những người phản đối Hội Quốc Liên tin rằng các quốc gia châu Âu đã theo đuổi các chính sách phi đạo đức nhân danh cân bằng quyền lực, và người Mỹ không nên trở thành một thành viên tích cực trong cuộc chơi này. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ có thể lờ đi sự cân bằng quyền lực thời kỳ thế kỷ 19 vì người Mỹ được hưởng lợi miễn phí từ sự áp đảo của các hạm đội nước Anh. Các quốc gia Châu Âu khác cũng không thể vươn tới Tây bán cầu để đe dọa người Mỹ. Và mặc dù theo quan điểm chủ nghĩa biệt lập trong quan hệ với Châu Âu, Mỹ không hẳn hoàn toàn giữ chính sách biệt lập khi chính Mỹ cũng can thiệp vào nội bộ của các nước láng giềng yếu hơn ở Trung Mỹ, Mêhicô, hay Cuba. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, người Mỹ bị giằng xé giữa 2 hình thức đạo đức, và những người theo chủ nghĩa biệt lập không muốn can dự vào cân bằng quyền lực ở Châu Âu đã giành phần thắng. Kết quả là quốc gia từng làm thay đổi cán cân quyền lực trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã chối bỏ trách nhiệm gây dựng lại trật tự thời kỳ hậu chiến.

Quan niệm của tôi về Hội Quốc Liên là tổ chức này sẽ hoạt động như một lực lượng luân lý của người dân trên toàn thế giới; và bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu những hành vi sai trái và xâm lược được hoạch định hoặc dự tính thì ánh sáng lương tâm sẽ chiếu rọi vào những hành động này.

– Woodrow Wilson [2]

Buổi đầu của Hội Quốc Liên

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc thì điều mà Pháp muốn hơn hết đó là sự đảm bảo về mặt quân sự rằng Đức không thể trổi dậy thêm lần nữa. Vì Mỹ không gia nhập Hội Quốc Liên nên Pháp đòi hỏi sự đảm bảo an ninh từ Anh và muốn có sự chuẩn bị quân sự trong trường hợp Đức phục hồi. Anh từ chối với lí do một liên minh như thế sẽ đi ngược lại tinh thần của thuyết an ninh tập thể khi xác định trước kẻ xâm lược. Hơn nữa, Anh thấy rằng Pháp mạnh hơn Đức, vì vậy không cần thiết có liên minh, thậm chí trên quan điểm cân bằng quyền lực truyền thống. Anh cho rằng điều quan trọng là đưa Đức tái hội nhập vào hệ thống quốc tế như Hội nghị Viên đã từng đưa Pháp trở lại cơ cấu Hòa hợp Quyền lực châu Âu sau khi chiến tranh Napoleon kết thúc năm 1815. Khát vọng chiến tranh ở Anh dịu đi nhanh hơn ở Pháp và người Anh thấy rằng đã đến xoa dịu người Đức bằng cách đưa Đức tham gia trở lại các hoạt động quan hệ quốc tế.

Không bị lay chuyển bởi những lập luận trên, Pháp thiết lập liên minh với Ba Lan, quốc gia vừa được khai sinh lại sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, và với các nước khối “Tiểu Liên minh” như Nam Tư, Tiệp Khắc và Rumani, vốn được tách ra từ đế chế Áo – Hung trước đây. Chính sách của Pháp bị thất bại vì hai thực tế: không những các liên minh này đi ngược lại tinh thần của học thuyết an ninh tập thể mà chúng còn không làm được gì nhiều cho Pháp về mặt cân bằng quyền lực. Ba Lan có quan hệ không tốt với các nước láng giềng và với tư cách là đồng minh của Pháp, Ba Lan là một sự thay thế tồi cho Nga, nước bị tẩy chay vì Cách mạng Tháng Mười. Các quốc gia trong Tiểu Liên minh cũng bị bất ổn vì các vấn đề sắc tộc và chia rẽ nội bộ, vì vậy cũng trở thành những đồng minh yếu kém.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Đức bị suy yếu rất nhiều. Đức mất 25.000 dặm vuông lãnh thổ và 7 triệu dân. Hiệp ước Versailles ký tháng 6/1919 buộc Đức giảm quân đội xuống chỉ còn 100.000 người và cấm Đức không được có không quân. Hiệp ước này bao gồm “điều khoản về tội lỗi chiến tranh” nổi tiếng vốn buộc Đức chịu trách nhiệm toàn bộ đối với việc chiến tranh xảy ra. Vì Đức phải chịu trách nhiệm nên các nước thắng trận cho rằng Đức phải bồi thường chi phí chiến tranh. Hóa đơn bồi thường chiến tranh trị giá 33 tỉ USD, một món tiền mà Đức cho là cao quá mức trong bối cảnh nền kinh tế của họ cũng bị tàn phá. Do ban đầu Đức không chịu bồi thường, Pháp đã cho quân chiếm vùng công nghiệp Ruhr của Đức cho đến khi Đức chịu bồi thường. Sau khi rơi vào tình trạng chống đỡ bị động, Đức trải qua một thời kỳ lạm phát cao làm các khoản tiết kiệm của tầng lớp trung lưu bị bốc hơi. Điều này đã lấy đi một trong những cơ sở tạo dựng sự ổn định nội tại trong bối cảnh nền Cộng hòa Weimar đang nỗ lực để tạo lập nền dân chủ.

Ý chưa bao giờ tha thiết với các hiệp ước hòa bình ở Paris hay Hội Quốc Liên. Ban đầu, Ý liên minh với Đức và Áo-Hung, nhưng khi cuộc chiến bắt đầu, người Ý cho rằng họ có thể sẽ nhận được nhiều thứ tốt hơn từ phe Liên minh và quyết định đổi bên. Trong Hiệp ước Luân Đôn được ký bí mật vào năm 1915, Ý được hứa bồi thường bằng phần đất của Đế chế Áo – Hung mà sau khi chiến tranh kết thúc đã trở thành Nam Tư. Người Ý mong những lời hứa đó sẽ được thực hiện, nhưng Woodrow Wilson đã phản đối cách chia chiến lợi phẩm kiểu xa xưa đó. Ngoài ra, sau khi Benito Mussolini và phe phát xít lên cầm quyền vào năm 1922, một trong những mục tiêu của chính sách đối ngoại của họ là đạt được vinh quang và cuối cùng là hoàn thành sứ mệnh của một Đế chế La Mã mới. Những mục tiêu này đã đi ngược lại quan điểm mới về an ninh tập thể.

Với khởi đầu như vậy, Hội Quốc Liên khó có thể đạt được bất cứ điều gì. Tuy nhiên, giai đoạn 1924 – 1930 là một giai đoạn tương đối thành công của tổ chức này. Các kế hoạch được đưa ra nhằm giúp Đức giảm bớt mức bồi thường thiệt hại. Vào năm 1924, các chính phủ đã ký nghị định thư về việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Theo đó các quốc gia hứa sẽ đưa ra trọng tài phân xử các bất đồng của mình. Có lẽ điều quan trọng nhất là vào năm 1925, Hiệp ước Locarno cho phép Đức được gia nhập Hội Quốc Liên, đồng thời trao cho Đức một ghế trong Hội đồng của tổ chức này.

Hiệp ước Locarno gồm hai khía cạnh. Ở phía Tây, Đức đảm bảo rằng đường biên giới với Pháp và Bỉ là bất khả xâm phạm. Alsace và Lorraine, vùng bị Bismarck chiếm đóng trong cuộc chiến tranh 1870, được trả lại cho Pháp thông qua Hiệp ước Versailles, đồng thời Đức hứa sẽ phi vũ trang hóa khu vực dọc sông Rhine. Hiệp ước Locarno đã tái khẳng định những thành quả đó. Ở phía Đông, Đức hứa sẽ đưa ra trọng tài phân xử trước khi theo đuổi những thay đổi ở biên giới phía Đông với Ba Lan và Tiệp Khắc. Tuy nhiên, điều khoản thứ hai đáng lẽ ra đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho các nước bởi xung quanh nước Đức tồn tại hai loại biên giới – một loại bất khả xâm phạm ở phía Tây và một loại có thể thương lượng được ở phía Đông.  Tuy nhiên vào thời điểm đó, những thỏa thuận này được coi như là một sự tiến bộ.

Hội Quốc Liên đã giải quyết những tranh chấp nhỏ như giữa Hy Lạp và Bungari, đồng thời khởi động quá trình đàm phán giải trừ quân bị. Tiếp theo sau Hội nghị Washington năm 1920, nơi Mỹ, Anh và Nhật đã đồng ý giải trừ lực lượng hải quân ở một mức độ nhất định, Hội Quốc Liên đã thiết lập một ủy ban trù bị cho những cuộc đàm phán lớn hơn về giải trừ quân bị, tạo điều kiện cho một hội nghị quốc tế cuối cùng cũng được tổ chức (lúc đã quá trễ) vào năm 1932. Thêm vào đó, năm 1928, các quốc gia đồng ý cấm chiến tranh trong Hiệp ước Kellogg – Briand, được đặt theo tên của hai ngoại trưởng Mỹ và Pháp. Điều quan trọng nhất là Hội Quốc Liên đã trở thành trung tâm của các hoạt động ngoại giao. Mỹ và Nga cũng bắt đầu gửi các quan sát viên đến các cuộc họp của Hội được tổ chức ở Geneva mặc dù hai quốc gia này không phải là thành viên. Khủng hoàng tài chính thế giới vào tháng 10/1929 và sự thành công của Đảng Quốc xã trong các cuộc bầu cử của Đức vào năm 1930 báo hiệu những vấn đề sắp xảy ra, tuy vậy người ta vẫn có cảm giác mọi thứ tiếp tục tiến triển tại cuộc họp thường niên của Hội Quốc Liên vào tháng 9/1930. Tuy nhiên, sự lạc quan về một hệ thống an ninh tập thể đã bị dập tắt bởi hai cuộc khủng hoảng vào những năm 1930 ở Mãn Châu và Ethiopia.

Thất bại ở Mãn Châu

Để hiểu được trường hợp Mãn Châu, chúng ta phải hiểu được tình hình ở Nhật. Nhật chuyển từ vị trí có thể trở thành nạn nhân của các cuộc xâm lược đế quốc giữa thế kỷ 19 thành một đế quốc hùng mạnh vào cuối thế kỷ. Nhật đánh bại Nga trong cuộc chiến tranh 1904-1905, thực dân hóa Triều Tiên vào năm 1910, và gia nhập phe Liên minh trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sau cuộc chiến, Nhật Bản muốn được thế giới nhìn nhận như một cường quốc. Châu Âu và Mỹ đã chống lại điều đó. Ở các cuộc đàm phán hòa bình Paris năm 1919, các chính phủ phương Tây bác bỏ đề xuất của Nhật về việc Hiệp ước Hội Quốc Liên cần khẳng định nguyên tắc bình đẳng giữa các chủng tộc. Quyết định này đã phản ánh bối cảnh chính trị trong nước diễn ra ở Quốc hội Mỹ khi vào những năm 1920, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật phân biệt chủng tộc để ngăn chặn những người nhập cư Nhật Bản. Cùng lúc đó, Anh chấm dứt hiệp ước song phương của mình với Nhật. Rất nhiều người Nhật nghĩ rằng những thay đổi trên diễn ra là do Nhật sắp sửa gia nhập câu lạc bộ của các cường quốc.

Trung Quốc cũng là một nhân tố khác trong cuộc khủng hoảng Mãn Châu. Sau cuộc cách mạng 1911 dẫn tới sự sụp đổ của vương triều Mãn Thanh (cầm quyền từ năm 1644), Trung Quốc trở thành một nước cộng hòa. Nhưng quốc gia này nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tình trạng nội chiến nổ ra giữa các thủ lĩnh cát cứ địa phương. Là một bộ phận của Trung Quốc nhưng Mãn Châu cũng nằm dưới sự thống trị của một trong những thủ lĩnh địa phương đó và duy trì một tình trạng bán độc lập. Với Tưởng Giới Thạch làm trưởng cố vấn quân sự cho nền cộng hòa, phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc đã nỗ lực thống nhất quốc gia, đồng thời chỉ trích gay gắt các hiệp ước bất bình đẳng vốn đã làm nhục quốc thể cũng như bóc lột Trung Quốc kể từ khi cuộc Chiến tranh Thuốc phiện vào thế kỷ 19 kết thúc. Khi Quốc dân Đảng tăng cường sức mạnh vào những năm 1920 thì mâu thuẫn với Nhật Bản ngày càng tăng cao và Trung Quốc đã tuyên bố tẩy chay hàng hóa Nhật.

Trong khi đó ở Nhật, cánh quân sự và dân sự tranh giành nhau địa vị thống trị. Cuộc khủng hoảng kinh tế tế toàn cầu bắt đầu từ cuối những năm 1920 làm cho Nhật Bản, một quốc gia hải đảo, trở nên cực kỳ dễ bị tổn thương. Giới quân phiệt của Nhật đã giành được thế thượng phong. Tháng 9 năm 1931, quân đội Nhật dàn dựng một sự biến dọc đường sắt Mãn Châu, nơi Nhật được phép đóng quân kể từ khi cuộc chiến tranh Nga – Nhật 1904-1905 kết thúc. Việc đường sắt Mãn Châu bị phá hoại mang lại cho Nhật cái cớ để chiếm đóng toàn bộ Mãn Châu. Mặc dù Nhật nói rằng những hành động của mình là nhằm mục đích bảo vệ tuyến đường sắt Mãn Châu nhưng thực tế thì Nhật đã đi xa hơn và thiết lập một chính quyền bù nhìn do Nhật giật dây gọi là Mãn Châu Quốc, đồng thời đưa vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Mãn Thanh là Phổ Nghi làm hoàng đế. Trung Quốc đã kêu gọi Hội Quốc Liên lên án hàng động xâm lược của Nhật nhưng Nhật đã ngăn cản việc thông qua một nghị quyết yêu cầu Nhật Bản rút quân. Vào tháng 12/1931, Hội Quốc Liên đồng ý cử một ủy ban dưới sự chỉ đạo của Thượng nghị sĩ người Anh Lytton tới điều tra các sự kiện ở Mãn Châu. Thượng nghị sĩ Lytton cuối cùng đã trình báo cáo lên Hội Quốc Liên vào tháng 9/1932. Bản báo cáo của Lytton đã xác định Nhật là kẻ xâm lược và coi lý do can thiệp của Nhật là không thỏa đáng. Mặc dù trong bản báo cáo Lytton đề nghị các thành viên Hội Quốc Liên không nên công nhận nhà nước Mãn Châu Quốc nhưng lại không hề kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nhật theo Điều 16. Vào tháng 2/1933, Hội đồng Hội Quốc Liên đã bỏ phiếu với tỉ lệ 42/1 thông qua bản báo cáo của Lytton về hành động xâm lược Mãn Châu của Nhật. Nước duy nhất phản đối chính là Nhật và sau đó Nhật đã tuyên bố ý định rút khỏi Hội Quốc Liên. Nhìn chung, trường hợp Mãn Châu đã cho thấy các thủ tục của Hội Quốc Liên là chậm chạp, thận trọng nhưng hoàn toàn không hiệu quả. Vấn đề Mãn Châu là một phép thử đối với Hội Quốc Liên và Hội đã thất bại.

Thất bại ở Ethiopia

Thử thách lớn cuối cùng cho hệ thống an ninh tập thể của Hội Quốc Liên là ở Ethiopia vào năm 1935. Lần này các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng nhưng lại không thành công. Ý từ lâu đã có kế hoạch thôn tính Ethiopia không chỉ vì Ethiopia gần các thuộc địa của Ý ở Eritrea trên bờ biển Đỏ mà còn bởi vì chính quyền phát xít ở Ý cảm thấy bị sỉ nhục vì Ethiopia đã đánh bại nỗ lực biến Ethiopia thành thuộc địa của Ý trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa của nước này vào thế kỷ 19. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa phát xít Ý cho rằng sai lầm mang tính lịch sử này cần được sửa chữa. Từ 1934 đến 1935, Ý đã tiến hành các sự kiện khiêu khích trên tuyến biên giới giữa Ethiopia và Eritrea. Ý đã làm những việc này mà không đếm xỉa tới hiệp ước hòa bình giữa Ý và Ethiopia. Hơn nữa, bất chấp Hiệp ước Kellogg – Briand cấm chiến tranh mà Ý đã tham gia cũng như việc Ý là một thành viên của Hội Quốc Liên, nước này cam kết là sẽ đưa ra trọng tài phân xử trong 3 tháng trước khi tiến hành bất cứ động thái nào khác.

Tháng 10/1935, Ý tiến hành xâm lược Ethiopia. Hành động của Ý là một trường hợp xâm lược rõ ràng, và Hội đồng Hội Quốc Liên đã tránh ảnh hưởng của quyền phủ quyết của Ý bằng một phương thức mang tính thủ tục khi tổ chức một hội nghị đặc biệt nhằm quyết định xem nên áp đặt những biện pháp trừng phạt nào để chống lại Ý. Tám ngày sau khi Ý xâm lược Ethiopia, với 50 quốc gia tham dự, hội nghị đã đề nghị các quốc gia thành viên áp đặt bốn biện pháp trừng phạt: cấm vận việc buôn bán tất cả hàng hóa quân sự đến Ý, cấm những khoản vay dành cho Ý, ngừng nhập khẩu hàng hóa của Ý, và từ chối bán cho Ý một số mặt hàng nhất định – những mặt hàng mà Ý không dễ mua được ở các quốc gia khác, như cao su và thiếc. Nhưng có ba việc bị bỏ qua đó là : Ý vẫn được mua thép, than và dầu; quan hệ ngoại giao vẫn không bị cắt đứt; và Anh vẫn không đóng cửa kênh đào Suez đối với Ý, giúp nước này có thể tiếp tục vận chuyển các nguyên vật liệu sang Eritrea.

Tại sao các thành viên của Hội Quốc Liên không hành động mạnh mẽ hơn? Đã có một sự lạc quan chung cho rằng những biện pháp trừng phạt này sẽ buộc Ý phải rút quân khỏi Ethiopia. Các biện pháp trừng phạt này cũng có ảnh hưởng nhất định đến kinh tế của Ý: trong năm sau đó xuất khẩu của Ý giảm khoảng 1/3, đồng lia của Ý bị rớt giá và có những đánh giá cho rằng dự trữ vàng của Ý sẽ bị cạn kiệt trong vòng 9 tháng. Tuy nhiên, bên cạnh việc gây nên một số thiệt hại về kinh tế, các biện pháp trừng phạt này không hề khiến Mussolini phải thay đổi chính sách đối với Ethiopia. Sự giận dữ của Anh và Pháp về Ethiopia sớm nhường chỗ cho các mối bận tâm của hai nước này về sự cân bằng quyền lực ở Châu Âu. Anh và Pháp không muốn nước Ý trở nên xa cách bởi giờ đây nước Đức dưới sự lãnh đạo của Hitler đang củng cố lại sức mạnh và Anh và Pháp cho rằng việc lôi kéo Ý vào một liên minh sẽ có lợi trong việc cân bằng quyền lực với Đức. Vào năm 1934, khi có vẻ như Hitler sắp sáp nhập Áo, Mussolini đã đưa quân đội xuống sát biên giới với Áo và Hitler đã rút lui. Anh và Pháp vì vậy hi vọng rằng có thể thuyết phục Mussolini gia nhập vào một liên minh chống lại Đức.

Các nhà ngoại giao truyền thống không chống lại hệ thống an ninh tập thể của Hội Quốc Liên; họ chỉ giải thích hệ thống này theo phương pháp cân bằng quyền lực cổ điển. Trên phương diện cân bằng quyền lực, họ không hề mong muốn tham gia vào một cuộc chiến ở Châu Phi xa xôi khi ngay ở trung tâm Châu Âu đang có những vấn đề cấp bách. Các nhà hiện thực truyền thống cho rằng một cuộc xâm lược ở Châu Phi xa xôi không phải là mối đe dọa đối với an ninh của Châu Âu. Để Ý quay trở lại một liên minh chống Đức thì hòa giải và đàm phán là những biện pháp cần thiết. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Anh và Pháp bắt đầu cảm thấy lo lắng về các biện pháp trừng phạt. Ngài Samuel Hoare và Pierre Laval, ngoại trưởng của Anh và Pháp, đã họp vào tháng 12/1935 và thảo ra một kế hoạch chia Ethiopia thành hai phần, một phần của Ý và một phần do Hội Quốc Liên quản lý. Khi kế hoạch này bị tiết lộ với báo chí, công luận Anh trở nên rất giận dữ. Hoare bị buộc tội đã bán đứng Hội Quốc Liên cũng như hệ thống an ninh tập thể và đã bị buộc phải từ chức.

Tuy nhiên trong ba tháng sau đó, quan điểm của Anh lại thay đổi. Vào tháng 3/1936, Hitler bác bỏ Hiệp ước Locarno và đưa quân Đức vào khu phi quân sự ở Rhineland. Anh và Pháp ngay lập tức không còn lo lắng về vấn đề Ethiopia nữa. Hai nước họp với Ý để bàn bạc về việc cần phục hồi cân bằng lực lượng ở Châu Âu bằng cách nào. Cuối cùng, vấn đề cân bằng lực lượng ở Châu Âu đã chiếm ưu thế đối với vấn đề áp dụng học thuyết an ninh tập thể ở Châu Phi. Vào tháng 5/1936, người Ý đã hoàn thành thắng lợi quân sự của mình ở Ethiopia và cho tới tháng 7 thì các biện pháp trừng phạt đã được gỡ bỏ.

Câu nói hay nhất trong tấn bi kịch này là của một đại biểu người Haiti ở Hội Quốc Liên: “Dù lớn hay bé, mạnh hay yếu, gần hay xa, da trắng hay da màu, chúng ta hãy đừng bao giờ quên rằng một ngày nào đó chúng ta rất có thể sẽ trở thành một Ethiopia khác của một một nước nào đó.”[3] Và trong vòng một vài năm sau đó, hầu hết các quốc gia Châu Âu đều trở thành nạn nhân của các cuộc xâm lược do Hitler phát động trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những nỗ lực đầu tiên của thế giới nhằm thực hiện an ninh tập thể đã thất bại thảm hại.

Nguồn gốc của Chiến tranh thế giới lần thứ hai 

Cuộc chiến của Hitler ?

Chiến lược của Hitler

Vai trò của cá nhân lãnh đạo

Các nguyên nhân trong nước và nguyên nhân từ hệ thống

Chiến tranh là điều không thể tránh khỏi?

Cuộc chiến ở Thái Bình Dương

Chính sách xoa dịu và hai loại chiến tranh

BIÊN NIÊN SỬ: CÁC SỰ KIỆN DIỄN RA GIỮA HAI CUỘC THẾ CHIẾN

Download phần còn lại của văn bản tại đây: That bai an ninh tap the va The chien 2.pdf


[1] Woodrow Wilson, trích trong Ray S. Baker và William E. Dodd, biên tập, The Public Papers of Woodrow Wilson: War and Peace, vol.1 (New York: Harper, 1927), trang 182-183.

[2] Woodrow Wilson, trích trong Inis L. Claude, Power and International Relations (New York: Random, 1962), trang 104.

[3] Trích trong F.P. Walters, A History of the League of Nations (Luân Đôn: Oxford University Press, 1952), trang 653.