Cái chết yểu của liên minh giữa chủ nghĩa cộng sản và Hồi giáo

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John T. Sidel, “What Killed the Promise of Muslim Communism?”, The New York Times, 09/10/2017

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một thời gian ngắn sau cuộc nổi dậy của những người Bolshevik năm 1917, người ta đã tưởng rằng cách mạng có thể nổ ra trên toàn thế giới dưới lá cờ chung của chủ nghĩa Cộng sản và Hồi giáo.

Ý tưởng về một khối Hồi giáo thống nhất (Pan-Islam) đã nổi lên trong những thập niên cuối cùng của Đế chế Ottoman, với nỗ lực của Sultan Abdulhamid II (trong hình) nhằm trở thành lãnh tụ (caliph) của người Hồi giáo. Các hình thức trường học và hiệp hội Hồi giáo mới bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới Ả Rập và xa hơn nữa. Từ Ai Cập, Iraq đến Ấn Độ và quần đảo Indonesia, Hồi giáo đã trở thành tiếng gọi tập hợp lực lượng chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc châu Âu.

Sức mạnh trong việc huy động quần chúng của Hồi giáo đã thu hút những người Cộng sản thập niên 1910 và 1920. Phe Bolshevik, những người thiếu hạ tầng tổ chức tại các vùng đất Hồi giáo rộng lớn của Đế quốc Nga cũ, đã liên minh với các nhà cải cách Hồi giáo ở những khu vực này. Họ thành lập một Ủy ban Đặc biệt về Các Vấn đề Hồi giáo (Commissariat for Muslim Affairs) dưới quyền Mirsaid Sultan-Galiev, một thành viên Bolshevik xuất thân từ tộc người Tatar, với lời hứa thiết lập một “chủ nghĩa Cộng sản Hồi giáo” đặc biệt trên khắp vùng Caucasus và Trung Á. Trong Đại hội các Dân tộc phương Đông (Congress of the Peoples of the East) năm 1920 tại Baku, ngày nay là Azerbaijan, Chủ tịch Comintern, Grigory Zinoviev, một người Do Thái gốc Ukraine, đã kêu gọi tiến hành “thánh chiến” chống chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

Nhưng như những gì chúng ta biết ngày nay, chủ nghĩa Cộng sản và Hồi giáo đã thất bại trong việc thành lập một liên minh bền vững. Từ buổi đầu của Chiến tranh Lạnh, họ đã là hai phe đối đầu nhau. Quan điểm khác nhau về chủ nghĩa Cộng sản đã chia rẽ các nhóm Hồi giáo khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông – những người đang đấu tranh giành độc lập và giải phóng đất nước trong nửa sau của thế kỷ 20. Một cuộc thánh chiến chống Cộng sản đã tái định hình Afghanistan trong những năm 1980, cũng như trở thành nền tảng cho sự nổi lên của Al Qaeda và sự xuất hiện của một hình thức khủng bố Hồi giáo mới.

Tuy nhiên, ở thời điểm diễn ra Cách mạng Nga, triển vọng về chủ nghĩa Cộng sản – Hồi giáo kết hợp lực lượng với nhau có vẻ rất sáng sủa. Nơi “sáng” nhất có lẽ là quần đảo Indonesia, lúc đó đang nằm dưới sự cai trị của Hà Lan: Trong giai đoạn 1918 – 1921, các nhà hoạt động xã hội cánh tả đã cùng với các học giả và các thương gia Hồi giáo sùng đạo chung tay xây dựng phong trào quần chúng lớn nhất Đông Nam Á.

Trong thập niên trước đó, các nhà hoạt động xã hội Indonesia đã thành lập một liên minh mạnh mẽ đại diện cho nhóm công nhân làm việc cho hệ thống đường sắt rộng lớn đang phục vụ nền kinh tế đồn điền của Java và Sumatra. Tính đến thời điểm năm 1914, Liên minh Dân chủ Xã hội Đông Ấn (Indische Sociaal-Democratische Vereeniging/ Indies Social-Democratic Union) đã mở rộng từ một hiệp hội của các công nhân đường sắt thành một tổ chức hoạt động xã hội rộng lớn hơn và có các hành động chính trị chống lại chính quyền thực dân.

Đặc biệt, người ta bắt đầu tham gia Sarekat Islam, một tổ chức được thành lập vào năm 1912 với tư cách là một hiệp hội thương nhân Hồi giáo ngành dệt,[1] sau đó biến thành một phong trào dân túy rộng lớn hơn, tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng và các đợt đình công trên khắp Java. Ảnh hưởng xã hội chủ nghĩa xã hội đối với Sarekat Islam được thể hiện rõ ràng trong đại hội của phong trào này vào năm 1916, khi mà nhà Tiên tri Muhammad được tuyên bố là “cha đẻ của chủ nghĩa xã hội và là nhà tiên phong của nền dân chủ” và là “nhà xã hội chủ nghĩa xuất sắc.”

Cách mạng Nga tiếp tục truyền cảm hứng cho Sarekat Islam. Cuối năm 1917, các nhà hoạt động thuộc Liên minh Dân chủ Xã hội Đông Ấn đã bắt đầu kích động binh lính cấp thấp trong lực lượng vũ trang Hà Lan ở Đông Ấn. Vay mượn các chiến thuật thành công của những người Bolshevik ở Nga, hàng trăm thủy thủ và binh sĩ đã được tuyển mộ với hy vọng tiến hành một cuộc binh biến và khởi nghĩa. Chính quyền thực dân Hà Lan đã nhanh chóng bắt và giam giữ các nhà hoạt động và ra lệnh trục xuất họ khỏi Đông Ấn.

Sang đến năm 1920, Liên minh Dân chủ Xã hội Đông Ấn lại đổi tên thành Liên minh Cộng sản Đông Ấn (Communist Union of the Indies), trở thành đảng Cộng sản đầu tiên ở châu Á tham gia vào Comintern. Các công đoàn mới được thành lập tại Java và Sumatra. Nông dân liên hiệp lại để chống lại chủ đất. Một cuộc đình công đường sắt đã làm tê liệt nhanh chóng vành đai đồn điền ở miền đông Sumatra.

Chính trong bối cảnh này, nhân vật huyền thoại Tan Malaka đã xuất hiện lần đầu tiên. Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở miền tây Sumatra, trong Thế chiến I, Tan Malaka là một sinh viên theo học ở Hà Lan. Ông đã tiếp xúc với các nhà hoạt động và các ý tưởng xã hội chủ nghĩa, đồng thời chứng kiến Cách mạng Troelstra ngắn ngủi vào cuối năm 1918, khi mà Đảng Dân chủ Xã hội Hà Lan đã cố gắng sao chép cuộc nổi dậy cách mạng đang diễn ra ở Đức. Đầu năm 1919, Tan Malaka trở về Indonesia, nơi ông nhanh chóng tham gia tổ chức đội ngũ người lao động. Đầu tiên, ông gia nhập Đảng Cộng sản địa phương ngay từ giai đoạn phôi thai, sau đó nhanh chóng thăng tiến lên hàng lãnh đạo – trước khi chính quyền thuộc địa buộc ông phải lưu vong, và trở về Hà Lan vào đầu năm 1922.

Vậy là với trải nghiệm đầu tiên về tiềm năng cách mạng khi kết hợp chủ nghĩa Cộng sản và Hồi giáo, Tan Malaka đã xuất hiện tại Đại hội Comintern lần IV tại Moskva và Petrograd vào năm 1922. Ở đó, ông đã có một bài phát biểu đáng nhớ về sự tương đồng giữa chủ nghĩa liên Hồi giáo (Pan-Islamism) và chủ nghĩa Cộng sản. Theo ông, khối Hồi giáo này không còn là tôn giáo, mà là “tình anh em giữa tất cả các dân tộc Hồi giáo, và cuộc đấu tranh giải phóng không chỉ của người Ả Rập mà còn của người Ấn Độ, người Java và tất cả những người Hồi giáo bị áp bức.”

“Tình anh em này,” ông nói thêm, “có nghĩa là cuộc đấu tranh giải phóng thực tế không chỉ chống lại Hà Lan mà còn chống lại chủ nghĩa tư bản Anh, Pháp và Ý, do đó chống lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu.”

Tài liệu chính thức của đại hội cho thấy lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Tan Malaka về một liên minh giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Hồi giáo đã được đáp lại bằng “những tràng pháo tay sôi nổi.” Tuy nhiên, trong hồi ký của mình, ông nhớ lại sau ba ngày tranh luận sôi nổi sau bài phát biểu đó, ông bị cấm không được đóng góp [phát biểu] thêm cho đại hội. Các kết luận chính thức của Đại hội Comintern lần IV, bao gồm cả Luận đề Câu hỏi Phương Đông (Theses on the Eastern Question), đều rất mơ hồ về vấn đề khối Hồi giáo thống nhất, và đáng chú ý hơn, họ hoàn toàn không đề cập đến Indonesia, mặc dù phong trào ở đây thành công hơn rất nhiều so với bất kỳ hoạt động Cộng sản nào khác tại vùng đất gọi là “phương Đông” vào thời điểm đó.

Một liên minh giữa chủ nghĩa Cộng sản và Hồi giáo không thể tồn tại, không phải ở Indonesia, cũng không phải ở nơi khác. Khi được xem là một phong trào, sức mạnh của chủ nghĩa Cộng sản nằm ở khả năng huy động công nhân đấu tranh để có được tiền lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn thông qua các công đoàn, dù ở khu dầu lửa Baku hay khu đồn điền Java và Sumatra. Nhưng khi là một hình thức chính phủ, chủ nghĩa Cộng sản nghĩa là chính trị độc đảng, là kinh tế chỉ huy với nông nghiệp tập thể, và nhà nước sẽ kiểm soát tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội – bao gồm cả tôn giáo.

Ngược lại, chủ nghĩa Hồi giáo lại là một nền tảng rộng lớn và bền bỉ hơn, cởi mở và mơ hồ hơn đối với sự tham gia chính trị. Tại Java và nhiều nơi khác, “Hồi giáo” đã tạo ra một lá cờ chung cho các thương gia Hồi giáo liên kết chống lại cạnh tranh kinh tế từ những người không theo Hồi giáo và xây dựng cơ sở hạ tầng tổ chức ở nông thôn, phần lớn thông qua các trường học dành cho người Hồi giáo. Về mặt chính trị, đây là một khái niệm linh hoạt: các học giả và các nhà hoạt động người Hồi giáo có thể ủng hộ chủ nghĩa thực dân, hoặc chủ nghĩa Cộng sản, hoặc chủ nghĩa tư bản.

Tại Indonesia, căng thẳng giữa những người cộng sản và các nhà lãnh đạo Hồi giáo dần dần đã gây ra chia rẽ nội bộ trong Sarekat Islam vào đầu thập niên 1920. Phe Cộng sản kêu gọi leo thang đình công và biểu tình, trong khi các nhà lãnh đạo Hồi giáo ủng hộ việc chung sống cùng chính quyền thuộc địa Hà Lan. Sarekat Islam đã tan rã khi bị người Hà Lan đàn áp sau những cuộc nổi dậy thất bại năm 1926-1927.

Cuối những năm 1940, các đảng Hồi giáo quay sang chống lại Đảng Cộng sản Indonesia (Partai Komunis Indonesia, P.K.I.) trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Phe Hồi giáo không thoải mái với việc phe Cộng sản nhất quyết rằng độc lập khỏi chế độ thực dân Hà Lan đồng thời cũng bao gồm loại bỏ các đặc quyền quý tộc và thiết lập các hình thức sở hữu xã hội đối với đất đai và công nghiệp. Xung đột đã kéo dài tới tận giai đoạn đầu của nền độc lập. Các tổ chức Hồi giáo đã tích cực tham gia vào những cuộc thảm sát chống Cộng sản giai đoạn 1965-1966, điều sau đó đã phá hủy P.K.I. và gây ra hàng trăm ngàn cái chết trên khắp Indonesia.

Đến thời điểm này, mô hình đối kháng đã ăn sâu vào thế giới Hồi giáo, và nó vẫn tồn tại trong suốt Chiến tranh Lạnh. Ranh giới thể chế và tư tưởng giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Hồi giáo ngày một cứng nhắc, và triển vọng tái xây dựng một liên minh chính trị giữa hai bên ngày một xa dần.

Tại các khu vực Hồi giáo của Liên Xô, nhà nước đã đàn áp các tổ chức thờ phụng, giáo dục, hiệp hội và hành hương Hồi giáo, vốn được xem là những trở ngại đối với việc cải tạo ý thức hệ và xã hội sang chủ nghĩa cộng sản. Còn tại các quốc gia Hồi giáo mới được thành lập, chính trị cánh tả thường được coi là báng bổ đạo Hồi và bị đưa ra ngoài vòng pháp luật. Ở các nước như Sudan, Yemen, Syria, Iraq và Iran, các đảng Cộng sản và các đảng cánh tả khác nhận ra mình đang thất bại trong cuộc cạnh tranh quyền lực cay đắng với những người Hồi giáo.

Một tác động của việc các lực lượng cách mạng không thể huy động lực lượng dưới lá cờ chung của chủ nghĩa Cộng sản và Hồi giáo là sự chia rẽ sâu sắc giữa những người Hồi giáo, làm suy yếu năng lực của họ, trước tiên là nhằm chống chủ nghĩa thực dân trong nửa đầu thế kỷ 20 và sau đó là để chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa độc tài trên toàn thế giới Hồi giáo. Một tác động khác là việc hình thành các tổ chức mới do Mỹ ủng hộ, và chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh – một vài trong số đó biến thành các nhóm khủng bố chống phương Tây vốn đã phần nào định hình nên thế giới ngày nay.

Sự chia rẽ giữa những người cánh tả và người Hồi giáo ở Ai Cập sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011 cũng đã tạo điều kiện để đất nước trở lại chế độ quân sự vào giữa năm 2013. Căng thẳng tương tự đã chia rẽ phe đối lập với Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, mở đường cho cuộc nội chiến hơn sáu năm trước. Một thế kỷ sau Cách mạng Nga, liên minh thất bại giữa chủ nghĩa cộng sản và Hồi giáo tiếp tục định hình nền chính trị của thế giới Hồi giáo.

John T. Sidel là Giáo sư chuyên ngành Chính trị Quốc tế và Chính trị So sánh tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London. Ông cũng tác giả cuốn sách sắp xuất bản “Republicanism, Communism, Islam: Cosmopolitan Origins of Revolution in Southeast Asia.”

————-

[1] Nguyên văn Batik, loại vải được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in hoa văn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik nhưng Indonesia là nơi nghệ thuật Batik đạt đến đỉnh cao. Vải Batik được coi là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia trên thế giới.