#178 – Kinh tế chính trị của thương mại quốc tế

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: David N. Balaam & Michael Vaseth, “International Trade,” in D.N. Balaam & M. Vaseth, Introduction to International Political Economy, (New Jersey: Pearson Education, 2001), pp. 87-106.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn  Introduction to International Political Economy

Tổng quan

Thương mại quốc tế là một trong những chủ đề cổ điển nhất và gây nhiều tranh cãi nhất của môn học kinh tế chính trị quốc tế. Thương mại quốc tế được coi là một phần của cấu trúc sản xuất của nền kinh tế chính trị quốc tế (KTCTQT).[1] Nhìn lại, cấu trúc sản xuất là một hệ thống các mối quan hệ giữa các quốc gia và các chủ thể khác như các doanh nghiệp quốc tế. Những doanh nghiệp này quyết định sản xuất cái gì, sản xuất ở đâu, do ai sản xuất, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai, và sản xuất với chi phí là bao nhiêu. Cùng với các cơ cấu tài chính, kĩ thuật và an ninh, thương mại nối kết các quốc gia và các chủ thể khác với nhau, tăng cường tính phụ thuộc giữa họ, và thúc đẩy toàn cầu hoá như một số người tin tưởng.

Những điều kiện này mang lại lợi ích cho cho tất cả nhưng cũng là nguồn gốc của căng thẳng giữa các nước và các tổ chức, các nhóm trong nội bộ của chính nước đó. Những cuộc tranh cãi về thương mại quốc tế bắt nguồn từ việc các nước, các khu vực, các doanh nghiệp buộc phải đạt được những lợi ích về kinh tế của thương mại đồng thời phải hạn chế những tác động tiêu cực về mặt kinh tế, chính trị và xã hội của nó với các nhóm sản xuất và xã hội nói chung.

Chương này sẽ khảo sát một loạt những phát triển và biến đổi xảy ra trong hệ thống thương mại sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi mà quan chức của các nước công nghiệp phát triển phía Bắc cổ suý tự do hoá (nghĩa là giảm thiểu mức độ bảo hộ) hệ thống thương mại quốc tế. Mỹ và các đồng minh đã thiết lập Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) để thúc đẩy tự do thương mại và đạt được những mục tiêu khác tương xứng với mục tiêu quân sự và chính trị có tính chiến lược của Mỹ. Năm 1995 Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã được thành lập thay thế GATT như là một nỗ lực thúc đẩy hơn nữa tự do hoá thương mại toàn cầu. Mặc dù các tổ chức này đã đạt được một số thành công trong việc thúc đẩy tự do hoá thương mại, nhưng kết cục vẫn là một tình trạng bế tắc khi mà ngày càng có nhiều chủ thể liên quan thúc đẩy cùng lúc cả tự do hoá thương mại và chủ nghĩa bảo hộ.

Chương này kết thúc với khảo sát về một số vấn đề quan trọng khác trong thương mại quốc tế bao gồm vai trò của các nước đang phát triển trong thương mại quốc tế; số lượng ngày càng gia tăng của các liên minh, các khối thương mại quy mô khu vực; vai trò của các chính sách thương mại chiến lược mà một số nước sử dụng để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nước mình; hay việc sử dụng thương mại như là một công cụ của chính sách đối ngoại; và cuối cùng là một số các vấn đề phức tạp về thương mại liên quan đến nhân quyền, môi trường, thẩm quyền pháp lý và vấn đề “ngoại giao thương mại”. Các yếu tố này khiến thương mại trở thành một trong những vấn đề phức tạp, gây ra nhiều bất đồng chính trị nhất.

—-

“Trong tình trạng vô chính phủ, buôn bán xuyên biên giới phụ thuộc vào những quy định được thiết lập trên cơ sở thoả thuận chính trị giữa các quốc gia có chủ quyền giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của mình, nhưng không có quyền lực gì bên ngoài biên giới của nó”[2]

Robert Kuttner nói với chúng ta rằng, thương mại luôn luôn có tính chính trị. Do đó, nghiên cứu kinh tế học về thương mại không thể tách rời các khía cạnh chính trị. Trên thực tế, nhiều nhà lý thuyết KTCTQT nói rằng, không có một chủ đề nào mang tính KTCTQT hơn thương mại, và do đó việc các học giả và những người thực hành KTCTQT tập trung nghiên cứu các vấn đề thương mại suốt hàng trăm năm không phải là điều đáng ngạc nhiên. Nếu như vậy, lời nói của Kuttner đã làm giảm tầm quan trọng của vấn đề, và thương mại ngày nay trở nên chính trị hoá hơn bao giờ hết. Thương mại tiếp tục có vai trò quan trọng không chỉ với quan chức của các quốc gia, mà cả với nhiều chủ thể chính trị và các thể chế bên ngoài quốc gia dân tộc. Những chủ thể này đã tăng lên nhanh chóng kể từ sau Chiến tranh Lạnh vào cuối thập kỷ 1980 và góp phần định hình sự phát triển trong lĩnh vực này.

Các nhà kinh tế chính trị học quốc tế sử dụng thuật ngữ “cấu trúc sản xuất” để chỉ mạng lưới những sắp xếp trong xã hội để quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, và bởi ai, cho ai và trong điều kiện nào. Các nhân tố của cấu trúc này phát triển xuyên biên giới sẽ dẫn đến thương mại quốc tế, một trong những vấn đề lâu đời và gây tranh cãi nhất của KTCTQT. Mặc dù cấu trúc sản xuất chủ yếu vẫn mang tính chất nội bộ quốc gia theo cách hiểu là hầu hết các sản phẩm và dịch vụ được tiêu thụ ở các quốc gia hiện nay (tính toán theo giá trị của chúng) được sản xuất trong nước, thương mại quốc tế đã gia tăng nhanh chóng. Điều này phản ánh quá trình quốc tế hoá và toàn cầu hoá sản xuất ngày càng tăng.

Ví dụ, trong thời gian từ 1960 đến 1995, thương mại thế giới tăng mạnh, tổng kim ngạch từ 629 tỉ USD lên tới hơn 5 nghìn tỉ (theo giá trị USD quy đổi vào năm 1995). Trong thời kì này, khi sản xuất thế giới tăng với tốc độ 3,8% một năm, thương mại quốc tế tăng 6,1% một năm.[3]

Thương mại gắn kết các quốc gia với nhau, và bằng cách đó, thương mại tạo ra sự phụ thuộc rất lớn về kinh tế và chính trị. Do thương mại có vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là to lớn, trong hầu hết các nền kinh tế, các quốc gia ngày càng mong muốn điều tiết để thu lợi và giảm thiểu những phí tổn của nó đối với nền kinh tế.

Ba quan điểm về thương mại quốc tế

Hệ thống thương mại quốc tế phát triển theo ba hướng cùng một lúc. Rất nhiều quan điểm (nhưng không mang tính phổ quát) nhất trí rằng cần phải có hệ thống thương mại tự do toàn cầu. Tuy nhiên, ngay cả trong cấu trúc thương mại tự do đó, các quốc gia vừa theo đuổi các chính sách trọng thương, vừa lo lắng về nguy cơ bị lệ thuộc và bóc lột bởi các quốc gia khác. Như vâỵ, dường như các nhà lãnh đạo các quốc gia tin tưởng cả ba quan điểm cùng một lúc: hệ thống thương mại tự do toàn cầu (quan điểm tự do), nhưng bảo hộ cho các công ty và công nhân trong nước (quan điểm trọng thương) bằng cách thúc đẩy trả lương cao hoặc công nghiệp hóa (quan điểm cấu trúc) theo hướng phát triển công nghệ cao (cốt lõi). Rõ ràng, chính sách thương mại quốc tế vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Ví dụ, trong thời kỳ trọng thương từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, các quốc gia châu Âu đầu tiên đã ráo riết tìm kiếm những khoản thặng dư thương mại như là nguồn gốc của sự giàu có cho những nhà sản xuất địa phương, hoàng gia, và sau đó là quốc gia hành chính quan liêu. Để giúp cho nền công nghiệp địa phương phát triển, nhập khẩu các hàng hóa trung gian không được khuyến khích nếu điều đó đồng nghĩa với việc nhân dân sẽ mua hàng hóa nhập khẩu thay vì mua hàng hóa sản xuất trong nước. Đối với những người theo chủ nghĩa trọng thương, thương mại cũng là một trong số những công cụ mà các quốc gia sử dụng để làm giàu, qua đó nâng cao sức mạnh và uy tín trong tương quan với các quốc gia khác. Các vùng lãnh thổ thuộc địa đã cung cấp cho người châu Âu vàng, bạc và các kim loại quý hiếm khác để làm giàu có thêm nguồn của cải quốc gia của họ. Họ thường sử dụng tài sản đó để chi trả cho các cuộc chiến tranh với các đối thủ khác trên và xung quanh lục địa châu Âu. Mối quan hệ năng động giữa nguồn của cải và quyền lực là trung tâm trong các lý thuyết trọng thương và nội dung cơ bản của các lý thuyết cấu trúc về thương mại quốc tế.

Cho rằng lý thuyết trọng thương được sử dụng thái quá, vào cuối thế kỷ 18, Adam Smith và David Ricardo đề xuất một lý thuyết “tự do” đặc biệt về thương mại. Lý thuyết này thống trị chính sách thương mại của Anh trong suốt hơn 100 năm và vẫn còn ảnh hưởng rất lớn cho đến ngày hôm nay. Smith chủ trương chính sách “tự do kinh doanh” [laissez-faire] nói chung. Ricardo tiến thêm một bước xa hơn. Tác phẩm của ông về quy luật lợi thế so sánh chứng minh rằng thương mại tự do tăng cường tính hiệu quả và nó có khả năng làm cho tất cả mọi người đều khấm khá lên. Đối với người theo chủ nghĩa tự do, ai sản xuất, sản xuất gì, ở đâu, như thế nào, hoặc trong bối cảnh nào không quan trọng, miễn là các cá nhân được tự do mua và bán hàng hóa trên thị trường mở. Thế giới sẽ trở thành một phân xưởng toàn cầu nơi mà tất cả mọi người đều có lợi, và được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình của thị trường.

Quy luật lợi thế cạnh tranh có vẻ đơn giản một cách đáng ngờ. Khi tất cả mọi người, mọi quốc gia sản xuất các hàng hóa và dịch vụ, họ buộc phải từ bỏ “cái gì đó” để đổi lấy hàng hóa khác. Chúng ta thường nghĩ rằng “cái gì đó” là tiền, nhưng điều đó nghĩa là chúng ta đã hiểu sai. Cái mà chúng ta thực sự phải từ bỏ là những hàng hóa và dịch vụ khác mà họ có thể sản xuất. Đó chính là cái mà những nhà kinh tế gọi là “chi phí cơ hội”. Quy luật lợi thế cạnh tranh cho thấy chúng ta có lợi khi tìm cách giảm thiểu chi phí cơ hội mà chúng ta phải bỏ ra. Do đó, nếu chúng ta sẽ mất nhiều hơn khi sản xuất xăng dầu trong nước so với khi mua xăng dầu từ nước khác (ví dụ, Ảrập – Xê út), như vậy chúng ta đều có lợi, khấm khá hơn nếu chúng ta nhập khẩu.

Quy luật lợi thế cạnh tranh khiến chúng ta phải so sánh chi phí cơ hội mà chúng ta sản xuất một mặt hàng với chi phí cơ hội từ việc mua mặt hàng đó từ người khác, và đưa ra những quyết định logic, hiệu quả giữa hai lựa chọn đó. Trong kỷ nguyên của Ricardo, quy luật lợi thế so sánh chi tiết hóa những mặt hàng lương thực mà nước Anh nên nhập khẩu hơn là sản xuất trong nước bởi vì chi phí nhập khẩu rõ ràng nhỏ hơn so với chi phí sản xuất trong nước. Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này do ảnh hưởng chính trị của người sở hữu tài sản mà lợi ích của họ gắn liền với việc sản xuất các sản phẩm lương thực này ở trong nước. Ricardo đề xuất rằng thương mại tự do có thể mang lại lợi ích cho tất cả các đối tác thương mại, bằng cách sản xuất những hàng hóa đó ở những nơi mà chi phí cơ hội thấp nhất, do đó tăng cường nguồn tài sản quốc gia (và nhân dân)

Nếu như thương mại chỉ liên quan đến lợi thế cạnh tranh và theo đó các quốc gia sẽ trở nên khấm khá hơn so với tình trạng “tự cung tự cấp”, thì lý thuyết này không có gì đáng để bàn cãi. Tuy nhiên, câu hỏi về việc “ai có lợi hơn ai” [cui bono?] vẫn còn đó. Theo các lý thuyết kinh tế tự do, vấn đề ai được lợi nhất từ tính hiệu quả do tự do thương mại mang lại phụ thuộc vào việc các điều khoản thương mại[4] có lợi cho quốc gia xuất khẩu hay quốc gia nhập khẩu. Nếu như giá dầu mỏ cao so với giá lúa mì, thì Ảrập – Xêút sẽ gặt hái nhiều lợi nhuận hơn từ thương mại. Nếu như giá dầu mỏ thấp một cách tương đối, thì Mỹ sẽ được nhiều lợi hơn. Các đối tác thương mại, như Mỹ và Ảrập Xêút trong ví dụ này, đều có lợi nếu họ được khuyến khích trao đổi thương mại với nhau. Tuy nhiên, mỗi nước đều nỗ lực giành được các phần lợi ích về tính hiệu quả lớn hơn mà thương mại đem lại. Đối với quốc gia đang phát triển, thương mại đóng vai là “động lực tăng trưởng” và nó được nhìn nhận là một trong những nhân tố quan trọng nhất của phát triển kinh tế.

Alexander Hamilton và Friedrich List lần đầu tiên thách thức những nội dung của học thuyết tự do về thương mại. Theo quan điểm của chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa tự do và chính sách thương mại tự do không có gì hơn là một cách lý giải học thuật cho nước Anh để duy trì lợi thế thống trị của họ với các đối tác thương mại trên lục địa châu Âu và ở Tân Thế giới. Hamilton lập luận rằng nền công nghiệp non trẻ của Mỹ, sự độc lập và an ninh quốc gia đòi hỏi phải sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại.[5] List thì cho rằng chủ nghĩa tự do thể hiện quyền lực bất bình đẳng giữa các dân tộc. Để thương mại tự do hoạt động, điều kiện tiên quyết là phải có sự bình đẳng giữa các quốc gia, hoặc chí ít là sự tự nguyện chia sẻ những lợi ích và chi phí từ thương mại. Hơn nữa, List lập luận rằng bầu không khí mà sức nóng của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đang tăng lên, cần thiết phải có các chính sách bảo hộ thương mại như thuế quan và hỗ trợ xuất khẩu nếu như các nền công nghiệp non trẻ của châu Âu buộc phải cạnh tranh bình đẳng với các nền công nghiệp của Anh.[6]

Những người theo chủ nghĩa trọng thương thách thức giả định rằng lợi thế cạnh tranh mang lại lợi ích cho cả hai phía một cách vô điều kiện. Cấu trúc sản xuất quốc gia cung cấp hàng hoá cho thương mại. Tuy nhiên, cấu trúc đó thể hiện sự phân chia nguồn tài nguyên quốc gia theo cách tạo cơ hội cho mọi người có công ăn, việc làm trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Trong khi lợi ích so sánh tương đối năng động về mặt lý thuyết, – nghĩa là sự dịch chuyển nguồn tài nguyên và nguồn lực ở một quốc gia tạo nên các chi phí cơ hội mới, các công nhân trong một ngành công nghiệp thường không muốn xâm phạm vào lĩnh vực công việc của người khác. Điều đó giúp giải thích tại sao những người nông dân tìm kiếm các biện pháp bảo hộ thương mại cho sản phẩm nông nghiệp của họ bởi vì họ muốn trồng trọt, chăn nuôi – ngay cả khi sự dư thừa hàng hoá khiến cho giá cả thực phẩm hạ và làm suy giảm nhu cầu với mặt hàng của họ.

Những người theo chủ nghĩa trọng thương cũng nhấn mạnh khía cạnh chính trị của thương mại. Các quốc gia đương nhiên mong muốn bảo vệ họ và nền kinh tế của họ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của thương mại. Bất kỳ các nhóm hoặc ngành công nghiệp nào trong nước đều có thể yêu cầu quốc gia bảo hộ – và nhận được điều đó. Những người nông dân thường có được sự bảo hộ thương mại do một số lý do sau. Thứ nhất, ngay cả khi quy mô sản xuất và giá trị của họ nhỏ tương đối so với các ngành công nghiệp khác, họ dường như có nhiều đại diện hơn mức bình thường ở các cơ quan lập pháp quốc gia ở Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Bảo hộ thương mại dưới nhiều dạng khác nhau: chính sách thúc đẩy xuất khẩu, chính sách hạn chế xuất khẩu (xem trong Hộp ở trang sau)

Thứ hai, các quốc gia dân tộc lo sợ bị lệ thuộc vào các quốc gia khác về một số mặt hàng nào đó. Xuất phát từ những quan ngại về an ninh, rất nhiều các quốc gia muốn được tự chủ một cách tương đối đối với các nguồn lương thực và tài nguyên thiên nhiên để duy trì các nền công nghiệp cơ bản của quốc gia. Những người theo chủ nghĩa trọng thương nhận thức rất rõ các chính sách bảo hộ thương mại mà một quốc gia hay một nhóm các quốc gia trong các liên minh thương mại khu vực như NAFTA và Liên minh Châu Âu (EU) (sẽ bàn luận trong phần sau) sử dụng để hỗ trợ cho các nền công nghiệp của họ. Những chính sách như vậy có khả năng phá vỡ một nền kinh tế khác qua thương mại, dù cho họ không có ý đó. Cuối cùng, như trong trường hợp gần đây về những nỗ lực của Liên Hợp quốc nhằm cắt đứt quan hệ thương mại với Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh, những người theo chủ nghĩa trọng thương nhận ra rằng mức độ thường xuyên trong việc các quốc gia chọn bao vây và cấm vận thương mại, hoặc tẩy chay, trong số các biện pháp trừng phạt kinh tế khác, để trừng phạt hoặc để làm các quốc gia khác tổn thương.

Khi thế giới bước nào thế kỷ 20, các chính sách bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng do các cường quốc chủ chốt một lần nữa chạy đua để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, một số quốc gia áp dụng hai loại chủ nghĩa bảo hộ.[7] Liên quan đến chính sách ngoại giao bành trướng, Italia, Đức và Nhật sử dụng chủ nghĩa bảo hộ tiêu cực hay hiếu chiến với các thuộc địa mà họ chiếm được. Các cường quốc Châu Âu và Mỹ được cho là đã hành xử tích cực hơn, bằng cách áp dụng những chính sách bảo hộ thương mại nhằm chống lại các chính sách bảo hộ mà các nước khác sử dụng để cách ly nền kinh tế. Trong thời kỳ Đại Khủng hoảng những năm 1930, chủ nghĩa bảo hộ thương mại tăng lên trong khi thương mại quốc tế suy giảm nghiêm trọng. Trong thời kỳ từ 1929 đến 1933, thương mại toàn thế giới đã giảm khoảng 54%, phần nào đó bị bóp nghẹt bởi hệ thống thuế Smoot – Hawley ở Mỹ và những hàng rào thương mại hà khắc được triển khai ở các nước khác.[8] Nhiều nhà sử học lập luận rằng tình thế thương mại với hệ quả là nền kinh tế thế giới ảm đạm đã tạo ra các điều kiện kinh tế đen tối mà những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa cực đoan như Missolini và Hitler buộc phải ứng phó.

Những nhà lý thuyết cấu trúc chủ nghĩa nhìn nhận giai đoạn trọng thương tương đối khác so với những người theo chủ nghĩa trọng thương và chủ nghĩa tự do. Trước hết, họ cho rằng thời kỳ đầu của giai đoạn trọng thương là một trong những giai đoạn của chủ nghĩa đế quốc cổ điển. Chủ nghĩa đế quốc của những cường quốc châu Âu bắt nguồn từ nền kinh tế của họ. Các chính sách trọng thương nhấn mạnh xuất khẩu trở nên cần thiết khi các xã hội tư bản công nghiệp trải qua tình trạng kinh tế đình đốn. Các nhà sản xuất tạo ra quá nhiều sản phẩm công nghiệp và các nhà kinh doanh tài chính có quá nhiều vốn để đầu tư nước ngoài. Thuộc địa đáp ứng ít nhất hai mục đích. Đó là nơi để họ xả hàng hoá thừa và nơi các khoản đầu tư sinh lợi với các ngành công nghiệp đòi hỏi nhân công giá rẻ và lượng lớn (nghĩa là chi phí rẻ mạt) các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Thương mại giúp các mẫu quốc thống trị và chinh phục các lãnh thổ thuộc địa kém phát triển trên thế giới. Lenin lập luận rằng các chính sách thương mại quốc gia mang lại lợi ích cho hầu hết các giai cấp thống trị trong xã hội – cụ thể là tầng lớp tư sản. Theo Lenin, trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản hiện đại vào cuối thế kỷ 19, các quốc gia tư bản sử dụng thương mại để bành trướng chủ nghĩa tư bản sang những khu vực chậm phát triển của thế giới. Quyền lực “mềm” của tài chính cũng như sức mạnh cứng chinh phục thuộc địa giúp thiết lập các đế chế lệ thuộc và bóc lột.

Thời gian đầu của thời kỳ thuộc địa, các khu vực đang phát triển của thế giới vẫn còn ở bên ngoài rìa của hệ thống thương mại quốc tế. Họ cung cấp cho mẫu quốc các hàng hoá thô và khoáng sản cùng với thị trường cho các thành phẩm. Những nhà lý thuyết cấu trúc lập luận rằng quá trình công nghiệp hóa các quốc gia ở trung tâm sẽ biến những nguồn tài nguyên và khoáng sản đó thành các mặt hàng thành phẩm và bán thành phẩm, và bán chúng cho các quốc gia khác và các nước thuộc địa. Theo quan điểm này, thương mại ngày nay tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp đỡ các quốc gia công nghiệp đế quốc chủ nghĩa chinh phục dân chúng ở các vùng đất chậm phát triển của thế giới.

Andre Gunder Frank và các nhà lý thuyết khác áp dụng ý tưởng và lập luận của chủ nghĩa cấu trúc để phân tích các tác động nội bộ của quá trình thuộc địa hoá và đế quốc hoá ở những nước như ở Brazil, và lập luận rằng thương mại giúp tạo ra sự lệ thuộc của các khu vực ngoại vi với các quốc gia công nghiệp ở khu vực trung tâm. Trong khi các lĩnh vực bất kỳ của nền kinh tế trung tâm phát triển, các điều kiện chính trị và kinh tế cho quần chúng trong các quốc gia và khu vực ngoại vi ngày càng trở nên kém phát triển bởi trong mối quan hệ với các quốc gia công nghiệp qua thương mại.[9]

Cũng như vậy, các nhà lý thuyết cấu trúc nhánh “hệ thống thế giới”, như Immanual Wallerstein, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên hệ giữa các quốc gia tư bản ở trung tâm, và vùng ngoại vi và bán ngoại vi của thế giới. Mô thức thương mại quốc tế được quyết định chủ yếu bởi sự phân công lao động quốc tế do chủ nghĩa tư bản chi phối. Một số trong những quan điểm thuộc trường phái cấu trúc này đề cập đến cách thức thương mại có thể giúp phân bổ công bằng, hoặc thậm chí tái phân bổ thu nhập giữa các quốc gia trên thế giới. Giải pháp đối với các vấn đề của thương mại giữa các nước giàu và nước nghèo khác nhau từ chính sách chủ quyền tuyệt đối (nghĩa là hoàn toàn không có thương mại) đến những quan điểm tương đối thận trọng rằng, về cơ bản, liệu các quốc gia có khả năng giải quyết các vấn để thương mại của họ một cách thân thiện với nhau.

 Thuật ngữ của Chính sách Thương mại Quốc tế

  • Thuế quan: một loại thuế đánh vào các hàng hóa nhập khẩu để nâng giá những mặt hàng này, làm cho chúng ít hấp dẫn với người tiêu dùng. Thuế quan được dụng ở các thời điểm khác nhau để tăng ngân sách chính phủ (đặc biệt là ở các nước kém phát triển). Thuế quan là một công cụ để bảo vệ nền công nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh đến từ bên ngoài.
  • Hạn ngạch nhập khẩu: hạn chế đối với khối lượng một mặt hàng được nhập khẩu vào một quốc gia. Bằng cách hạn chế lượng nhập khẩu, hạn ngạch có xu hướng đẩy giá của một mặt hàng, và do đó giảm thiểu cạnh tranh.
  • Hạn ngạch xuất khẩu: Những thỏa thuận quốc tế hạn chế khối lượng một mặt hang mà một quốc gia có thể xuất khẩu. Tác dụng là hạn chế số lượng hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia. Ví dụ là Thỏa thuận Marketing Trật tự (OMAs), Thỏa thuận Hạn chế Xuất khẩu tự nguyện [VERs] hay Các Thỏa thuận Hạn chế Xuất khẩu tự nguyện [VRAs]. Hiện định Dệt may thiết lập một hệ thống hạn ngạch cho các hàng dệt may xuất khẩu từ các nước kém phát triển.
  • Trợ cấp xuất khẩu: Bất cứ biện pháp nào nhằm giảm giá thành một cách hiệu quả một mặt hàng xuất khẩu, làm cho nó thu hút hơn với những khách hàng nước ngoài.
  • Phá giá tiền tệ: Tác dụng của việc phá giá một đồng tiền là làm cho xuất khẩu rẻ hơn đối với các nước khác trong khi nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Việc phá giá có xu hướng đạt được các hiệu ứng giống như tăng thuế nhập khẩu (làm tăng giá thành) và hỗ trợ xuất khẩu (giảm chi phí xuất khẩu). Thay đổi giá trị đồng tiền tác động đến giá cả của tất cả các hàng hóa thương mại trong khi thuế quan và trợ cấp nói chung chỉ áp dụng cho một loại sản phẩm.
  • Các hàng rào phi thuế quan: các cách khác để hạn chế nhập khẩu bao gồm các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn của chính phủ, các đạo luật quy định nội dung, các yêu cầu cấp phép, và các yêu cầu về nhãn hiệu. Các biện pháp này làm cho các hàng hóa nhập khẩu khó được tiếp thị hơn hoặc là tăng giá các hàng hóa nhập khẩu một cách đáng kể.
  • Các Biện pháp thương mại chiến lược: Các nỗ lực các nhà nước triển khai để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại bằng những cách thức như nghiên cứu trợ cấp và phát triển một sản phẩm, hoặc cung cấp hỗ trợ để giúp đỡ một nền công nghiệp tăng sản xuất đến mức mà nó có thể làm giảm đường cong học tập [learning curve] để đạt được hiệu quả sản xuất lớn hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Các Biện pháp thương mại chiến lược thường gắn liền với các chính sách công nghiệp quốc gia, nghĩa là can thiệp vào nền kinh tế để thúc đẩy các mô thức phát triển công nghiệp.
  • Bán phá giá: Các hành vi bán một mặt hàng với giá thấp hơn ở thị trường ngoài nước. Bán phá giá là một hành vi không công bằng, được sử dụng để đẩy lùi đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường xuất khẩu với mục tiêu là tạo quyền lực độc quyền.
  • Các Biện pháp Thương mại trả đũa: Các biện pháp tự vệ mà các quốc gia sử dụng để chống lại lợi thế mà quốc gia khác có được khi nước này áp dụng các biện pháp bảo hộ. Các biện pháp này bao gồm các biện pháp chống bán phá giá và áp đặt các mức thuế quan hoặc hạn ngạch trả đũa.
  • Tự vệ: Một biện pháp phòng thủ khác được sử dụng khi một sản phẩm được nhập khẩu, sau khi thuế đã được hạ, với một số lượng mà có thể đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng đến các nhà sản xuất trong nước, hoặc đến các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp.

Chính sách thương mại hiện nay chịu sự ảnh hưởng sâu sắc bởi ba quan điểm về thương mại nêu trên. Như đã nói, có một sự đồng thuận ủng hộ hệ thống thương mại quốc tế tự do. Tuy nhiên, ngay trong hệ thống tự do đó, các quốc gia có xu hướng hành xử như những người theo chủ nghĩa trọng thương khi lợi ích quốc gia của họ bị đe doạ. Và có một lo ngại chung là (ở cả các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc gia công nghiệp phát triển) rằng thương mại có tính bóc lột nhiều hơn cùng có lợi.

GATT và cấu trúc thương mại tự do sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai

Cấu trúc của phần lớn hệ kinh tế chính trị của thế giới tư bản hậu chiến tranh thế giới lần thứ hai được thiết kế và thiết lập trong năm 1944 với Hội nghị Bretton Woods. Ở đó, các nhà lãnh đạo đồng minh, dưới sự lãnh đạo của Mỹ và Anh, tìm cách thiết lập một trật tự kinh tế có thể ngăn chặn các xung đột cũng như các vấn đề kinh tế vốn đã dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cùng với những nỗ lực này, Mỹ cũng thúc đẩy hình thành Tổ chức Thương Mại Quốc tế (ITO). Tổ chức này có nhiệm vụ giám sát các quy chế thương mại tự do (có tính cởi mở) áp dụng với chế độ thuế quan, hỗ trợ, và các biện pháp bảo hộ. Ý tưởng này là ITO đóng vai trò như là một lực lượng quốc tế chống lại các xu hướng bảo hộ của quốc gia. Thành viên của ITO sẽ thiết lập một nghĩa vụ quốc tế để đảm bảo mở các đường biên giới thương mại. Người ta hi vọng rằng nghĩa vụ này sẽ giúp cân bằng lại các chiều hướng trọng thương trong nội bộ các nước.[10]

Nhưng ITO không bao giờ trở thành hiện thực vì liên minh các lợi ích bảo hộ trong Quốc hội Mỹ buộc Mỹ phải rút khỏi thoả thuận. Như vậy, thoả thuận đã chết yểu. Tổng thống Harry Truman đã đề xuất một cấu trúc thay thế tạm thời cho đàm phán thương mại đa phương dưới tên gọi Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT). Năm 1948, GATT trở thành một tổ chức chủ chốt chịu trách nhiệm thúc đẩy tự do hoá thương mại quốc tế.[11] GATT tìm cách tự do hoá thương mại thông qua một loạt các đàm phán đa phương, gọi là các “vòng đàm phán”, ở đó những quốc gia thương mại chủ yếu của thế giới tìm cách thoả thuận với nhau giảm các hàng rào bảo hộ để đổi lấy sự tiếp cận tự do hơn đối với thị trường của nhau.

GATT hoạt động trên nguyên tắc “có đi có lại” và “không phân biệt đối xử”. Các nhượng bộ thương mại mang tính có đi có lại – tất cả các thành viên đồng ý hạ hàng rào bảo hộ cùng một lúc. Nguyên tắc này được coi là một cách để hạn chế hoặc ngăn cản các quốc gia đơn phương dựng lên các hàng rào thương mại. Thiệt hại do không bảo vệ được thị trường trong nước sẽ được bù đắp bằng quyền tiếp cận tự do hơn với các thị trường nước ngoài. Nguyên tắc không phân biệt đối xử đòi hỏi hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước được đối xử giống nhau – hàng hóa của một nước không thể được ưu tiên nhiều hơn so với hàng hóa của các nước khác. Nguyên tắc này gọi là Quy chế Thương mại Tối huệ Quốc (MFN), được thiết kế để ngăn chặn các cuộc chiến tranh thương mại.

Hai nguyên tắc này tỏ ra hữu hiệu trong suốt những năm đàm phán GATT. Các quốc gia dần dần xóa bỏ các hàng rào bảo hộ mà họ đã dựng lên trong những năm 1930, cho phép thương mại quốc tế mở rộng một cách nhanh chóng.

Nhưng vẫn không thể chia tách chính trị khỏi thương mại, thậm chí dưới những quy tắc của GATT. Một số quốc gia không sẵn sàng dành ưu đãi này cho các đối tác thương mại của họ. Theo logic của chủ nghĩa trọng thương, họ thường dành đặc ân này cho một số đối tác ủng hộ về mặt chính trị với họ hoặc cho những đối tác mà họ muốn giúp đỡ trong khi không dành nó cho các nước khác vì nhiều lý do. MFN trở thành một củ cà rốt và cây gậy sử dụng bởi nhiều quốc gia. GATT cho phép các ngoại lệ đối với những quy tắc thương mại phổ biến dành cho một số các hàng hóa và dịch vụ nhất định, bao gồm cả các sản phẩm nông nghiệp và hạn ngạch. Những miễn trừ này được dành cho nhiều quốc gia bị chiến tranh tàn phá để giải quyêt những thiếu hụt về cân bằng cán cân thanh toán. Trong lĩnh vực nông nghiệp, những miễn trừ này thể hiện sự thiếu hụt lương thực ở châu Âu và nhu cầu cần phải trợ giúp tài chính cho những người nông dân. Các thành viên của GATT về lý thuyết sẽ mở cửa với bất kỳ quốc gia nào, nhưng mãi đến những năm 1980 hầu hết các quốc gia cộng sản vẫn từ chối tham gia, nhìn nhận GATT như là một công cụ của chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

Chính sách trọng thương trong một hệ thống thương mại tự do

Trong những năm 1960 và đầu thập kỷ 1970, sự phát triển của các nền kinh tế công nghiệp hóa phương Tây bắt đầu chậm đi một cách rõ rệt. Cuộc khủng hoảng dầu lửa OPEC bắt đầu năm 1973 và nhanh chóng dẫn đến suy thoái kinh tế ở nhiều nước công nghiệp phương Tây. Trong suốt thời kỳ đó, hệ thống thương mại tiếp tục tăng trưởng, nhưng không ở tốc độ đã đạt được trước đó. Dưới áp lực ngày càng gia tăng cần phải kích thích tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia đã giảm hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, cùng lúc đó họ nghĩ ra nhiều cách thức mới và tinh vi hơn để bảo vệ hàng xuất khẩu của họ trong khi đó lại hạn chế nhập khẩu. Lúc này, vòng đàm phán Tokyo của GATT (1973-1979) diễn ra, và mức độ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp đã giảm xuống mức chung chỉ còn 9%. Vòng đàm phán Tokyo của GATT tìm cách giải quyết ngày càng nhiều các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế quan [NTB] mà nhiều người tin rằng đang bóp nghẹt thương mại thế giới. Các nguyên tắc hay quy tắc giải quyết một loạt các thực tiễn thương mại bất bình đẳng, bao gồm cả vấn đề hỗ trợ xuất khẩu, hoàn thuế, bán phá giá, các hoạt động mua bán của chính phủ, các tiêu chuẩn sản phẩm do các chính phủ áp đặt, và định giá hải quan, và các yêu cầu cấp phép đối với người nhập khẩu. Một số quy định mới được thiết kế để điều chỉnh quan hệ thương mại với các nước đang phát triển.

Nhiều nhà lý thuyết tự do chủ nghĩa lúc đó lập luận rằng vòng đàm phán Tokyo không đạt được thành công như mong muốn, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề về hàng rào phi quan thuế. Trong những năm 1970 -1980, các nước công nghiệp phát triển gặp phải nhiều vấn đề thương mại cũ và mới. Thương mại giữa các nước công nghiệp tăng bốn lần từ năm 1963 đến năm 1973, nhưng chỉ tăng hai lần, và một lần rưỡi trong thập kỷ tiếp theo. Trong khi đó, thương mại chiếm tỉ lệ ngày càng tăng trong Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) ở các nước công nghiệp trong những năm 1980; khoảng 20 % ở Mỹ, 20% cho Nhật, và khoảng 50% đối với thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Nói một cách nhẹ nhàng, chính sách thương mại tiếp tục là một vấn đề gai góc, bất đồng giữa các quốc gia công nghiệp, phản ánh sự phụ thuộc ngày càng tăng của nền kinh tế vào thương mại để tạo ra và duy trì tăng trưởng.

Trong thời kỳ này, Nhật Bản là một quốc gia trọng thương khéo léo. Nhật Bản thu lợi từ hệ thống thương mại tự do toàn cầu trong khi áp dụng các chính sách trọng thương nội địa. Đến những năm 1970, chiến lược thương mại phát triển dựa trên xuất khẩu của Nhật Bản bắt đầu mang lại kết quả. Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp giúp chọn lựa các doanh nghiệp thành công. Họ và các quan chức chính phủ khác cho rằng, những doanh nghiệp này sẽ phát triển trong nền kinh tế toàn cầu với sự trợ giúp của nhà nước. Hầu hết các nền công nghiệp này là các công ty có công nghệ cao, nhiều nhân công, và có tương lai tươi sáng. Các nước công nghiệp mới (NICs) và Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ cùng những doanh nghiệp của họ, giúp đỡ họ để có thể có những vị trí cạnh tranh quan trọng.

Thuật ngữ biện pháp thương mại chiến lược dần được hiểu là nỗ lực của chính phủ để kích thích xuất khẩu[12] hoặc ngăn chặn sự thâm nhập của các hàng hóa nước ngoài vào thị trường nội địa. Thực tiễn thương mại chiến lược bao gồm cả việc “sử dụng đe dọa, hứa hẹn, và các kỹ thuật mặc cả khác để thay đổi cơ chế thương mại, giúp cải thiện chỗ đứng trên thị trường và gia tăng lợi nhuận của các tập đoàn quốc gia”.[13] Ví dụ, ở Mỹ, Dự luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 đã cho ra đời quy định “Super 301”, quy định đòi hỏi các quan chức thương mại phải liệt kê các quốc gia có nguy cơ cao nhất đe dọa xuất khẩu của Mỹ một cách bất bình đẳng. Bên cạnh trợ cấp xuất khẩu và việc sử dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu, các chính sách thương mại chiến lược chủ động bao gồm các hỗ trợ rộng lớn dành cho các “ngành công nghiệp non trẻ”, đi kèm với các biện pháp bảo hộ nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu. Các quốc gia tìm hết mọi cách để thành lập các liên doanh với các công ty trong nghiên cứu và triển khai các công nghệ và sản phẩm mới. Một ví dụ là chính phủ Mỹ giúp đỡ Tập đoàn Microsoft trong nỗ lực trấn áp những kẻ ăn cắp bản quyền ở Trung Quốc.[14]

Hệ thống GATT tự do từng bước một được thỏa hiệp. Thương mại tự do với tư cách là một nguyên tắc trung tâm dần dần được thay thế bởi khái niệm “thương mại bình đẳng” [fair trade] hoặc “một sân chơi công bằng” [level playing field]. Các quốc gia tìm cách cào bằng sân chơi bằng cách thông qua những chính sách trọng thương đáp trả lại các chính sách tương tự của đối tác thương mại. Chính sách thương mại chuyển từ diễn đàn đa phương của GATT sang thảo luận song phương, như giữa Nhật Bản và Mỹ, giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu. Một số học giả cho rằng, đã đến lúc tái khẳng định quan điểm tự do của nền thương mại tự do. Từ đó sinh ra vòng đàm phán Uruguay của GATT.

Vòng Đàm phán Uruguay và WTO 

Các vấn đề thương mại Bắc – Nam

Các khối thương mại khu vực

Thương mại là một công cụ của chính sách đối ngoại

Kết luận: Tương lai của thương mại quốc tế

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Kinh te chinh tri cua thuong mai quoc te.pdf

—-

[1] Để có thêm chi tiết của cuộc tranh luận về cấu trúc sản xuất quốc tế, xem Susan Strange, States and Markets: An Introduction of International Political Economy ( New York: Basil Blackwell, 1988)

[2] Robert Kuttner, The End of Laisser ( New York: Knopf, 1991), p. 157

[3] Economic Report of the President 1997, ( Washington DC: President’s Council of Economic Advisors, 1997), p.243

[4] Thuật ngữ thương mại là các giá cả của hàng hoá liên quan trong thương mại quốc tế Trong trường hợp giữa Mỹ và Ả rập Xê út, thì thuật ngữ thương mại là lượng lúa mì trả cho một thùng dầu ( hay lượng dầu trả cho lúa mỳ). Thuật ngữ thương mại thường được đo trong các loại hàng hoá ( trái với các giá tiền bình thường ) để vượt qua được khó khăn do tỉ giá hối đoái gây ra.

[5]  Xem Jacob E. Cooke, ed., The reports of Alexander Hamilton ( New York; Harper & Row, 1964).

[6] Xem Friedrich List, “ Political and Cosmopolitical Economy,” in The National System of Political Economy ( New York: Augustus M. Kelley, Reprints of Economic Classics, 1966).

[7] Robert Gilpin, The Political Economy of International Relations ( Princeton, NJ: Princeton Universtity Press, 1987), pp.31-33

[8] Được trích từ Stefanie Ann Lenway, The Politics of U.S. International Trade: Protection, Expansion and Escape (Marshfield, MA: Pittman Publishings, 1985), p.65.

[9] Andre Gunder Frank, Latin America: Underdevelopement or Revolution (New York: Monthly Review Press, 1970).

[10] Nhân tố then chốt của toàn bộ hệ thống Bretton Woods là đã gây ra xung đột giữa nhu cầu trong nước và các trách nhiệm quốc tế.

[11] Trên phương diện kỹ thuật, GATT không phải là một tổ chức quốc tế mà là một hiệp định giữa các ông chủ ở đó các thành viên ( quốc gia, lãnh thổ ) kí kết với nhau các hiệp định thương mại

[12] Đối tìm hiểu thêm về chính sách thương mại chiến lược, xem Paul Krugman, Stratergic Trade Policy and the New International Economics ( Cambridge, MA: MIT Pres, 1986).

[13] Gilpin, The Political Economy of International Relations, p. 215.

[14] “ U.S Aids Microsoft in War on Sofware Piracy by Chinese,” Tacoma News Tribune, 22 November 1994, p. E5.