Gập ghềnh Brexit: Vì đâu nên nỗi?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Sơ Nguyên

Đầu tháng 7 vừa qua, quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu của nước Anh (Brexit) chứng kiến một dấu mốc mới với việc Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố nội các đã đạt được nhất trí về thỏa thuận cơ sở cho quan hệ Anh – EU trong tương lai. Nhưng chỉ hai hôm sau, vào ngày 8/7, như một cái tát vào sự “nhất trí” này, lần lượt Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit David Davis và Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson đã từ chức. Bất đồng nội bộ sâu sắc cảnh báo rằng, chiếc ghế của bà May đang lung lay và tiến trình Brexit sẽ còn gập ghềnh gian nan từ nay đến khi hạn đàm phán kết thúc vào ngày 29/3/2019.

Nhìn lại khởi nguồn Brexit

Trong lịch sử, với đặc thù địa lý tách biệt khỏi lục địa, nước Anh vốn nuôi dưỡng tư tưởng mình không thuộc về châu Âu. Sau khi đứng vững trước quân phát xít trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nước Anh tham gia và kiến tạo EU nhưng lại giữ những “chế độ đặc biệt”, tiêu biểu nhất là không tham gia khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)… Từ nội tại, người Anh luôn suy nghĩ rằng họ không có lợi khi ở lại cùng EU. Tâm lý đó lại càng được kích động thêm sau cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu 2007 – 2010 và kéo theo nó là sự trì trệ kinh tế, khủng hoảng nợ, di cư và khủng bố. Người Anh cho rằng, trách nhiệm này nằm ở EU, thể chế này không bảo đảm được lợi ích của họ.

Đến năm 2015, Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron đã dẫn dắt Đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần hai. Với vị thế cao sau khi đắc cử, chủ trương của ông Cameron là đàm phán lại một số điều khoản với EU, nhưng nước Anh sẽ vẫn ở lại. Các nước EU vào thời điểm đó lại không mặn mà đàm phán với Anh trong bối cảnh họ có quá nhiều vấn đề khác đang phải xử lý.

Và ông Cameron đã quyết định đánh tiếng về việc tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh tại EU (Brexit), với mục đích tạo thế nhằm “ép” các nước EU phải quan tâm hơn tới yêu cầu của Anh, đồng thời chống lại chỉ trích của phe đối lập. Ông tự tin với nước cờ này, bởi lẽ những khảo sát vào cuối năm 2015 cho thấy người dân Anh nếu đi bầu chắc sẽ ủng hộ ở lại EU.

Nhưng vị Thủ tướng trẻ đã lầm. Tình hình sau đó đã không thể kiểm soát với việc phe chống đối tận dụng cơ hội này để gây sức ép mạnh. Từ chỗ chỉ là “đòn gió”, ông Cameron buộc phải tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit. Sau đó người ta thấy hình ảnh của ông Cameron nỗ lực lên truyền hình và vất vả đi vận động khắp nơi để thuyết phục người dân bỏ phiếu chống Brexit. Nhưng kết quả là “cú sốc Brexit” đã xảy ra, bản thân ông Cameron phải từ chức. Từ hình ảnh một nhà lãnh đạo trẻ trung, hào hoa, người ta thậm chí đã nhắc đến việc đánh giá ông là nhà lãnh đạo nước Anh dở nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Hai lãnh đạo, một sai lầm

Trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của nước Anh vào tháng 7/2016, bà May vừa chịu áp lực bị so sánh với “tượng đài” Margaret Thatcher, vừa phải tiếp tục “di sản” Brexit của người tiền nhiệm. Mục tiêu chính của bà May là tiếp tục tại vị, củng cố quyền lực và uy tín đang đi xuống của Đảng Bảo thủ. Vì vậy, dù bên trong có thể ngầm hiểu tác hại của Brexit, bề ngoài bà vẫn phải thể hiện mình tôn trọng ý dân và sẽ là người lãnh đạo chèo lái được con thuyền Anh trong bước ngoặt lịch sử này.

Và như thế, bà Theresa May rơi vào hoàn cảnh “thù trong giặc ngoài” không khác gì ông Cameron: về đối nội, tình hình vô cùng rối ren do phe đối lập gây sức ép và nội bộ mất đoàn kết; về đối ngoại, nước Anh phải đàm phán với EU để “bảo vệ” lợi ích hậu Brexit của mình. Trong bối cảnh đó, điều bất ngờ là bà May lại tiếp tục thực hiện một cú đánh cược về chính trị giống hệt ông Cameron. Bà đã quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm vào tháng 6/2017; mặc dù trước đó khi mới nhậm chức bà đã tuyên bố sẽ không làm như vậy. Mục tiêu của bà May là nhằm củng cố quyền lực cho Đảng Bảo thủ, đồng thời xoa dịu những tiếng nói bất đồng trong nội bộ đảng, qua đó chống lại sức ép của phe đối lập và tạo thế thuận lợi trước khi bước vào đàm phán cụ thể với EU về Brexit.

Thế nhưng, giống như người tiền nhiệm, bà May đã lầm về khả năng thành công của cú đánh cược này. Đảng Bảo thủ của bà thất bại thảm hại, để mất Hạ viện và phải liên danh với Đảng Thống nhất dân chủ để thành lập chính phủ thiểu số. Điều đó đã mở đường cho chính trị gia đậm chất dân túy Boris Johnson đảm nhận ghế Bộ trưởng Ngoại giao – người có tư tưởng bảo thủ “Brexit cứng” khác biệt so với quan điểm “Brexit mềm” của bà May. Việc ông Johnson từ chức vừa qua là nhằm phản đối lập trường Brexit của bà Theresa May nhưng đó cũng là biểu hiện cho cuộc tranh giành quyền lực trong đời sống chính trị phức tạp của nước Anh.

Chỉ trong vòng 3 năm, hai vị thủ tướng gần đây nhất của nước Anh đã lần lượt tự bắn vào chân mình. Họ đã đánh cược với chính trị, với chủ nghĩa dân túy, và họ đã phải trả giá. Dù với mục đích “tốt”, nhưng một người đã đẩy nước Anh từ chỗ không nhất thiết phải rời khỏi EU xuống bờ vực Brexit; còn một người đã khiến cho quá trình Brexit gian nan hơn và càng khó hơn khi muốn “gỡ gạc” trong đàm phán với EU. Lịch sử nước Anh sau này có lẽ sẽ dành một chương cho sai lầm cá nhân đáng tiếc của hai vị lãnh đạo quốc gia này.

Gập ghềnh Brexit và tương lai của nước Anh

Dù thời gian đàm phán đang tới gần, giữa Anh và EU hiện nay còn có quá nhiều bất đồng quan điểm và nhiều vấn đề phải bàn tới như: thị trường chung, thuế quan, nhập cư, lao động, tòa án châu  Âu, biên giới Ireland…

Rào cản lớn nhất của nước Anh bây giờ chính là câu chuyện nội bộ. Việc tổ chức bầu cử sớm và sau đó là cuộc cải tổ nội các của bà May dường như chưa giải quyết được vấn đề dai dẳng này. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, đã có ba vị Bộ trưởng ở ba vị trí quan trọng nhất từ chức như Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Brexit. Những thay đổi đó đã khiến cho chính quyền của bà Theresa May trở nên yếu thế hơn trong đàm phán với EU.

Sau hai năm, bản thân nước Anh hiện cũng mang tâm lý hoang mang về Brexit. Người dân đang tự hỏi lại là Brexit có thực sự tốt cho họ hay không, rằng quyết định đó có phải là một sai lầm hay không. Kể từ khi Brexit được công bố, kinh tế nước Anh đã có dấu hiệu suy giảm, đồng bảng Anh lên xuống trồi sụt, doanh nghiệp đang thấp thỏm rời khỏi Anh. Bà Theresa May theo đuổi một “Brexit mềm”, bởi đó sẽ là kịch bản kém thiệt hại nhất cho cả nước Anh và EU. Nhưng để làm được điều đó thì bà phải vượt qua được câu chuyện nội bộ.

Về phía EU, liên minh này tỏ thái độ cứng rắn với nước Anh, bởi không muốn tạo tiền lệ cho các nước thành viên khác học theo Anh rời khỏi EU, kéo theo nguy cơ làm tan rã khối. Hiện xét về tương quan, rõ ràng EU có lợi thế hơn do đang dần củng cố được đoàn kết khối, kinh tế EU cũng đã có dấu hiệu phục hồi, trong khi các vấn đề khủng bố, di cư, dân túy đã tạm thời giảm nhiệt. Còn đối với Anh, ngay cả khi EU muốn đàm phán nghiêm túc thì nước này cũng vẫn bất lợi khi chính nội bộ cũng không thống nhất và nhân sự chủ chốt cho đàm phán thì thay đổi liên tục.

Việc một quốc gia rời bỏ EU là điều chưa từng có tiền lệ. Chưa bao giờ điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon được kích hoạt, nên EU và Anh đều đang “vừa đi vừa dò dẫm”. Cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU đã trải qua hơn hai năm và dường như chưa đạt được bước tiến thực chất đáng kể nào. Ngày 29/3/2019 đã được xác định là thời điểm chính thức nước Anh rời khỏi EU, còn giai đoạn quá độ sẽ kéo dài đến năm 2020.

Cho đến thời điểm này, chưa ai có thể hình dung được được điều gì sẽ xảy ra nếu đến thời hạn mà Anh và EU không đàm phán xong. Và có vẻ như càng đàm phán thì hai bên càng khác biệt và bản thân nước Anh càng rối. Còn phải vướng bận “đàm phán ly hôn” như hiện nay, liệu người Anh tâm trí đâu để nghĩ xem sau khi rời EU và phải bắt đầu “cuộc sống riêng” thì họ sẽ chèo lái con thuyền của mình như thế nào. Tương lai của nước Anh bất định là như vậy./.

Nguồn: Thế giới Toàn cảnh