Tư tưởng của Weber về quan hệ giữa tôn giáo và phát triển

weber

Biên dịch: Phạm Hồng Anh

Lời mở đầu

Max Weber là một trong ba nhà triết học có khả năng giải thích cho chúng ta một cách cặn kẽ nhất về hệ thống kinh tế đặc thù có tên gọi Chủ nghĩa tư bản (Karl Marx và Adam Smith là hai người còn lại).

Sinh ra tại Erfurt, Đức vào năm 1864, Weber lớn lên trong bối cảnh đất nước của ông chấn động bởi những biến chuyển mạnh mẽ bắt nguồn từ Cuộc Cách mạng Công nghiệp. Các thành phố bùng nổ diện tích, những công ty lớn được hình thành, một thế hệ lãnh đạo quản lý mới dần thay thế sự thống trị của tầng lớp quý tộc cũ.

Cha của Weber, một người thành công trong cả kinh doanh lẫn chính trị, đã làm ăn thịnh vượng trong thời kỳ mới này và để lại cho Weber một gia tài có thể đảm bảo cho ông sự độc lập để trở thành một học giả. Mẹ ông là tuýp người hướng nội và điềm đạm điển hình, phần lớn thời gian bà ở nhà như một con chiên Cơ đốc ngoan đạo và nghiêm ngặt trong sinh hoạt tình dục.

Weber thành công trong lĩnh vực học thuật khi tuổi đời còn trẻ. Nhưng vào năm khoảng hơn ba mươi tuổi, trong một buổi họp mặt gia đình, ông đã tranh cãi kịch liệt với cha về cách cư xử đối với mẹ. Cha ông mất vào ngay ngày hôm sau, và Weber tin rằng ông đã vô tình giết chết cha mình. Điều này đẩy ông chìm sâu trong tuyệt vọng và lo lắng. Weber buộc phải từ bỏ công việc ở trường đại học và dành thời gian nằm dài yên lặng trên ghế sofa trong suốt hai năm.

Cũng như mẹ của ông, Marianne – vợ ông – không giúp đỡ được gì nhiều. Cuộc hôn nhân của ông không trọn vẹn và tràn ngập những lời chỉ trích căng thẳng từ cả hai phía. Con đường quay lại học thuật của Weber lại mở ra sau khi ông trải qua cuộc tình phóng khoáng với Else von Richthofen, một sinh viên 19 tuổi có tư tưởng tân tiến về tình dục (Frida, chị của Else, cũng có tính khí tương tự, đã kết hôn với tiểu thuyết gia D. H. Lawrence). Ông đặc biệt thích nhìn những vết răng Else để lại trên cánh tay mình vào buổi sáng sau những đêm họ ân ái. Nhà tâm lý học Freud hẳn là được sinh ra để nghiên cứu lối sống của triết gia cùng thời, Max Weber.

Trong cuộc đời mình, Weber không được biết đến rộng rãi. Nhưng về sau tiếng tăm của ông cứ dần tăng theo cấp số nhân – bởi ông là người đã khởi nguồn một vài ý tưởng giải thích cho sự vận hành và tương lai của Chủ nghĩa tư bản.

1.Tại sao Chủ nghĩa tư bản tồn tại?

Chúng ta có thể cảm thấy Chủ nghĩa tư bản là cái gì đó thông thường và tất yếu, nhưng dĩ nhiên là không phải như vậy. Tính trong chiều dài lịch sử, nó mới tồn tại khá gần đây, và chỉ bén rễ thành công ở một số nước.

Theo quan niệm chuẩn, Chủ nghĩa tư bản là kết quả của quá trình phát triển công nghệ (cụ thể là phát minh ra năng lượng từ hơi nước). Nhưng Weber cho rằng thứ cấu thành nên Chủ nghĩa tư bản không phải những khám phá về khoa học, mà là một tập hợp những tư tưởng – cụ thể ở đây là những tư tưởng tôn giáo.

Tôn giáo thúc đẩy Chủ nghĩa tư bản ra đời. Không phải một tôn giáo bất kì nào; mà là một loại phi-Công giáo đã thịnh hành ở Bắc Âu, nơi Chủ nghĩa tư bản đã và đang tiếp tục tồn tại mạnh mẽ. Chủ nghĩa tư bản được hình thành bởi đạo Tin lành, cụ thể là Thần học Calvin – được phát triển bởi John Calvin từ Geneva và những tín đồ theo Thanh giáo ở nước Anh.

Trong tác phẩm nổi tiếng của mình: “Nền đạo đức Tin lành và Tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản” (The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism) xuất bản năm 1905, Weber đưa ra một vài luận điểm lý giải tại sao ông tin rằng đạo Cơ đốc Tin lành có những ảnh hưởng sâu sắc đến Chủ nghĩa Tư bản: 

i) Đạo Tin lành khiến con người luôn luôn cảm thấy tội lỗi:

Theo phân tích của Weber, những con chiên Công giáo hẳn sẽ trải qua điều này một cách dễ dàng. Những tín đồ trót lầm lạc có thể thú tội thường xuyên và được các linh mục “rửa sạch tội lỗi”, và do đó được phục hồi nhân phẩm trước Chúa. Nhưng những con chiên theo đạo Tin lành không có sự thanh lọc như vậy, bởi chỉ có Chúa mới có quyền tha thứ và Chúa sẽ không hé lộ ý định của mình cho tới Ngày Phán quyết (Day of Judgement). Theo Weber, cho tới tận ngày đó, những người Tin lành sẽ luôn gánh chịu cảm giác lo lắng cũng như ước vọng hèn mọn cả đời là được minh chứng đức hạnh của họ trước một vị Chúa nghiêm khắc, nhìn thấu tất cả nhưng lại luôn giữ im lặng.

ii) Chúa thích sự chăm chỉ

Trong quan điểm của Weber, cảm giác tội lỗi của người Tin lành thường được chuyển hướng vào đam mê làm việc. Tội lỗi của Adam chỉ có thể được xóa bỏ bằng cách lao động cực nhọc liên tục. Nghỉ ngơi, thư giãn và đi săn – như giới quý tộc Công giáo xưa thích làm – sẽ gây thêm phiền nhiễu cho Chúa. Không ngẫu nhiên mà đạo Tin lành có ít lễ hội và ngày nghỉ hơn. Chúa không thích thời gian nhàn rỗi. Tiền bạc kiếm được không phải để ném vào hội hè và ăn mừng hiện tại. Tiền luôn luôn chỉ được dùng để tái đầu tư cho ngày mai.

iii) Mọi công việc đều thiêng liêng

Những người theo Công giáo cho rằng khái niệm về công việc thiêng liêng chỉ giới hạn trong những hoạt động của giới tăng lữ. Nhưng hiện tại những người theo đạo Tin lành tuyên bố rằng công việc thuộc bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể và nên được thực hiện nhân danh Chúa lòng lành, ngay cả những nghề như thợ làm bánh hay nhân viên kế toán. Điều này tiếp thêm nghị lực tinh thần và sự nghiêm túc mới cho mọi ngành nghề chuyên nghiệp. Lao động không chỉ là để kiếm sống, mà nó còn là một phần trong thiên hướng tôn giáo muốn thể hiện phẩm hạnh của con chiên với Chúa. Một nhân viên kế toán cũng phải có ý thức hoàn thành công việc tại nơi làm việc với tất cả sự nghiêm túc và lòng mộ đạo như của một thầy tu.

iv) Cộng đồng – chứ không phải gia đình – mới là điều quan trọng

Ở những quốc gia theo Công giáo, gia đình từng đã (và thường vẫn đang) là tất cả. Một người có thể thường xuyên tìm việc làm cho họ hàng, giúp đỡ các ông chú biếng nhác và đôi khi gian lận qua mặt chính quyền vì chút lợi ích của gia đình mà không cảm thấy ăn năn nhiều. Nhưng đạo Tin lành có cái nhìn ít rộng lượng hơn về gia đình. Gia đình có thể là nơi chứa đựng những toan tính ích kỷ và vị kỷ, trái ngược hẳn với những huấn thị của Jesus rằng một người Thiên Chúa nên quan tâm đến gia đình của mọi tín đồ, chứ không chỉ riêng gia đình của mình. Với những con chiên đạo Tin lành thời kỳ đầu, người ta phải quên mình cống hiến sức lực cho toàn bộ cộng đồng nơi mà mọi người đều xứng đáng có được sự công bằng và phẩm hạnh. Việc đặt gia đình lên trên và đi ngược lại những đòi hỏi của số đông chính là một tội lỗi; đã đến lúc chấm dứt những quyền lợi được đảm bảo nhỏ nhen và lòng trung thành chỉ dành riêng cho dòng tộc.

v) Phép màu không tồn tại

Đạo Tin lành quay lưng với những điều kỳ diệu. Chúa không đứng sau để tạo lực đẩy cho con người ngày qua ngày. Con người không thể cầu nguyện và trực tiếp được Chúa hồi âm. Sức mạnh siêu nhiên không thể can thiệp một cách kỳ cục và ngây ngô như vậy. Weber gọi điều này là “sự đập tan ảo mộng của thế giới.” Thay vào đó, triết học của đạo Tin lành nhấn mạnh vào hành động của con người: thế giới hàng ngày được thống trị bởi những sự việc, bởi lý lẽ và bởi những quy luật khoa học được khám phá. Và do đó, sự phồn vinh không phải được Chúa bí ẩn sắp đặt và cũng không thể đạt được bằng những lời cầu nguyện. Nó chỉ có thể là kết quả của quá trình suy nghĩ có phương pháp, hành xử lương thiện, lao động hăng say và hiệu quả trong nhiều năm.

Tóm lại, trong quan điểm của Weber, cả năm yếu tố này đã hình thành nên những nguyên liệu xúc tác quan trọng cho Chủ nghĩa tư bản cất cánh. Trong phân tích của mình, Weber thể hiện rõ sự không đồng tình với Karl Marx, bởi Marx đã đề xuất một cách nhìn duy vật về Chủ nghĩa tư bản (trong đó công nghệ được xem như đã cấu thành một hệ thống xã hội tư bản mới); trong khi đó Weber ủng hộ cách nhìn duy tâm (cho rằng trên thực tế một tập hợp những tư tưởng đã cấu thành Chủ nghĩa tư bản và tạo ra lực đẩy cho những phát triển công nghệ và tài chính mới).

Cuộc tranh luận giữa Weber và Marx xoay quanh vai trò của tôn giáo. Marx cho rằng tôn giáo là “thuốc phiện của quần chúng”, một thứ thuốc gây ra sự chấp thuận bị động với những khía cạnh đen tối của Chủ nghĩa tư bản. Nhưng Weber cắt nghĩa câu nói này theo một hướng hoàn toàn khác. Trên thực tế chính tôn giáo là căn nguyên và cũng là nguồn ủng hộ trước nhất với Chủ nghĩa tư bản. Con người không chấp nhận Chủ nghĩa tư bản bởi vì tôn giáo, mà họ chỉ trở thành những nhà tư bản như một hệ quả xuất pháttừ chính tôn giáo của mình.

2. Chủ nghĩa tư bản phát triển khắp thế giới như thế nào?

Chủ nghĩa tư bản hiện đang phát triển mạnh mẽ ở khoảng 35 quốc gia. Hệ thống này vận hành tốt nhất có lẽ ở Đức, nơi mà Weber lần đầu quan sát nó. Nhưng ở 161 quốc gia còn lại, có lẽ nó không đi đúng đường.

Đây là nguồn cơn của tình trạng rối ren và bần cùng. Hàng tỉ đô la cứu trợ được chuyển từ các nước giàu sang các nước nghèo mỗi năm, được sử dụng vào thuốc chữa sốt rét, những tấm pin năng lượng mặt trời và những khoản trợ cấp cho các dự án tưới tiêu nông nghiệp và thúc đẩy giáo dục cho phụ nữ.

Nhưng phân tích của Weber cho chúng ta thấy rằng những sự can thiệp về vật chất này sẽ không bao giờ có kết quả, bởi ngay từ đầu đây thực sự không phải là một vấn đề về vật chất. Chúng ta phải bắt đầu từ cấp độ tư tưởng.

Thứ mà World Bank và IMF nên chuyển đến Châu Phi hạ-Sahara không phải là tiền và công nghệ, mà là tư tưởng.

Trong phân tích của Weber, một số nước thất bại trong việc vận hành Chủ nghĩa tư bản bởi họ không cảm thấy đủ lo lắng và tội lỗi, họ đặt quá nhiều niềm tin vào phép màu, họ thích tận hưởng hiện tại hơn là tái đầu tư cho tương lai, và người dân cảm thấy việc trộm cắp từ cộng đồng để làm giàu cho gia đình là chấp nhận được, họ ủng hộ sống vì dòng tộc hơn là vì dân tộc.

Weber không tin con đường duy nhất để trở thành một đất nước tư bản thành công là phải cải đạo sang đạo Tin lành. Ông tranh luận rằng đạo Tin lành chỉ mang lại những ý niệm thực thi đầu tiên, mà bản thân chúng hiện có thể tồn tại bên ngoài hệ tư tưởng tôn giáo.

Ngày nay, với những ai muốn mở rộng Chủ nghĩa tư bản, Weber có thể sẽ đề xuất việc tập trung vào một lĩnh vực tương đương với tôn giáo: văn hóa. Chính thái độ, hy vọng và cảm nhận của một dân tộc về cuộc sống là những yếu tố sản sinh ra một nền kinh tế hoặc phồn vinh hoặc lụi tàn. Bởi thế con đường cải cách một nền kinh tế không nên đi qua trợ cấp về vật chất mà nên vòng qua trợ giúp từ văn hóa. Vấn đề quyết định của một nền kinh tế không phải ở việc lạm phát đạt mức bao nhiêu, mà nằm ở câu chuyện tối nay TV chiếu chương trình gì.

3. Tại sao Chủ nghĩa tư bản không thành công ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo (quốc gia nghèo nhất trên thế giới)?

Hẳn Weber sẽ nói với chúng ta, đó là bởi vì quốc gia không may mắn này có tư tưởng lầm lạc, trái ngược với những người Đức sống dọc sông Rhine (người Congo sống dọc sông Congo – NBT). Họ tin vào dòng tộc, họ chờ đợi điều kỳ diệu, họ không tin rằng chính Chúa muốn họ phải trở thành một thợ máy hay thợ cắt tóc lương thiện…

Luận điểm của Weber chỉ ra rằng nếu Chủ nghĩa tư bản muốn bén rễ ở các nước đang phát triển – và đem lại năng suất lao động cao hơn và nền kinh tế thịnh vượng hơn – thì khi đó chúng ta sẽ cần hướng đến việc thay đổi thái độ, khích lệ tinh thần của Thuyết thần học Calvin – nhưng ở một phiên bản cập nhật hơn.

Quan điểm của Weber về phát triển toàn cầu được nêu lên trong hai cuốn sách ông viết về hai tôn giáo mà ông cảm thấy chúng chẳng giúp ích gì cho Chủ nghĩa tư bản, đó là “Tôn giáo Ấn Độ” (The Religion of India) và “Tôn giáo Trung Hoa” (The Religion of China). Với Weber, chế độ đẳng cấp của đạo Hindu phân cho mọi người một địa vị mà họ chẳng thể chối bỏ, và vì thế nó khiến cho bất cứ nỗ lực bền bỉ nào nhằm phát triển kinh tế cũng trở thành vô ích. Niềm tin vào kiếp luân hồi (samsara) – sự đầu thai chuyển kiếp của linh hồn – cũng truyền cảm hứng cho quan niệm rằng chẳng có điều gì có thể thay đổi trừ khi tới tận kiếp sau. Trong khi đó, quan niệm về dòng tộc của đạo Hindu không đặt nặng trách nhiệm cá nhân và khuyến khích chế độ gia đình trị hơn là trọng dụng người tài. Những tư tưởng này dẫn đến những hệ quả về kinh tế; mà theo thuyết của Weber, chúng giải thích vì sao ngày nay số lượng bệnh viện công có chất lượng ở Geneva và Erfurt rất nhiều trong khi lại thưa thớt ở Chennai hay Varanasi.

Weber cũng ghi nhận những nhân tố kém hiệu quả tương tự ở Trung Quốc. Ở đây đạo Khổng đã ăn sâu vào nề nếp truyền thống. Không ai có khả năng suy nghĩ để tìm cách lật lại vấn đề. Sự tận tụy tìm cách tham gia hệ thống quan liêu củng cố nền tảng cho một xã hội ‘tĩnh’ – trong khi kỹ năng kinh doanh phải xuất phát từ sự đan xen hữu ích giữa bất an và hy vọng.

4. Chúng ta thay đổi thế giới bằng cách nào?

Weber đã viết trong một kỷ nguyên cách mạng. Rất nhiều người quanh ông đã nỗ lực để tạo ra thay đổi: những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa xã hội, những người chủ trương vô chính phủ, những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, và những người hướng đến chủ nghĩa phân lập (ly khai).

Bản thân ông cũng muốn thực tế thay đổi, nhưng ông tin rằng trước hết phải tìm hiểu quyền lực chính trị vận hành trên thế giới ra sao.

Ông tin rằng nhân loại đã trải qua ba loại quyền lực   khác biệt trong suốt chiều dài lịch sử. Những xã hội cổ xưa nhất vận hành theo cái ông gọi là “quyền lực truyền thống.” Đó là khi đế vương dựa vào sức hấp dẫn từ truyện dân gian và thần thoại để củng cố địa vị quyền lực của mình. Những xã hội như vậy bị sự trì trệ ăn sâu và rất hiếm khi chấp thuận sáng kiến mới.

Những xã hội kiểu này dần dần bị thay thế bởi một kỉ nguyên của “quyền lực lôi cuốn”, nơi mà một cá nhân anh hùng, điển hình như một Napoleon, có thể vươn tới quyền lực nhờ vào cá tính lôi cuốn – và có khả năng thay đổi mọi thứ quanh mình bằng khao khát và ý chí.

Tuy nhiên, theo Weber, hiện giờ chúng ta đã đi qua giai đoạn lịch sử đó rất lâu rồi, và đã bước sang một kỉ nguyên thứ ba của “quyền lực tổ chức”. Đây là loại quyền lực được nắm bởi những hệ thống quản lý phức tạp khổng lồ – mà những công dân bình thường khó có thể nắm được cách chúng vận hành. Nó rõ ràng không phải những việc các công chức làm trong cuộc họp và ở bàn làm việc của họ. Hệ thống tổ chức nắm quyền hành thông qua kiến thức: chỉ có những công chức mới biết cách mọi thứ vận hành, trong khi một người bên ngoài phải mất hàng năm mới nắm được điều đó (chẳng hạn như chính sách nhà ở hay chương trình giáo dục có cấu trúc thực sự như thế nào). Phần lớn mọi người sẽ đơn giản từ bỏ – điều này lại vô cùng có lợi cho những người nắm quyền…

Sự thống lĩnh của hệ thống quản trị này có tác động lớn đến bất cứ ai muốn đem lại sự thay đổi cho một quốc gia. Thông thường sẽ có một mong muốn dễ hiểu nhưng sai lầm về mặt nhận thức là chỉ cần thay đổi lãnh đạo, người được tưởng tượng như là một “siêu nhân” tự mình quyết định mọi thứ. Nhưng trên thực tế, việc loại bỏ lãnh đạo hầu như không bao giờ gây được ảnh hưởng lớn như mong đợi. (Ví dụ như việc Obama thay chỗ cho Bush chẳng dẫn đến những thay đổi nhiều người hy vọng – và Weber chắc hẳn sẽ chẳng ngạc nhiên về điều này).

Weber biết rằng ngày nay một cá nhân không thể đem lại thay đổi lớn lao cho xã hội chỉ vì tính cách của ông ta lôi cuốn. Chúng ta có thể có cảm tưởng các biến chuyển chính trị nên được thúc đẩy bằng những lời hùng biện nồng nhiệt, bằng diễu hành, bằng những cử chỉ kích động lòng dân, lớn lao và mãnh liệt, như xuất bản một cuốn sách bán chạy về cách mạng chẳng hạn. Nhưng Weber lại khá bi quan về những hy vọng như vậy, bởi chúng đi lệch khỏi hiện thực vận hành thế giới hiện đại. Cách duy nhất để vượt qua được quyền lực gắn liền với hệ thống quản trị quan liêu là con đường thông qua tri thức và tổ chức có hệ thống.

Weber khích lệ chúng ta thấy rằng thay đổi không hẳn là bất khả thi, nhưng phức tạp và cần thời gian. Nếu chúng ta muốn mọi việc tốt đẹp hơn, phần lớn chúng sẽ không cần trải qua những biến cố thăng trầm. Thay vào đó sẽ là sự sắp đặt cẩn trọng những bằng chứng thống kê, những báo cáo tóm tắt kiên trì tới các bộ trưởng, những chứng cứ cho các phiên điều trần và các nghiên cứu kỹ lưỡng về ngân sách.

Kết luận

Mặc dù bản thân là một người thận trọng, Weber lại khơi gợi nguồn ý tưởng không ngờ về cách thức thay đổi hiện thực. Ông cho chúng ta thấy quyền lực vận hành như thế nào, và nhắc chúng ta nhớ rằng tư tưởng có thể còn quan trọng hơn nhiều so với công cụ và tiền bạc ở những quốc gia đang chuyển mình. Đó thực sự là một luận điểm đầy ý nghĩa. Chúng ta học được rằng rất nhiều những thứ chúng ta gắn cho nguồn lực khách quan bên ngoài (và do đó dường như hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta) trên thực tế lại phụ thuộc vào một thứ thực sự gần gũi và có lẽ còn dễ kiểm soát hơn: chính là những ý nghĩ ngay trong đầu chúng ta.

Bài liên quan: Sự cáo chung của lịch sử

Bản gốc tiếng Anh: The Philosophers’ Mail