#188 – Quái vật đảo Jekyll (Ch.10): Cơ chế tạo ra tiền của Cục Dự trữ Liên bang

Print Friendly, PDF & Email

backsdone-notfront1

Nguồn: G. Edward Griffin, “The Mandrake Mechanism”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 10.

Biên dịch: Phạm Thị Kim Ngân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island

Nội dung chính: Phương pháp Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ tạo ra tiền từ con số không; khái niệm cho vay nặng lãi là tiền lãi từ những khoản nợ không có thật; nguyên nhân thật sự của thứ thuế ẩn gọi là lạm phát; cách Cục Dự trữ Liên bang tạo ra những vòng tuần hoàn bùng nổ – suy thoái của nền kinh tế.

Trong những năm của thập niên 1940, có một nhân vật truyện tranh vui trên báo tên là Nhà ảo thuật Mandrake. Chuyên môn của ông là tạo nên mọi thứ từ hư không và làm chúng biến mất vào hư không ở thời điểm thích hợp.  Điều đó giống với quá trình sắp được miêu tả trong chương này, vì thế quá trình này được đặt theo tên của ông.

Ở trong các chương trước, chúng ta đã xem xét phương pháp tạo ra tiền từ con số không để cho mượn, được phát triển bởi các nhà chính trị và tiền tệ. Miêu tả này không hoàn toàn chính xác, bởi vì nó ngụ ý rằng tiền được tạo ra trước và đợi người khác đi vay sau. Mặt khác, sách giáo khoa về ngành ngân hàng thường viết rằng tiền được tao ra từ nợ. Phương pháp này cũng dễ dẫn đến những chỗ bị hiểu sai do ám chỉ rằng nợ tồn tại trước rồi được chuyển thành tiền. Sự thật là tiền không được tạo ra cho đến thời điểm nó được mượn. Chính hành động vay nợ làm cho tiền xuất hiện, và ngẫu nhiên, chính hành động trả nợ làm cho tiền biến mất.[1] Không có một cụm từ ngắn nào có thể lột tả chính xác quá trình này. Cho đến khi cụm từ như thế được sáng tạo ra, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng cụm từ “tạo ra tiền từ con số không”, và thỉnh thoảng thêm vào cụm từ “vì mục đích cho mượn” ở những chỗ cần thiết để làm rõ nghĩa.

Chúng ta hãy để sang một bên những con số lịch sử trong quá khứ để nói về “tương lai” của chúng, hay nói cách khác là hiện tại của chúng ta bây giờ, để xem quá trình tạo ra tiền hay là nợ đã được thực hành như thế nào – và cách vận hành của nó.

Dữ liệu cần được cân nhắc trước tiên là tiền của chúng ta ngày hôm nay không hề được bảo đảm bởi vàng hay bạc. Tỉ lệ này không phải là 54% và cũng không phải 15% mà là 0%. Tiền tệ ngày hôm nay đã đi qua hết con đường được bảo đảm theo tỉ lệ trong quá khứ và đã giảm giá trị đến mức hoàn toàn là tín tệ (tiền định danh). Thực tế rằng phần lớn tiền nằm dưới dạng số dư trong sổ chi phiếu (séc) hơn là dạng tiền giấy chỉ đơn giản là vấn đề kỹ thuật, và sự thật là các nhân viên ngân hàng nói về “tỉ lệ dự trữ” chỉ là nói cho có. Những cái họ gọi là “quỹ dự trữ” thực chất là trái phiếu kho bạc và các giấy chứng nhận nợ khác. Tiền của chúng ta hoàn toàn chỉ là tín tệ mà thôi.

Dữ kiện thứ hai cần được phải hiểu rõ là cơ chế Cục Dự trữ tạo ra tiền vô cùng đơn giản mặc cho những biệt ngữ chuyên ngành và thủ tục có vẻ rườm rà. Họ thực hiện điều đó giống hệt như cách của các thợ vàng ngày xưa ngoại trừ lẽ dĩ nhiên là thợ vàng bị buộc phải dự trữ một ít kim loại quý hiếm trong kho, trong khi Cục Dự trữ không hề có hạn chế này.

Cục Dự trữ Liên bang thẳng thắn

Bản thân Cục Dự trữ thẳng thắn một cách đáng ngạc nhiên về quá trình này. Một cuốn sách quảng cáo xuất bản bởi Ngân hàng Dự trữ New York cho biết: “Tiền tệ không được trả lại hay quy đổi thành vàng từ Kho bạc Nhà nước hay bất cứ tài sản nào khác dùng để bảo đảm. Câu hỏi những tài sản nào bảo đảm cho tờ bạc của Cục Dự trữ chỉ có ý nghĩa về mặt sổ sách kế toán.”[2]

Cũng từ cuốn sách đó chúng tôi được biết rằng: “Ngân hàng tạo ra tiền dựa trên lời hứa trả nợ của những người mượn (giấy chứng nhận nợ)…Ngân hàng tạo ra tiền bằng cách “chuyển thành tiền” khoản nợ tư của các cá nhân và doanh nghiệp.”[3]

Trong cuốn sách tựa đề Cách sản xuất tiền hiện đại (Modern Money Mechanics), Ngân hàng Dự trữ Chicago cho biết:

Ở Hoa Kỳ cả tiền giấy lẫn tiền gửi tại ngân hàng đều không có giá trị như hàng hóa. Về bản chất, tờ 1 đô la chỉ là một tờ giấy. Tiền ký gửi chỉ là bút toán trên sổ sách. Bản thân đồng xu có giá trị kim loại, nhưng nhìn chung ít hơn nhiều so với mệnh giá của nó. Vậy thì cái gì đã làm những công cụ này – chi phiếu, tiền giấy và xu – được chấp nhận theo mệnh giá trong việc trả nợ và những mục đích giao dịch khác? Chủ yếu là do lòng tin của người dân rằng họ có thể trao đổi tiền thành những tài sản kinh tế, hàng hóa và dịch vụ  khác bất cứ khi nào họ cần. Một phần khác thì đây là vấn đề  luật pháp; tiền đã được chính phủ pháp định – tức là nó phải được chấp nhận.[4]

Trên bản in rõ ràng của chú thích trong một tập san của Ngân hàng Dự trữ St. Louis, chúng tôi tìm được lời giải thích thẳng thắn đầy bất ngờ:

Hệ thống tiền tệ hiện đại dựa trên nền tảng định danh – theo nghĩa đen là tiền tệ do pháp định – với cơ quan nhận tiền gửi đóng vai trò như người được ủy thác, tạo ra nghĩa vụ cho mình với quy định pháp lý đóng một phần vai trò như các quỹ dự trữ. Quy định pháp lý xuất hiện trên những tờ tiền: “Tờ giấy này là tiền có giá trị pháp định cho mọi khoản nợ, công và tư” (This note is legal tender for all debts, public and private). Trong khi không cá nhân nào có thể từ chối được trả nợ bằng loại tiền này, nhưng hợp đồng trao đổi vẫn có thể được soạn ra dễ dàng để cản trở công dụng của nó trong buôn bán hàng ngày. Tuy nhiên, một lời giải thích mạnh mẽ cho vấn đề tại sao tiền được chấp nhận là do chính phủ yêu cầu dùng tiền để trả thuế. Việc tiên lượng sự cần thiết phải trả nợ thuế tạo ra nhu cầu đối với đồng đô la hoàn toàn mang tính định danh này.[5]

Tiền sẽ biến mất nếu không có nợ

Người Mỹ khó có thể đối mặt với sự thật rằng tổng lượng cung tiền của họ không được bảo đảm bởi bất cứ thứ gì ngoài nợ, và thậm chí còn khó có thể hình dung hơn rằng nếu người ta trả hết tất cả số nợ của mình, thì tiền sẽ không còn tồn tại. Đúng thế, sẽ không còn một xu nào được lưu hành – tất cả đồng xu và tiền giấy sẽ phải được trả về kho dự trữ ngân hàng – và sẽ chẳng còn một đô la nào trong tài khoản của bất cứ ai. Tóm lại, tất cả tiền sẽ biến mất.

Marriner Eccles đã từng là Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ vào năm 1941. Vào ngày 30 tháng 9 cùng năm, Eccles được yêu cầu điều trần trước Ủy ban Ngân hàng và Tiền tệ Hạ viện. Mục đích của phiên điều trần này là để tìm những thông tin về vai trò của Cục Dự trữ Liên bang trong việc tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng những năm 1930 xảy ra. Hạ nghị sĩ Wright Patman, Chủ tịch Uỷ ban đã hỏi bằng cách nào Cục Dự trữ có tiền để mua trái phiếu nhà nước trị giá 2 tỷ đô la năm 1933. Đây là đoạn tranh cãi đã diễn ra sau đó:

Eccles: Chúng tôi đã tạo ra nó.

Patman: Từ cái gì?

Eccles: Từ quyền tạo ra tiền tín dụng.

Patman: Và không có gì bảo đảm chúng, ngoại trừ tín dụng của nhà nước chúng ta, đúng không?

Eccles: Đó chính là hệ thống tiền tệ của chúng ta. Nếu không có một khoản nợ nào trong hệ thống tiền tệ, sẽ chẳng có tiền.

Chúng ta phải nhận ra rằng trong khi tiền có thể tượng trưng cho tài sản đối với những cá nhân nhất định, thì khi được xem xét trong vai trò tổng lượng cung tiền, nó hoàn toàn không phải là tài sản. Một người mượn $1.000 có thể nghĩ rằng anh ta đã làm tăng vị thế tài chính của mình lên khoảng đó, nhưng thực sự là không. $1.000 tài sản bằng tiền mặt được cấn trừ bởi khoản nợ $1.000, cho nên vị thế tài chính ròng của anh ta là 0. Phần lớn các tài khoản ngân hàng giống y hệt như vậy, chỉ là ở quy mô lớn hơn. Nếu cộng tất cả các tài khoản ngân hàng trong một quốc gia, khá là dễ dàng để chúng ta giả thiết rằng tất cả số tiền đó tượng trưng cho một đống tài sản khổng lồ xây dựng nên nền kinh tế. Tuy nhiên, mỗi một phần của số tiền này đều bị nợ bởi những người khác. Một số người sẽ không nợ gì. Những người khác nợ gấp nhiều lần những gì họ có. Cộng tất cả lại với nhau, vị thế ròng của quốc gia sẽ là 0. Cái chúng ta nghĩ là tiền chỉ là ảo giác lớn. Thực tế đó là nợ.

Robert Hemphill là Quản lý Tín dụng của Cục Dự trữ Liên bang ở Atlanta. Trong lời tựa của cuốn sách viết bởi Irish Fisher, tựa đề “100% Tiền” (100% Money), Hemphill đã nói:

Nếu tất cả nợ ngân hàng được trả, sẽ không ai có tiền gửi ngân hàng, và sẽ không có một đô tiền xu hay tiền giấy được lưu hành. Đây là suy nghĩ đáng kinh ngạc. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại. Buộc phải có ai đó vay từng đô la được lưu hành, dù là tiền giấy hay tín dụng. Nếu các ngân hàng tạo ra đủ tiền nhân tạo thì chúng ta sẽ giàu có; còn không, chúng ta sẽ chết đói. Chúng ta hoàn toàn không có một hệ thống tiền tệ lâu dài. Khi nắm được toàn bộ ý nghĩa của bức tranh, hoàn cảnh ngớ ngẩn đầy bi kịch của chúng ta thật khó có thể tin được – nhưng nó là như thế.[6]

Khi biết rằng tiền ở Hoa Kỳ dựa trên nợ, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta phát hiện ra rằng Cục Dự trữ Liên bang không phải là người ít quan tâm nhất đến việc làm giảm khoản nợ của đất nước này, dù cho người dân có bày tỏ quan điểm trái ngược đi chăng nữa. Đây là thông điệp cốt lõi trong chính những ấn phẩm của Cục. Ngân hàng Dự trữ Philadelphia nói: “Mặt khác, có rất đông và ngày càng nhiều các nhà phân tích xem nợ quốc gia như một điều có lợi, thậm chí là một điều may mắn…[Họ tin rằng] thật ra tổng số nợ quốc gia không cần phải giảm.[7]

Ngân hàng Dự trữ Chicago thêm vào: “Nợ – công và tư – phải tồn tại lâu dài. Nợ đóng vai trò quan trọng trong các quá trình kinh tế… Điều cần thiết không phải là bãi bỏ nợ, mà là sử dụng chúng một cách thận trọng và quản lý chúng một cách thông minh.”[8]

Nợ một chút thì đã sao?

Có sức hấp dẫn đầy lôi cuốn đối với giả thuyết này. Nó cho những người thích ra vẻ trí thức tỏ vẻ nắm bắt những vấn đề kinh tế phức tạp vượt quá nhận thức của người phàm. Và nó cũng cho những người ít thiên về học thuật cảm giác dễ chịu, bởi ít ra họ sẽ nghe có vẻ như hiểu chuyện. Xét cho cùng nếu nợ một chút nhưng sử dụng thận trọng và quản lý khôn ngoan thì có vấn đề gì không? Câu trả lời là sẽ chẳng có vấn đề gì hết, nếu như nợ dựa trên giao dịch trung thực. Mặt khác, sẽ có khá nhiều vấn đề xảy ra nếu nó dựa trên sự gian dối.

Giao dịch trung thực là khi người vay trả một khoản tiền đã thỏa thuận từ trước để có thể tạm thời sử dụng tài sản của người cho mượn. Tài sản đó có thể là bất cứ thứ gì có giá trị hữu hình. Ví dụ như xe máy, thì người mượn sẽ trả tiền “thuê”. Nếu như đó là tiền, thì tiền thuê gọi là “lãi”. Dù trường hợp nào chăng nữa thì khái niệm vẫn giống nhau.

Khi đến gặp một người cho vay – dù là ngân hàng hay là một cá nhân nào đó – và nhận được khoản tiền cho vay, chúng ta sẵn sàng trả lãi phát sinh từ khoản vay để xác nhận rằng tiền đang mượn là tài sản chúng ta muốn dùng. Nó chỉ được xem là công bằng khi phí thuê tài sản được trả cho người sở hữu nó. Mua một chiếc xe ô tô không phải dễ, và kiếm tiền cũng vậy – nhất là tiền thật. Nếu tiền chúng ta mượn được là do lao động và tài năng của người khác, họ hoàn toàn có quyền nhận lãi từ chúng. Nhưng nếu như những thứ chúng ta coi là tiền được tạo thành chỉ từ một nét bút hay nhấn bàn phím máy tính thì sao? Tại sao người khác nên thu phí thuê từ đó?

Khi ngân hàng đưa tín dụng vào tài khoản của bạn, họ chỉ giả vờ cho bạn mượn tiền. Thực tế là họ không có gì để cho mượn. Kể cả tiền của những người không mắc nợ gửi ở ngân hàng thì gốc rễ của nó cũng là được tạo ra để đáp ứng khoản vay của một ai đó. Vậy thì cái gì đã cho phép ngân hàng thu tiền thuê từ con số không? Việc tất cả mọi người bị luật pháp buộc phải chấp nhận những giấy tờ chứng nhận này để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ thực sự cũng không quan trọng. Cái mà chúng ta đang nói đến ở đây không phải cái gì là hợp pháp, mà là cái gì là hợp đạo đức. Thomas Jefferson quan sát cuộc chiến kéo dài của ông chống lại Ngân hàng Trung ương Mỹ và rút ra rằng: “Không ai có quyền tự nhiên trong việc kinh doanh cho vay tiền ngoài kẻ có tiền để cho vay.”[9]

Lý do thứ ba để loại bỏ hệ thống

Vài thế kỉ trước, cho vay nặng lãi được định nghĩa là bất cứ khoản lãi nào phát sinh từ khoản cho vay. Cách sử dụng hiện nay đã định nghĩa lại khái niệm này là lãi cao quá mức. Tất nhiên, bất cứ khoản tiền lãi nào thu từ các khoản vay giả vờ (tức không dựa trên tiền có thực của người cho vay – NBT) thì đều đều là cao quá mức. Vì thế từ điển cần một định nghĩa mới. Cho vay nặng lãi: tính lãi phát sinh từ khoản cho vay bằng tiền định danh (tín tệ).

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét nợ và lãi dưới góc độ này. Thomas Edison đã tóm gọn sự trái luân lí của hệ thống khi ông nói rằng:

Những người không cầm xà beng để làm việc cho dự án cũng như không đóng góp một đồng nguyên vật liệu nào sẽ thu được nhiều tiền…hơn cả những người cung cấp nguyên vật liệu và làm tất cả mọi việc.[10]

Đó có phải là nói quá không? Chúng ta hãy xem xét việc mua một ngôi nhà giá 100.000 đô la, trong đó 30.000 đô là giá đất, phí kiến trúc sư, hoa hồng bán nhà, giấy phép xây dựng, và những thứ tương tự như thế, còn 70.000 đô là tiền nhân công và vật liệu xây dựng. Nếu người mua nhà trả trước 30.000 đô, thì 70.000 đô phải đi mượn. Nếu khoản cho vay được đưa ra ở mức lãi suất 11% trong vòng 30 năm, số tiền lãi phải trả sẽ là $167.806. Điều này có nghĩa là khoản tiền được trả cho người cho vay gấp 2,4 lần so với khoản riền trả cho người cung cấp nhân công và vật liệu xây dựng. Đúng là con số này tượng trưng cho giá trị của khoản tiền đó trong 30 năm, và có thể được giải thích rõ ràng dựa trên cơ sở người cho vay xứng đáng được đền bù cho việc từ bỏ sử dụng vốn của mình suốt nửa cuộc đời. Nhưng đó là giả thiết người cho vay thực sự phải từ bỏ cái gì đó, và người đó đã làm ra vốn, tiết kiệm, và cho một người khác mượn để xây nhà. Tuy nhiên, chúng ta phải nghĩ như thế nào về việc người cho vay đã không làm gì để kiếm được tiền, không phải tiết kiệm, và thực chất, chỉ tạo ra nó từ không khí? Giá trị thời gian của hư không là cái gì?

Như chúng tôi đã nói, mỗi đồng đô la tồn tại ngày hôm nay, dù dưới dạng tiền tệ, tiền séc, hay cả tiền trong thẻ tín dụng – nói cách khác, toán bộ lượng cung tiền – tồn tại chỉ bởi vì nó được người khác mượn; có thể không phải bạn, nhưng một người nào đó. Điều này nghĩa là tất cả đồng đô la Mỹ trên thế giới đang tạo ra thu nhập và lãi kép mỗi ngày cho những ngân hàng nào đã tạo ra chúng.  Một phần của tất cả mọi công việc kinh doanh, mỗi khoản đầu tư, mỗi khoản lợi tức, mỗi giao dịch liên quan đến tiền – bao gồm các khoản lỗ và trả thuế – một phần của tất cả những thứ ấy đều được đánh dấu riêng là khoản phải trả cho ngân hàng. Và ngân hàng đã làm gì để kiếm được dòng chảy tài sản liên tục này? Có phải họ đã cho vay vốn của chính họ kiếm được từ đầu tư của các cổ đông hay không? Có phải họ cho vay những khoản tiết kiệm mà khó khăn lắm những người gửi mới kiếm được không? Không, không phải bất cứ điều nào trong các điều trên là nguồn thu nhập chính. Họ chỉ đơn giản vẩy cây đũa thần gọi là tiền định danh.

Dòng chảy của những tài sản bỗng dưng có được đó nằm dưới cái mác lãi suất chỉ có thể được xem như là mức cao nhất của việc cho vay nặng lãi. Kể cả không có lí do nào để loại bỏ Cục Dự trữ Liên bang, chỉ riêng việc nó là công cụ tối cao cho vay nặng lãi đã là quá đủ.

Ai đã tạo ra tiền để trả lãi?

Một trong những câu hỏi phức tạp nhất liên quan đến quá trình này là “Tiền trả lãi từ đâu mà có?” Nếu bạn mượn ngân hàng $10.000 ở mức lãi 9%, bạn nợ $10.900. Nhưng ngân hàng chỉ tạo ra $10.000 cho khoản nợ. Do đó, hầu như không còn cách nào để bạn và tất cả những người khác với khoản nợ tương tự có thể trả hết nợ. Tất cả tiền lưu hành không đủ để trả hết tổng nợ, bao gồm cả lãi.  Điều này khiến một vài người đi đến kết luận rằng bạn cần phải mượn $900 để trả lãi, và lại dẫn đến nhiều lãi hơn. Giả thiết là chúng ta càng mượn nhiều thì càng phải mượn nhiều hơn, và nợ phát sinh từ tiền định danh là một vòng xoáy không có điểm dừng, không ngừng dẫn đến nợ ngày càng tăng.

Đây là một phần sự thực. Mặc dù đúng là tiền tạo ra không bao gồm cả lãi, nhưng nếu nói cách duy nhất để trả nợ là vay thêm thì chỉ là ngụy biện. Giả thiết đã không cân nhắc sự trao đổi giá trị lao động. Hãy cho phép chúng tôi giả sử rằng bạn trả lại khoản nợ $10.000 ở tiến độ xấp xỉ $900 một tháng và rằng $80 trong đó là tiền lãi. Bạn nhận ra rằng bạn đang bị áp lực nặng nề để trả tiền nên bạn quyết định nhận một công việc bán thời gian. Mặt khác, lúc này ngân hàng đang kiếm được khoản lời $80 đô la mỗi tháng từ khoản nợ. Vì khoản tiền này được phân loại là “tiền lãi”, nó không bị trả lại (cho người gửi tiền vào ngân hàng) như phần nợ gốc lớn hơn. Vì thế nó vẫn là khoản tiền được phép tiêu dùng trong tài khoản ngân hàng. Quyết định được đưa ra là ngân hàng sẽ thuê người đánh bóng mặt sàn trụ sở ngân hàng mỗi tuần một lần. Bạn nộp đơn xin việc theo quảng cáo ở trên báo và được thuê ở mức $80 một tháng để làm việc đó. Kết quả là bạn kiếm tiền để trả lãi cho khoản nợ, và – đây chính là điểm quan trọng – tiền bạn nhận được bằng với tiền bạn đã trả trước đây. Chỉ cần bạn làm việc cho ngân hàng mỗi tháng, chính số tiền bạn trả lãi cho ngân hàng sẽ đi vòng qua cửa thành lương của bạn, rồi lại quay lại ngân hàng thành tiền trả nợ.

Bạn không phải nhất thiết đi làm trực tiếp cho ngân hàng. Không cần biết bạn kiếm tiền ở đâu, điểm khởi đầu của nó là ngân hàng, kết thúc cũng là ngân hàng. Cái vòng nó phải đi qua có thể lớn hay nhỏ, nhưng sự thật là rốt cuộc lãi được trả bằng sức người. Tầm quan trọng của điều đó còn đáng giật mình hơn cả giả thiết không có đủ tiền được tạo ra để trả lãi. Toàn bộ nỗ lực của con người cuối cùng sinh lợi cho kẻ tạo ra tiền định danh. Đó là một dạng thân phận nông nô hiện đại mà theo đó phần lớn xã hội làm việc như những nô lệ bị ràng buộc phục vụ tầng lớp thống trị là giới quý tộc tài chính.

Hiểu về trò ảo thuật

Đó là những gì người ta cần biết về sự vận hành của cartel ngân hàng dưới sự bảo vệ của Cục Dự trữ Liên bang. Nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đây mà không xem xét đến những chiếc bánh răng, gương, và ròng rọc thực tế đã khiến cho bộ máy kì diệu này chuyển động. Đó là một bộ máy thực sự hấp dẫn của sự bí ẩn và lừa lọc. Do đó chúng ta sẽ chuyển sự chú ý đến quá trình thực tế mà các nhà ảo thuật tạo ra trò ảo thuật của tiền tệ hiện đại. Trước hết chúng ta lùi lại để có một cái nhìn khái quát bức tranh toàn cảnh. Sau đó chúng ta sẽ tiếp cận gần hơn để phân tích mỗi thành phần một cách chi tiết.

Khái quát về cơ chế Mandrake

NỢ

Toàn bộ chức năng của bộ máy này là chuyển nợ thành tiền. Đơn giản là thế. Đầu tiên, Cục Dự trữ sẽ mua hết trái phiếu chính phủ mà người dân không mua và trả tiền bằng cách viết một tờ chi phiếu (séc) xuất cho Quốc hội. (Cục Dự trữ cũng có những khoản nợ khác, nhưng phần lớn là trái phiếu chính phủ). Không có tiền để đảm bảo cho tờ chi phiếu này. Những đồng đô la định danh được tạo ra ngay khi cần cho mục đích đó. Bằng cách gọi những trái phiếu này là “dự trữ”, Cục Dự trữ sử dụng chúng làm nền tảng để tạo ra thêm 9 đô la khác cho mỗi đô la tạo ra từ trái phiếu. Tiền được tạo ra tương ứng với các trái phiếu được chính phủ sử dụng, còn tiền tạo ra thêm từ những trái phiếu này là nguồn gốc của những khoản tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp và cá nhân vay. Kết quả của quá trình này cũng giống như in tiền, nhưng trò ảo thuật được dựa trên những mánh khóe kế toán hơn là mánh khóe in ấn. Kết quả là Quốc hội và cartel ngân hàng bước vào mối quan hệ đối tác mà qua đó cartel được hưởng đặc quyền thu lãi từ tiền tạo ra từ con số không, hưởng lợi vĩnh viễn từ mỗi đồng đô la Mỹ tồn tại trên thế giới. Mặt khác, Quốc hội có nguồn tài trợ vô hạn mà không cần phải nói với cử tri rằng thuế đang được tăng lên dưới hình thức lạm phát. Nếu như bạn hiểu đoạn này, bạn đã hiểu được Cục Dự trữ Liên bang.

…..

Chi tiết về cơ chế Mandrake

Tỉ lệ dự trữ 

Nợ quốc gia không cần thiết đối với lạm phát

Thuế thậm chí là không cần thiết

Lý do thứ tư để bãi bỏ hệ thống

Công cụ lập kế hoạch xã hội

Phân bố lại của cải

Mở rộng dẫn tới thu hẹp cung tiền

Tóm lược

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll-Ch 10.pdf

————

[1] I Bet You Thought, Federal Reserve Bank of New York, p.11.

[2] Như trên, p.19.

[3] Modern Money Mechanics, Federal Reserve Bank of Chicago, revised October 1982, p.3.

[4] “Money, Credit and Velocity”, Review, May, 1982, Vol. 64, No.5, Federal Reserve, Bank of Louis, p.25

[5] Irving Fisher, 100% Money (New York: Adelphi, 1936), p. xxii.

[6] The National Debt, Federal Reserve Bank of Philadelphia, pp. 2,11.

[7] Two Faces of Debt, Federal Bank of Chicago, p. 33.

[8] The Writings of Thomas Jefferson, Library Edition (Washing: Jefferson Memorial Association, 1903), Vol XIII, p.277-78.

[9] Được trích dẩn từ Brian L., Bex, The Hidden Hand (Spencer, Indiana: Own Litho, 1975), p.161. Rất tiếc, Edison đã không hiểu toàn bộ vấn đề. Ông  đã đúng về việc trả lãi cho ngân hàng từ tiền định danh họ đã tạo ra, nhưng không đúng về tiền định danh của chính phủ. Ông chỉ phản đối một mình lãi. Ông đã không thấy bức tranh lớn hơn của việc bằng cách nào mà tiền định danh luôn phá hủy nền kinh tế bằng việc tạo ra lạm phát, bùng nổ và suy thoái, kể cả khi nó được phát hành độc quyền bởi chính phủ và không lấy lãi.

[10] Con số 10% (tỉ số 10 trên 1) dựa trên mức trung bình. Cục Dự trữ Liên bang yêu cầu dự trữ tối thiểu 10% kí gửi vượt quá $47.6 triệu nhưng chỉ 3% cho kí gửi từ $7 triệu đến khoảng đó, và không cần dự trữ nếu tiền kí gửi dưới $7 triệu.