#218 – Sự can thiệp, các thể chế, xung đột khu vực và sắc tộc (Phần 1)

Print Friendly, PDF & Email

rabbani20130719084256277

Nguồn: Joseph S. Nye (2007). “Intervention, Institutions, and Regional and Ethnic Conflict” (Chapter 6), in Joseph S. Nye, Understanding International Conflicts (New York: Longman), pp. 157-203.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Understanding International Conflicts

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khả năng một cuộc chiến tranh lớn nổ ra không nhiều, nhưng xung đột khu vực và nội chiến vẫn tồn tại dai dẳng và tạo áp lực buộc các quốc gia khác và các thể chế quốc tế phải can thiệp. Trong số 111 cuộc xung đột diễn ra từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến đầu thế kỷ 21, 95 cuộc xung đột là hoàn toàn giữa các lực lượng trong nước (nội chiến) và 9 cuộc xung đột nội bộ khác có sự can thiệp từ bên ngoài. Hơn 80 chủ thể quốc gia đã tham gia, bên cạnh hai tổ chức khu vực và hơn 200 tổ chức phi chính phủ.[1]

Xung đột sắc tộc

Các cuộc xung đột giữa các cộng đồng này thường được gọi là chiến tranh sắc tộc – những cuộc chiến tranh trong đó các bên tham chiến xác định bản sắc của mình dựa theo các tiêu chí văn hóa như ngôn ngữ, tôn giáo và các đặc điểm tương tự. Một nhóm sắc tộc có một tên gọi chung, những ký ức lịch sử và các biểu tượng chung.

Hầu hết các cuộc chiến tranh sắc tộc xảy ra nơi các cơ chế hòa giải xung đột bị đổ vỡ. Sự bất lực của chính phủ trong việc trung gian hòa giải xung đột thường xuyên xảy ra sau khi các đế chế sụp đổ, như các đế quốc thực dân của Châu Âu ở Châu Phi hay Liên Xô ở vùng Cápcadơ và Trung Á. Những “quốc gia thất bại” như vậy hoặc không có một chính phủ mạnh hoặc chính phủ của họ bị suy yếu bởi các điều kiện kinh tế, mất tính hợp pháp hay bị can thiệp từ bên ngoài. Vì vậy cho dù sự kết thúc cuộc xung đột giữa hai cực trong Chiến tranh lạnh dẫn tới việc rút quân khỏi Afghanistan, Campuchia, Angola và Somalia, các cuộc xung đột sắc tộc vẫn tiếp tục. Và ở Nam Tư cũ, vốn từng giữ được thống nhất nhằm bảo vệ độc lập trong một thế giới lưỡng cực, cái chết của Thống chế Tito và sự kết thúc Chiến tranh lạnh đã làm suy yếu khả năng của chính phủ trung ương trong việc hóa giải các cuộc xung đột sắc tộc.

Các nhà theo chủ nghĩa kiến tạo đã chỉ ra rằng sắc tộc không phải là một thực tế bất biến khiến chiến tranh không thể tránh khỏi. Sắc tộc được kiến tạo qua các quá trình xã hội, theo đó các biểu tượng, lịch sử và ký ức có thể bị biến đổi qua thời gian. Ví dụ ở Rwanda, nước chịu nạn diệt chủng năm 1994, người dân nói cùng một ngôn ngữ và có cùng màu da, nhưng có sự phân tầng giai cấp về kinh tế giữa người Tutsi có nguồn gốc văn hóa du mục di cư tới Rwanda hàng thế kỷ trước đây với người Hutu có dân số lớn hơn chủ yếu làm nghề trồng trọt nông nghiệp. Dần dần hôn nhân giữa hai sắc tộc và biến đổi xã hội đã làm xóa nhòa một số sự khác biệt nhưng những khác biệt này lại được củng cố trong thời kỳ thực dân. Trong vụ diệt chủng năm 1994 khiến 750.000 người Tutsi bị giết, nhiều người Hutu ôn hòa hay có vẻ giống người Tutsi cũng bị thảm sát.

Sự tan rã của liên bang Nam Tư cũ năm 1991 cũng dẫn tới các cuộc xung đột sắc tộc. Một số xung đột tồi tệ nhất đã diễn ra giữa người Serbia, Croatia và người Hồi giáo Bosnia, sắc tộc thuần khiết nhất trong số các nước cộng hòa thuộc Nam Tư. Nhưng chúng ta cũng có thể coi cuộc xung đột đó như là một cuộc xung đột giữa các khu vực nông thôn nơi các bản sắc và truyền thống vẫn còn sức sống mạnh mẽ với các cộng đồng thành thị nơi nhiều người có hôn nhân pha trộn sắc tộc và tự nhận mình là người Nam Tư hơn là người Serbia, Croatia hay người Hồi giáo. Một khi Nam Tư sụp đổ và xung đột nổ ra, một số người trong số này bị áp đặt một bản sắc mới. Như một người đàn ông đã kể với tôi năm 1993 rằng “Suốt cả cuộc đời tôi tự nhận mình là người Nam Tư, không phải là một người Hồi giáo. Giờ đây tôi là người Hồi giáo bởi tôi bị ép buộc như vậy.” Hay khi tôi hỏi một vị tư lệnh quân đội người Bosnia gốc Croatia trong một trận đánh ở Mostar rằng làm sao biết được nên bắn ai bởi người dân trên phố trông rất giống nhau, ông ta trả lời rằng trước khi chiến tranh nổ ra bạn cần biết được tên của họ, nhưng giờ đây đồng phục làm mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Một số nhà lý luận cho rằng xung đột sắc tộc xuất phát từ mối thù hằn sâu sắc từ thời xa xưa hay những cuộc xung đột lớn giữa các nền văn minh, nhưng Sigmund Freud có một từ hay hơn để miêu tả những sự khác biệt về sắc tộc, đó là “hội chứng chú ý những sự khác biệt nhỏ.”

CHIẾN TRANH Ở NAM TƯ CŨ VÀ HẬU QUẢ, GIAI ĐOẠN 1991-2005
Mùa hè 1991

Slovenia và Croatia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư. Người Serbia và Croatia bắt đầu chiến sự chống lại nhau ở Croatia. Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm vận đối với tất cả thành viên của Cộng hòa Nam Tư cũ.

Mùa xuân 1992

Bosnia-Herzegovina (44% người Hồi giáo, 31% người Serbia, 17% người Croatia) tuyên bố độc lập và được phương Tây công nhận. Những người Bosnia gốc Serbia tuyên bố thành lập một nhà nước Serbia độc lập trong lòng Bosnia. Căng thẳng sắc tộc bùng nổ dẫn tới chiến tranh ở Bosnia. Liên Hợp Quốc khai trừ Nam Tư do nguời Serbia lãnh đạo.

Mùa hè 1992

Xuất hiện các báo cáo về nạn “thanh lọc sắc tộc” – chính sách giết hoặc xua đuổi cư dân khác nhằm tạo ra một khu vực sắc tộc thuần khiết – chống lại người Hồi giáo ở Bosnia.

Mùa đông 1992-1993

Phái đoàn nhân đạo của Liên Hợp Quốc tới những khu vực của người Hồi giáo ở Bosnia bị các lực lượng người Serbia ngăn chặn. Liên Hợp Quốc tuyên bố một số thành phố của Bosnia là “Khu vực An toàn.” Kế hoạch Hòa bình Vance-Owen đề xuất chia Bosnia theo nhóm sắc tộc bị Quốc hội Bosnia của người Serbia bác bỏ. Người Croatia, trước đây hợp lực với người Hồi giáo chống lại người Serbia, bắt đầu các chiến dịch thanh lọc sắc tộc của mình.

Mùa thu 1993

Quân đội Bosnia chiếm được một số lãnh thổ từ tay những người Croatia ly khai. Nước Cộng hòa Bosnia của người Serbia kêu gọi tổng động viên đối với tất cả người tị nạn Bosnia gốc Serbia.

Mồng 4 tháng  2 năm 1994

Một vụ đánh bom khu chợ ở Sarajevo làm 68 người chết và hơn 200 người bị thương khiến công luận căm phẫn về vụ đánh bom này cùng những hành vi tàn bạo khác.

Mùa hè 1994

Chính phủ và quân đội Bosnia tiến quân chống lại những người Serbia ly khai, giành lại được một số lãnh thổ xung quanh Bihac, Đông Bắc Bosnia.

Mùa thu 1994

Lực lượng của người Serbia giành lại được khu vực xung quanh Bihac. Để trả đũa, NATO đánh bom các đường băng sân bay ở Krajina do người Serbia kiểm soát. Người Serbia giữ  hơn 300 lĩnh Liên Hợp Quốc làm con tin.

Ngày 11 tháng 7 năm 1995

“Khu vực An toàn” Sebrenica của Liên Hợp Quốc ở Đông Bosnia bị người Serbia đánh chiếm, 6.000 đàn ông người Hồi giáo bị giết trong vụ thảm sát tồi tệ nhất ở Châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tháng 8-9 năm 1995

Lực lượng người Croatia chiếm được khu vực Krajina từ tay người Serbia và lực lượng người Serbia địa phương phải bỏ trốn nhằm tránh chiến dịch thanh lọc sắc tộc quy mô lớn. NATO không kích các mục tiêu người Bosnia gốc Serbia. Các bên tham chiến đồng ý tiến hành hòa đàm.

Tháng 11 năm 1995

Bosnia, Serbia và Croatia ký Hiệp ước Hòa bình Dayton nhằm chấm dứt chiến tranh ở Bosnia. Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO được cử tới Bosnia.

Tháng 3 năm 1998

Slobodan Milosevic chuyển quân vào dập bạo loạn ở Kosovo. Một cuộc chiến tranh du kích với Quân đội Giải phóng Kosovo nổ ra. Milosevic bác bỏ những lời kêu gọi can thiệp của quốc tế.

Tháng 9 năm 1998

NATO ra tối hậu thư đối với Milosevic: Ngừng đàn áp người Kosovo gốc Anbani nếu không sẽ bị không kích.

Tháng 3 năm 1999

Người Kosovo gốc Anbani và Nam Tư không đạt được thỏa thuận ở Paris. Các cuộc không kích của NATO được tiến hành khắp Nam Tư. Hàng ngàn người Kosovo gốc Anbani chạy trốn sang Anbani, tạo nên một cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn.

Tháng 5 năm 1999

Tòa án tội phạm chiến tranh của Liên Hợp Quốc coi Milosevic là tội phạm chiến tranh.

Tháng 6 năm 1999

NATO tạm dừng không kích sau 78 ngày khi Serbia bắt đầu rút quân khỏi Kosovo.

Tháng 9 năm 2000

Vojislav Kostunica giành nhiều phiếu hơn Milosevic nhưng ủy ban bầu cử liên bang cho rằng Kostunica không giành được đa số phiếu. Những người ủng hộ Kostunica bác bỏ kết luận và bắt đầu một chiến dịch đình công và phản kháng hòa bình buộc Milosevic phải từ chức.

Tháng 10 năm 2000

Một cuộc tuần hành lớn trước tòa nhà Quốc hội kết thúc với việc những người biểu tình đột nhập vào và đốt cháy tòa nhà. Một ngày sau Milosevic thừa nhận thất bại và Kostunica tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Tháng 3-4 năm 2001

Giới chức cố gắng bắt giữ Milosevic. Lính đặc nhiệm bố ráp dinh thự của Milosevic và đọ súng đã nổ ra với vệ sĩ của ông. Sau 36 tiếng đồng hồ, Milosevic đã bị bắt và tạm giam. Công tố viên trưởng của Liên Hợp Quốc Carla Del Ponte công bố một trát bắt giam mới đối với Milosevic vì các tội ác phạm phải ở Bosnia.

Tháng 6-7 năm 2001

Milosevic được trao cho tòa án La Hay nhằm điều tra các cáo buộc tội ác chiến tranh.

Tháng 2 năm 2002

Phiên tòa xét xử Milosevic ở La Hay bắt đầu.

Tháng 11 năm 2005

Mười năm sau lễ kí Hiệp định Dayton lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế vẫn được triển khai ở Bancăng và các vấn đề về vị thế cuối cùng của các bên vẫn chưa được giải quyết.

Tháng 3 năm 2006

Milosevic được phát hiện đã chết trong phòng giam; các chuyên gia y tế xác nhận ông chết vì những nguyên nhân tự nhiên.

Tại sao người ta giết nhau chỉ vì những sự khác biệt nhỏ? Hầu hết người ta thường không làm như vậy. Con người thường phân biệt mình thành những nhóm khác nhau, và sự khác biệt thường đi kèm với định kiến và thù ghét. Nhưng những sự khác biệt như vậy hiếm khi dẫn tới bạo lực quy mô lớn. Không có hai cuộc xung đột nào hoàn toàn giống nhau, nhưng có một điểm chung đó là các biểu tượng và truyền thống sắc tộc tạo nên sự chia rẽ, sự đối địch về kinh tế hay sự suy yếu của quyền lực nhà nước mang lại sự sợ hãi đối với sự tồn vong của các nhóm. Giới tinh hoa hay các nhà lãnh đạo lúc đó vận động sự ủng hộ bằng cách dựa vào các biểu tượng sắc tộc, và bất cứ sự kiện nào (như việc Bosnia tuyên bố độc lập năm 1992 hay cái chết của tổng thống Rwanda trong vụ rơi máy bay tháng 4/1992) có thể làm bùng phát bạo lực.

Nhà khoa học chính trị John Mueller nhấn mạnh vai trò của các nhóm vũ lực đạt được mục đích của mình bằng cách thao túng các truyền thống hay sự sợ hãi của các sắc tộc. Theo quan điểm của ông, toàn bộ khái niệm “chiến tranh sắc tộc” là không chính xác vì nó hàm ý chiến tranh hỗn mang tất cả chống lại tất cả theo tư tưởng của Hobbes, trong khi cái gọi là xung đột sắc tộc “được phát động bởi một nhóm chiến binh, những người ủng hộ bạo lực và giết chóc nhân danh một thực thể lớn hơn.” Mueller lập luận rằng nhóm thiểu số sử dụng bạo lực đã phá hủy không gian của nhóm người trung dung ôn hòa, và các phần tử cực đoan và tội phạm được dịp tung hoành trong sự hỗn loạn diễn ra sau đó. Stuart Kaufman nhấn mạnh vai trò của chính trị dựa trên các biểu tượng. Các “doanh nhân chính trị” và các nhóm cực đoan sử dụng sức mạnh tình cảm của các biểu tượng sắc tộc nhằm nhào nặn lại sở nguyện của các nhóm lớn hơn. Trường hợp lưỡng nan an ninh kinh điển được miêu tả trong Chương 1 xuất hiện giữa các chủ thể duy lý khi sự thiếu tin tưởng và sự bất lực trong việc thực thi các thỏa thuận trong điều kiện vô chính phủ khiến cho các xung đột nghiêm trọng được dịp bùng phát. Nhưng trong quan điểm của Kaufman, nhiều cuộc xung đột sắc tộc “nổ ra bởi vì một hoặc cả hai bên thích xung đột hơn hợp tác.” Ở những quốc gia thất bại như Sierra Leone hay Liberia, những thanh niên không được giáo dục và không có việc làm dần dần tìm thấy lợi ích tự thân trong việc cướp bóc, trấn lột. Bên cạnh vấn đề mà các chủ thể duy lý gặp phải trong cấu trúc vô chính phủ, những tình huống lưỡng nan về an ninh trong các giai đoạn đầu của xung đột sắc tộc thường xuất hiện do sự thao túng, điều khiển các biểu tượng tình cảm bởi những người ưa thích bạo lực.

Can thiệp và chủ quyền

Khi các quốc gia thất bại xuất hiện hay có mối đe dọa diệt chủng, một số nhà phân tích cho rằng các quốc gia bên ngoài nên làm ngơ nguyên tắc chủ quyền. Năm 2005, Ủy ban cấp cao của Liên Hợp Quốc về các mối Đe dọa, Thách thức và Thay đổi đã ủng hộ “quy tắc rằng quốc tế phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ… những thường dân khỏi các tác động của chiến tranh và các hình thức vi phạm nhân quyền.”[2] Theo ủy ban này trách nhiệm trên “có thể thực thi được bởi Hội đồng Bảo an bằng cách cho phép can thiệp quân sự như là biện pháp cuối cùng khi xảy ra nạn diệt chủng, các vụ thảm sát quy mô lớn, thanh lọc sắc tộc hay những vi phạm luật nhân đạo nghiêm trọng mà các chính phủ có chủ quyền tỏ ra bất lực hoặc không muốn ngăn chặn.”[3]

Can thiệp là một khái niệm không rõ ràng bởi vì bản thân từ đó mang cả hai đặc tính miêu tả và qui phạm. Nó không chỉ miêu tả những điều đang xảy ra, mà còn mang lại những đánh giá về giá trị. Vì vậy các thảo luận về can thiệp thường liên quan đến các vấn đề đạo đức. Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền là chuẩn tắc cơ bản trong luật quốc tế. Không can thiệp là một chuẩn tắc quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến cả trật tự lẫn công lý. Trật tự tạo ra một giới hạn cho sự rối loạn. Tình trạng vô chính phủ trên phạm vi quốc tế – nghĩa là không có một chính quyền đứng trên quốc gia – không đồng nghĩa với sự rối loạn nếu những qui tắc cơ bản được tuân thủ. Chủ quyền và không can thiệp lẫn nhau là hai trong số các chuẩn tắc giúp duy trì trật tự trong một hệ thống thế giới vô chính phủ. Cùng lúc đó, không can thiệp cũng ảnh hưởng tới công lý. Quốc gia-dân tộc là những cộng đồng con người xứng đáng được hưởng quyền phát triển một cuộc sống bình thường trong phạm vi biên giới quốc gia của mình. Những quốc gia bên ngoài nên tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều phù hợp với ý tưởng đó. Chủ quyền là một khái niệm được áp dụng cho nhiều quốc gia nơi khái niệm này hầu như không tương thích. Ví dụ, các nhóm và bộ tộc xung đột lẫn nhau có nghĩa là không có chính phủ nào thực tế nắm quyền kiểm soát ở Sierra Leone, Liberia và Somalia những năm đầu thế kỷ 21. Thậm chí trẻ em cũng bị ép tham gia chiến trận. Vì vậy thường nảy sinh căng thẳng giữa trật tự và công lý, dẫn đến sự không nhất quán về việc liệu có nên can thiệp hay không.

Định nghĩa sự can thiệp

Theo nghĩa rộng, can thiệp là những hành động từ bên ngoài có ảnh hưởng đến những công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền (Hình 6.1). Một vài nhà phân tích sử dụng nghĩa hẹp hơn là sự can thiệp vũ trang vào công việc nội bộ của một quốc gia khác. Định nghĩa hẹp này chỉ là một cực của một phổ các ảnh hưởng, từ mức độ ép buộc thấp đến mức độ ép buộc cao (xem Hình 6.1). Ở mức độ ảnh hưởng thấp, sự can thiệp đơn giản có thể chỉ là một bài phát biểu nhằm gây ảnh hưởng đến những công việc nội bộ của một quốc gia khác. Ví dụ vào năm 1990, tổng thống Mỹ George H. W. Bush đã kêu gọi người dân Iraq lật đổ chính quyền Saddam Hussein, và năm 1999, Saddam kêu gọi nhân dân một số quốc gia Ảrập lật đổ các nhà lãnh đạo của họ. Những phát biểu như vậy nhằm mục đích can thiệp vào nền chính trị nội bộ của một quốc gia khác – và thường không mang lại nhiều hiệu quả. Vào những năm 1980, chính phủ Mỹ thiết lập đài Radio Marti để phát sóng những thông điệp của họ chống lại Chủ tịch Fidel Castro của Cuba, nhưng Castro vẫn nắm quyền cho tới đầu thế kỷ mới.

Hỗ trợ kinh tế là một cách khác để gây ảnh hưởng lên những vấn đề nội bộ của một quốc gia khác. Ví dụ, trong  thời kỳ Chiến tranh lạnh chính phủ Mỹ viện trợ kinh tế cho El Salvador và Liên Xô hỗ trợ cho Cuba nhằm mục đích gây ảnh hưởng lên công việc nội bộ của các quốc gia này. Dù là một hình thức hỗ trợ kinh tế bất hợp pháp nhưng hối lộ các quan chức cấp cao nước ngoài có thể giúp thuyết phục họ theo đuổi các chính sách mà bên thứ ba mong muốn. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, tình báo Mỹ và Liên Xô thường đổ nguồn lực vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài nhằm mang lại một kết quả có lợi. Tương tự, vào thập kỷ 1970, chính phủ Hàn Quốc đã chi rất nhiều tiền để tài trợ cho các chính trị gia Mỹ có tư tưởng thân Hàn Quốc trong các chiến dịch bầu cử của họ.

Mức độ ép buộc cao hơn trong dãy các ảnh hưởng là việc cung cấp các cố vấn quân sự. Trong những năm 1950, thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ bắt đầu bằng can thiệp bằng hỗ trợ kinh tế và sau đó chuyển sang hỗ trợ quân sự. Tương tự như vậy, Liên Xô và Cuba cung cấp viện trợ quân sự và cố vấn cho Nicaragua và những quốc gia “đồng minh” khác. Một dạng can thiệp khác là ủng hộ phe đối lập. Ví dụ, trong những năm đầu thập niên 1970, nước Mỹ cấp tiền cho phe đối lập của Salvador Allende, tổng thống được bầu một cách dân chủ của Chile, và Liên Xô cũng đã nhiều lần cấp tiền cho những nhóm hoà bình ở những quốc gia Tây Âu. Gần đây hơn, Mỹ đã cấp hỗ trợ tài chính cho các phong trào dân chủ sơ khai ở các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Ucraina.

Dịch sang cực ép buộc cao hơn là các hành động quân sự hạn chế. Ví dụ, vào những năm 1980, Mỹ ném bom Libya để phản ứng lại việc quốc gia này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, và Liên Xô đã hỗ trợ một bên trong cuộc nội chiến ở Nam Yemen. Năm 1998 Mỹ đã phóng tên lửa tấn công Sudan và Afghanistan nhằm trả đũa các cuộc tấn công khủng bố vào các sứ quán Mỹ ở Đông Phi. Mỹ cũng sử dụng không quân và lục quân để hỗ trợ lực lượng địa phương lật đổ chính quyền Taliban ở Afghanistan sau các vụ khủng bố tháng 9/2001 trên đất Mỹ. Một cuộc xâm lược hay chiếm đóng trên qui mô lớn là mức độ cao nhất của sự ép buộc. Các ví dụ bao gồm hành động của Mỹ tại nước Cộng hoà Dominica năm 1965, Grenada năm 1983, Panama năm 1989 và Iraq năm 2003; cũng như những hành động của Liên Xô tại Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968 và Afghanistan năm 1979. Không phải chỉ có các cường quốc mới có các hành động can thiệp quân sự. Ví dụ, năm 1979 Tanzania đã gửi quân tới Uganda còn Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Campuchia. Năm 1997, nước Rwanda nhỏ bé cũng can thiệp quân sự vào công việc của quốc gia láng giềng rộng lớn hơn đang gặp rắc rối là Congo. Một số vụ can thiệp mang tính chất đa phương, nhưng thường do một nước dẫn đầu. Ví dụ Mỹ dẫn đầu vụ can thiệp năm 1995 của Liên Hợp Quốc vào Haiti và vụ can thiệp của NATO năm 1999 vào Kosovo, trong khi Nigeria dẫn đầu một nhóm các quốc gia Tây Phi can thiệp vào Liberia và Sierra Leone những năm 1990.

Định nghĩa rộng về can thiệp vì vậy bao gồm tất cả các loại hành vi, từ những hình thức ép buộc ở mức thấp nhất đến mức cao nhất. Mức độ ép buộc của việc can thiệp là điều quan trọng bởi nó liên quan đến mức độ lựa chọn của những người dân bản địa, đồng nghĩa với mức độ các thế lực bên ngoài hạn chế quyền tự trị của họ.

Chủ quyền

Chủ quyền là một khái niệm chủ chốt của hệ thống Westphalia và được củng cố bởi Hiến chương Hội Quốc Liên và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nó cũng là trung tâm của các cuộc tranh cãi về tính hợp pháp của việc can thiệp. Trong khi chủ quyền về mặt pháp lý chỉ sự kiểm soát tuyệt đối đối với một lãnh thổ thì việc kiểm soát trên thực tế bởi một chính phủ trong phạm vi biên giới của mình thường là một câu hỏi liên quan đến mức độ.

Vì một vài lý do, ngay cả các chính phủ hiệu quả và được người dân củng hộ cũng ít khi có thể kiểm soát được hoàn toàn mọi việc xảy ra trong phạm vi biên giới của họ. Một trong số các lý do là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế quốc tế. Ví dụ, khi Đảng Xã hội lên nắm quyền ở Pháp năm 1981, họ muốn tạo ra một sự thay đổi lớn trong chính sách kinh tế Pháp. Nhưng họ nhận thấy rằng nền kinh tế Pháp và những nền kinh tế khác của Châu Âu có sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn nên khi họ đơn phương cố gắng tạo ra sự thay đổi, nguồn vốn sẽ chạy ra nước ngoài và giá trị của đồng Franc Pháp sẽ giảm mạnh. Vì vậy cuối cùng Đảng Xã hội Pháp đã phải quay trở lại chính sách kinh tế chung với những quốc gia Châu Âu khác. Sự phụ thuộc lẫn nhau không những giới hạn chủ quyền pháp lý của Pháp mà nó chắc chắn còn hạn chế khả năng kiểm soát trên thực tế của nước này. Nền kinh tế của Pháp quá phụ thuộc vào các nước khác nên nước này không thể theo đuổi những chính sách kinh tế hoàn toàn độc lập. Tương tự như vậy, năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đã tạo ra sự thiếu chắc chắn trên các thị trường thế giới, buộc các chính phủ chủ quyền ở những nơi xa xôi như Nga và Brazil cũng phải phá giá đồng nội tệ và thay đổi các chính sách kinh tế của mình. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn các thách thức mà toàn cầu hóa kinh tế đặt ra đối với chủ quyền trong chương tiếp theo.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế chỉ là một trong số các nhân tố tác động tới chủ quyền. Một làn sóng lớn những người tị nạn có thể làm xáo trộn ngay cả những quốc gia ổn định. Những người tị nạn từ Haiti và Cuba đổ vào nước Mỹ đã dẫn tới các tranh luận chính trị ở Washington năm 1993 và 1994, trong khi những người tị nạn Rwanda đổ vào những nước láng giềng như Burundi và Congo càng làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột sắc tộc ở đây. Buôn bán vũ khí và ma túy cũng có thể làm xói mòn chủ quyền. Số lượng vũ khí đổ vào miền Bắc Pakistan từ Afghanistan suốt những năm 1980 và 1990 đã làm suy yếu khả năng của chính phủ Pakistan trong việc kiểm soát vùng lãnh thổ phía Bắc, trong khi lượng ma túy bất hợp pháp từ ngoài chảy vào Mỹ đã tạo ra những vấn đề về mặt luật pháp và trật tự trong nước. Các quốc gia có thể có chủ quyền về mặt pháp lý, nhưng các chủ thể bên ngoài vẫn có thể tác động vào các vấn đề trong nước.

Ngược lại, sự can thiệp đôi khi làm tăng khả năng tự trị. Một số quốc gia nghèo có thể có quyền tự trị trên thực tế thấp vì năng lực yếu. Một vài cách can thiệp có thể thật sự làm tăng năng lực, đồng nghĩa với khả năng tự trị của họ trong tương lai. Sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự có thể giúp một quốc gia trở nên độc lập hơn trong dài hạn, ví dụ như sự can thiệp của Liên Hợp Quốc vào Campuchia những năm 1990 đã giúp nước này phát triển năng lực thể chế sau hai thập kỷ nội chiến. Đây là một vài trong số những sự phức tạp của mối quan hệ giữa chủ quyền, tự trị và sự can thiệp.

Đánh giá can thiệp

Các trường hợp ngoại lệ

Các vấn đề của quyền tự quyết

Cuộc chiến tranh Việt Nam

BIÊN NIÊN SỬ: SỰ DÍNH LÍU CỦA MỸ Ở VIỆT NAM (1954-1975)

Động cơ, phương tiện và hậu quả

Download phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Su can thiep, cac the che, xung dot khu vuc va sac toc-P1.pdf

————–

[1] Peter Wallensteen và Magareta Sollenberg, “Armed Conflict 1989-2000,” Báo cáo số 60, trong Magareta Sollenberg, biên tập, States in Armed Conflict 2000 (Uppsala, Sweden: Uppsala University, Department of Peace and Conflict Research, 2001), trang 10-12.

[2] John Mueller, “The Benality of Ethnic War,” International Security 25 (Summer 2000), trang 42.

[3] Stuart Kaufman, Modern Hatreds (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2001), trang 220.