#210 – Quái vật đảo Jekyll (Ch.13): Vũ hội hóa trang ở Mat-xcơ-va

Red_cross_mission

Nguồn: G. Edward Griffin, “Masquerade in Moscow”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 13.

Biên dịch: Đặng Thị Huyền | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island

Nội dung chính: Hội kín được thành lập bởi Cecil Rhodes với mục đích thống trị thế giới; việc thành lập tại Mỹ của một chi nhánh được gọi là “Hội đồng Quan hệ Đối ngoại” (CFR); vai trò của các nhà tài phiệt bên trong các nhóm này trong việc tài trợ cuộc cách mạng Nga; việc sử dụng Phái đoàn Chữ thập đỏ ở Mat-xcơ-va như là vỏ bọc cho thủ đoạn đó.

Một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của lịch sử hiện đại đó là cuộc cách mạng Bôn-sê-víc ở Nga là một cuộc nổi dậy của quần chúng bị áp bức chống lại giai cấp cầm quyền đáng ghét của Sa hoàng. Tuy nhiên như chúng ta thấy, việc lập kế hoạch, lãnh đạo, và đặc biệt là tài chính hoàn toàn đến từ bên ngoài nước Nga, chủ yếu đến từ các nhà tài phiệt ở Đức, Anh, và Hoa Kỳ. Hơn nữa chúng ta có thể thấy rằng Công thức Rothchild đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình những sự kiện này.

Câu chuyện tuyệt vời này bắt đầu với cuộc chiến tranh giữa Nga và Nhật Bản vào năm 1904. Jacob Schiff, người đứng đầu của công ty đầu tư trụ sở tại New York là Kuhn, Loeb và Cộng sự, đã huy động vốn cho các khoản vay chiến tranh lớn cho Nhật Bản. Chính nhờ nguồn kinh phí này mà Nhật Bản đã có thể khởi động một cuộc tấn công đáng kinh ngạc vào năm sau chống lại người Nga ở cảng Lữ Thuận (Port Arthur), qua đó gần như tiêu diệt hạm đội Nga. Vào năm 1905, Mikado đã trao cho Jacob Schiff một huân chương Thụy Bảo Chương hạng hai, công nhận vai trò quan trọng của ông trong chiến dịch đó.

Trong hai năm chiến sự, hàng ngàn binh lính và thủy thủ Nga đã bị bắt làm tù binh. Các thế lực bên ngoài thù địch với chế độ Sa hoàng đã trả tiền cho việc in ấn các tài liệu tuyên truyền chủ nghĩa Mác và gửi đến các trại tù. Các nhà cách mạng nói tiếng Nga đã được đào tạo ở New York và được gửi đến để phân phối các tờ rơi cho các tù nhân và để truyền bá cho họ về việc nổi loạn chống lại chính phủ. Khi chiến tranh kết thúc, các sĩ quan và binh lính trở về nhà để trở thành những hạt giống ảo trong âm mưu chống lại Sa hoàng. Họ đã đóng vai trò chính yếu một vài năm sau đó trong việc tạo ra cuộc binh biến trong quân đội trong quá trình những người Cộng sản giành chính quyền ở Nga.

Trotsky là một đặc vụ đa mang

Một trong những nhà cách mạng Nga nổi tiếng nhất vào thời điểm đó là Leon Trotsky. Vào tháng Giêng năm 1916, Trotsky bị trục xuất khỏi Pháp và đã đến Hoa Kỳ. Có thông tin rằng chi phí của Trostky được trả bởi Jacob Schiff. Không có tài liệu để chứng minh thông tin này nhưng các bằng chứng gián tiếp đã chỉ ra một nhà tài trợ giàu có ở New York. Trotsky đã ở đó vài tháng và viết cho một tờ báo xã hội chủ nghĩa Nga, tờ Novy Mir (Thế giới mới), và đưa ra các bài phát biểu cách mạng trong các cuộc mít-ting đông người ở thành phố New York. Theo Trotsky, nhiều lần một chiếc xe li-mu-sin có tài xế riêng đã được thuê cho mình bởi một người bạn giàu có được xác định là Tiến sĩ M. Trong cuốn sách của mình mang tên “Cuộc đời tôi”, Trotsky đã viết:

Vợ của tiến sĩ đưa vợ con tôi lái xe đi chơi và rất tốt với họ. Nhưng cô ấy chỉ là một con người bình thường, trong khi người tài xế lại là một nhà ảo thuật, một người khổng lồ, một siêu nhân! Với cái vẫy tay của mình, ông đã khiến cỗ máy tuân theo mọi lệnh nhỏ nhất của mình. Ngồi bên cạnh ông là niềm vui tối thượng. Khi họ đi vào một phòng trà, những đứa trẻ sẽ lo lắng hỏi mẹ, “Tại sao tài xế không đi vào?”[1]

Thật là một cảnh tượng kỳ lạ khi một gia đình của một nhà cấp tiến vĩ đại theo chủ nghĩa xã hội, người bảo vệ giai cấp công nhân, kẻ thù của chủ nghĩa tư bản, lại vui thích với phòng trà và tài xế, những biểu tượng của sự xa hoa tư bản chủ nghĩa.

Ngày 23 tháng 3 năm 1917, một cuộc họp quần chúng được tổ chức tại Carnegie Hall để ăn mừng sự thoái vị của Nicholas II, có nghĩa là lật đổ sự cai trị của Sa hoàng ở Nga. Hàng ngàn người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cải cách, và chủ nghĩa vô chính phủ đã tham dự để cổ vũ sự kiện này. Ngày hôm sau một bức điện từ Jacob Schiff gửi tới những người này đã được công bố trên trang hai của tờ New York Times. Ông bày tỏ sự hối tiếc rằng ông không thể tham dự và sau đó mô tả cuộc cách mạng thành công của Nga là “… những gì chúng tôi đã hy vọng và nỗ lực phấn đấu trong nhiều năm nay.” [2]

Trong số tạp chí New York Journal American ngày 3 tháng 2 năm 1949, cháu trai của Schiff, John, đã được trích dẫn bởi nhà bình luận Cholly Knickerbocker, nói rằng ông nội của ông đã tài trợ khoảng 20 triệu USD cho chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản ở Nga.

Khi Trotsky trở về Petrograd tháng 5 năm 1917 để tổ chức giai đoạn Bôn-sê-víc của cuộc cách mạng Nga, ông mang theo 10.000 USD cho chi phí đi lại, một khoản tiền khá lớn nếu xét đến giá trị của đồng đô la tại thời điểm đó. Thông tin về số tiền này là chắc chắn vì Trotsky đã bị bắt bởi nhân viên hải quân Canada và Anh khi con tàu của ông, SS Kristianiafjord, đi vào Halifax. Số tiền thuộc sở hữu của ông bây giờ đã được ghi chép chính thức. Nguồn gốc của số tiền đó là trung tâm của nhiều suy đoán, nhưng các bằng chứng cho thấy một cách mạnh mẽ rằng nguồn gốc của nó là chính phủ Đức. Đó là một khoản đầu tư khả dĩ.

Việc Trotsky bị bắt giữ không phải là ngẫu nhiên. Ông được công nhận là một mối đe dọa đến các lợi ích tối cao của Anh, mẫu quốc của Canada trong Khối Thịnh vượng Chung. Nga là một đồng minh của Anh trong Thế chiến thứ nhất mà lúc đó đang diễn ra ở châu Âu. Bất cứ điều gì làm suy yếu Nga – mà chắc chắn bao gồm cách mạng nội bộ – thực tế sẽ giúp tăng cường sức mạnh của Đức và làm suy yếu nước Anh. Tại New York, vào đêm trước khi khởi hành, Trotsky đã đưa ra một bài phát biểu, trong đó ông nói: “Tôi sẽ trở lại Nga để lật đổ chính phủ lâm thời và chấm dứt chiến tranh với Đức.”[3] Trotsky, do đó, đại diện cho một mối đe dọa thực sự đối với nỗ lực chiến tranh của nước Anh. Ông đã bị bắt như một đặc vụ của Đức và bị đối xử như là một tù nhân chiến tranh.

Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể thấy sức mạnh to lớn của những lực lượng bí ẩn cả ở Anh và Hoa Kỳ vốn đã can thiệp giúp Trotsky. Ngay lập tức, điện tín bắt đầu được gửi tới Halifax từ các nguồn khác nhau như từ một luật sư chưa rõ tên tuổi ở thành phố New York, từ Thứ trưởng Bưu chính Canada, và thậm chí từ một sĩ quan cấp cao trong quân đội Anh, tất cả đều hỏi về tình hình của Trotsky, đôn đốc việc phóng thích ông ngay lập tức. Người đứng đầu mật vụ Anh ở Mỹ vào thời điểm đó là Sir William Wiseman, người tình cở ở căn hộ ngay bên trên căn hộ của Đại tá Edward Mandell House và là bạn thân của ông ta. House đã báo cho Wiseman rằng Tổng thống Wilson muốn Trotsky được phóng thích. Wiseman đã báo cho chính phủ của ông, và Hải quân Anh ra lệnh vào ngày 21 tháng 4 rằng Trotsky sẽ được thả.[4] Đó là một quyết định định mệnh sẽ ảnh hưởng đến không chỉ kết quả của cuộc chiến mà cả tương lai của toàn thế giới.

Sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng Jacob Schiff và Đức là các diễn viên duy nhất trong vở kịch này. Trotsky không thể đi xa đến tận Halifax mà không được cấp hộ chiếu Mỹ, và điều này đã được thực hiện bởi sự can thiệp cá nhân của Tổng thống Wilson. Giáo sư Antony Sutton nói:

Tổng thống Woodrow Wilson là người đỡ đầu đã cung cấp cho Trotsky một hộ chiếu để trở về Nga để “thực hiện” cuộc cách mạng…. Đồng thời những quan chức thận trọng của Bộ Ngoại giao, lo lắng về việc các nhà cách mạng như vậy trở về Nga, đã đơn phương cố gắng thắt chặt các thủ tục hộ chiếu.[5]

Và cũng có những người khác nữa. Năm 1911, St. Louis Dispatch đã xuất bản một biếm họa bởi một người Bôn-sê-víc tên là Robert Minor. Minor sau đó bị bắt tại nước Nga Sa Hoàng do hoạt động cách mạng và, trên thực tế, được cung cấp tài chính bởi chính các nhà tài phiệt nổi tiếng của Phố Wall. Bởi vì chúng ta có thể có thể giả định một cách an toàn rằng ông ta hiểu rõ chủ đề của mình, nên biếm họa của ông có tầm quan trọng lịch sử tuyệt vời. Nó miêu tả Karl Marx, với một cuốn sách có tựa đề Chủ nghĩa xã hội dưới cánh tay, đứng giữa đám đông cổ vũ trên Phố Wall. Tụ tập xung quanh và chào hỏi ông với những cái bắt tay nhiệt tình là những nhân vật với mũ lụa được xác định là John D. Rockefeller, JP Morgan, John D. Ryan của National City Bank, đối tác của Morgan là George W. Perkins, và Teddy Roosevelt, lãnh đạo của Đảng Tiến bộ.[6]

Các sự kiện này cho thấy một mô hình rõ ràng về sự hỗ trợ mạnh mẽ dành cho chủ nghĩa Bôn-sê-víc đến từ các trung tâm quyền lực tài chính và chính trị cao nhất ở Hoa Kỳ; từ những người được cho là các “nhà tư bản” và những người mà theo lẽ thông thường sẽ là những kẻ thù sinh tử của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Hiện tượng này cũng không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Trotsky, trong cuốn sách “Cuộc đời tôi” của mình, đã kể về một nhà tài phiệt người Anh, người vào năm 1907 đã cho ông một “khoản vay lớn” mà chỉ phải hoàn trả sau khi Sa hoàng bị lật đổ. Arsene de Goulevitch, người đã chứng kiến ​​cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc từ những ngày đầu tiên, đã xác định được cả tên của nhà tài phiệt và số tiền của khoản vay. “Trong các cuộc phỏng vấn cá nhân,” ông nói, “Tôi đã được cho biết rằng hơn 21 triệu rúp đã được chi bởi Lord [Alfred] Milnerin để tài trợ cho cuộc cách mạng Nga…. Milnerin không phải là người Anh duy nhất hỗ trợ cuộc cách mạng Nga bằng các khoản đóng góp tài chính lớn như vậy.” Một cái tên cụ thể được đề cập bởi de Goulevitch là Sir George Buchanan, Đại sứ Anh tại Nga vào thời điểm đó.[7]

Việc người Mỹ đã làm suy yếu nước Nga Sa hoàng và do đó gián tiếp giúp Đức trong chiến tranh là một chuyện, vì người Mỹ lúc đó vẫn chưa tham chiến, nhưng đối với công dân Anh mà làm như vậy thì chẳng khác gì tội phản quốc. Để hiểu được lòng trung thành sâu xa vốn buộc những người này phản bội đồng minh và hy sinh xương máu của đồng bào của mình, chúng ta phải nhìn lại một tổ chức độc đáo mà họ tham gia.

Hội kín

Lord Alfred Milner là một nhân vật quan trọng trong việc tổ chức một hội kín, mà tại thời điểm xảy ra các sự kiện này, được khoảng mười sáu năm tuổi. Mục đích của nó không gì hơn là thầm lặng thống trị thế giới. Cuộc chinh phục nước Nga được xem như là giai đoạn đầu của kế hoạch này. Bởi vì tổ chức này vẫn còn tồn tại ngày nay và tiếp tục đạt được những tiến triển hướng tới mục tiêu của mình, việc thuật lại lịch sử của nó trong câu chuyện này là khá quan trọng.

Một trong những công trình tham khảo có căn cứ đích xác nhất về lịch sử của nhóm này là cuốn Tragedy and Hope (Bi kịch và Hy vọng) (>>PDF) của Tiến sĩ Carroll Quigley. Tiến sĩ Quigley là một giáo sư lịch sử tại trường Đại học Georgetown nơi Tổng thống Clinton đã từng là một sinh viên của ông. Ông là tác giả của sách giáo khoa được sử dụng rộng rãi, cuốn Evolution of Civilization (Sự tiến hóa của nền văn minh) (>>PDF); ông cũng là thành viên ban biên tập nguyệt san Curent History. Ông đồng thời là một giảng viên thường xuyên và nhà tư vấn cho các nhóm như Đại học Công nghiệp của Lực lượng Vũ trang, Viện Brookings, Phòng thí nghiệm vũ khí hải quân Mỹ, Trường Đại học Hải quân, Viện Smithsonian, và Bộ Ngoại giao. Nhưng tiến sĩ Quigley không chỉ là một nhà học thuật. Ông cũng đã có mối liên hệ chặt chẽ với rất nhiều các triều đại gia đình của giới siêu giàu. Theo cách gọi của ông, Quigley là một người trong cuộc có góc nhìn sát thực vào cơ cấu quyền lực tiền tệ thế giới.

Khi tiến sĩ Quigley viết cuốn sách học thuật 1.300 trang về lịch sử khô khan của mình, ông đã không định dành nó cho công chúng. Ông định để cho nó được đọc bởi các tầng lớp trí thức, và với lớp độc giả được lựa chọn này, ông đã thận trọng phơi bày một trong những bí mật được giữ kín nhất mọi thời đại. Tuy nhiên ông cũng đã làm rõ rằng ông là một người biện hộ cho nhóm này và rằng ông ủng hộ các mục tiêu và mục đích của nó. Tiến sĩ Quigley nói:

Tôi biết về hoạt động của mạng lưới này vì tôi đã nghiên cứu nó trong hai mươi năm và được phép kiểm tra các giấy tờ và hồ sơ bí mật của nó trong hai năm vào những năm 1960. Tôi không có ác cảm với nó hay hầu hết những mục tiêu của nó, và trong phần lớn đời tôi, rất gần gũi với nó và nhiều công cụ của nó…. Nói chung, sự khác biệt chính của tôi về quan điểm là việc nó muốn được giữ bí mật.[8]

Như đã đề cập, cuốn sách Quigley đã được dành cho lớp độc giả ưu tú gồm các học giả và những người trong mạng lưới. Nhưng thật bất ngờ là nó đã bắt đầu được trích dẫn trong các tạp chí của John Birch Society, nơi nhận thức một cách chính xác rằng công trình của ông đã cung cấp những cái nhìn sâu sắc có giá trị về các hoạt động bên trong của một cấu trúc quyền lực bí mật. Sự phơi bày đó đã dẫn tới nhu cầu lớn đối với cuốn sách từ những người đã phản đối mạng lưới này và tò mò để xem những gì một người trong cuộc nói về nó. Việc này đã không đi theo kế hoạch ban đầu. Những gì xảy ra tiếp theo được mô tả rõ nhất bởi chính Quigley. Trong một bức thư cá nhân ngày 9 tháng 12 năm 1975, ông viết:

Cảm ơn các bạn đã khen ngợi cuốn Bi kịch và Hy vọng, một cuốn sách đã làm tôi đau đầu vì nó dường như đã nói về một cái gì đó mà những người quyền lực không muốn được biết đến. Nhà xuất bản của tôi đã ngừng bán nó vào năm 1968 và nói với tôi rằng họ sẽ in lại (nhưng năm 1971 họ nói với luật sư của tôi rằng họ đã phá hủy các bản mộc vào năm 1968). Giá cuốn sách hiếm đã lên đến 135 USD  và nhiều phần đã được tái bản vi phạm bản quyền, nhưng tôi đã không làm gì bởi vì tôi tin vào nhà xuất bản, và họ đã không có hành động nào ngay cả khi một bản in lậu của cuốn sách xuất hiện. Chỉ khi tôi thuê một luật sư năm 1974, tôi mới nhận được câu trả lời cho mọi câu hỏi của tôi….

Trong một bức thư cá nhân, Quigley nhận xét thêm về sự tráo trở của nhà xuất bản của mình:

Họ đã nói dối tôi trong sáu năm, rằng họ sẽ in lại khi họ nhận được 2.000 đơn đặt hàng, điều mà không bao giờ có thể xảy ra bởi vì họ đã nói với bất cứ ai hỏi họ rằng nó đã hết hàng và sẽ không được tái bản. Họ phủ nhận điều này cho đến khi tôi gửi cho họ bản photo của những câu trả lời như vậy trong thư viện, và sau đó họ nói với tôi đó là lỗi của nhân viên bán hàng. Nói cách khác, họ đã nói dối với tôi nhưng không cho tôi lấy lại quyền xuất bản…. Tôi bây giờ khá chắc chắn rằng Bi kịch và Hi vọng đã bị kiểm duyệt….

Để hiểu tại sao “những người quyền lực” muốn ngăn chặn cuốn sách này, hãy lưu ý cẩn thận những chuyện được kể sau đây. Tiến sĩ Quigley mô tả các mục tiêu của mạng lưới các nhà tài phiệt thế giới này như sau:

… không gì hơn là để tạo ra một hệ thống kiểm soát tài chính thế giới trong tay tư nhân có thể chi phối hệ thống chính trị của mỗi quốc gia và nền kinh tế của thế giới nói chung. Hệ thống này đã được kiểm soát theo cách phong kiến bởi các ngân hàng trung ương của thế giới, bởi các hiệp định bí mật đạt được trong các cuộc họp riêng thường xuyên và các hội nghị ….

Mỗi ngân hàng trung ương, trong tay của những người như Montagu Norman của Ngân hàng Trung ương Anh, Benjamin Strong của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Charles Rist của Ngân hàng Trung ương Pháp, và Hjalmar Schacht của Reichsbank (Ngân hàng Trung ương Đức), tìm cách thống trị chính phủ của họ bằng khả năng kiểm soát các khoản vay kho bạc, thao túng ngoại hối, ảnh hưởng đến mức độ hoạt động kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến các chính trị gia hợp tác bằng những phần thưởng kinh tế sau đó trong thế giới kinh doanh.[9]

Đó là những thông tin mà “những người quyền lực” không muốn người bình thường biết.

Chú ý rằng Quigley đề cập đến nhóm này như là một “mạng lưới”. Đó là một sự lựa chọn từ ngữ chính xác, và quan trọng đối với việc hiểu được về các thế lực tài chính quốc tế. Mạng lưới mà ông đề cập không phải là hội kín. Rõ ràng nó được đạo diễn bởi hội kín, và có những thành viên của hội ở các vị trí chủ chốt trong mạng lưới, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng có rất nhiều người trong mạng lưới này ít hoặc không hề biết về biện pháp kiểm soát kín. Để giải thích tại sao có thể như vậy, chúng ta hãy trở về nguồn gốc và sự phát triển của chính hội kín.

Ruskin, Rhodes và Milner

Vào năm 1870, một nhà xã hội chủ nghĩa giàu có người Anh tên là John Ruskin được bổ nhiệm làm giáo sư mỹ thuật tại Đại học Oxford ở London. Ông ta dạy rằng nhà nước phải kiểm soát các phương tiện sản xuất và tổ chức chúng vì lợi ích của cộng đồng nói chung. Ông chủ trương đặt kiểm soát của nhà nước vào tay một giai cấp thống trị nhỏ, hoặc thậm chí một nhà độc tài duy nhất. Ông nói: “Mục đích luôn luôn của tôi đó là cho thấy sự vượt trội vĩnh cửu của một số người đối với người khác, đôi khi thậm chí của một người so với tất cả những người khác.”[10]

Điều này, tất nhiên, tương tự với tư tưởng chủ nghĩa cộng sản. Lenin đã dạy rằng công chúng không thể được tin cậy để xử lý công việc của mình và một nhóm đặc biệt của các trí thức có kỷ luật phải đảm nhận vai trò này cho họ. Đó là chức năng của Đảng Cộng sản vốn không bao giờ bao gồm hơn khoảng ba phần trăm dân số. Ngay cả khi màn kịch của bầu cử tự do được cho phép, chỉ có các thành viên của Đảng hay những người mà KGB có toàn quyền kiểm soát, được phép ra tranh cử. Khái niệm rằng một đảng cầm quyền hoặc tầng lớp cầm quyền là cấu trúc lý tưởng cho xã hội là trung tâm của tất cả các chương trình tập thể, bất kể chúng được gọi là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít, hoặc bất kỳ “chủ nghĩa” nào mà chưa được phát minh ra để ngụy trang nó. Đó là lý do các tín đồ của tâm lý ủng hộ giới tinh hoa dễ cảm thấy thoải mái trong hầu hết những lực lượng tập thể chủ nghĩa này, một thực tế mà Dr.Quigley ám chỉ khi ông viết: “Mạng lưới này, mà chúng ta có thể xác định là Nhóm Bàn Tròn, đã thường xuyên không có ác cảm với việc hợp tác với những người Cộng sản, hoặc bất kỳ nhóm nào khác.”[11]

Tuy nhiên, khi quay trở lại chủ đề về nguồn gốc của nhóm này, tiến sĩ Quigley cho biết:

Ruskin đã nói chuyện với các sinh viên đại học Oxford như là thành viên của giai cấp cai trị đặc quyền. Ông nói với họ rằng họ là người sở hữu một truyền thống tuyệt vời của giáo dục, cái đẹp, nền pháp quyền, sự tự do, tử tế, và kỷ luật tự giác, nhưng mà truyền thống này không thể được lưu lại, và không xứng đáng để được lưu lại, trừ khi nó có thể được mở rộng đến các tầng lớp thấp hơn trong chính nước Anh và đến công chúng không phải người Anh trên toàn thế giới.

Lời nhắn của Ruskin đã có một tác động mạnh mẽ. Bài giảng nhậm chức của ông đã được ghi lại bới một sinh viên, Cecil Rhodes, người đã giữ nó trong ba mươi năm.[12]

Cecil Rhodes đã làm ra một trong những gia tài lớn nhất thế giới. Với sự hợp tác của Ngân hàng Trung ương Anh và các nhà tài phiệt như Rothschild, ông đã có thể thiết lập một vị thế gần như độc quyền đối với sản lượng kim cương của Nam Phi cũng như của hầu hết lượng vàng của nước này. Phần lớn thu nhập kếch xù này đã được chi tiêu để thúc đẩy những ý tưởng về tầng lớp cầm quyền của John Ruskin.

Tiến sĩ Quigley giải thích:

Học bổng Rhodes, như mọi người biết, được thành lập bởi các điều khoản trong di chúc thứ bảy của Cecil Rhodes. Những gì ít người biết đến là Rhodes trong năm di chúc trước đã để lại tài sản của mình để thành lập một hội kín nhằm bảo tồn và mở rộng Đế chế Anh. Và một điều dường như không ai biết đến là hội kín này được tạo ra bởi Rhodes và người được ông ủy thác, Lord Milner, và tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay…. Trong cuốn sách của mình về những bản di chúc của Rhodes, ông [Stead, là một thành viên nội bộ] đã viết: “Ông Rhodes còn hơn là người sáng lập của một triều đại. Ông khao khát trở thành người sáng lập của một trong những hiệp hội bán chính trị, bán tôn giáo to lớn, giống như Hội Chúa Giêsu, vốn đã góp phần quan trọng trong lịch sử thế giới. Nói chính xác hơn, ông muốn lập ra một Trật tự như là một công cụ của ý chí triều đại. “[13]

Trong hội kín này Rhodes sẽ là người lãnh đạo; Stead, Brett (Lord Esher), và Milner sẽ lập ra một ủy ban điều hành; Arthur (Lord) Balfour, (Sir) Harry Johnston, Lord Rothschild, Albert (Lord) Grey, và những người khác đã được liệt kê như là các thành viên tiềm năng của một “Vòng tròn khởi đầu”; trong khi đó đã có một vòng tròn bên ngoài được gọi là “Hiệp hội của những người trợ giúp” (sau này được Milner tổ chức lại thành tổ chức Bàn Tròn [Round Table]).[14]

Mô hình của âm mưu

Các đặc vụ Bàn Tròn ở Nga

Một bài học ở Nam Phi

Đặt cược vào tất cả các con ngựa

Đặc vụ Anh ở Bàn Tròn

Đặc vụ Mỹ ở Bàn Tròn

Tóm lược

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll-Ch13.pdf

——————

[1] Leon Trotsky, My Life (New York: Scribner’s, 1930), p. 277.

[2] “Mayor Calls Pacifists Traitors,” The New York Times, March 24, 1917, p. 2

[3] Senate Document No. 62, 66th Congress, Report and Hearings of the Subcommittee on the Judiciary, United States Senate, 1919, Vol. II, p. 2680.

[4] “Why Did We Let Trotsky Go? How Canada Lost an Opportunity to Shorten the War,” MacLean’s magazine, Canada, June, 1919. Xem thêm Martin, pp. 163-64.

[5] Antony C. Sutton, Ph.D., Wall Street and the Bolshevik Revolution (New Rochelle, New York: Arlington House, 1974), p. 25.

[6] Progressive Party (1912-1916), do Theodore  Roosevelt thành lập sau khi tách ra khỏi đảng Cộng hòa dưới thời tổng thống William Howard Taft – NBT.

[7] Arsene de Goulevitch, Czarism and Revolution (Hawthorne, California: Omni Publications, n.d., rpt. from 1962 French edition), pp. 224, 230.

[8] Carroll Quigley, Tragedy and Hope: A History of the World in Our Time, (New York: Macmillan, 1966), p. 950.

[9] Quigley, Tragedy, p. 950.

[10] Xem Kenneth Clark, Ruskin Today (New York: Holt, Reinhart Sr Winston, 1964), p. 267.

[11] Quigley, Tragedy, p. 950.

[12] Quigley, Tragedy, p. 130.

[13] Carroll Quigley, The Anglo-American Establishment: From Rhodes to Cliveden (New York: Books in Focus, 1981), pp. ix, 36.

[14] Quigley, Tragedy, pp. 131.