Tác giả: Stephen Holmes & Ivan Krastev | Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang
Nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên, nhưng các cuộc xung đột bị đóng băng trong lòng Liên Xô cũ lại không hề có dấu hiệu tan băng. Ngược lại, tảng băng này đang ngày càng lan rộng.
Việc Nga ủng hộ cuộc bầu cử của những phần tử ly khai tại Donetsk và Luhansk, hai tỉnh quan trọng của vùng Donbass (Ukraine) đã cho thấy rằng lần này, Kremlin đã quyết định tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh thu nhỏ “bán vĩnh viễn” (semi-permanent) tại các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát trên lãnh thổ nước láng giềng quan trọng nhất này của Nga.
Tuy nhiên, so với việc hỗ trợ các vùng lãnh thổ ly khai khác thuộc Liên Xô cũ như Transnistria (của Moldova) và Abkhazia và Nam Ossetia (từng thuộc Gruzia) thì việc Kremlin loại bỏ vai trò của chính phủ hợp pháp Ukraine tại khu vực này lại có khả năng gây mất ổn định hơn rất nhiều.
Bằng cách làm mờ đi ranh giới với Ukraine, Nga đang thiết lập mối quan hệ mới với một thực thể bất thường không được quốc tế công nhận – một thực thể mà xét trên khía cạnh văn hóa hay lịch sử đều không thuộc về Nhà nước tưởng tượng “Novorossiya” (nước Nga mới) do các phần tử ly khai tuyên bố, mà thuộc về bóng ma lay lắt của Liên Xô (cũ). Câu hỏi đặt ra ở đây là: tại sao Tổng thống Vladimir Putin và các cận thần của ông lại coi việc đóng băng cuộc xung đột tại Donbass, vốn đang ngăn cản các giải pháp chính trị và hòa bình bền vững, là một kết quả tích cực đối với nước Nga.
Trong khuôn khổ biên giới hiện tại, Donetsk và Lugansk không phải là những khu vực địa chiến lược quan trọng đối với Nga. Hơn nữa, một khu vực Donbass độc lập sẽ đặt ra nhiều khoản chi phí lớn đối với nước Nga, nước có lẽ sẽ buộc phải tái thiết và duy trì một nền kinh tế (Donbass) vốn sẽ mất đi tất cả các khoản đầu tư nước ngoài khác.
Không giống như Transnistria hay Abkhazia, Donbass là khu vực công nghiệp hóa mạnh mẽ và phụ thuộc nhiều vào các khoản trợ cấp; cơ sở hạ tầng bị tàn phá; và đa phần các doanh nghiệp thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt mà gần đây đã chạy sang Kiev, London hay Paris, chứ không phải Moscow, để thoát khỏi cuộc xung đột. Thêm vào đó, tình trạng pháp lý bất thường của các nước “cộng hòa nhân dân” tự xưng đã khiến cho các nhà sản xuất công nghiệp tại Donbass không thể giao thương với thế giới và triển vọng kinh tế (cũng như xã hội) của khu vực cũng trở nên ảm đạm.
Từ lâu các công dân thuộc các khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn khác đã bị nô dịch hóa bởi chính các hệ thống “dân chủ phong kiến” sa đọa của họ; ở đó, các nhà lãnh đạo địa phương đều đặn dàn cảnh các cuộc bầu cử giả hiệu còn quyền lực của họ thì lại được dựa trên sự tham nhũng và bảo trợ theo kiểu mafia. Sau nhiều tháng phải nghe những lời hứa suông từ phía các lãnh đạo ly khai, nhiều khả năng các công dân tại Donetsk và Lugansk sẽ không im lặng chấp nhận việc biến Donbass thành một thực thể bị quốc tế cô lập, ruồng bỏ vốn đang làm lợi cho các mạng lưới tội phạm đặt tại Nga.
Bằng cách tạo ra một cuộc xung đột đóng băng ở Donbass, Nga đã găm một cái gai trong lòng Ukraine và trong ngắn hạn đang làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa hai vị lãnh đạo Ukraine là Tổng thống Petro Oleksiyovych Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk. Nhưng điều này cũng đảm bảo rằng trong dài hạn nhà nước Ukraine sẽ tái đoàn kết xung quanh các tình cảm và chính sách chống Nga – tức là Nga sẽ không thể bình thường hóa quan hệ với Ukraine trong nhiều thập kỷ tới.
Hơn nữa, việc Putin ủng hộ các phần tử ly khai Donbass đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài dự án hội nhập khu vực của ông, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) do Nga dẫn đầu. Trớ trêu thay, những tham vọng thành lập EEU của Nga cũng là nguyên nhân thúc đẩy Nga phản ứng mạnh mẽ trước chiều hướng thân phương Tây của Ukraine. Putin thừa nhận rằng: nếu không có Ukraine, EEU sẽ không thể trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang tầm với Liên minh châu Âu như trong tầm nhìn của ông. Tuy nhiên, hành động vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine một cách phi lý và trắng trợn của Nga đã không chỉ đầu độc mối quan hệ với Kiev mà còn ngầm đe dọa các thành viên EEU tiềm năng khác, đặc biệt là Kazakhstan, khi Putin đã công khai đặt câu hỏi về nền độc lập của nước này.
Vậy đâu là lợi ích địa chính trị đối với Nga trong việc biến một Donbass bất ổn thành một khu vực cố định lâu dài tại vùng nội địa phía tây nam đất nước? Tại sao điện Kremlin lại bày tỏ “sự tôn trọng” đối với các cuộc bầu cử mà hầu như không một quốc gia nào khác sẽ công nhận?
Câu trả lời có thể chỉ đơn giản rằng Kremlin đã tự đưa mình vào ngõ cụt. Các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga cùng với chủ nghĩa dân tộc trong nước đã kích động một bầu không khí quá khích nơi công chúng, và chính bầu không khí này đã khiến cho chính sách Ukraine của Nga mất đi tính linh hoạt chiến thuật. Thay vì vạch ra một chiến lược toàn diện, điện Kremlin đang trông cậy vào các động thái tạm thời để đảm bảo rằng công chúng Nga, những người mà sự ủng hộ của họ đang quyết định sinh mệnh của điện Kremlin, sẽ không coi đây là hành động phản bội lại các phiến quân ở Ukraine. Về phần mình, các nhà lãnh đạo phiến quân Ukraine, vốn cũng không muốn phải từ bỏ các khu vực vừa mới chiếm được, đang ra sức vận động chống lại các hành động xích lại gần nhau giữa hai chính phủ Nga và Ukraine.
Đồng thời, có lẽ ông Putin muốn cho phương Tây thấy rằng các chính sách của phương Tây đối với Nga (bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn) sẽ không có hiệu quả. Việc tạo ra nhiều xung đột đóng băng hơn, điều mà phương Tây e ngại nhưng vô phương tháo gỡ, có vẻ là một cách hữu hiệu để đạt được điều này.
Nói tóm lại, hành động của Nga tại Donbass có thể mang ý nghĩa tượng trưng và mang tính cơ hội nhiều hơn so với ý nghĩa chiến lược. Nhưng điều đó không làm cho những hành động này ít nguy hiểm hơn. Sau khi biến trận chiến đẫm máu trong việc tranh giành Donbass thành một sự bế tắc không thể giải quyết được, hiện giờ Putin đã mất thế chủ động mà ông ta từng nắm giữ tại Crimea. Với tình trạng sụt giảm giá dầu, giờ đây Putin có thể bắt buộc phải tiến hành một động thái tuyệt vọng và tiêu cực khác nhằm thuyết phục thế giới rằng ông vẫn đang kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, nỗ lực xác định tầm nhìn đại chiến lược đằng sau các chiến thuật kiểu phá đám (spoiler tactics) như vậy sẽ tiếp tục tỏ ra vô ích.
Đối mặt với áp lực từ mọi phía, Putin đang dần đánh mất vị thế địa chiến lược của mình. Chúng ta không nên đánh giá quá cao các thành tích chính sách đối ngoại của ông ta trong năm vừa qua. Bằng cách sáp nhập Crimea, ông ta đã đánh mất Ukraine; và bằng cách “đóng băng” Donbass, ông đã chôn vùi vĩnh viễn giấc mơ về một EEU “bán đế quốc” (quasi-imperial) của chính mình.
Stephen Holmes là Giáo sư giảng dạy tại Trường Luật, Đại học New York, tác phẩm gần đây nhất của ông là “The Matador’s Cape: America’s Reckless Response to Teror”. Ivan Krastev là Chủ tịch của Trung tâm Chiến lược Tự do (CLS) và là Ủy viên thường trực của Viện nghiên cứu Khoa học Con người (IWM) tại Vienna, Cuốn sách gần đây nhất của ông là “In Mistrust We Trust: Can Democracy Survive Whan We Don’t Trust Our Leaders?”.
Biên tập: Phạm Thị Thoa | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate