Động lực địa chính trị: Trung Quốc, Tây Tạng và Dalai Lama

image4545628x

Tác giả: Zhixing Zhang | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Bài liên quan: Yếu tố địa lý của quyền lực Trung Quốc

“Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan,”[i] câu văn mở đầu cho Tam quốc diễn nghĩa, cuốn tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc về chiến tranh và chiến lược, là cách tóm lược tốt nhất các động lực cốt yếu của địa chính trị Trung Quốc. Trọng tâm của nó là cuộc đấu tranh kéo dài hàng thiên niên kỷ của những kẻ muốn làm người cai trị của Trung Quốc nhằm thống nhất và cai trị phần lớn vùng địa lý gần như bất trị của nước này. Đó là câu chuyện của những lực lượng ly tâm và sự chia rẽ không thể vượt qua bắt nguồn từ địa lý và lịch sử cũng như, có lẽ cơ bản hơn, những lực lượng hướng tâm hướng tới sự thống nhất cuối cùng.

Động lực mạnh mẽ không ngừng này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Cuộc trưng cầu dân ý của Scotland và làn sóng phong trào ly khai — từ vùng tự trị Catalonia ở Tây Ban Nha cho tới người Kurd ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ — đều đang diễn ra theo các chiều hướng khác nhau. Hơn nửa thế kỷ sau khi Đệ nhị Thế chiến gây ra một làn sóng dân tộc chủ nghĩa hậu thuộc địa làm thay đổi bản đồ thế giới, chủ nghĩa dân tộc và các phong trào bản sắc dân tộc dưới nhiều hình thức khác nhau vốn bị chôn vùi nay đang thách thức ý tưởng hiện đại rằng sự thống nhất của các quốc gia – dân tộc là bất khả xâm phạm.

Các phong trào ly khai lớn trên thế giới hiện nay. Nguồn: Stratfor
Các phong trào ly khai lớn trên thế giới hiện nay. Nguồn: Stratfor

Nhưng ngay cả khi những phong trào này chưa đạt được thành công tại các quốc gia này, thì ở Trung Quốc, một trong những vấn đề nan giải nhất của cuộc đấu tranh cho sự thống nhất là địa vị của Tây Tạng lại đã sẵn sàng cho một sự đảo ngược khả dĩ, hay ít nhất là một sự điều chỉnh lớn. Các cuộc đàm phán kéo dài nhưng thường xuyên không được chú ý tới đã đưa ra khả năng Dalai Lama,[ii] lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, có thể gần đạt được một thỏa thuận cho phép ông trở về quê hương Tây Tạng của mình.

Nếu điều đó xảy ra, cuộc lưu vong của Dalai Lama tại Dharamsala, Ấn Độ từ sau sự kiện Nổi dậy Tây Tạng năm 1959, chín năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sáp nhập Tây Tạng, sẽ kết thúc. Quan trọng hơn, sự hòa giải giữa Bắc Kinh và Dalai Lama có thể là bước tiến lớn trong việc xoa dịu sự ghẻ lạnh về cả vật chất cũng như tinh thần giữa vùng trung tâm Trung Quốc và Cao nguyên Tây Tạng.

Tây Tạng, Đức Dalai Lama và quyền tự quyết

Sự tồn tại của vấn đề Tây Tạng cho thấy những xu hướng chồng chéo của địa chính trị Trung Quốc. Căn bản nhất, nó phải được hiểu trong bối cảnh Trung Quốc đấu tranh nhằm sáp nhập và mở rộng quyền kiểm soát lên các vùng đất biên cương mà dù thường xa xôi cách trở nhưng lại có ý nghĩa chiến lược về cả quân sự và dân cư. Những vùng đất biên cương này, trải dài từ đông bắc xuống tây nam — Mãn Châu, Cao nguyên Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng và Cao nguyên Vân Nam — tạo nên một lá chắn, vừa chứa đựng vừa che chở cho phần lõi người Hán thống nhất khỏi các cuộc xâm lăng trên đất liền. Tuy nhiên, trong nỗ lực sáp nhập các khu vực này, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề bản sắc dân tộc cùng sự chia rẽ địa lý trong những vùng đất biên giới bất ổn vốn tìm cách kháng cự, độc lập hoặc tách khỏi Trung Quốc vào những thời điểm khi mà chính quyền trung ương yếu kém làm suy giảm sự gắn kết của nội bộ Trung Quốc.

Tây Tạng về nhiều mặt đại diện cho một khía cạnh tối đa trong mẫu hình này. Thật vậy, đặc điểm địa lý đặc biệt của Cao nguyên Tây Tạng (nằm ở độ cao trung bình 4,5 kilômét so với mực nước biển) đã hầu như giúp ngăn chặn các các mối đe dọa từ biên cương đối với phần lõi Hán so với những vùng dễ tiếp cận hơn như Mãn Châu, Cao nguyên Mông Cổ hay Tân Cương. Có lẽ không vùng biên thùy nào có tầm quan trọng lớn như Tây Tạng trong hoàn cảnh địa chính trị hiện nay của Trung Quốc. Cao nguyên Tây Tạng và các vùng lân cận chiếm khoảng một phần tư diện tích Trung Quốc và là một nguồn nước ngọt chính cho nước này, Tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á lục địa.[iii] Những ngọn núi cao của dãy Himalaya tạo nên vùng đệm tự nhiên cho vùng trung tâm Trung Quốc và định hình nên các mối quan hệ địa chính trị phức tạp giữa nước này và Ấn Độ.

Trong lịch sử, sự can thiệp của Trung Quốc vào Cao nguyên Tây Tạng còn ít và không có sự thống nhất quốc gia. Từ thế kỷ thứ 7, Trung Quốc bắt đầu có những cố gắng lẻ tẻ nhằm mở rộng tầm với của mình tới Cao nguyên Tây Tạng, nhưng phải đến thời nhà Thanh, đế chế này mới có những nỗ lực đáng kể trong việc giành quyền kiểm soát đối với cơ cấu xã hội và văn hóa Tây Tạng thông qua sự kiểm soát các tổ chức Phật giáo ở đây. Sự suy yếu của Trung Quốc sau thời nhà Thanh đã dẫn tới việc các quốc gia ngoại vi, bao gồm Tây Tạng, tuột khỏi tay chính quyền trung ương Trung Quốc.

Kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu cai trị Tây Tạng vào năm 1950, các cuộc đấu tranh kéo dài đã được thể hiện qua sự chia rẽ chính trị, tôn giáo và tinh thần giữa chính quyền Bắc Kinh và Đức Dalai Lama, biểu tượng chính trị và tinh thần lôi cuốn của phong trào tự quyết Tây Tạng, người luôn chống lại sự thống trị về mọi mặt của Trung Quốc đối với vùng đất này. Ở đây, quá trình địa chính trị thường không mang tính cá nhân đã đối mặt với một cá nhân hiếm hoi mang ảnh hưởng lâu dài. Đức Dalai Lama đã tập trung vấn đề Tây Tạng vào chính mình và hình ảnh của mình. Chính Dalai Lama là người đại diện cho bản sắc Tây Tạng ở nước ngoài, giúp gắn kết các phong trào Tây Tạng nhỏ lẻ lại với nhau, và giữ ảnh hưởng đối với cả người Tây Tạng bản địa ở quê hương và những thế hệ người Tây Tạng lưu vong cũ và mới.

Cuộc đấu tranh lâu dài và những bước đi tạm thời

Dưới chính thể Cộng hòa Nhân dân, Trung Quốc có sự kiểm soát từ trung ương và rõ ràng trên thực tế đối với một trong những quốc gia lớn nhất và an toàn nhất trong lịch sử các triều đại Trung Hoa. Tuy nhiên, động lực từ xưa nhằm nắm chắc vùng ngoại biên không phải không được tính đến bởi giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc.

Trong những năm qua, chính quyền trung ương đã đẩy mạnh việc tăng cường sự thống trị của người Hán về kinh tế và nhân khẩu học lên các vùng biên ải trong khi cố gắng vượt qua những rào cản về khoảng cách địa lý thông qua các dự án cơ sở hạ tầng hoành tráng, bằng cả đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, sự chia rẽ với Dalai Lama đã khiến Bắc Kinh phải đối mặt với cảm nhận rằng việc kiểm soát Cao nguyên Tây Tạng của họ chưa trọn vẹn và tính hợp pháp của họ bị nghi ngờ. Trong khi đó, uy tín quốc tế của Dalai Lama khiến chính quyền trung ương Trung Quốc dễ bị chỉ trích bởi nhiều nhà phê bình quốc tế. Hơn nữa, nó còn cho New Delhi cơ hội để khai thác các mối quan ngại của Trung Quốc bằng việc cho phép Chính phủ lưu vong Tây Tạng và Dalai Lama lưu trú.

Bắc Kinh không thể cho phép quyền tự chủ theo yêu cầu của phong trào lưu vong Tây Tạng; từ quyền tự chủ mạnh mẽ đến trực tiếp thách thức là một con đường ngắn. Chiến lược của Bắc Kinh là cố gắng làm hạ thấp uy tín quốc tế của Dalai Lama, hạn chế sự tương tác giữa cộng đồng lưu vong với người Tây Tạng ở quê hương, và hi vọng khi vị lãnh đạo tinh thần này chết đi, sự thiếu vắng cá tính mạnh mẽ của ông sẽ khiến Tây Tạng rơi vào tình trạng không có trung tâm, cũng như không có người nào có thể thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế được như Dalai Lama nữa.

Trọng tâm trong tính toán của Bắc Kinh là việc can thiệp vào quá trình kế vị mà theo đó Bắc Kinh đòi quyền chỉ định người kế nhiệm tôn giáo của Dalai Lama, qua đó khai thác sự chia rẽ giữa các giáo phái và phe phái trong Phật giáo Tây Tạng. Bắc Kinh khẳng định quá trình luân hồi chuyển kiếp của Dalai Lama[iv] phải tuân theo truyền thống tôn giáo Tây Tạng kể từ thời nhà Thanh, có nghĩa là nó phải xảy ra trong lãnh thổ Tây Tạng và có ủng hộ của chính quyền trung ương. Quá trình này nhấn mạnh vị thế của Tây Tạng như là một phần của Trung Quốc, chứ không phải một thực thể độc lập.

Kế hoạch của Bắc Kinh có thể có tác dụng, nhưng cái giá sẽ là rất cao. Nếu không được Dalai Lama công nhận, người kế nhiệm được Bắc Kinh bổ nhiệm — và rộng hơn là thẩm quyền của Bắc Kinh đối với Tây Tạng — khó có thể được cộng đồng người Tây Tạng nói chung công nhận. Nhằm chống lại những nỗ lực can thiệp của Bắc Kinh, những năm gần đây Dalai Lama đã nhiều lần tuyên bố hàm ý rằng những truyền thống cổ xưa của quá trình kế vị có thể bị phá vỡ.

Đặc biệt, Dalai Lama đã bàn về khả năng kế vị qua hóa thân (emanation) chứ không phải luân hồi chuyển kiếp (reincarnation). Điều này có thể truyền kiến thức và uy quyền của ông cho nhiều cá nhân khác nhau, mỗi người đều là một phần di sản tinh thần của ông, nhưng không ai là người kế vị duy nhất. Hóa thân có thể được thực hiện khi Dalai Lama còn sống, do đó ông có thể kiểm soát được quá trình chuyển giao. Ông cũng nhắc đến khả năng không chỉ định một người kế nhiệm nào — như thế vòng luân hồi của Dalai Lama sẽ chấm dứt, để lại di sản của ông như là một trọng tâm lâu dài cho người Tây Tạng.

Cụ thể hơn, Dalai Lama đã tách biệt vai trò lãnh đạo tinh thần và chính trị của phong trào Tây Tạng, trên danh nghĩa từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị nhưng giữ nguyên vai trò lãnh đạo tinh thần. Làm như vậy, ông đang cố gắng tạo ra tính liên tục cho phong trào Tây Tạng cho dù những người kế nhiệm tinh thần của ông chưa được xác định. Tuy nhiên, nó cũng tách Dalai Lama ra khỏi bất kỳ phong trào chính trị Tây Tạng nào, điều trên lý thuyết giúp nhà lãnh đạo tinh thần này và Bắc Kinh dễ dàng đạt được một thỏa thuận hơn về khả năng ông quay về Tây Tạng trong vai trò một nhà lãnh đạo tinh thần chứ không phải một nhà lãnh đạo chính trị.

Nhưng những động thái của Dalai Lama phản ánh một thực tế sâu hơn. Phong trào Tây Tạng là không đồng nhất. Phật giáo Tây Tạng có nhiều trường phái vốn vẫn đang cố gắng duy trì sự hợp tác mong manh bởi lòng tôn trọng đối với Dalai Lama. Các phong trào chính trị Tây Tạng cũng bị chia nhỏ, với những người Tây Tạng trẻ được sinh ra ở nước ngoài thường hoạt động mạnh mẽ hơn cho độc lập của Tây Tạng, trong khi những người lưu vong lớn tuổi có giọng điệu ôn hòa hơn và chỉ kêu gọi quyền tự chủ nhiều hơn nữa. Con đường đấu tranh hòa bình mà Dalai Lama thúc đẩy được tôn trọng, nhưng không được đảm bảo vĩnh viễn bởi các thành phần trẻ hơn và cấp tiến hơn của phong trào Tây Tạng, những người chỉ tạm thời từ bỏ việc sử dụng bạo lực để đạt được các mục đích chính trị của họ.

Tương lai của phong trào Tây Tạng sau khi Dalai Lama qua đời là không chắc chắn. Ở mức tối thiểu, danh tiếng của nhà lãnh đạo tinh thần đồng nghĩa với việc không một người kế nhiệm nào có thể có cùng mức độ ảnh hưởng hoặc duy trì được sự gắn kết nội bộ như ông đã làm. Cũng như Dalai Lama lo ngại một cánh cực đoan của thế hệ người Tây Tạng mới sẽ làm suy yếu tư tưởng ôn hòa của ông và làm suy yếu tính hợp pháp của phong trào, Bắc Kinh cũng sợ rằng thời kỳ hậu Dalai Lama sẽ đem đến nhiều phong trào cực đoan, ly khai hoặc thậm chí quân sự, đặt Bắc Kinh vào một vị trí khó khăn hơn nhiều và có khả năng phải đối mặt với mối đe dọa an ninh lớn hơn.

Bắc Kinh và Dalai Lama từng cho thấy sự sẵn sàng để đạt được một giải pháp chính trị trong quá khứ, nhưng những nỗ lực của họ đã thất bại. Trong khi sự bất định lớn dần lên đối với cả hai phía trong bối cảnh những lo ngại về tuổi tác của Dalai Lama và những động lực thay đổi trong nước mà chủ tịch mới của Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt, cả hai bên có thể xem việc từ bỏ những thù địch trước đây như là một bước đi hợp lý nhằm hướng tới một giải pháp với chi phí thấp. Nói cách khác, cả Bắc Kinh và Dalai Lama — và rộng hơn là những người ủng hộ ông — đều hiểu họ còn rất ít thời gian như thế nào, và việc những bất định xoay quanh vấn đề Tây Tạng có thể kéo dài mãi mãi ra sao sau cái chết của nhà lãnh đạo tinh thần nếu hai bên không đạt được một giải pháp.

Hiện tại lạc quan, tương lai dè chừng

Báo cáo về việc Dalai Lama có thể trở về Tây Tạng được đưa ra khi Bắc Kinh đã nối lại các cuộc đàm phán với những người đại diện của nhà lãnh đạo tinh thần này. Vòng đàm phán này diễn ra sau chín vòng đàm phán thất bại trong thập kỷ trước và bốn năm sau nỗ lực cuối cùng. Tuy nhiên, tâm thế của cả hai bên ít nhất phần nào cũng có vẻ lạc quan. Trong những tuần gần đây, Dalai Lama đã đưa ra những lời bình luận mang tính hòa giải về Tập Cận Bình và cho biết ông có thể sẵn sàng trở về Tây Tạng, một ước muốn từ lâu của nhà lãnh đạo tinh thần 79 tuổi này. Về phần mình, Bắc Kinh đã thả tự do cho một số tù nhân chính trị Tây Tạng và được cho là đã cho phép sử dụng hình ảnh cũng như phát ngôn của Dalai Lama tại một số khu vực nhất định ở Tây Tạng sau nhiều năm cấm đoán.

Tất nhiên, còn nhiều điều không chắc chắn xung quanh sự trở về của Dalai Lama; việc nó có diễn ra hay không thậm chí còn chưa rõ ràng. Thật vậy, cần một nỗ lực rất lớn để có thể vượt qua được mối quan hệ thù địch đã kéo dài 55 năm, và ngay cả khi Dalai Lama được cho phép trở về Tây Tạng, điều đó chỉ là một trong nhiều bước tiến trong những cuộc đàm phán rộng hơn giữa Bắc Kinh và cộng đồng người Tây Tạng lưu vong để đạt được một thỏa thuận, bao gồm khả năng tái định cư cho 200.000 người Tây Tạng lưu vong, tình trạng của chính phủ lưu vong, thẩm quyền của Đạt-lai Lạt-ma, và cuối cùng là quá trình kế vị của nhà lãnh đạo tinh thần.

Trong những năm qua, Dalai Lama đã nhiều lần bày tỏ mong muốn mạnh mẽ được trở về quê hương Tây Tạng, coi nó như là đích đến cuối cùng trong những nỗ lực lâu dài của ông nhằm giành quyền tự chủ cho Tây Tạng. Dù luôn để ngỏ lựa chọn này, Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bất cứ cuộc đối thoại nào với Dalai Lama cũng chỉ liên quan tới phạm vi thỏa thuận với nhà lãnh đạo tinh thần này mà thôi, đồng thời không mang hàm ý chính trị nào.

Nói cách khác, bất cứ thỏa thuận nào dựa trên tiền đề mở rộng quyền tự chủ cho Tây Tạng đều không phải là lựa chọn của Bắc Kinh, và thẩm quyền của Bắc Kinh đối với các vùng đất Tây Tạng — và rộng hơn là các vùng biên ải ở Tân Cương và Nội Mông — sẽ không thay đổi. Tương tự, Dalai Lama sẽ không chấp nhận việc thẩm quyền về tinh thần của ông đối với cộng đồng người Tây Tạng hay vai trò của ông trong việc lựa chọn người kế nhiệm bị suy yếu. Tuy nhiên, với mối lo ngại của Bắc Kinh về sự gia tăng của cánh cấp tiến trong phong trào Tây Tạng ở nước ngoài, việc cho phép Dalai Lama trở về Tây Tạng có thể làm xoa dịu một số căng thẳng và mang lại cho Bắc Kinh một cách để chia rẽ và làm suy yếu phong trào Tây Tạng.

Nếu tiến tới một thỏa thuận, hai bên cần phải chuẩn bị cho một số rủi ro chính trị. Với Bắc Kinh, mối quan tâm hàng đầu sẽ là việc quản lý sức ảnh hưởng tôn giáo to lớn của Dalai Lama trên quê nhà, nơi ông được xem là một thách thức đối với vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với Dalai Lama, mối quan tâm chủ yếu sẽ là việc quản lý vai trò lãnh đạo chính trị Tây Tạng ở nước ngoài và những hậu quả tiềm ẩn trong phong trào lưu vong từ việc thỏa thuận đang được xây dựng đi ngược lại mục đích giành quyền tự chủ cho Tây Tạng của họ.

Có lẽ quan trọng hơn là ngay cả khi có những dấu hiệu cho thấy một giải pháp đang được hình thành, thì vấn đề người kế vị vẫn rất có thể là một rào cản. Bắc Kinh dường như không đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào liên quan đến thẩm quyền chỉ định nhà lãnh đạo luân hồi của họ, và Dalai Lama cho thấy ông ít có ý định cho phép Bắc Kinh đơn phương hành động.

Đương đầu với một lời nguyền địa chính trị

Cho dù có những sự bất định, nghi vấn và rủi ro, thì những hậu quả tiềm ẩn của khả năng xích lại gần nhau giữa hai bên dù mong manh cũng đã minh họa cho sự vận động địa chính trị từ xa xưa tại Trung Quốc.

Trường hợp này một lần nữa cho thấy cách một cá nhân có thể đóng một vai trò nhất định trong địa chính trị, đồng thời khả năng hòa giải giữa Bắc Kinh và Dalai Lama có thể ảnh hưởng tới sự cân bằng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc từ lâu đã xem quyết định của Ấn Độ cho phép chính phủ lưu vong Tây Tạng nương náu là một động thái thù địch. Tuy nhiên, khả năng khai khác những mối quan ngại của Trung Quốc về Tây Tạng của Ấn Độ đã giảm do sức ảnh hưởng của chính phủ lưu vong và việc nó tuyên bố đại diện cho Tây Tạng như một thực thể hợp pháp.

Khu vực định cư của người Tây Tạng tại Ấn Độ. Nguồn: Stratfor
Khu vực định cư của người Tây Tạng tại Ấn Độ. Nguồn: Stratfor

Hiện tại, New Delhi đã cho thấy họ ít nhiệt thành hơn trong việc chấp nhận những người Tây Tạng tị nạn, đồng thời ngày càng quan ngại rằng sự chia rẽ nội bộ của cộng đồng này sẽ khiến việc chứa chấp họ trở thành gánh nặng hơn là lợi ích. Tuy nhiên, việc có được một dàn xếp sẽ không loại bỏ sự đối đầu căn bản về địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên các mặt khác — từ 4.000 kilômét đường biên giới trên đất liền tới cạnh tranh hàng hải trên Ấn Độ Dương và Biển Đông cũng như các cuộc cạnh tranh giành tài nguyên và năng lượng.

Ngay cả khi có một giải pháp cho vấn đề Tây Tạng xuất hiện trong tương lai xa, cũng không có nghĩa là cuộc đấu tranh Trung Quốc – Tây Tạng sẽ kết thúc. Thật vậy, từ năm 2009 đã có nhiều người Tây Tạng tự thiêu, và sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh trong nhiều vùng đất biên cương của người dân tộc thiểu số được cho là khiếm khuyết hoặc không đầy đủ. Rất có thể, sự hòa dịu với Dalai Lama sẽ dẫn đến việc các phần tử cực đoan và cấp tiến hơn xuất hiện ở nước ngoài, tìm kiếm quyền tự quyết và, như nhiều phong trào tương tự trên thế giới — từ Scotland đến người Kurd ở Trung Đông — thách thức các lực lượng hướng tâm của các quốc gia – dân tộc.

Trong lịch sử, khi người Hán lớn mạnh thì sự kiểm soát của họ đối với các vùng đệm cũng vững chắc. Ngược lại, các vùng đệm vững chắc cũng là điều kiện tiên quyết cho sự lớn mạnh và an toàn của người Hán. Sự sắp đặt này sẽ trở nên tối quan trọng khi Bắc Kinh phải vật lộn với những thách thức tiềm ẩn trong quá trình chuyển đổi xã hội, kinh tế và chính trị tại phần lõi người Hán trong những năm sắp tới. Do đó, mặc cho sự biến đổi không ngừng được nhắc tới trong câu nói trích từ Tam quốc diễn nghĩa, với Bắc Kinh, mục tiêu cuối cùng vẫn là phải đối đầu với lời nguyền địa chính trị cổ xưa bằng cách áp đặt kiểm soát lên những vùng đất biên giới và thống nhất Trung Quốc vĩnh viễn, dẫu cho mục tiêu này có phi thực tế đến thế nào đi chăng nữa.

Zhixing Zhang (Trương Tri Hạnh) là chuyên viên phân tích cao cấp về khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Stratfor.

Bản gốc tiếng Anh: Stratfor

——————-

[i] La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa. Bản dịch của Phan Kế Bính. (ND)

[ii] Dalai Lama là danh hiệu của nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng. Dalai Lama hiện nay là vị thứ 14, đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989. (ND)

[iii] Đông Nam Á lục địa bao gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, và Malaysia bán đảo. (ND)

[iv] Người Tây Tạng cho rằng mỗi vị Dalai Lama trong hiện tại là hiện thân của vị Dalai Lama trong kiếp trước. (ND)