#195 – Chiến tranh Lạnh trong lịch sử xung đột thế kỷ 20 (Phần 2)

Print Friendly, PDF & Email

Gorbachev_and_Reagan_1988-11

Nguồn: Joseph S. Nye (2007). “The Cold War” (Chapter 5), in Joseph S. Nye, Understanding International Conflicts (New York: Longman), pp. 115-156.[1]

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Understanding International Conflicts

Phần còn lại của Chiến tranh Lạnh

Vào năm 1952, Dwight Eisenhower được bầu làm tổng thống với cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử là kết thúc chiến tranh Triều Tiên và tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Đảng Cộng hòa cho rằng chính sách ngăn chặn là một sự thỏa hiệp hèn nhát đối với chủ nghĩa cộng sản. Chính sách đúng đắn phải là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên trong vòng 6 tháng, thực tế đã cho thấy việc tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản là quá nguy hiểm vì có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Sau khi Stalin mất năm 1953, các mối quan hệ vốn đóng băng trở nên ấm lên dần dần. Năm 1955 đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Xô ở Geneva và hai bên xác nhận Áo là một quốc gia trung lập. Năm 1956, Khrushchev đã có một bài diễn văn bí mật phơi bày tội ác của Stalin trước Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20. Bí mật bị rò rỉ ra ngoài và góp phần dẫn tới sự bất ổn ở Đông Âu. Hungary tìm cách nổi dậy nhưng Liên Xô đã can thiệp bằng quân sự để nước này tiếp tục nằm trong khối cộng sản.

Khrushchev quyết định cần đẩy Mỹ ra khỏi Berlin và đạt được một dàn xếp cuối cùng đối với Chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm giúp Liên Xô củng cố sự kiểm soát của mình ở Đông Âu và bắt đầu tận dụng lợi thế của quá trình phi thực dân hóa ở Thế giới thứ ba. Nhưng những nỗ lực và cách Khrushchev đàm phán với Mỹ lại khiến người ta liên tưởng tới cách hoàng đế nước Đức tìm cách buộc Anh đàm phán những năm trước 1914, đầy hăm dọa và lừa dối. Những nỗ lực đòi Mỹ chấp nhận các điều khoản của Liên Xô đã phản tác dụng. Khrushchev đã thất bại trong cuộc khủng hoảng 1958 -1961 ở Berlin và cả trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962.

Như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, Liên Xô và Mỹ đã tiến quá sát tới bờ vực của chiến tranh hạt nhân trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba đến mức hai bên phải điều chỉnh mối quan hệ song phương sang một giai đoạn mới. Từ 1963 đến 1978, mối quan hệ đã bớt căng thẳng và hai bên dần dần đi vào thời kỳ hòa dịu. Sau khủng hoảng tên lửa ở Cuba, các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí đã dẫn tới sự ra đời Hiệp ước cấm thử vũ khí nguyên tử hạn chế nhằm ngăn ngừa các thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển vào năm 1963 và Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí nguyên tử (NPT) vào năm 1968. Thương mại song phương bắt đầu dần phát triển, tình trạng hòa dịu dường như được mở rộng. Chiến tranh Việt Nam cũng đã khiến Mỹ chú ý nhiều hơn tới mối đe dọa đến từ chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc.

Từ 1969 đến 1974, chính quyền Nixon đã sử dụng tình trạng hòa dịu như một phương tiện nhằm theo đuổi các mục tiêu của chính sách ngăn chặn. Sau khủng hoảng tên lửa Cuba, Liên Xô khởi động việc phát triển vũ trang và đạt được mức cân bằng về vũ khí nguyên tử với Mỹ. Chiến tranh Việt Nam đã dẫn tới tình trạng thất vọng của công luận Mỹ về chính sách can thiệp trong Chiến tranh lạnh. Chiến lược của Nixon gồm 4 điểm chính: (1) thương lượng một hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược với Liên Xô để chốt khối lượng vũ khí nguyên tử của hai nước ở mức tương đối cân bằng; (2) khai thông quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và từ đó tạo ra thế cân bằng quyền lực ba bên ở Châu Á (chứ không đẩy Liên Xô và Trung Quốc tới chỗ liên minh với nhau); (3) tăng cường thương mại từ đó sử dụng chiến lược “củ cà rốt” bên cạnh “cây gậy” trong mối quan hệ với Liên Xô; và (4) sử dụng các “kết nối” để gắn kết những phần khác nhau trong chính sách. Đỉnh cao của giai đoạn hòa dịu là những năm 1972-1973, nhưng không kéo dài được bao lâu.

Chiến tranh Trung Đông 1973 và sự giúp đỡ của Liên Xô cho phong trào chống phương Tây ở Châu Phi dẫn tới cảm giác Mỹ bị lừa dối. Môi trường chính trị trong nước của Mỹ cũng góp phần làm tình trạng hòa dịu suy yếu khi những nhà lập pháp Mỹ như Thượng Nghị sĩ Henry Jackson cố gắng gắn vấn đề thương mại với vấn đề nhân quyền ở Liên Xô, như vấn đề Liên Xô đối xử với người Do Thái. Năm 1975 khi Bồ Đào Nha trao trả độc lập cho Angola và Mozambique, Liên Xô đã giúp đưa quân Cuba sang các nước này nhằm duy trì các chính phủ thân cộng ở đây. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 1976, Gerald Ford không bao giờ sử dụng từ “hòa dịu.” Người kế nhiệm ông là Jimmy Carter cố gắng tiếp tục kéo dài thời kỳ hòa dịu với Liên Xô trong suốt 2 năm đầu nhiệm kì, nhưng Liên Xô và Cuba lại can thiệp vào cuộc nội chiến ở Ethiopia, đồng thời Liên Xô tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự, và vào tháng 12/1979 Liên Xô giáng một đòn kết thúc thời kỳ hòa dịu bằng cách đưa quân vào Afghanistan.

Tại sao sự thù địch lại gia tăng trở lại? Một lý do là người ta thường trông chờ quá nhiều ở thời kỳ hòa dịu. Hơn nữa vào những năm 1970 có 3 xu hướng tác động đến vấn đề này. Một là sự phát triển vũ trang của Liên Xô, trong đó Liên Xô tăng ngân sách quốc phòng lên gần 4% mỗi năm và đưa vào sử dụng những tên lửa hạng nặng mới khiến các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ phải lo lắng. Hai là sự can thiệp của Liên Xô vào Angola, Ethiopia và Afghanistan. Các nhà lãnh đạo Liên Xô nghĩ rằng những hành động này có thể được biện minh bởi cái mà họ gọi là “tương quan lực lượng” thay đổi trong lịch sử, hay chính là niềm tin cho rằng lịch sử đang đi theo hướng mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã dự đoán. Thứ ba là sự thay đổi trong chính trị nội bộ nước Mỹ, xuất hiện xu hướng thiên hữu phá vỡ liên minh ủng hộ Đảng Dân chủ. Sự tương tác giữa hành động của Liên Xô và xu hướng chính trị ở Mỹ đã khẳng định quan điểm cho rằng Chiến tranh lạnh còn tiếp diễn và tình trạng hòa dịu không thể tồn tại lâu dài. Tuy nhiên thái độ thù địch mới trong những năm 1980 không phải là sự trở về thời kỳ Chiến tranh lạnh những năm 1950. Có sự trở lại của các luận điệu thập niên 1950, nhưng hành động thì hoàn toàn khác biệt. Mặc dù Tổng thống Ronald Reagan gọi Liên Xô là một “Đế chế xấu xa” nhưng ông vẫn theo đuổi các hiệp định kiểm soát vũ khí. Thương mại song phương gia tăng, điển hình như về ngũ cốc, và liên lạc được duy trì thường xuyên giữa Mỹ và Liên Xô. Các siêu cường thậm chí còn phát triển một số qui tắc thận trọng trong cách hành xử với nhau: không có chiến tranh trực tiếp; không sử dụng vũ khí nguyên tử; và đàm phán về vũ khí cũng như kiểm soát vũ khí nguyên tử. Vì vậy Chiến tranh lạnh vào những năm 1980 khác với Chiến tranh lạnh thời kỳ những năm 1950.

Hồi kết của Chiến tranh Lạnh

Chiến tranh lạnh đã thật sự kết thúc vào lúc nào? Do nguồn gốc Chiến tranh lạnh liên quan chặt chẽ đến việc phân chia Châu Âu của Mỹ và Liên Xô nên thời điểm chấm dứt Chiến tranh lạnh có thể được tính từ khi việc phân chia này kết thúc, đó là vào năm 1989. Khi Liên Xô không còn dùng vũ lực để trợ giúp cho chính quyền Đông Đức và bức tường Berlin bị chọc thủng bởi những nhóm người phấn khích vào tháng 11/1989, Chiến tranh lạnh có thể được xem là đã kết thúc.

Nhưng tại sao nó lại kết thúc? Nhiều người lập luận rằng chính chính sách ngăn chặn đã phát huy tác dụng. Ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc George Kennan đã cho rằng nếu Mỹ có thể ngăn cản được Liên Xô bành trướng thế lực thì Liên Xô sẽ không thể nuôi dưỡng được hệ tư tưởng của mình và chủ nghĩa cộng sản sẽ dần dần suy yếu. Các tư tưởng mới rồi sẽ xuất hiện, người ta sẽ thấy rằng chủ nghĩa cộng sản không phải là trào lưu của tương lai và lịch sử sẽ không tiếp tục đứng về phía họ. Trong một chừng mực nào đó, Kennan đã đúng. Sức mạnh quân sự của Mỹ giúp ngăn chặn Liên Xô bành trướng trong khi quyền lực mềm về văn hóa, giá trị và tư tưởng của Mỹ đã làm xói mòn hệ tư tưởng cộng sản. Nhưng câu hỏi về thời điểm vẫn còn đó, tại sao lại là năm 1989? Tại sao cuộc chiến lại kéo dài đến bốn thập kỷ? Tại sao lại tốn nhiều thời gian để kết thúc như thế? Hay tại sao nó không kéo dài thêm 10 năm nữa? Có lẽ chính sách ngăn chặn đã phát huy tác dụng nhưng điều đó vẫn chưa đủ để giải đáp tất cả các câu hỏi trên.

Một cách giải thích khác đi theo hướng “sự bành trướng quá mức của các đế chế.” Nhà sử học Paul Kennedy của Đại học Yale lập luận rằng các đế chế đã bành trướng quá mức cho đến khi sự bành trướng này làm xói mòn sức mạnh của nội tại của chính họ. Liên Xô là trường hợp như vậy khi đầu tư hơn ¼ nền kinh tế của mình cho hoạt động quốc phòng và ngoại giao (trong khi Mỹ chỉ đầu tư vào đó 6% vào những năm 1980). Nhưng Kennedy cũng nói rằng không một đế chế đa quốc gia bành trướng quá mức nào trong lịch sử từng tự sụp đổ cho đến khi bị đánh bại hay suy yếu trong một cuộc chiến tranh lớn giữa các cường quốc. Một cách giải thích thứ ba là việc Mỹ xây dựng lực lượng quân sự vào thập niên 1980 đã buộc Liên Xô phải đầu hàng trong Chiến tranh lạnh. Ở chừng mực nào đó đúng là những chính sách của Tổng thống R. Reagan đã khiến Liên Xô phải dàn trải sức mạnh quá mức, tuy nhiên đây cũng chưa phải là câu trả lời đầy đủ. Suy cho cùng thì những giai đoạn Mỹ phát triển sức mạnh quân sự trước kia đã không đem lại tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến như thế. Vậy tại sao lại là 1989? Chúng ta phải đi tìm những nguyên nhân sâu xa hơn bởi vì nếu cho rằng chính sách và luận điệu của người Mỹ vào những năm 1980 là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của Liên Xô có lẽ chẳng khác nào nói một con gà trống luôn cho rằng chính tiếng gáy của nó đã gọi mặt trời thức giấc, một ví dụ khác về sai lầm trong việc đưa ra các lập luận nhân quả.

Chúng ta có thể hiểu sâu hơn về thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh bằng cách xoáy vào 3 loại nguyên nhân: nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp và nguyên nhân sâu xa. Nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất dẫn tới sự kết thúc Chiến tranh lạnh là từ một cá nhân, đó chính là Mikhail Gorbachev. Gorbachev muốn cải tổ lại chứ không phải thay thế bộ máy cộng sản của mình. Tuy nhiên, cuộc cải tổ đã phát triển thành một cuộc cách mạng từ dưới lên hơn là từ trên xuống. Trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại, Gorbachev đã tiến hành hàng loạt các hành động làm đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô cũng như sự kết thúc của Chiến tranh lạnh. Khi lên cầm quyền vào năm 1985, Gorbachev đã cố gắng đưa Liên Xô vào kỷ luật như một cách vượt qua sự trì trệ về kinh tế lúc bấy giờ. Khi các nguyên tắc kỷ luật không đủ sức giải quyết vấn đề, ông lại đưa ra ý tưởng perestroika hay “cải tổ,” nhưng ông không thể cải tổ từ trên xuống vì các mệnh lệnh của ông luôn bị cản trở bởi các quan chức trong chính quyền. Vì thế để đối phó với những người này, ông ta đã sử dụng một chiến lược gọi là glasnost, hay “công khai hóa”, cho phép thảo luận các vấn đề công khai và dân chủ hóa. Gorbachev cho rằng nêu lên các bất mãn của người dân về cách vận hành của hệ thống sẽ gây áp lực cho bộ máy chính quyền và từ đó giúp perestroika được thực hiện. Nhưng một khi công khai hóa và dân chủ hóa cho phép người dân nói ra suy nghĩ của mình và bỏ phiếu cho điều đó thì nhiều người sẽ nói “Chúng tôi muốn tách ra. Không thể có kiểu người Liên Xô mới. Đây là một triều đại đế quốc và chúng tôi không thuộc về đế quốc này.” Gorbachev đã gây nên sự tan rã của Liên Xô và điều này dần trở nên rõ ràng hơn sau khi một cuộc đảo chính của những người theo đường lối cứng rắn thất bại vào tháng 8/1991. Cho tới tháng 12/1991, Liên Xô đã không còn tồn tại.

Chính sách đối ngoại của Gorbachev, cái mà ông gọi là “tư duy mới,” cũng đã góp phần dẫn đến việc kết thúc Chiến tranh lạnh. Chính sách này có hai yếu tố rất quan trọng. Một là việc thay đổi tư tưởng mà các nhà kiến tạo nhấn mạnh, như về khái niệm an ninh chung vốn có thể hóa giải được thế tiến thoái lưỡng nan trong an ninh bằng cách cùng nhau tham gia đảm bảo an ninh. Gorbachev và những phụ tá của ông đã nói rằng trong một thế giới nơi mà sự phụ thuộc lẫn nhau đang gia tăng thì an ninh không phải là một trò chơi có tổng bằng không và tất cả có thể đều được lợi thông qua hợp tác. Sự tồn tại của các mối đe dọa hạt nhân có nghĩa là cả thế giới có nguy cơ bị hủy diệt nếu sự cạnh tranh vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Thay vì cố gắng chạy đua có được càng nhiều vũ khí nguyên tử càng tốt, Gorbachev đã cho ra đời học thuyết “vừa đủ,” theo đó chỉ cần một số lượng vũ khí nguyên tử tối thiểu nhằm tự vệ. Những khía cạnh khác trong sự thay đổi chính sách đối ngoại của Gorbachev là quan điểm của ông cho rằng chủ nghĩa bành trướng là có hại nhiều hơn có lợi. Việc Liên Xô kiểm soát Đông Âu tốn kém quá nhiều mà đem lại quá ít lợi ích, và việc xâm lược Afghanistan cũng là một thảm họa đắt giá. Áp đặt một hệ thống theo chủ nghĩa cộng sản lên các quốc gia láng giềng nhằm đảm bảo an ninh cho Liên Xô không còn là một việc làm cần thiết nữa.

Do đó, đến mùa hè năm 1989, các nước Đông Âu đã được phép tự do hơn. Hungary đã cho người Đông Đức chạy qua lãnh thổ mình để thoát sang Áo. Việc nhiều người Đông Đức vượt biên đã tạo áp lực lớn lên chính quyền nước này. Thêm vào đó các nước Đông Âu không còn dám (hay không còn được Liên Xô ủng hộ) đàn áp các cuộc biểu tình. Tháng 11, bức tường Berlin bị chọc thủng – một kết cục đầy kịch tính của hàng loạt các sự kiện diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Chúng ta có thể cho rằng các sự kiện này xuất phát từ những tính toán sai lầm của Gorbachev. Ông ta nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản có thể cải cách được, nhưng trên thực tế trong quá trình cải cách ông lại tạo ra một lỗ hổng lớn. Giống như lỗ hổng của một đập nước, một khi áp lực nước lâu ngày bị kiềm chế bắt đầu bùng nổ, lập tức mọi thứ bị xé tung và toàn bộ hệ thống sụp đổ.

Nhưng một câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, “Tại sao lại là năm 1989? Tại sao lại dưới thời Gorbachev?” Trong một chừng mực nào đó, Gorbachev là một tai nạn của lịch sử. Vào đầu những năm 1980, ba nhà lãnh đạo lão thành của Liên Xô lần lượt qua đời. Chỉ tới năm 1985 thì thế hệ trẻ hơn, những người trưởng thành dưới thời của Khrushchev, thường được gọi là “thế hệ 1956,” mới nắm được cơ hội của mình. Nhưng nếu các thành viên trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô chọn một người có chủ trương cứng rắn chứ không phải Gorbachev vào năm 1985 thì có thể đất nước Liên Xô đang suy yếu kia có thể còn tiếp tục tồn tại thêm 10 năm nữa. Liên Xô sẽ không sụp đổ nhanh chóng đến vậy. Cá tính của Gorbachev đã góp phần lý giải vấn đề thời gian.

Đối với các nguyên nhân gián tiếp, Kennan và Kennedy đều có thể được nhắc tới ở đây. Hai nguyên nhân gián tiếp quan trọng đó là quyền lực mềm của các tư tưởng tự do, được nhấn mạnh trong thuyết kiến tạo, và sự dàn trải sức mạnh quá mức của Liên Xô như lập luận của các nhà hiện thực. Các tư tưởng về tự do dân chủ và tư duy mới mà Gorbachev vận dụng là các tư tưởng của phương Tây mà thế hệ 1956 đã đón nhận. Một trong những kiến trúc sư chủ chốt của perestroika và glasnost, Aleksandr Yakovlev, từng là một sinh viên tham gia chương trình trao đổi ở Mỹ và đã bị các học thuyết về chủ nghĩa đa nguyên kiểu Mỹ cuốn hút. Sự phát triển của các mối liên lạc và giao tiếp xuyên quốc gia đã giúp xuyên thủng bức mành sắt và giúp văn hóa đại chúng phương Tây cùng các tư tưởng tự do lan tỏa. Sự phát triển kinh tế của các nước phương Tây cũng mang lại sức lôi cuốn lớn. Trong khi sức mạnh quân sự giúp ngăn chặn xu hướng bành trướng của Liên Xô thì chính sức mạnh mềm đã làm xói mòn hệ tư tưởng cộng sản đằng sau bức mành sắt. Khi sụp đổ vào năm 1989, Bức tường Berlin không phải bị tác động bởi đạn pháo, mà bởi những nhát búa và những chiếc máy ủi của chính những người dân.

Về việc dàn trải sức mạnh quá mức, ngân sách khổng lồ dành cho quốc phòng đã bắt đầu ảnh hưởng lên các mặt khác của đời sống xã hội Liên Xô. Hệ thống chăm sóc y tế suy giảm và tỉ lệ tử vong ở Liên Xô đã gia tăng (Liên Xô là nước phát triển duy nhất xảy ra tình trạng này). Cuối cùng, ngay cả quân đội cũng nhận ra gánh nặng bắt nguồn từ việc dàn trải sức mạnh quá mức. Năm 1984, nguyên soái Ogarkov, tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, nhận ra rằng Liên Xô cần một nền tảng kinh tế dân sự tốt hơn và được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và thương mại của phương Tây. Nhưng trong suốt thời kỳ trì trệ đó, những nhà lãnh đạo bảo thủ đã không sẵn lòng lắng nghe và Ogarkov đã bị buộc phải rời khỏi vị trí của mình.

Do đó, những nguyên nhân gián tiếp nêu trên là quan trọng, mặc dù rốt cuộc chúng ta vẫn phải xem xét các nguyên nhân sâu xa, bao gồm sự suy giảm ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa (giải thích theo thuyết kiến tạo) và sự thất bại của nền kinh tế Liên Xô (giải thích theo thuyết hiện thực). Việc mất uy tín lãnh đạo của chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới lần thứ hai là khá nghiêm trọng. Ở giai đoạn đầu tiên, ngay sau năm 1945, chủ nghĩa cộng sản thực sự có sức hút rộng rãi. Nhiều chiến sĩ cộng sản đã dẫn dắt phong trào kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít ở Châu Âu, và nhiều người tin rằng chủ nghĩa cộng sản là trào lưu của tương lai. Liên Xô đã tạo ra được rất nhiều quyền lực mềm từ ý thức hệ cộng sản nhưng họ đã nhanh chóng lãng phí điều này. Quyền lực mềm của Liên Xô bị suy giảm dần dần bởi quá trình phi-Stalin-hóa vào năm 1956, năm những sai lầm của ông được phơi bày; bởi việc đàn áp ở Hungary năm 1956, ở Tiệp Khắc năm 1968 và ở Ba Lan năm 1981; cũng như bởi sự gia tăng truyền bá xuyên quốc gia các lý tưởng tự do. Mặc dù trên lý thuyết thì chủ nghĩa cộng sản hướng tới việc thiết lập bình đẳng giai cấp, nhưng những người kế thừa tư tưởng của Lênin lại nuôi dưỡng quyền lực trong nước thông qua hệ thống an ninh quốc gia tàn khốc với những trại cải tạo, trại lao động, kiểm duyệt gắt gao và sử dụng những người chỉ điểm. Mạng lưới kiểm soát hà khắc đã khiến người dân Liên Xô mất niềm tin vào hệ thống chính quyền và điều này được thể hiện qua dòng chảy văn chương phản kháng ngầm cũng như sự chống đối gia tăng của các nhà hoạt động vì nhân quyền.

Bên cạnh đó, kinh tế Liên Xô cũng đã suy giảm, phản ánh khả năng ngày càng hạn chế của hệ thống kế hoạch tập trung trong việc đối phó với những thay đổi của nền kinh tế thế giới. Stalin đã tạo ra một hệ thống chỉ đạo kinh tế tập trung hóa trong đó nhấn mạnh nền công nghiệp nặng. Hệ thống này rất thiếu linh hoạt và kém hiệu quả, đồng thời có xu hướng níu giữ lao động chứ không chuyển lao động sang những ngành công nghiệp dịch vụ đang rất phát triển. Như nhà kinh tế học Joseph Schumpeter đã chỉ ra, chủ nghĩa tư bản mang tính sáng tạo cao, luôn phản ứng linh hoạt với các làn sóng lớn của sự thay đổi về kỹ thuật. Vào cuối thế kỷ 20, thay đổi cơ bản về kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba chính là vai trò ngày càng gia tăng của thông tin với tư cách là một nguồn lực khan hiếm nhất trong nền kinh tế. Hệ thống của Liên Xô rất yếu kém trong việc xử lý thông tin. Tính bí mật của hệ thống chính trị cũng có nghĩa là dòng chảy thông tin bị ngưng trệ và chậm chạp.

Trái ngược với cách mà hầu hết lịch sử được ghi lại, các nhà sử học nghiên cứu về Chiến tranh lạnh cho tới cuối những những năm 1980 vẫn thường xuyên chạy theo sự kiện chứ không phải ngồi lại để miêu tả lại sự kiện sau khi nó đã hoàn thành. Chúng ta không có cách nào có thể biết được kết quả cuối cùng, và chúng ta cũng chỉ có thể xác định được động cơ của một số chứ không phải tất cả các bên tham gia chủ chốt… Giờ thì chúng ta mới biết. Hay ít nhất là giờ chúng ta biết được nhiều hơn so với trước kia. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được toàn bộ câu chuyện: chúng ta không có được câu chuyện đầy đủ cho bất kỳ sự kiện lịch sử nào, cho dù sự kiện đó đã diễn ra cách đây bao lâu. Các sử gia cũng chỉ có thể khôi phục lại những gì đã thực sự diễn ra trong quá khứ tương tự như những bản đồ miêu tả lại địa hình trên thực tế. Nhưng chúng ta có thể diễn giải cho quá khứ, giống như những nhà kỹ thuật bản đồ vẽ lại địa hình một cách tương đối. Và nhờ sự kết thúc của Chiến tranh lạnh cùng với sự giải mật một số liệu của Liên Xô cũ, Đông Âu và Trung Quốc chúng ta mới có thể kéo những mô tả lịch sử của chúng ta xích lại gần hơn với những gì diễn ra trên thực tế.– John L. Gaddis, “Lịch sử mới về Chiến tranh lạnh”[2]

Hàng hóa và dịch vụ của Liên Xô không thể duy trì theo tiêu chuẩn quốc tế. Nền kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động vào cuối thế kỷ 20, nhưng các nền kinh tế phương Tây sử dụng hệ thống thị trường của họ đã có thể dịch chuyển lao động sang lĩnh vực dịch vụ để tái cấu trúc ngành công nghiệp nặng, đồng thời chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ cao. Liên Xô không thể theo kịp với những thay đổi này. Ví dụ, khi Gorbachev lên nắm quyền vào năm 1985, chỉ có 50.000 máy tính cá nhân ở Liên Xô; trong khi ở Mỹ là 30 triệu cái. Bốn năm sau, có khoảng 400.000 máy vi tính cá nhân ở Liên Xô thì Mỹ đã có 40 triệu cái. Các nền kinh tế hướng tới thị trường và các nền dân chủ tỏ ra linh hoạt hơn trong việc thích ứng với các thay đổi công nghệ so với hệ thống tập trung hóa của Liên Xô mà Stalin đã tạo ra cho thời kỳ phát triển công nghiệp nặng những năm 1930. Theo một nhà kinh tế Liên Xô, cho tới cuối những năm 1980, chỉ có 8% công nghiệp Liên Xô là có thể cạnh tranh được theo tiêu chuẩn quốc tế. Thật khó để có thể duy trì vị trí siêu cường khi 92% sản phẩm công nghiệp nằm dưới mức trung bình.

Sự kết thúc Chiến tranh lạnh là một trong những sự kiện dẫn tới những thay đổi lớn trong thế kỷ 20. Nó cũng tương đương với Chiến tranh thế giới lần thứ hai nếu xét về tác động đối với cấu trúc của hệ thống quốc tế, nhưng lại diễn ra mà không có chiến tranh. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa của sự kiện này đối với chính trị quốc tế trong tương lai.

Tiếp theo sự tan rã của Liên Xô, Nga cũng đã trải qua những chuyển biến quan trọng. Từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa của Liên Xô, Nga sau Chiến tranh lạnh đã tiến lên con đường dân chủ hóa và tự do hóa kinh tế. Tuy nhiên con đường này đầy rẫy những hiểm nguy. Nghe theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chính phủ Nga ban đầu áp dụng “liệu pháp sốc” trong kinh tế nhằm giúp chuyển nền kinh tế tập trung quá độ sang một nền dân chủ tự do. Tuy nhiên, liệu pháp sốc đã phá vỡ xã hội Nga đến nỗi liệu pháp này đã bị tạm dừng nhằm nhường chỗ cho những biện pháp dần dần. Khi tình trạng kinh tế trở nên tồi tệ hơn, chủ nghĩa dân tộc Nga lại được dịp sống lại.

Những nhà lý luận như Michael Doyle đưa ra giả thuyết cho rằng các nước dân chủ tự do không tiến hành chiến tranh chống lại nhau, và kết luận rằng nếu Nga quá độ thành công sang nền dân chủ thì điều này sẽ có ý nghĩa tích cực đối với hòa bình thế giới. Chúng ta vẫn phải chờ xem liệu chính sách ngoại giao Nga có phù hợp với mô hình hòa bình nhờ dân chủ hay không, hay liệu sự hồi sinh của chủ nghĩa tập quyền và chủ nghĩa dân tộc Nga sẽ là một thách thức đối với Mỹ và các nước phương Tây.

Cho dù tương lai sẽ ra sao, một câu hỏi chính vẫn còn đó. Không kém phần quan trọng so với câu hỏi tại sao Chiến tranh lạnh chấm dứt là câu hỏi tại sao Chiến tranh lạnh không trở thành chiến tranh “nóng.” Tại sao cuộc chiến này kéo dài lâu đến vậy mà không có một “cuộc chiến nóng” bùng nổ giữa hai siêu cường? Tại sao Chiến tranh lạnh không trở thành Chiến tranh thế giới lần thứ ba?

Vai trò của vũ khí hạt nhân

Một số nhà phân tích cho rằng những xã hội tiến bộ đã rút ra được những bài học từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai và họ đã không còn muốn có chiến tranh. Một số người khác thì tin rằng nền “hòa bình lâu dài” trong thời gian nửa sau thế kỷ 20 xuất phát từ việc các siêu cường hạn chế mục đích bành trướng của mình. Tuy nhiên nhiều người khác lại tin vào sự ổn định sẵn có của hệ thống lưỡng cực trong đó hai quốc gia (không phải là hai liên minh chặt chẽ) chiếm ưu thế áp đảo. Nhưng đối với hầu hết các nhà phân tích, phần lớn câu trả lời đều liên quan đến bản chất đặc biệt của vũ khí nguyên tử và việc răn đe hạt nhân.

Vật lý học và chính trị học

Sức hủy diệt to lớn của vũ khí nguyên tử gần như vượt quá sự hiểu biết của con người. Một vụ nổ hạt nhân ở mức một megaton có thể tạo ra nhiệt độ lên tới 100 triệu độ C, gấp 4 đến 5 lần nhiệt độ ở tâm mặt trời. Quả bom được thả xuống Hiroshima năm 1945 chỉ tương đối nhỏ, tương đương với 15.000 tấn thuốc nổ TNT. Tên lửa ngày nay có thể mang gấp 100 lần hoặc hơn sức nổ đó. Thật ra, tất cả sức mạnh thuốc nổ được sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai chỉ tương đương với một quả bom 3 megaton, và quả bom đó có thể vừa khít đầu một tên lửa xuyên lục địa loại lớn. Cho tới những năm 1980 Mỹ và Liên Xô có hơn 50.000 vũ khí nguyên tử.

Một vài ảnh hưởng vật lý của các vụ nổ hạt nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ví dụ, lý thuyết mùa đông hạt nhân cho rằng chiến tranh hạt nhân có thể tạo ra quá nhiều cácbon và bụi trong không khí, do đó ngăn cản ánh sáng mặt trời và quá trình quang hợp của thực vật, dẫn tới kết thúc sự sống. Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia chỉ ra rằng mùa đông hạt nhân có thể xảy ra nhưng không chắc chắn. Phần lớn phụ thuộc vào việc các vũ khí nguyên tử được nhắm vào các thành phố hay vào các vũ khí khác. Đốt cháy các thành phố có thể tạo khói chứa nhiều cácbon làm cản trở ánh sáng mặt trời, nhưng các nhà khoa học cũng không biết chính xác là các đám khói sẽ ở trong không khí bao lâu. Nếu bom phát nổ ở Bắc Bán cầu, liệu khói có di chuyển tới Nam Bán cầu? Một vài người hoài nghi rằng hậu quả xấu nhất không phải mùa đông hạt nhân mà chỉ là mùa thu hạt nhân – một giả định cũng không chắc chắn gì hơn. Điều chắc chắn là một cuộc chiến tranh hạt nhân trên diện rộng sẽ phá hủy nền văn minh như chúng ta đã biết, ít nhất ở Bắc Bán cầu. Trong bản báo cáo năm 1983 về vũ khí nguyên tử, các giám mục Công giáo Mỹ đã không quá lời khi nói rằng “Chúng ta là thế hệ đầu tiên có khả năng phá hủy những gì đức Chúa đã sáng tạo ra.”[3]

Vũ khí nguyên tử đã thay đổi bản chất chiến tranh nhưng không thay đổi cách tổ chức thế giới. Một thế giới vô chính phủ sẽ tiếp tục tồn tại trong kỷ nguyên hạt nhân. Năm 1946, khi Mỹ đưa ra kế hoạch Baruch nhằm thiết lập việc kiểm soát vũ khí nguyên tử quốc tế, Liên Xô xem đó như một âm mưu khác của Mỹ. Sau thất bại này, Albert Einstein phàn nàn rằng mọi thứ đã thay đổi ngoại trừ tư duy của chúng ta. Có lẽ trong giai thoại này người ta cho rằng ông muốn nói “vật lý đơn giản hơn chính trị.”

Có cả lý do quân sự và chính trị giải thích cho việc tại sao vũ khí nguyên tử không gây tác động mạnh ngay sau năm 1945. Những loại vũ khí nguyên tử nguyên sơ không có sức tàn phá nhiều hơn so với những vũ khí truyền thống nguy hiểm nhất được sử dụng hàng loạt. Trận oanh tạc bom lửa thành phố Dresden của Đức năm 1945 khiến nhiều người thiệt mạng hơn so với vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima. Dù một vũ khí nguyên tử có thể có tác dụng bằng với cả một đợt không kích bằng bom thông thường, nhưng thời gian đầu Mỹ không có nhiều vũ khí nguyên tử đến vậy. Mỹ chỉ có hai quả bom nguyên tử vào năm 1947 và 50 quả vào năm 1948. Nhiều nhà hoạch định chiến lược quân sự nghĩ rằng bom nguyên tử không hoàn toàn khác biệt mà chỉ là một sự nâng cấp sức công phá của vũ khí thông thường mà thôi.

Sự đối đầu Mỹ – Xô nổi lên cũng làm chậm thay đổi tư duy chính trị. Liên Xô không tin tưởng Liên Hiệp Quốc vì tổ chức này phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Mỹ cũng không thể ép buộc Liên Xô hợp tác vì Châu Âu đã bị biến thành con tin giữa Mỹ và Liên Xô. Nếu Mỹ đe dọa tấn công hạt nhân, Liên Xô có thể đe dọa xâm lược Châu Âu bằng các lực lượng thông thường. Kết quả là một sự bế tắc. Những tác động vật lý mang tính cách mạng của công nghệ hạt nhân ban đầu không đủ để thay đổi cách các quốc gia hành xử trong một hệ thống vô chính phủ.

Giai đoạn thứ hai của cách mạng hạt nhân diễn ra năm 1952 khi bom hydro được thử nghiệm lần đầu tiên. Bom hydro (hay còn gọi là bom H) sử dụng năng lượng nhiệt hạch được tạo ra khi các nguyên tử kết hợp lại với nhau, thay vì tách ra khỏi nhau như trong bom phân hạch thời kỳ trước đó. Bom H làm gia tăng mạnh mẽ sức phá hủy của một vũ khí đơn lẻ. Vụ nổ nhân tạo lớn nhất trên bề mặt trái đất diễn ra vào năm 1961 khi Liên Xô cho nổ một quả bom hydro 60 megaton, gấp 20 lần tất cả sức mạnh thuốc nổ được dùng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trớ trêu là thay đổi quan trọng hơn đi kèm với sự phát triển của bom H là khả năng thu nhỏ. Công nghệ nhiệt hạch giúp bom H có thể chứa đựng sức mạnh tàn phá khủng khiếp trong những thiết bị kích thước rất nhỏ. Những hệ thống chuyên chở bom nguyên tử thời kỳ sơ khai phải tăng kích thước và đòi hỏi nhiều không gian hơn khi những quả bom cũng trở nên lớn hơn. Máy bay ném bom B-36 là một máy bay lớn gồm tám động cơ cùng một khoang lớn để chứa chỉ một quả bom. Ngược lại, một quả bom H có cùng khả năng phá hủy có kích thước nhỏ hơn nhiều. Sau khi một quả bom H được gắn vào đầu tên lửa đạn đạo, chiến tranh hạt nhân xuyên lục địa có thể diễn ra trong vòng chỉ 30 phút so với 8 giờ để một máy bay B-36 có thể bay cùng khoảng cách như vậy.

Việc gia tăng sức phá hủy của bom H cũng ảnh hưởng sâu sắc tới hệ quả của chiến tranh hạt nhân. Giờ đây chiến tranh sẽ không còn được coi chỉ là việc mở rộng chính trị bằng các phương tiện khác. Karl von Clausewitz (1780-1831), một vị tướng và một chiến lược gia quân sự người Áo thế kỷ 19, nói rằng chiến tranh là một hoạt động chính trị và do đó ông nhấn mạnh chiến tranh tận diệt là một điều ngớ ngẩn. Sức tàn phá khủng khiếp của vũ khí nguyên tử có nghĩa là giờ đây phương tiện quân sự đã trở nên quá chênh lệch so với tất cả mục tiêu chính trị mà một đất nước có thể theo đuổi. Sự chênh lệch giữa mục tiêu và phương tiện khiến người ta không dám sử dụng vũ khí nguyên tử, thứ vũ khí “tối thượng,” trong phần lớn các tình huống. Vũ khí nguyên tử đã không được sử dụng kể từ năm 1945, cho nên đã tồn tại quan điểm xem vũ khí nguyên tử chỉ là để phô trương sức mạnh mà thôi. Thực tế vũ khí nguyên tử quá mạnh, quá khủng khiếp.

Bom H đã gây nên năm ảnh hưởng chính trị quan trọng dù nó không thể biến đổi tình trạng vô chính phủ mà trong đó thế giới tồn tại. Trước hết, nó làm hồi sinh khái niệm chiến tranh hạn chế. Nửa đầu thế kỷ 20 chứng kiến sự thay đổi từ chiến tranh giới hạn của thế kỷ 19 sang hai cuộc chiến tranh thế giới, những cuộc chiến đã cướp đi mạng sống hàng chục triệu người. Vào giữa thế kỷ, các nhà phân tích xem thế kỷ 20 là “thế kỷ của chiến tranh toàn diện.” Nhưng chiến tranh trong nửa sau thế kỷ 20 lại giống các cuộc chiến tranh cũ của thế kỷ 18 và 19 hơn. Ví dụ, các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Triều Tiên khiến hơn 55.000 người Mỹ chết nhưng các cuộc chiến này vẫn là những cuộc chiến giới hạn về phạm vi và quy mô. Ở Việt Nam và Afghanistan, Mỹ và Liên Xô chấp nhận thất bại mà không sử dụng vũ khí nguyên tử.

Thứ hai, các cuộc khủng hoảng thay thế chiến tranh trung tâm trở thành “khoảnh khắc sự thật.” Trong quá khứ, chiến tranh là lúc để lật ngửa mọi lá bài. Nhưng trong kỷ nguyên nguyên tử, chiến tranh gây nên sức tàn phá quá lớn và những khoảnh khắc sự thật kiểu cũ trở nên quá nguy hiểm. Trong suốt Chiến trang lạnh, khủng hoảng Berlin, khủng hoảng tên lửa Cuba và khủng hoảng Trung Đông vào đầu những năm 1970 đóng vai trò tương tự như chiến tranh, là khoảng thời gian chứng kiến tương quan lực lượng thực sự về sức mạnh quân sự. Thứ ba, vũ khí nguyên tử khiến cho răn đe trở thành chiến lược chủ chốt. Giờ đây điều quan trọng là tổ chức sức mạnh quân đội nhằm làm cho đối phương lo sợ khiến họ không dám tấn công. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ dựa vào khả năng huy động và dần dần xây dựng một cỗ máy chiến tranh sau khi chiến tranh đã bắt đầu, nhưng cách tiếp cận đó sẽ không còn hiệu quả khi chiến tranh hạt nhân có thể diễn ra chóng vánh trong vài giờ đồng hồ.

Ảnh hưởng chính trị thứ tư là sự phát triển trên thực tế của các cơ chế kiểm soát thận trọng của các siêu cường. Hai siêu cường, bất chấp ý thức hệ đối lập, cùng có chung lợi ích then chốt: tránh chiến tranh hạt nhân. Suốt Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm hay chiến tranh gián tiếp ở các khu vực ngoại vi mà không có bất kỳ trường hợp nào hai nước này đối đầu trực tiếp. Hơn nữa, hai bên đều phát triển phạm vi ảnh hưởng của riêng mình. Cho dù Mỹ nói về việc tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu vào những năm 1950, trên thực tế, khi người Hungary nổi dậy chống sự áp đặt của Liên Xô vào năm 1956, Mỹ đã không vội vã giúp Hungary vì lo sợ chiến tranh hạt nhân. Tương tự, trừ trường hợp Cuba, Liên Xô tương đối thận trọng đối với việc xâm nhập vào Tây Bán cầu. Cả hai nước đều tuân thủ quy tắc không sử dụng vũ khí nguyên tử. Cuối cùng, các siêu cường đã học được cách liên lạc với nhau. Sau khủng hoảng tên lửa Cuba, Washington và Matxcơva phát triển một đường dây nóng cho phép liên lạc ngay lập tức giữa các nhà lãnh đạo hai bên. Công nghệ giúp hợp tác trở nên dễ dàng hơn trong thời kỳ khủng hoảng thông qua việc làm cho liên lạc giữa các nhà lãnh đạo trong hệ thống lưỡng cực trở nên linh hoạt và riêng tư hơn. Cùng lúc đó, quá trình pháp điển hóa một số hiệp ước kiểm soát vũ khí, bắt đầu bằng Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân hạn chế (LTBT) năm 1963, cùng với những cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí thường xuyên, đã trở thành một cách nhằm thảo luận về sự ổn định của hệ thống hạt nhân.

Thứ năm, các quan chức xem vũ khí nguyên tử nói chung và bom H nói riêng không thể dùng được trong chiến tranh. Đó không chỉ là vấn đề liên quan tới khả năng tàn phá của bom H. Khác với vũ khí thông thường, việc sử dụng vũ khí nguyên tử luôn bị coi là một điều không thể chấp nhận được. Vào cuối những năm 1960, các kỹ sư và các nhà khoa học đã có thể làm nghèo vũ khí nguyên tử để Mỹ có thể sử dụng một số vũ khí nguyên tử ở Việt Nam và chiến tranh Vùng Vịnh, hay Liên Xô sử dụng ở Afghanistan, mà không gây ra những sự tàn phá khủng khiếp như của bom H. Tuy nhiên cả Mỹ và Nga đều hạn chế sử dụng những vũ khí nguyên tử được làm nghèo này và thay vào đó lựa chọn những vũ khí có sức tàn phá cao khác như bom napalm, bom lửa và các loại vũ khí thông thường khác. Một phần người ta sợ rằng khi dùng bất kỳ vũ khí nguyên tử nào, cho dù chúng có giống với vũ khí thông thường đến mấy, cũng có thể mở đường cho việc sử dụng tất cả các loại vũ khí nguyên tử khác và rủi ro này là không thể chấp nhận được. Ngoài ra còn có một lý do khác. Kể từ khi quả bom đầu tiên được thả xuống Hiroshima, người ta vẫn có cảm giác rằng sử dụng vũ khí nguyên tử là phi đạo đức và vượt quá phạm vi có thể chấp nhận được trong chiến tranh. Dù khó để cụ thể hóa được những ràng buộc về mặt đạo đức như vậy nhưng rõ ràng vấn đề này vẫn luôn hiện diện trong các cuộc tranh luận về vũ khí nguyên tử và cũng là một lý do để các nước không sẵn sàng sử dụng chúng.

Cân bằng sợ hãi

Những vấn đề của răn đe hạt nhân

Khủng hoảng tên lửa Cuba

Các vấn đề đạo đức

Biên niên sử: Chiến tranh Lạnh

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Chien tranh lanh trong lich su xung dot TK20-P2.pdf

—————

[1] Xem Phần 1 tại: https://nghiencuuquocte.org/2014/08/10/chien-tranh-lanh-p1/

[2] John L. Gaddis, “The New Cold War History”, Foreign Policy Research Institute Footnotes 5:5 (6/1998).

[3] United States Catholic Conference, “The Challenge of Peace: God’s Promise and Our Response,” Origins 13:1 (19/5/1983), trang 1.