Thời kỳ vàng son mới của Ba Lan

polish-flag3

Tác giả: Gunter Verheugen | Biên dịch: Nguyễn Thị Hằng

Thế giới ngày nay không phải là một thế giới ổn định và hậu sử như một số người vẫn nghĩ vào năm 1989 khi chứng kiến Bức mành Sắt (Iron Curtain) sụp đổ cũng như sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu. Mặc dù những sự kiện xảy ra năm 1989 không mang lại hoà bình và thịnh vượng vĩnh viễn cho thế giới, tuy nhiên nó cũng giúp viết nên một số câu chuyện thành công.

Một trong những thành công ấn tượng nhất đó chính là sự trỗi dậy của Ba Lan với tư cách là một quốc gia mạnh về kinh tế và chính trị ở Châu Âu. Ba lễ kỉ niệm trong năm nay – 25 năm đi theo con đường dân chủ, 15 năm trở thành thành viên của NATO, 10 năm là thành viên của Liên minh Châu Âu – là một niềm kiêu hãnh của người dân Ba Lan, và quả thật là như vậy.

Chúng ta hãy hình dung xem làm thế nào mà Ba Lan đạt được những thành công kỳ diệu đến thế. Đất nước này từng biến mất trên bản đồ Châu Âu vào thế kỷ thứ 18 và bị chia cắt và cai trị bởi những đế quốc xâm lược kéo dài hơn 150 năm. Vào thế kỷ 20, Ba Lan là nạn nhân của hai hệ tư tưởng phi nhân tính, đó là chủ nghĩ Phát xít và chủ nghĩa Stalin. Thời kỳ vàng son trước đây của Ba Lan là khoảng 500 năm về trước. Và đầu thế kỷ này, nhiều người vẫn xem Ba Lan như là một điển hình của sự lạc hậu.

Tuy nhiên người Ba Lan đã chiến đấu và hy sinh ngoan cường để hồi sinh quốc gia của họ –  đồng thời trong quá trình đó cũng đã dẫn dắt và mở ra một kỷ nguyên mới cho Châu Âu cũng như cho toàn thế giới. Bức tường Berlin chắc hẳn đã không sụp đổ nếu không có phong trào Solidarność (Đoàn kết) của Ba Lan cũng như sự đấu tranh của họ cho tự do và nhân quyền.

Tuy nhiên, giống như các “tân” thành viên khác của Liên minh Châu Âu (một thuật ngữ mà sau 10 năm đã trở nên lỗi thời), Ba Lan vẫn còn tương đối lạ lẫm đối với nhiều người ở những quốc gia thành viên “cũ”. Khám phá Ba Lan đồng nghĩa với việc khám phá một đất nước với một di sản văn hoá phong phú, đời sống dân sự sôi động, và những con người cần cù sáng tạo có thể làm say lòng những người khách bằng sự tiếp đón ân cần của mình.

Là một công dân Đức, tôi rất hạnh phúc khi thấy mối quan hệ Đức – Ba Lan chưa bao giờ tốt đẹp đến thế kể từ khi Ba Lan gia nhập liên minh Châu Âu. Đó là một bước tiến vĩ đại, và cần phải được bảo vệ một cách cẩn trọng vì nó mang lại sự đảm bảo chắc chắn cho sự hoà bình và ổn định ở trung tâm Châu Âu.

Hồi tháng trước, ông Donald Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, và qua đó trở thành một trong ba lãnh đạo cao cấp tại Châu Âu. Quyết định này không chỉ thể hiện sự lãnh đạo tài ba của ông Tusk ở Ba Lan, nơi ông đã đảm bảo được sự ổn định chính trị và giám sát sự phát triển kinh tế đầy ấn tượng; nó còn là một dấu hiệu cho thấy những nhà lãnh đạo Châu Âu đã hoàn toàn công nhận tầm quan trọng về kinh tế và chính trị của Ba Lan. Điều này cũng là dấu hiệu cho các nước thành viên mới khác biết được rằng họ thực sự là những chủ thể ngang hàng nhau trong quá trình ra quyết định của Liên minh Châu Âu.

Một lần nữa, chính Ba Lan đã mở đường và, ngay từ lúc ban đầu khi mới gia nhập vào tổ chức, đã gợi nhắc đến những thành viên cũ  rằng Ba Lan không phải là một người ngoài cuộc đồng thời cũng không phải là một anh họ hàng nghèo cần sự cứu giúp, mà trái lại Ba Lan đã khẳng định được rằng mình là một nguồn cảm hứng trong quá trình hội nhập của châu Âu. Sự ảnh hưởng của đất nước này chỉ bị trì hoãn bởi Thế chiến II và những hậu quả để lại sau đó. Và bây giờ, sau 10 năm là thành viên của Liên minh Châu Âu, một thời kỳ vàng son mới đang mở ra phía trước cho Ba Lan.

Ba Lan có tiềm năng để một lần nữa trở thành một lãnh đạo Châu Âu. Có một vị trí vững chắc trong cộng đồng các nền dân chủ phương Tây, vai trò của Ba Lan vượt lên trên những khía cạnh kỹ thuật của quá trình hội nhập Châu Âu, bởi lẽ Ba Lan gánh vác trách nhiệm đảm bảo rằng sẽ không có rào cản mới nào có thể ngăn cản các nước láng giềng phương Đông tham gia vào quá trình này.

Rất hợp lý khi nói rằng Ba Lan là linh hồn của sáng kiến Đối tác Đông Âu của EU. Chính sáng kiến này đã giúp EU có được những thoả thuận liên kết với Ukraine, Gruzia, và Moldova. Không một quốc gia nào có mong muốn chuyển đổi thành công các nước láng giềng phương Đông của EU (nhất là Ukraine) hơn Ba Lan.

Thật vậy, trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay, Ba Lan luôn giữ vững lập trường của mình: không ai có quyền phủ nhận quyền tự quyết dân tộc của một quốc gia Châu Âu trong mối quan hệ của nó với Châu Âu. Những gắn kết lịch sử của hai quốc gia đã đặt Ba Lan vào một vị trí thuận lợi hơn các quốc gia khác trong việc nhận thức rõ bản chất các vấn đề của Ukraine, và do đó việc lắng nghe cẩn trọng các lời khuyên từ những nhà chức trách Ba Lan chắc chắn sẽ là một lựa chọn khôn ngoan.

Người dân Ba Lan xứng đáng được hưởng một tương lai tươi sáng. Bài học của họ dành cho phần còn lại của Châu Âu đó là những ước mơ có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta đặt toàn tâm toàn ý vào chúng. Và, cũng như ông Tusk đã hứa sẽ trau chuốt tiếng Anh khi ông bước lên trung tâm của vũ đài Châu Âu, có lẽ những người còn lại như chúng ta đây cũng nên bắt đầu nhanh chóng ôn lại vốn tiếng Ba Lan của mình thôi.

Gunter Verheugen, uỷ viên Uỷ ban Châu Âu về vấn đề Mở rộng từ năm 1999 đến năm 2004 và uỷ viên Uỷ ban Châu Âu về Doanh nghiệp và Công nghiệp từ năm 2004 đến năm 2010, hiện đang là thành viên của Hội đồng Tư vấn Quốc tế tại FleishmanHillard.

Biên tập: Trần Tuấn Minh | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate