Tác giả: Đào Minh Hồng
Thuật ngữ Ban-căng hóa (Balkanization) được sử dụng bởi các sử gia và các nhà ngoại giao để diễn tả quá trình chia cắt có tính toán một lãnh thổ thành một số quốc gia độc lập với các dân tộc có xung đột lẫn nhau về lợi ích; mục đích là ngăn cản sự hình thành một lực lượng tập trung, thống nhất đe dọa người cai trị. Trong hoàn cảnh này, Ban-căng hóa có thể coi là một biến thể của châm ngôn thực dân “chia cắt và cai trị”.
Thuật ngữ Ban-căng hóa xuất phát từ tình hình trên bán đảo Ban-căng thời kỳ từ đầu thế kỷ 19 đến sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong khoảng thời gian này bán đảo Băn-căng vốn hầu hết nằm dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman đã dần dần bị phân tách thành những quốc gia nhỏ độc lập.
Ngược dòng lịch sử, sau khi chiếm Constantinople năm 1453, Đế chế Ottoman nhanh chóng trở thành một thế lực đáng gờm ở Trung Đông và vùng quanh Địa Trung Hải. Đến giữa thế kỷ 16, lãnh thổ của Đế chế này trải rộng trên cả ba châu lục (Á, Âu và Phi), thống trị toàn bộ vùng Đông Địa Trung Hải, Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư. Đến thế kỷ 17 và sang thế kỷ 18, Đế chế này bắt đầu bước vào thời kỳ suy yếu. Phần đất Hungary rơi vào tay Vương triều Habsburg (1699 ). Họ mất quyền kiểm soát những vùng đất ở Bắc Phi khi ở đây xuất hiện những nhà nước độc lập như Algeria, Tunisia, Lybia (1714), trong khi phía Bắc Biển Đen (bán đảo Crưm và Ucraina) bị người Nga chiếm đóng (1783).
Đến giữa thế kỷ 19, khi lãnh thổ của Đế chế Ottoman càng ngày càng bị thu hẹp, tinh thần dân tộc ở các nước vùng Bancăng thuộc miền Nam Châu Âu dâng cao và họ bắt đầu khởi nghĩa giành độc lập. Những dân tộc ở đây có được sự ủng hộ của cả Nga lẫn Đế chế Áo- Hung vì cả hai bên đều muốn giành ảnh hưởng trong vùng. Anh và Đức ủng hộ Áo- Hung vì không muốn quyền lực của Nga kiểm soát toàn bộ các hải cảng ở biển Đen và vùng Đông Địa Trung Hải. Trước tình hình đó, Nga Hoàng đã sử dụng chính sách ủng hộ tất cả các dân tộc trong cùng một vùng đất để hình thành nên những quốc gia độc lập mới theo sắc tộc. Do đó, chính sách của các cường quốc bên ngoài cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã tạo điều kiện cho sự hình thành một loạt các quốc gia độc lập trên cơ sở các sắc tộc riêng biệt trên bán đảo Ban-căng, như Anbani, Bungari, Hy Lạp, Rumani, Serbia, Montenegro…. Điều này cũng chính thức đánh dấu sự tan rã của Đế chế Ottoman.
Bancăng hóa Đế chế Ottoman 1821-1913 |
1829: Hy Lạp tuyên bố độc lập
1878: Montenegro, Serbia và Rumani tuyên bố độc lập 1908: Bungari tuyên bố độc lập 1908: Đế chế Áo – Hung chiếm Bosnia-Herzgovina 1912: Liên đoàn Ban-căng được thành lập bao gồm Bungari, Serbia, Hy Lạp và Montenegro 1912: Chiến tranh Ban-căng lần thứ nhất 1912: Chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ – Ý kết thúc. 1913: Chiến tranh Ban-căng lần thứ hai |
Dần dần thuật ngữ Ban-căng hóa được dùng để miêu tả quá trình tương tự ở các vùng đất khác, như ở Châu Phi những năm 1950 và 1960 sau khi các đế chế thuộc địa của Anh và Pháp ở đây tan rã. Đầu thập kỷ 1990, quá trình Ban-căng hóa cũng diễn ra ở Liên bang Nam Tư và Liên Xô, dẫn tới sự hình thành một loạt các quốc gia độc lập, trong đó có nhiều quốc gia bất ổn do có sự pha trộn sắc tộc, dẫn tới bạo lực giữa các sắc tộc leo thang.
Hơn nữa, giữa các quốc gia mới được hình thành sau các quá trình Ban-căng hóa cũng thường tồn tại những xung đột khó giải quyết về tôn giáo hay sắc tộc, như giữa Armenia và Azerbaijan có xung đột bạo lực về vấn đề sắc tộc và biên giới. Tương tự, các cuộc xung đột liên quan đến sắc tộc và tôn giáo cũng đã bùng nổ ở Nam Tư cũ giữa người Serbia, Croatia và Bosnia, khiến hàng chục nghìn người thương vong trong giai đoạn 1992-1995. Chính vì vậy, giờ đây khi sử dụng thuật ngữ Ban-căng hóa còn được sử dụng để miêu tả quá trình tan rã của các quốc gia đa sắc tộc, đi kèm với các vấn đề phát sinh như diệt chủng, thanh lọc sắc tộc, độc tài chính trị hay nội chiến.
Bản thân các quốc gia đa sắc tộc khi cố gắng ngăn chặn quá trình Ban-căng hóa cũng không thể tránh khỏi việc tạo ra bạo lực. Các ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là trường hợp của Nga và Nam Tư dùng lực lượng quân sự nhằm trấn áp các phong trào đòi độc lập ở nước Cộng hòa Hồi giáo tự trị Chesnia và tỉnh Kosovo.
Nguồn: Đào Minh Hồng và Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2018.