#206 – Sau vụ xử Bạc Hy Lai: Tham nhũng có đe dọa tương lai TQ?

130731181908-bo-xilai-timeline-12-story-top

Nguồn: Roderic Broadhurst & Peng Wang (2014).“After the Bo Xilai Trial: Does Corruption Threaten China’s Future?”, Survival: Global Politics and Strategy, 56:3, pp. 157-178.

Biên dịch và Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Bài liên quan: “Gorbachev” Tàu đang xé nát Đảng Cộng sản 

Tham nhũng, đi liền với đó là thực phẩm độc hại, thuốc giả, sự lạm dụng quyền lực nghiêm trọng và tội phạm “xã hội đen” đã gây ra một chuỗi xì căng đan tại Trung Quốc. Nếu không tiến hành cải cách, những biến cố như vậy có thể nhanh chóng bào mòn tính chính đáng không chỉ của lực lượng cảnh sát và các cơ quan tư pháp, mà còn của chính đảng cầm quyền: Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vụ xét xử Bạc Hy Lai – cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh và là một trong 25 quan chức cấp cao trong Bộ chính trị – đã phơi bày vấn nạn tham nhũng mà cựu Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo rằng có thể dẫn tới “sự sụp đổ của Đảng và nhà nước”.[1]

Năm 2011, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã vô tình tiết lộ thông tin từ năm 1994 đến 2008, có khoảng 18.000 quan chức tham nhũng đã bỏ trốn sang Châu Âu, Châu Mỹ và các nước Châu Á khác; số tiền tham ô từ doanh nghiệp nhà nước và những hoạt động phạm pháp khác ước tính lên tới 120 tỉ USD.[2] Chi phí để duy trì trật tự công cộng trong nước cũng tăng nhanh chóng, và chi tiêu cho an ninh nội địa – đã được Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc năm 2012 thông qua – lần đầu tiên vượt chi tiêu quốc phòng, một phần do quan ngại về sự gia tăng những cuộc biểu tình trên diện rộng, gian lận, tham nhũng và tội phạm có tổ chức, và nhu cầu củng cố lại chính sách weiwen (duy ổn – duy trì sự ổn định) và hòa hợp xã hội.[3]

Cuộc chiến chống tham nhũng trở thành ưu tiên hàng đầu củaban lãnh đạo mới. Tại Phiên họp toàn thể thứ ba của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ lần thứ 18 vào tháng 11 năm 2013, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng mới được bổ nhiệm Tập Cận Bình đã nêu bật những rủi ro mà tham nhũng gây ra cho tính chính đáng của đảng và công cuộc cải cách kinh tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hệ thống chống tham nhũng.[4] Một năm về trước, sau sự kiện Mùa xuân Arab, ông đã mô tả tham nhũng như là “những con sâu sinh sản trong đống mục nát”:

Trong những năm gần đây, ở một số nước, những nhức nhối kéo dài đã gây nên sự giận dữ cho người dân, bất ổn xã hội và sụp đổ chính quyền. Trong số tất cả các nguyên nhân thì tham nhũng đóng một vai trò rất lớn. Rất nhiều sự kiện thực tế đã cho chúng ta thấy rằng với tình trạng tham nhũng ngày một trầm trọng, kết cục duy nhất sẽ là dấu chấm hết cho đảng và cho nhà nước! Chúng ta phải thật thận trọng!… Gần đây, đảng của chúng ta đã xử lý nghiêm minh theo luật pháp những vụ việc tồi tệ ảnh hưởng xấu đến chính trị và gây hoang mang cho người dân.[5]

Chủ tịch Tập thường xuyên tuyên bố sẽ giải quyết thẳng tay đối với cả “hổ” và “ruồi” – ám chỉ những người đứng đầu nhiều quyền lực và cả đám quan chức cấp dưới – nhằm giữ cho quyền lực “chỉ được giới hạn trong khuôn khổ quy định”.[6]

Cho tới nay, một trong những “con hổ” ở cấp cao nhất bị rơi xuống đáy là Bạc Hy Lai. Cú ngã ngựa li kỳ của người đàn ông này là xì căng đan chính trị lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 1989, năm diễn ra vụ thanh trừng Triệu Tử Dương, nguyên Tổng Bí thư ĐCSTQ.[7] Tuy nhiên, vụ án này không chỉ đơn thuần phơi bày thực trạng tham nhũng tràn lan trong bộ máy quan chức chính phủ; mà còn chỉ ra cuộc chiến chống tham nhũng có thể được đặc biệt sử dụng để nhắm vào các đối thủ chính trị như thế nào. Việc các nhà lãnh đạo mới lên thẳng tay xét xử những quan chức cấp cao tham nhũng ngay từ đầu thời kỳ nắm quyền của mình dường như đã thành thông lệ, và Chủ tịch Tập cũng không phải là ngoại lệ. Một chiến lược chống tham nhũng nghiêm đả (tấn công mạnh mẽ) có thể giúp các nhà lãnh đạo mới thiết lập uy quyền của mình trên khắp đất nước, nhưng về lâu dài, những chiến dịch như vậy không ngăn chặn được nạn tham nhũng, tăng cường sự minh bạch hay làm tăng tính chính đáng bên trong nhà nước Trung Quốc. Trên thực tế, xu hướng sử dụng những chiến dịch này để đạt được mục tiêu chính trị ngắn hạn bằng cách khống chế các đối thủ lại dẫn đến nguy cơ bùng phát căng thẳng trong giới lãnh đạo và có thể phá vỡ sự phát triển của tiến trình dân chủ ở Trung Quốc, đặc biệt là trong ĐCSTQ.

Mô hình Trùng Khánh

Kể từ năm 2010, những cuộc tranh luận về chính sách giữa phe bảo thủ và phe cải cách trong ĐCSTQ tập trung vào vấn đề làm sao để cân bằng phát triển kinh tế với sự phân bổ của cải trong xã hội. Năm 2011, hai hướng tiếp cận khác nhau nổi lên trong bối cảnh Bạc Hy Lai và Uông Dương – Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông – có sự bất đồng về “lý thuyết chiếc bánh” (cake theory). (Ông Uông, hiện nay là một trong bốn phó thủ tướng Trung Quốc, từng đảm nhiệm chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh từ 2005-07). Ông Uông theo chủ nghĩa tự do đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế: “trước hết phải nướng được chiếc bánh to hơn rồi mới tính đến chuyện chia nó”. Ông Bạc phản bác rằng giải pháp của Uông là “sai lầm trong thực tiễn. Nếu chia chiếc bánh không đều, những người làm nên chiếc bánh sẽ chẳng cảm thấy có động lực để nướng nó nữa”.[8] Những nhà cải cách trong đảng có xu hướng theo phe Uông Dương, đồng ý đặt ưu tiên “làm một chiếc bánh to hơn”, trong khi những người phe bảo thủ cho rằng “chia bánh công bằng” mới tạo điều kiện cho phát triển.

Thời gian đó, Bạc Hy Lai, con trai của Bạc Nhất Ba (một trong “Bát đại nguyên lão” của ĐCSTQ), được xem như một lãnh đạo đầy hứa hẹn của “thế hệ đỏ thứ hai”. Ông cũng được cho là người đứng đầu phái “tân tả”, một phong trào chưa định hình và bộc lộ nỗi nuối tiếc thời kỳ Mao Trạch Đông lãnh đạo. Cũng như nhiều “thái tử đảng” khác, tham vọng của Bạc là leo lên những nấc thang quyền lực cao nhất, cụ thể ở đây là ủy viên thường vụ Bộ chính trị. Danh sách những người sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo ở cấp độ này thường được quyết định trước đó một thập kỷ, do đó tại Đại hội Đảng lần thứ 16 năm 2002, những đảng viên triển vọng đã được xác định và chuẩn bị kĩ lưỡng cho những vị trí cấp cao sẽ trống vào năm 2012. Bản thân Bạc Nhất Ba đã tiến hành một chiến dịch ủng hộ con trai mình, nhưng Tập Cận Bình – một “thái tử đảng” khác, cũng giống như Bạc Hy Lai: vượt qua những rối ren của Cách mạng Văn hóa, đã giành được nhiều sự ủng hộ hơn, và Bạc thất bại trong cuộc đua đến một trong những vị trí danh giá nhất. Tại Đại hội Đảng lần thứ 17 vào tháng 10 năm 2007, cha của Bạc vẫn tìm cách kiếm cho con trai một trong chín chiếc ghế của Thường vụ Bộ chính trị, nhưng cái chết của ông vào tháng 1/2007 đã làm giảm sút lợi thế chính trị của Bạc. Mặc dù Bạc đã cố gắng giành được một trong hai mươi lăm ghế ở Bộ chính trị, trở thành Bí thư thành ủy Trùng Khánh, nhưng thành quả này xét theo một phương diện nào đó lại là một bước lùi: đảm nhiệm chức Bí thư đảng ủy ở một vùng hẻo lánh thông thường sẽ làm giảm cơ hội của một ủy viên Bộ chính trị ít thâm niên được quay trở lại Bắc Kinh và được chọn lựa vào Thường vụ Bộ chính trị. Tuy nhiên Bạc Hy Lai đã quyết tâm sử dụng vị trí mới này của mình như một đòn bẩy để thăng tiến và trở lại Bắc Kinh.[9]

“Mô hình Trùng Khánh” mà Bạc chủ trương trong nhiệm kỳ làm Bí thư thành ủy ở thành phố này dựa trên những chính sách kinh tế và xã hội được xây dựng nhằm giải quyết những thách thức mà các thành phố đang phát triển chóng mặt ở Trung Quốc phải đối đầu, bao gồm dịch vụ công nghèo nàn, tội phạm và tham nhũng, điều kiện sống tồi tàn và chi phí đi lại đắt đỏ. Bạc trở nên nổi tiếng qua hai chiến dịch lớn có tên “hồng ca” và “đả hắc” (hát nhạc đỏ và diệt xã hội đen) được phát động với sự trợ giúp tích cực của truyền thông, tạo điều kiện để ông thiết lập một nền tảng từ sự tôn sùng và ủng hộ từ dân chúng.[10] Chiến dịch “hồng ca” (khuyến khích hát lại những bài hát cách mạng và “văn hóa đỏ” nói chung) được phát động ở Trùng Khánh vào tháng 6 năm 2008 để kỉ niệm 90 năm ngày thành lập ĐCSTQ. Chiến dịch này dần được nhiều thành phố khác học tập theo.[11]

Do ở Trung Quốc các tổ chức tội phạm được gọi là “xã hội đen”, Bạc và cảnh sát trưởng Vương Lập Quân đã gọi chiến dịch trấn áp không nương tay với tội phạm có tổ chức là dai hei (đả hắc). Do chiến dịch vạch trần sự thông đồng giữa các quan chức (“ô dù bảo vệ”) trong Sở Công an, tòa án với các nhóm tội phạm trong thành phố, Bạc nhắm mục tiêu cụ thể vào “những đường dây câu kết đỏ-đen” (mạng lưới lợi ích giữa các thủ lĩnh băng nhóm, sĩ quan cảnh sát và các quan chức khác) và những doanh nhân giàu có độc quyền thị trường bằng biện pháp đe dọa và sử dụng bạo lực.[12] Thành công của chiến dịch này đã gây tiếng vang trên toàn quốc: từ tháng 10 năm 2009 đến tháng 11 năm 2011, 5.618 nghi phạm đã bị bắt giữ và hơn 550 băng nhóm tội phạm bị trấn áp. 77 quan chức chính quyền, một số người thậm chí ở cấp cao (bao gồm Văn Cường [Wen Qiang], cựu Giám đốc Sở Tư pháp thành phố và phó cảnh sát trưởng Trùng Khánh), bị bắt giữ vì cáo buộc đã bao che cho các băng nhóm tội phạm và các doanh nhân vi phạm pháp luật.[13]

Trong lúc tiến hành những chiến dịch này, Trùng Khánh trở thành một trong những tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Trung Quốc: đến năm 2011, thành phố đạt mức tăng trưởng hàng năm ở mức ấn tượng 16,4%.[14] Chính quyền thành phố cho phép nông dân đăng ký như cư dân thành thị và phát động một dự án nhà ở cho người dân với quy mô lớn, giúp cải thiện điều kiện vật chất của hàng nghìn người.[15] Được nhìn nhận như một giải pháp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội trong bối cảnh gia tăng căng thẳng xã hội, mô hình Trùng Khánh được người dân ủng hộ rộng rãi. Chiến dịch trấn áp tội phạm và tham nhũng đưa Bạc trở thành người anh hùng của phái “tân tả” trong nước.

Tuy nhiên mô hình này không tránh được những chỉ trích, đặc biệt từ bên ngoài Trùng Khánh. Chiến dịch “đả hắc” bị lên án bởi cách thức sử dụng tra tấn và bằng chứng giả để đối phó với các địch thủ chính trị cũng như các nhóm tội phạm.[16] Đồng Chi Vĩ (Tong Zhiwei), một luật gia hàng đầu, chỉ trích những phiên tòa xét xử thành viên các băng nhóm ở Trùng Khánh vì đã lờ đi những thủ tục pháp lý cần thiết và phân biệt đối xử với các doanh nghiệp tư nhân địa phương.[17] Những người Trung Quốc theo chủ nghĩa tự do sớm phác họa “phong trào đỏ” của Bạc như một cuộc “phục hung chủ nghĩa Mao”.[18] Chương Minh (Zhang Ming), một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Nhân dân, nhận thấy rằng “phần lớn nhạc đỏ nói về cách mạng và bạo lực. Hiện nay họ lại sử dụng nhạc đỏ để ca ngợi đảng và đảng viên, điều đó chả có nghĩa lý gì cả”.[19]

Bản thân Uông Dương cũng chỉ trích mô hình Trùng Khánh và khuyến khích mọi người nên “nghiên cứu và nhìn lại lịch sử của ĐCS thay vì chỉ hát ca ngợi về hào quang của nó”.[20] (Tất nhiên chiến dịch của Bạc nhằm trấn áp tội phạm có tổ chức cũng có hàm ý chỉ trích nhiệm kỳ của Uông Dương tại Trùng Khánh, cho rằng ông này đã khoan dung với tội phạm; và mô hình này phần nào được xem như một đòn để loại bỏ Uông trong cuộc đua tranh giành ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị).[21] Hơn nữa, phong thái lãnh đạo lôi cuốn của Bạc cũng như mối quan hệ mật thiết của ông với lực lượng Quân đội giải phóng Nhân dân và các quan chức trong bộ máy đảng có thể bị coi là một trở ngại đối với hệ thống lãnh đạo tập thể của Trung Quốc – trong đó những cá tính cuốn hút không được khuyến khích do e ngại nạn sùng bái cá nhân.[22] Như Francis Fukuyama đã nói:

Bạc Hy Lai thực sự có tiềm năng trở thành một hoàng đế tồi – ông ta là người duy nhất trong giới quan chức cấp cao có tính cuốn hút để vượt ra ngoài nguyên tắc đồng thuận thời kỳ hậu Mao… Nếu Bạc được thăng tiến, ông ta có thể đã lật đổ hệ thống và phá vỡ mọi nguyên tắc.[23]

Cuối cùng, với Tập Cân Bình, bản án dành cho Bạc Hy Lai là yếu tố quan trọng để củng cố vững chắc thêm bước chuyển giao quyền lực chính thức và đảm bảo tiếp tục có được sự ủng hộ của các cựu lãnh đạo.

Bước sa cơ của Bạc

Vụ việc châm ngòi cho xì căng đan gây chú ý nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1989 là vụ bắt giữ Vương Lập Quân, cựu phó thị trưởng và cảnh sát trưởng Trùng Khánh. Vào ngày 24 tháng 9 năm 2012, Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Thành Đô đã kết án ông Vương 15 năm tù vì tội lợi dụng pháp luật cho mục đích cá nhân, đào ngũ, lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ.[24] Cụ thể, ông này bị kết tội lạm quyền để che giấu cho Cốc Khai Lai – vợ Bạc Hy Lai – và Trương Hiểu Quân, một người trợ lý của gia đình, tội ám sát doanh nhân người Anh Neil Heywood.

Trước khi bị bắt giữ và kết tội, Vương Lập Quân đã bí mật báo cáo với Bạc về sự liên đới của Cốc Khai Lai trong vụ Heywood, với hy vọng sẽ đổi được thông tin này lấy một cơ hội thăng tiến, hoặc ít nhất thoát được sự điều tra về những cáo buộc tham nhũng của mình. Nhưng thay vào đó, Vương được cho là đã bị Bạc bạt tai, đấm và đe dọa.[25] Vào tháng 2 năm 2012, một Vương Lập Quân hoảng loạn đã bỏ trốn đến lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô, bất chấp nguy cơ mắc tội phản bội vì hành động này. Tại lãnh sự quán, Vương đã đưa ra những bằng chứng ám chỉ gia đình Bạc liên đới trong vụ Neil Heywood. Yêu cầu xin tị nạn chính trị của Vương bị từ chối và ông bị bắt giữ bởi Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc.[26] Vụ bê bối Vương Lập Quân kéo theo một cuộc điều tra tỉ mỉ về những nhân vật quanh Bạc, bao gồm cả vợ ông ta. Bạc cũng sớm bị khai trừ khỏi các vị trí trong đảng sau đó.

Trong phiên tòa xét xử Cốc Khai Lai vào ngày 9 tháng 8 năm 2012, Cốc thừa nhận đã đầu độc Heywood bởi từ một bất đồng trong kinh doanh, Heywood đã đe dọa sự an toàn của con trai bà là Bạc Qua Qua. Ngày 20 tháng 8 năm 2012, Tòa án trung cấp thành phố Hợp Phì đã tuyên án tử hình với Cốc – nhưng nếu có thái độ tốt thì sau hai năm sẽ được giảm xuống còn tù chung thân. Một năm sau, vào ngày 22 tháng 9 năm 2013, Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Tế Nam tuyên án tù chung thân với Bạc Hy Lai vì tội nhận hối lộ 20 triệu nhân dân tệ (3,3 triệu đô la Mỹ), tội tham ô khoảng 5 triệu nhân dân tệ (817.000 đô la Mỹ) khi còn là thị trưởng thành phố Đại Liên (từ 1993 đến 2000), và tội lạm dụng quyền lực để che giấu vụ giết Heywood. Tòa án cũng tước bỏ quyền lợi chính trị của ông suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản.[27]

Lãnh đạo ĐCS miêu tả vụ Bạc Hy Lai như một vấn đề tội phạm đơn thuần hơn là một cuộc đấu tranh chính trị.[28] Theo truyền thông quốc gia nước này, bản án của Bạc là một thắng lợi trong công cuộc chống tham nhũng.[29]. Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, tờ Nhân dân nhật báo, đã kết luận trong một bài xã luận rằng “sự trừng phạt cương quyết theo luật pháp đối với Bạc Hy Lai đã cho thấy không có một ngoại lệ nào trước kỷ cương của Đảng và luật pháp quốc gia”.[30] Việc tường thuật trực tiếp các lời khai của nhân chứng trong phiên tòa xét xử Bạc trên các tiểu blog cũng được coi là đã phản ánh “sự minh bạch lịch sử” và “bước tiến lịch sử trong nền pháp quyền” ở Trung Quốc.[31]

Tuy nhiên, nhiều người đặt nghi vấn cho sự diễn giải này. Trương Chí An (Zhang Zhi’an), một giáo sư khoa báo chí thuộc Đại học Trung Sơn tại thành phố miền Nam Quảng Châu, cho rằng những tường thuật trên tiểu blog đã được chọn lọc và không theo thời gian thực.[32] Những thắc mắc khác cũng được nêu lên liên quan đến chi tiết mối quan hệ giữa gia đình Bạc và nạn nhân Heywood, cũng như mức độ và bản chất sự tham nhũng của Bạc.[33] Những phiên tòa xét xử ở Trùng Khánh cũng là những vụ xử “xã hội đen” đầu tiên, đã làm lộ ra việc chính quyền sử dụng một cách hệ thống việc nghe lén liên lạc viễn thông, không chỉ để điều tra các hoạt động phạm pháp mà rõ ràng còn để theo dõi các đối thủ chính trị.[34]

Nhiều nhà phân tích phương Tây suy đoán rằng Bạc phải chịu một mức án nặng nề là do ông đã tự biện hộ mạnh mẽ trong phiên xử chứ không thể hiện một thái độ ăn năn, điều làm các nhà lãnh đạo đảng tức giận.[35] Theo báo chí phương Tây, ngoài vụ ám sát Heywood và tội bao che của Vương, thì Bạc chỉ là một kẻ giơ đầu chịu báng trong một cuộc thanh trừng chính trị: như Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) nói: “Tham vọng, tính cách hung hăng và tàn nhẫn của Bạc đe dọa các đối thủ và tạo thành chính tội ác của ông ta”.[36]

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều lý do để tin rằng những lời buộc tội Bạc có giá trị xác thực. Mặc dù tòa không xử tội lạm quyền trong chiến dịch “đả hắc”, chi tiết về sự tham nhũng của Bạc càng lộ rõ khi vợ ông, Cốc Khai Lai, xác nhận việc gia đình họ Bạc giữ quan hệ gần gũi với doanh nhân Từ Minh (Xu Ming), người được cho là đã hối lộ Bạc để có được hưởng những biệt đãi trong kinh doanh.[37] Trong phần biện hộ, Bạc khai vợ ông và Vương có quan hệ thân mật, và điều đó lý giải hành động của họ trong vụ Heywood – nhưng điều đó cũng là động cơ để Bạc làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bất cứ bê bối nào có thể diễn ra sau đó.

Tham nhũng có tổ chức và mang tính cộng sinh

Các chiến dịch chống tham nhũng: giải pháp hay là mối đe dọa?

Kết luận

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Tham nhung co de doa tuong lai TQ.pdf

—————–

[1] Tania Branigan, ‘China’s Hu Jintao Warns Congress Corruption Could Cause Fall of State’, Guardian, 8 November 2012, http://www.theguardian.com/world/2012/nov/08/china-hujintao-warning-congresscorruption.

[2] Leo Lewis, ‘Mistakenly-released Report Reveals Embarrassing Extent of Chinese Corruption’, Australian, 17 June 2011, http://www.theaustralian.com.au/news/world/accidentallyreleased-report-revealsembarrassing-extent-of-chinese-corruption/story-e6frg6so-1226076938605.

[3] Liping Sun et al., ‘Tsinghua Report – New Thinking on Stability Maintenance: Long-term Social Stability via Institutionalised Expression of Interests’, Lingdao Zhe, no. 33, 2010, pp. 11–24; Chris Buckley, ‘China Domestic Security Spending Rises to $111 Billion’, Reuters, 5 March 2012, http://www.reuters.com/article/2012/03/05/us-china-parliament-security-idUSTRE82403J20120305; Susan Trevaskes, Policing Serious Crime in China: From ‘Strike Hard’ to ‘Kill Fewer’ (London: Routledge, 2010), đặc biệt pp. 1–13.

[4] ‘Commentary: China Embarks on Era of Key Reforms’, Xinhua, 5 December 2013, http://news.xinhuanet.com/english/indepth/2013-12/05/c_132943741.htm.

[5] Ananth Krishnan, ‘Corruption May Lead to Unrest: Xi’, Hindu, 19 November 2012, http://www.thehindu.com/news/international/corruption-may-lead-to-unrest-xi/article4112139.ece.

[6] Ding Lin, ‘Xi Jinping Vows “Power Within Cage of Regulations”’, Xinhua, 22 January 2013, http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-01/22/c_132120363.htm.

[7] Jaime A. FlorCruz, ‘From Gang of Four to Bo Xilai: Reporting from China’s Show Trials’, CNN, 28 August 2013, http://edition.cnn.com/2013/08/28/world/asia/chinagang-of-four-trial-florcruz/index.html; ‘Bo Xilai’s Trial: Pacifying the Maoists’, Economist, 19 August 2013, http://www.economist.com/blogs/analects/2013/08/bo-xilai-s-trial.

[8] Jaime A. FlorCruz and Peter Shadbolt, ‘China’s Bo Xilai: From Rising Star to Scandal’, CNN, 23 September 2013,

http://edition.cnn.com/2012/08/08/world/asia/china-bo-xilai-profile/index.html.

[9] Dan Steinbock, ‘The Real Bo Xilai Story’, Asia Times, 17 September 2013, http://www.atimes.com/atimes/China/CHIN-01-170913.

[10] Zachary Keck, ‘With Bo Xilai on Trial, China Adopts Chongqing Model’, Diplomat, 21 August 2013, http://thediplomat.com/2013/08/with-bo-xilai-on-trial-china-adoptschongqing-model/.

[11] Jaime A. FlorCruz, ‘Red Culture Campaign Sweeps China’, CNN, 1 July 2011, http://edition.cnn.com/2011/WORLD/asiapcf/06/30/china.red.campaign/index.html.

[12] Jaime A. FlorCruz, ‘The Rise and Fall of China’s Bo Xilai’, CNN, 16 March 2012, http://edition.cnn.com/2012/03/16/world/asia/florcruzxilai-china/index.html; Roderic Broadhurst, ‘The Suppression of Black Societies in China’, Trends in Organized Crime, vol. 16, no. 1, 2013, pp. 95–113.

[13] Peng Wang, ‘The Rise of the Red Mafia in China: A Case Study of Organised Crime and Corruption in Chongqing’, Trends in Organized Crime, vol. 16, no. 1, 2013, pp. 49–73; Andrew Wedeman, ‘The Challenge of Commercial Bribery and Organized Crime in China’, Journal of Contemporary China, vol. 2, no. 79, 2013, pp. 18-34.

[14] ‘Models of Development: Chongqing Rolls On’, Economist, 28 April 2012, http://www.economist.com/node/21553495.

[15] William A. Callahan, China Dreams: 20 Visions of the Future (Oxford: Oxford University Press, 2013), p. 84.

[16] Michael Bristow, ‘Torture Claims Emerge in China’s Bo Xilai Scandal’, BBC, 21 April 2012, http://www.bbc.co.uk/news/world-asiachina-17790632; Vincent R. Johnson and Stephen C. Loomis, ‘The Rule of Law in China and the Prosecution of Li Zhuang’, Chinese Journal of Comparative Law, vol. 1, no. 1, 2013, pp. 66–83.

[17] Tong Zhiwei, ‘Chongqing Daheixing Shehui Guanli Moshi Yanjiu Baogao’, 21ccom.net, 20 February 2012, http://www.21ccom.net/articles/zgyj/ggzhc/article_2012021353482.html.

[18] Willy Lam, ‘The Maoist Revival and the Conservative Turn in Chinese Politics’, China Perspectives, no. 2, 2012,

pp. 5–15.

[19] Edward Wong, ‘Repackaging the Revolutionary Classics of China’, New York Times, 29 June 2011, http://www.nytimes.com/2011/06/30/world/asia/30redsong.html.

[20] Louisa Lim, ‘Cake Theory Has Chinese Eating up Political Debate’, NPR, 6 November 2011, http://www.npr.org/2011/11/06/142047654/cake-theory-has-chinese-eatingup-political-debate. Uông Dương hiện đang giữ chức phó thủ tướng Trung Quốc.

[21] ‘Chinese Politics: The Sacking of Bo Xilai’, Economist, 17 March 2012, http://www.economist.com/node/21550309.

[22] ‘China: Bo Xilai Affair Could Provoke Challenge to Entire System’, Democracy Digest, 16 March 2012, http://demdigest.net/blog/china-bo-xilai-affair-could-provokechallenge-to-entire-system/.

[23] Jamil Anderlini, ‘China Seeks to Erase Bo Xilai Influence’, Financial Times, 23 September 2013, http://www.ft.com/cms/s/0/c9c8d264-243c-11e3-a8f7-00144feab7de.html#axzz2yrwmYHhU.

[24] ‘Wang Lijun Sentenced to 15 Years in Prison’, Xinhua, 24 September 2012, http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-09/24/c_131868689.htm.

[25] ‘Did Bo Xilai Slap or Punch Wang Lijun?’, Wall Street Journal, 23 September 2013, http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2013/09/23/did-bo-xilai-slap-or-punch-wang-lijun.

[26] Jamil Anderlini, ‘China Jails Wang Lijun for 15 Years’, Financial Times, 24 September 2013, http://www.ft.com/cms/s/0/dddc7e84-05ea-11e2-bce8-00144feabdc0.html#axzz2yrwmYHhU.

[27] ‘Bo Xilai Gets Life in Prison’, China Daily, 22 September 2013, http://usa.chinadaily.com.cn/china/2013-09/22/content_16984347.htm.

[28] ‘China Voice: Why Do Rumors Repeatedly Arise in Bo Xilai Incident?’, Xinhua, 29 April 2012, http://news.xinhuanet.com/english/indepth/2012-04/29/c_131560026.htm.

[29] ‘Unremitting, Lawful Effort Against Corruption: People’s Daily’, Xinhua, 22 September 2013, http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-09/22/c_125426185.htm.

[30] ‘Jianchi Fazhi Fanfu, Jianshe Lianjie Zhengzhi’, People’s Daily, 23 September 2013, http://opinion.people.com.cn/n/2013/0922/c1003-22994604.html.

[31] Zheng Haijian, ‘Cong Bo Xilai Gongshen Ganshou Fazhi Zai Zhongguo de Liliang’, People’s Daily, 22 August 2013, http://opinion.people.com.cn/n/2013/0822/c1003-22664003.html.

[32] Qiang Zhang, ‘Microblogging the Bo Xilai Trial: Transparency or Theatre?’, BBC, 23 August 2013, http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-china-23806657.

[33] Kerry Brown, ‘Former Diplomat Kerry Brown Discusses the Fate of Bo Xilai on The World’, ABC News, 21 August 2013, http://www.abc.net.au/news/2013-08-21/former-diplomat-kerry-brown-discusses-the-fate-of/4903840.

[34] Jonathan Ainsfield and Ian Johnson, ‘Ousted Chinese Leader is Said to Have Spied on Other Top Officials’, New York Times, 25 April 2012, http://www.nytimes.com/2012/04/26/world/asia/bo-xilai-said-to-have-spied-ontop-china-officials.html.

[35] ‘The Bo Xilai: End of the Road?’, Economist, 28 September 2013, http://www.economist.com/news/china/21586884-tough-sentence-popular-leader-end-road.

[36] Minxin Pei, ‘The Legacy of Bo Xilai’, Diplomat, 25 September 2013, http://thediplomat.com/2013/09/the-legacy-of-bo-xilai/.

[37] ‘Bo Xilai Rejects “Insane” Wife Gu Kailai’s Testimony’, BBC, 23 August 2013, http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-china-23806575.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]