Tác giả: Paul Krugman | Biên dịch: Nguyễn Khánh
Thomas Piketty, hiện đang là giáo sư tại Đại học kinh tế Paris, không phải là một cái tên quá quen thuộc . Nhưng việc này có thể thay đổi khi cuốn sách được dịch sang tiếng Anh của ông, “Tư bản ở thế kỉ 21”, được công bố với lối suy luận tuyệt vời, bao quát về tính bất bình đẳng. Tới lúc này, những tác động ông mang lại vô cùng sâu sắc. Không khó để nghe ai đó nói rằng chúng ta đang sống trong Kỉ nguyên Thịnh vượng lần thứ hai, hoặc như cách Piketty vẫn thích dùng, một Belle Époque thứ hai- được định nghĩa bởi sự gia tăng không tưởng của nhóm “một phần trăm”. Những sự thật đó trở nên không xa lạ là nhờ vào cuốn sách của Piketty. Ông và một số đồng nghiệp (có thể kể đến Anthony Atkinson ở Đại học Oxford và Emmanuel ở Đại học Berkeley), đã tiên phong trong việc tìm ra một phương thức sử dụng số liệu để nghiên cứu sự tập trung của thu nhập và sự giàu có trong quá khứ- đầu thế kỉ 20 ở Mỹ và Anh, và cuối thế kỉ 18 ở Pháp.
Kết quả thu được thực sự mang tới một cuộc cách mạng trong hiểu biết của chúng ta về những xu hướng lâu dài của sự bất bình đẳng. Trước đó, các cuộc thảo luân về sự chênh lệch trong nền kinh tế thường ít hay nhiều lờ đi nhóm những người cực kì giàu có. Một số nhà kinh tế, chưa nói đến các nhà chính trị, cố gắng dập tắt bất cứ ý kiến nào về sự bất bình đẳng: “Trong những xu hướng bất lợi cho một nền kinh tế vững chắc, thứ có sức cám dỗ nhất, và theo tôi, cũng hiểm độc nhất, chính là việc tập trung vào các vấn đề về sự phân chia.” Robert Lucas Jr. ở Đại học Chicago, một trong những nhà nghiên cứu kinh tế vỹ mô có sức ảnh hưởng nhất của thế hệ ông, phát biểu vào năm 2004.
Nhưng ngay cả những người sẵn sàng nhìn vào sự bất bình đẳng kể trên cũng thường chỉ nhìn vào khoảng chênh lệch tồn tại giữa những người nghèo hoặc tầng lớp lao động với những người khá giả chứ không phải những người thực sự giàu có, hoặc khoảng chênh giữa thu nhập của những người đã tốt nghiệp đại học với những công nhân có trình độ học vấn thấp hơn, hay khối tài sản tương đối lớn của một phần năm dân số giàu nhất so sánh với bốn phần còn lại, chứ không phải là sự gia tăng thu nhập đều đặn của các giám đốc điều hành hay các nhà ngân hàng.
Sau đó một sự thực lại được phơi bày khi Piketty và đồng nghiệp của mình chỉ ra rằng thu nhập của những người nay được biết đến như nhóm “một phần trăm”, hoặc thậm chí là những nhóm nhỏ hơn, lại thực ra đóng vai trò mấu chốt trong sự gia tăng tính bất bình đẳng. Và sự phát hiện này lại kéo theo một phát hiện khác, rằng cụm từ “Kỉ nguyên Thịnh vượng lần thứ hai” nghe có vẻ như là một cách nói cường điệu, lại hoàn toàn không mang tính cường điệu. Ở Mỹ nói riêng, sự phân chia thu nhập quốc gia trong nhóm một phần trăm có hình dạng một đường cung hình chữ U. Trước Thế chiến Thứ nhất, nhóm một phần trăm chiếm khoảng một phần năm trong tổng số thu nhập ở cả Anh và Mỹ. Vào khoảng năm 1950 tỉ lệ đó đã bị cắt giảm hơn phân nửa. Nhưng từ năm 1980, thu nhập của nhóm này lại tăng vụt trở lại- ở Mỹ, và tỉ lệ này lại quay về mức như một thế kỉ trước đó.
Có phải những nhóm thượng lưu ngày nay rất khác với ở thời điểm thế kỉ 19? Ở thời điểm đó, những khối tài sản lớn thường do được thừa hưởng, nhưng những người cực kì giàu có ở ngày nay lại là do tự họ đê đạt được địa vị đó? Piketty cho rằng không hẳn như vậy, và tình trạng hiện tại cũng không bền vững hơn sự nở rộ của tầng lớp trung lưu vào sau Thế chiến Thứ hai. Ý tưởng then chốt trong cuốn “Tư bản ở thế kỉ 21” là chúng ta không chỉ đang trở lại với các mức độ của sự bất bình đẳng tồn tại ở thế kỉ 19 mà còn trở về với “Chủ nghĩa tư bản gia sản”, trong đó sức nặng của nền kinh tế được kiểm soát không chỉ bởi những cá nhân nổi trội mà còn bởi các dòng họ.
Ý kiến trên rất đáng chú ý- và vì vậy, nó cần được kiểm chứng cẩn thận và xác đáng. Tuy nhiên trước khi đi sâu vào vấn đề đó, tôi muốn nói rằng Piketty đã thực sự viết nên một cuốn sách tuyệt vời, đưa ra các luận chứng có tính lịch sử quan trọng- bạn đã bao giờ nghe một nhà nghiên cứu kinh tế trích dẫn lời Jane Austen hay Balzac chưa? Cùng với đó là những số liệu phân tích vô cùng chi li. Và dù rằng Piketty cười nhạo nghề nghiệp của mình là “một niềm đam mê với toán học thuở thiếu thời”, nằm sâu duới những luận bàn của ông là thành công của mô hình kinh tế, một cách tiếp cận đã kết hợp sự phân tích tăng trưởng kinh tế với sự phân tích phân bố thu nhập và của cải. Đây là một cuốn sách sẽ thay đổi cả cách chúng ta nghĩ về xã hội và cách chúng ta làm kinh tế.
1.
Chúng ta biết gì về sự bất bình đẳng của nền kinh tế, và từ khi nào chúng ta ý thức được điều đó? Mãi cho đến khi cuộc bứt phá do Piketty mang lại lướt qua lĩnh vực này, hầu hết những hiểu biết của chúng ta về sự bất bình đẳng trong thu nhập và của cải đến từ các cuộc khảo sát, trong đó những hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên để trả lời một phiếu hỏi, và câu trả lời được phân tích để đưa ra một cái nhìn chung cho cả tổng thể. Một ví dụ tiêu biểu cho hình thức trên là cuộc khảo sát được tiến hành thường niên bởi Cục Điều tra Dân số. Cục Dự trữ Liên bang cũng tiến hành một cuộc khảo sát như vậy về sự phân bổ của cải mỗi ba năm một lần.
Hai cuộc khảo sát kể trên là kim chỉ nam cần thiết cho sự biến chuyển cấu trúc xã hội Mỹ. Từ lâu người ta đã chỉ ra một cuộc chuyển đổi ngoạn mục trong quá trình tăng trưởng kinh tế Mỹ, bắt đầu từ khoảng năm 1980. Trước đó, mọi hộ gia đình đều nhận thấy thu nhập của họ tăng lên ít hoặc nhiều trong tương quan với sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, sau 1980, phần lợi tức các ông lớn được hưởng tăng lên đến đỉnh của mức phân bố thu nhập, trong khi đó thu nhập của các gia đình ở nửa dưới thì bị tụt lại phía sau.
Trở lại với lịch sử, các quốc gia đã không quan tâm lắm đến việc xác định ai hưởng được những gì; nhưng điều này đã được cải thiện qua thời gian, phần lớn là nhờ vào những nỗ lực của cuộc nghiên cứu thu nhập Luxembourg. Số liệu khảo sát ngày càng sẵn có và có thể tiến hành so sánh giữa các quốc gia và từ đó có những phân tích quan trọng hơn. Cụ thể là, chúng ta biết được rằng Mỹ có tình trạng bất bình đẳng trong phân bổ thu nhập lớn hơn bất cứ quốc gia tiến bộ nào khác và những tác động của sự chênh lệch bắt nguồn các động thái của chính phủ. Các quốc gia châu Âu thường có sự bất bình đẳng lớn trong thu nhập từ các hoạt động thị trường, cũng giống như Mỹ, mặc dù khác nhau về góc độ. Nhưng các nước châu Âu thực hiện nhiều chính sách tái phân bổ thông qua thuế và chuyển nhượng hơn là Mỹ, dẫn tới mức bất bình đẳng thấp hơn trong thu nhập ròng.
Mặc dù hữu ích, số liệu có được thông qua các cuộc khảo sát vẫn có những giới hạn lớn. Người ta thường hạ thấp hoặc bỏ qua hoàn toàn thu nhập của nhóm người ở tầng lớp trên cùng của mức phân bổ thu nhập. Những số liệu kiểu này còn thiếu sót về mặt chiều sâu lịch sử. Cụ thể là số liệu có được từ các cuộc khảo sát ở Mỹ chỉ cho chúng ta thông tin về thời gian khoảng năm 1947 trở lại mà thôi.
Piketty và đồng nghiệp đã dùng đến một nguồn thông tin hoàn toàn khác: hồ sơ thuế. Đây không phải là một ý kiến mới. Thực ra, những phân tích ban đầu về sự phân bổ thu nhập đã phụ thuộc vào dữ liệu thuế vì không có các dữ liệu khác để phân tích thêm. Tuy nhiên, Piketty đã tìm ra cách kết hợp dữ liệu thuế với các nguồn khác để tạo ra những thông tin bổ sung cho dữ liệu khảo sát. Cụ thể, dữ liệu thuế có thể cung cấp nhiều thông tin về nhóm thượng lưu. Và phân tích dựa trên dữ liệu thuế có thể đưa chúng ta về sâu hơn trong quá khứ: Mỹ có hệ thống thuế thu nhập từ 1913, Anh là từ 1909. Và Pháp, nhờ vào hệ thống thuế bất động sản và hệ thống lưu giữ số liệu đã lưu giữ được nguồn dữ liệu quý giá của những năm cuối thế kỉ 18.
Khai thác các dữ liệu này không phải là chuyện đơn giản. Nhưng bằng cách sử dụng các kĩ thuật, cộng với một số ước tính, Piketty có thể cho ra một bản tóm tắt về sự tăng giảm của tính bất bình đẳng trong thế kỉ qua. Bản tóm tắt đó giống như bảng 1 trang này.
Như đã nói, mô tả thời đại của chúng ta như một Kỉ nguyên Thịnh vượng lần thứ hai hay Belle Époque không phải là cách nói cường điệu. Nhưng điều này đã xảy ra như thế nào?
2.
Piketty đưa ra ngay một lời thách đấu với năng lực hiểu biết bằng chính tiêu đề của cuốn sách: “Tư bản ở thế kỉ 21”. Liệu những nhà kinh tế có còn được phép phát biểu theo kiểu như vậy?
Không chỉ là lời bóng gió rõ ràng tới Marx đã làm tiêu đề của cuốn sách đáng chú ý như vậy. Bằng cách dẫn ra quyền tư bản ngay từ lúc ban đầu, Piketty đã vượt lên trên hầu hết các cuộc tranh luận hiện tại về tính bất bình đẳng, lắng nghe tiếng vọng từ các cuộc tranh luận trong quá khứ.
Suy đoán thường có của hầu hết các nhà nghiên cứu về sự bất bình đẳng là thu nhập có được, thường là tiền lương, là nơi mọi chuyển biến diễn ra, và rằng thu nhập từ nguồn vốn không quan trọng hay đáng để xem xét. Tuy nhiên, Piketty đã chỉ ra rằng ngày nay thu nhập có được từ nguồn vốn, chứ không phải là tiền được làm ra, lại chiếm ưu thể ở mức phía trên của sự phân bổ thu nhập. Ông còn cho thấy rằng trong quá khứ, trong thời khì Belle Époque của Châu Âu, và ở một quy mô nhỏ hơn là thời kì thịnh vượng của nước Mỹ- sự sở hữu không ngang bằng về tài sản, chứ không phải là sự chi trả không ngang bằng, mới chính là động lực chính của sự phân bổ không đều của thu nhập. Piketty còn cho rằng, chúng ta đang trên đường trở lại thời kì đó của xã hội. Suy đoán tình cờ này không chỉ là của một mình Piketty. Vì toàn bộ cuốn “Tư bản ở thế kỉ 21” là một công trình của chủ nghĩa kinh nghiệm có nguyên tắc, nó được triển khai bằng một khung lí thuyết cố gắng để hợp nhất những thảo luận về tăng trưởng kinh tế và sự phân bổ của cả thu nhập và của cải. Về cơ bản, Piketty nhìn nhận lịch sử kinh tế như một câu chuyện về cuộc đua giữa sự tích tụ vốn và các nhân tố khác thúc đẩy sự phát triển, quan trọng nhất là sự phát triển về dân số và các tiến bộ kỹ thuật công nghệ.
Chắc chắn, đây là một cuộc đua không có nhà vô địch vĩnh viễn: trong suốt một thời gian dài, lượng vốn và tổng thu nhập phải tăng trưởng ở hầu như một tốc độ. Nhưng một trong 2 nhân tố có thể tiến xa hơn trong vài thập kỉ. Vào thời điểm chiến tranh thế giới thứ nhất, châu Âu có số vốn dự trữ cao gấp 6 hay 7 lần thu nhập quốc gia. Tuy nhiên, trong 4 thập kỉ sau đó, sự kết hợp giữa sử dụng của cải và sử dụng tiết kiệm cho cuộc chiến tranh đã cắt giảm phân nửa tỉ lệ trước đó. Dự trữ vốn hồi phục sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng đây lại là một thời kì tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, được gọi là Trente Glorieuses, hay là “30 năm huy hoàng”; nên tỉ lệ giữa vốn và thu nhập vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, từ những năm 70, sự tăng trưởng chậm đồng nghĩa với sự tăng lên của tỉ suất vốn, nên vốn và sự giàu có lại dần trở về thời kì Belle Époque. Và Piketty cho rằng, sự tích lũy vốn này sẽ cuối cùng tạo dựng lại thời kì Belle Époque- một dạng của bất bình đẳng nếu không được ngăn chặn bằng hệ thống thuế lũy tiến.
Tại sao? Tất cả nằm ở R và G- tỉ lệ thu nhập (Return) với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế (Growth).
Mọi mô hình kinh tế đều chỉ ra rằng, nếu G giảm xuống- điều đã diễn ra từ năm 1970, một sự giảm sút rất có thể sẽ còn tiếp diễn vì sự tăng trưởng chậm của nhóm dân số trong độ tuổi lao động cũng như các tiến bộ kĩ thuật- thì R cũng sẽ giảm theo. Nhưng Piketty khẳng định rằng R sẽ giảm ít hơn G. Điều này không cần thiết phải đúng. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể thay thế nhân công bằng máy móc một cách dễ dàng, thuật ngữ chuyên môn là độ nhạy của sự thay thế giữa vốn và nhân công lớn hơn 1, sự gia tăng chậm và kết quả là sự tăng của tỉ lệ giữa nguồn vốn và thu nhập sẽ thực sự mở rộng khoảng chênh giữa R và G. Piketty đề xuất rằng đây chính là điều mà các số liệu lịch sử sẽ diễn ra.
Nếu quan điểm của tác giả là đúng, hậu quả ngay tức thì có được sẽ là một sự tái phân bổ thu nhập không phải qua lao động mà về phía người nắm giữ vốn. Theo lối suy nghĩ thông thường thì chúng ta không cần phải lo lắng điều đó xảy ra, vì sự phân chia giữa vốn và lao động tương ứng trong tổng thu nhập đã rất ổn định qua thời gian. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này chưa hẳn đã đúng. Ví dụ ở Anh, sự phân chia vốn trong thu nhập, hoặc dưới hình thức lợi nhuận của doanh nghiệp, cổ tức, hoặc tiền có được từ việc cho thuê hay bán các loại tài sản, đã tụt giảm từ khoảng 40 phần trăm trước Thế chiến Thứ nhất xuống 20 phần trăm vào khoảng năm 1970, và từ đó hồi phục lại gần phân nửa. Hình cung trong lịch sử không quá rõ ràng ở Mỹ, nhưng cũng chính ở đây, có một sự tái phân bổ nghiêng về phía nguồn vốn đang diễn ra. Đáng chú ý là lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng mạnh từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu, trong khi đó lương- bao gồm cả lương của những người có học thức cao thì vẫn bị đình trệ.
Sự gia tăng của tỷ lệ vốn, quay ngược lại, trực tiếp làm tăng tính bất bình đẳng, vì sự sở hữu nguồn vốn luôn luôn được phân bổ không đồng đều hơn là thu nhập lao động. Nhưng sự tác động không dừng lại ở đó, bởi vì khi tỉ suất sinh lời vượt cao hơn nhiều mức tăng trưởng kinh tế, “quá khứ có xu hướng nuốt chửng tương lai”: xã hội sẽ tồn tại một xu hướng là sự thống trị của nhóm những người giàu do thừa hưởng.
Xem xét cách lý thuyết trên đã hoạt động như thế nào với Kỉ nguyên Thịnh vượng ở châu Âu, vào thời điểm đó, những người nắm giữ vốn có thể kiếm được 4 đến 5 phần trăm trên những thứ mà họ đầu tư, với mức thuế tối thiểu; trong khi đó tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng một phần trăm. Nên những người giàu có thể dễ dàng tái đầu tư để đảm bảo của cải của họ, và đo đó, thu nhập của họ tăng nhanh hơn tốc độ tăng của nền kinh tế, đảm bảo sự thống trị về mặt tài chính của họ, thậm chí chỉ cần nhờ vào các khoản thu lượm lặt cũng đủ để sống một cuộc sống xa hoa.
Vậy điều gì xảy ra khi những người giàu có này qua đời? Họ truyền của cải của mình lại, một lần nữa, với một mức thuế vô cùng nhỏ, cho những người thừa hưởng. Số tiền được chuyển cho thế hệ sau chiếm 20 đến 25 phần trăm của thu nhập hàng năm; khối tiền của khổng lồ, khoảng 90 phần trăm, được thừa hưởng thay vì tiết kiệm từ thu nhập kiếm được. Và sự giàu có được truyền lại này tập trung trong tay của một nhóm rất nhỏ: năm 1910, nhóm một phần trăm giàu nhất kiểm soát 60 phần trăm tài sản ở Pháp, ở Anh là 70 phần trăm.
Do vậy, không còn nghi ngờ gì nữa rằng các tiểu thuyết gia vào thế kỉ 19 đã bị ám ảnh bởi các câu chuyện về quyền thừa kế. Piketty đã bàn luận về bài thuyết giáo mà tên vô lại Vautrin nhồi nhét vào đầu Rastignac trong tác phẩm lão Gô-ri-ô của Balzac, lý do cốt yếu là một sự nghiệp thành công nhất cũng không bằng một phần nhỏ của của cải mà Rastignac có thể có được ngay lập tức bằng việc cưới con gái của một người giàu có. Và quả thật Vautrin đã đúng, trở thành người thừa kế của một người trong nhóm một phần trăm cực kì giàu có và đơn giản là sống dựa vào của cải thừa hưởng được mang lại cho bạn một mức sống cao hơn 2,5 lần mức sống bạn có thể có được bằng cách cố gắng cật lực ngoi lên nhóm một phần trăm của những lao động được trả công.
Có lẽ bạn sẽ muốn nói rằng xã hội ngày nay không giống như vậy. Tuy nhiên, thực ra cả thu thu nhập từ vốn và của cải có được do thừa kế, dù ít quan trọng hơn vào thời Belle Époque, vẫn còn sức mạnh tạo ra sự bất cân bằng- và sức mạnh đó đang ngày càng tăng lên. Piketty đã cho thấy rằng, ở Pháp, số của cải có được do thừa hưởng giảm rõ rệt trong suốt thời chiến và tăng nhanh vào thời hậu chiến; vào khoảng năm 1970, con số là 50 phần trăm, nhưng giờ đây đang tăng lên 70 phần trăm, và sẽ còn tiếp tục tăng. Tương ứng, tầm quan trọng của việc thừa kế trong việc xác lập địa vị thượng lưu đã giảm đi và sau đó lại tăng lên: từ 1910 đến 1950, mức sống của nhóm một phần trăm những sống nhờ vào của cải thừa kế thấp hơn mức sống của nhóm một phần trăm những người sống nhờ vào tiền tự kiếm được, nhưng sau đó lại tăng lên sau 1970. Không thể nói rằng mọi chuyện đang hoàn toàn giống như ở thời Rastignac nhưng về cơ bản, sinh ra trong một gia đình giàu có hoặc kết hôn hợp pháp với một người sinh ra trong một gia đình giàu có giá trị hơn so với việc có được một công việc tốt.
Và những điều nói trên có thể chỉ là điểm khởi đầu. Những số liệu ở bảng 1 ở trang này cho thấy những ước tính của Piketty về tỉ suất giữa R và G trên toàn cầu trong một thời gian dài, cho thấy rằng kỉ nguyên của tính công bình nay đã nằm lại phía sau chúng ta, và tình hình thời nay đã chín muồi cho sự tái thiết lập của chủ nghĩa tư bản gia sản.
Dựa vào đồ thị trên, tại sao những người giàu nhờ vào của thừa kế lại quá ít được chú ý như vậy trong các cuộc bàn thảo của công chúng? Piketty cho rằng quy mô đồ sộ của các khối tài sản được thừa kế theo một cách nào đó đã làm cho chúng dường như khó bị nhận diện: “Khi sự giàu có có mức tập trung quá lớn, đại bộ phận xã hội sẽ không ý thức được sự tồn tại của nó, vì vậy nhiều người lầm tưởng rằng khối tài sản khổng lồ đó nằm trong tay một thực thể bí ẩn nào đó.” Đây là một quan điểm rất đúng đắn, nhưng chắc chắn không phải là phần toàn bộ của lời giải thích. Một ví dụ đáng chú ý nhất về sự gia tăng nhanh chóng của tính bất bình đẳng trong xã hội ngày nay- sự gia tăng của nhóm một phần trăm những người cực giàu ở Bắc Mỹ, đặc biệt là nước Mỹ- không có nhiều tài sản dự trữ đến mức đó, ít nhất là tới thời điểm này. Thay vào đó, họ lại có mức thu nhập cực kì cao và hưởng nhiều lợi tức từ các khoản đền bù và thu nhập
3.
Hi vọng rằng tôi đã khẳng định rõ ràng rằng, cuốn “Tư bản ở thế kỉ 21” là một công trình tuyệt vời. Vào thời điểm sự tập trung của cải và thu nhập lại một lần nữa rơi vào tay của một nhóm thiểu số đã nổi lên như một vấn đề chính trị thiết yếu, Piketty không chỉ đưa ra các thông tin vô giá về điều đang diễn ra, với một chiều sâu lịch sử khó ai sánh kịp, mà còn đưa ra một lĩnh vực lí thuyết hợp nhất về tính bất bình đẳng, với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế, sự phân phối thu nhập giữa nguồn vốn và lao động cũng như sự phân bổ của cải và thu nhập giữa các cá nhân.
Tuy nhiên có một điểm nhỏ làm giảm đi mức độ thành công của cuốn sách, một thứ có thể nói như là một mánh khóe về mặt trí thức, mặc dù không hoàn toàn liên quan tới bất cứ sự gian giối hay phi pháp nào của Piketty. Lý do cốt yếu ở đây là sự mong muốn với một cuốn sách như thế này chính là sự gia tăng, không chỉ là của nhóm một phần trăm, mà chính xác hơn là của nhóm một phần trăm ở Mỹ. Tuy nhiên sự gia tăng đó hóa ra lại xảy ra vì những lí do nằm ngoài phạm vi của luận đề chính do Piketty đưa ra.
Tất nhiên, Piketty là một nhà kinh tế học thẳng thắn và giỏi giang không bao giờ cố gắng che đậy các sự thật không dễ chịu. Ông cho biết “Mức bất bình đẳng ở Mỹ năm 2010 ngang bằng với mức bất bình đẳng ở Châu Âu vào thập kỉ đầu của thế kỉ 20, nhưng cấu trúc của sự bất bình đẳng đó thì khác hoàn toàn. Thực ra, những gì chúng ta thấy ở Mỹ và sắp được thấy ở bất cứ đâu là một thứ gì đó “mới hoàn toàn”-một sự gia tăng của nhóm có “mức lương khổng lồ”.
Vốn vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm, ở tầm với cao nhất của xã hội, thu nhập từ vốn vẫn vượt quá thu nhập từ tiền lương hay tiền thưởng. Piketty ước tính sự gia tăng về bất bình đẳng của thu nhập từ vốn là nguyên nhân của 1 phần 3 sự tăng mức độ bất bình đẳng ở Mỹ. Nhưng thu nhập có được từ tiền lương của nhóm ở trên cũng đã tăng, tiền lương thực tế cho hầu hết các công nhân Mỹ đã tăng nhẹ từ những năm 70, và tiền lương cho nhóm một phần trăm của những người sống vào tiền kiếm được đã tăng 165 phần trăm, với nhóm 0,1 phần trăm là 362 phần trăm. Nếu Rastignac sống ở thời chúng ta, hẳn Vautrin sẽ phải thừa nhận rằng hắn ta có thể trở nên giàu có bằng cách trở thành một nhà quản lí quỹ đầu tư thay vì cưới một người trong giới thượng lưu.
Điều gì giải thích cho sự gia tăng ngoạn mục của bất bình đẳng trong thu nhập này, với phần nhiều lợi tức có được rơi vào tay nhóm ở top đầu? Một vài nhà nghiên cứu kinh tế ở Mỹ cho rằng điều này được thúc đẩy bởi những thay đổi trong công nghệ. Trong một tờ báo nổi tiếng vào năm 1981 tên là “The Economic of Superstars”, nhà kinh tế học Chicago có tên Sherwin Rosen cho rằng công nghệ viễn thông hiện đại, qua việc mở rộng tầm với của những cá nhân tài năng, đã tạo ra một thị trường trong đó kẻ thắng cuộc có được tất cả, nhiều người với khả năng nổi trội đã thu được những khoản lợi khổng lồ, thậm chí khi họ chỉ giỏi hơn một chút trong công việc của mình so với những đối thủ được trả công ít hơn của họ.
Piketty vẫn còn nghi hồ. Như ông đã chú thích, những nhà kinh tế học bảo thủ thường thích nói về mức hưởng cao ngất ngưởng của những người như ngôi sao điện ảnh hoặc những tài năng trong làng thể thao để đề xuất quan điểm rằng mức thu nhập đó là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng những người như vậy lại chi chiếm một phần vô cùng nhỏ trong số nhóm thượng lưu với thu nhập khủng. Trong khi đó phần lớn trong nhóm này lại chính là những người nắm quyền quản lí, những người mà kết quả làm việc của họ lại rất khó để tiếp cận và tính toán giá trị được.
Ai xác định được CEO của doanh nghiệp đáng giá bao nhiêu? Thường thì là một hội đồng lương thưởng, nhưng chính hội đồng này lại được chỉ định bởi CEO đó. Piketty cho rằng, hậu quả là những giám đốc điều hành cấp cao ấn định mức lương cho chính họ, mức lương này chỉ được giới hạn bởi các quy phạm xã hội thay vì bất cứ các quy tắc thương mại thị trường nào khác. Piketty cho rằng mức lương ngất ngưởng của những giám đốc điều hành này là do sự sói mòn của các quy phạm xã hội, hay chính là vì các động lực xã hội chính trị thay vì các quy phạm nghiêm ngặt về kinh tế.
Và để công bằng, Piketty khuyến nghị về phân tích kinh tế khả quan cho sự thay đổi các quy phạm, cho rằng sự giảm thuế với người giàu đã có tác động làm cho các nhóm thượng lưu giàu có thêm. Khi một nhà quản lí cấp cao chỉ có thể kì vọng có được một phần nhỏ của thu nhập anh ta có thể có bằng việc bỏ qua các quy phạm xã hội và bòn rút một mức thu ngất ngưởng, anh ta có lẽ đã cho rằng tất cả những đáng xấu hổ trên làkhông đáng. Nếu cắt giảm mức thuế cận biên của anh ta thật nặng tay, anh ta sẽ cư xử khác. Và càng nhiều người có mức lương khủng coi thường các quy phạm xã hội, bản thân các quy phạm sẽ bị thay đổi theo.
Có nhiều điều để bàn luận về lời chuẩn đoán trên, nhưng cách phân tích của Piketty về sự phân bổ và tái hồi của của cải rõ ràng là thiếu tính chặt chẽ và tính phổ quát. Mặt khác, tôi không hoàn toàn tin rằng cuốn sách đã giải quyết thích đáng lời chỉ trích đáng chú ý nhất phía giả thuyết về sức mạnh của các nhà quản lí cấp cao: sự tập trung của mức thu nhập ngất ngưởng trong tài chính, nơi mà năng suất có thể được định giá ở một mức nào đó. Tôi không đề cập đến các nhà quản lí quỹ đầu tư một cách không chủ đích: những người này được trả công dựa trên khả năng của họ trong việc thu hút khách hàng và mang lại lợi nhuận đầu tư. Bạn có hể nghi ngờ về giá trị xã hội của tài chính hiện đại, nhưng những người như Gordon Gekkos (nhân vật trong phim Phố Wall-1987) rõ ràng là giỏi về một mặt nào đó, và sự nổi lên của những người này không thể chỉ do các quan hệ quyền lực, mặc dù tôi nghĩ bạn sẽ nói rằng việc sẵn sàng dính líu vào các vụ buôn bán và luân chuyển mờ ám về mặt đạo đức, như sẵn sàng coi thường các mức định lương, được khuyến khích bởi mức thuế cận biện quá thấp.
Nhìn chung, tôi ít nhiều bị thuyết phục bởi lời giải thích của Piketty về sự tăng cao của bất bình đẳng trong tiền lương, mặc dù việc không đề cập tới việc bãi bỏ các quy định là một thất vọng đáng kể. Nhưng như tôi đã nói, phân tích của Piketty ở đây thiếu tính chặt chẽ trong các phân tích về vốn của ông, không đề cập đến tính nguyên bản của nó cũng như tính thanh lịch nhẹ nhàng đầy trí thức của các phân tích đó.
Tuy nhiên chúng ta không nên phản ứng thái quá với điều này. Ngay cả khi sự gia tăng bất bình đẳng ở Mỹ cho đến nay được gây ra chủ yếu do thu nhập tiền lương, mặc dù nguồn vốn cũng có vai trò đáng kể. Và trong mọi trường hợp, những gì trong tương lại có thể sẽ rất khác. Thế hệ hiện nay của nhóm những người cực kì giàu ở Mỹ có thể bao gồm phần lớn các giám đốc điều hành chứ không phải là những người sống nhờ vốn tích luỹ, nhưng các giám đốc điều hành này lại có những người thừa kế. Và trong 2 thập kỉ tới Mỹ có thể là một xã hội trong đó những người sống nhờ vào vốn tích lũy chiếm ưu thế, thậm chí còn bất bình đẳng hơn cả vào thời Belle Époque ở châu Âu.
Nhưng chưa chắc điều này phải xảy ra.
4.
Đôi khi, Piketty gần như đưa ra một cái nhìn xác định về lịch sử, trong đó tất cả mọi thứ bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng dân số và tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, trong thực tế, “Tư bản ở thế kỉ 21” chỉ rõ rằng chính sách công có thể mang lại một sự khác biệt rất lớn, ngay cả khi điều kiện kinh tế cơ bản chỉ hướng tới sự bất bình đẳng cùng cực, những gì Piketty gọi là “một xu hướng về phía nhóm đầu sỏ” có thể được ngăn chặn và thậm chí đảo ngược nếu hội đồng chính trị chọn đi theo hướng đó.
Điểm mấu chốt là khi chúng ta đưa ra một phép so sánh giữa tỷ lệ lợi nhuận có được từ tài sản và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, điều quan trọng là lợi nhuận có được từ tài sản sau khi thanh toán thuế. Vì vậy đưa ra hệ thống thuế lũy tiến, cụ thể là thuế tài sản và thuế thừa kế có thể là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế bất bình đẳng. Thật vậy, Piketty kết thúc cuốn sách của mình với một lời kêu gọi xác lập một hệ thống thuế như vậy. Nhưng thật không may, những vấn đề lịch sử được đề cập trong suốt cuốn sách không mang lại những suy nghĩ lạc quan.
Sự thật là trong quãng thời gian dài của thế kỷ 20, hệ thống thuế lũy tiến đã thực sự giúp làm giảm sự tập trung của thu nhập và sự giàu có, và người ta có thể nghĩ mức thuế cao cho nhóm thượng lưu là kết quả chính trị tự nhiên khi nền dân chủ phải đối mặt với sự bất bình đẳng quá mức. Tuy nhiên Piketty đã bác bỏ luận điệu này; ông cho rằng sự chiến thắng của hệ thống thuế luỹ tiến trong thế kỷ 20 là “một sản phẩm phù du của sự hỗn loạn.” Và nếu vắng mặt các cuộc chiến tranh và những biến động của cuộc chiến tranh hiện đại kéo dài 30 năm ở châu Âu, sẽ không có gì giống với một chiến thắng như vậy đã xảy ra.
Để chứng minh, ông đưa ra các ví dụ về nền Cộng hòa đệ tam nước Pháp. Hệ tư tưởng chính thức của nền Cộng hòa đã rất bình đẳng. Tuy nhiên, sự giàu có và thu nhập là gần như có cùng mức tập trung như trong chế độ Quân chủ lập hiến quý tộc ở Anh, đặc quyền kinh tế gần như bị chi phối bởi thừa kế. Và chính sách công đã gần như không có động thái gì để phản đối sự thống trị kinh tế của nhóm người sống bằng tích lũy vốn: thuế bất động sản nằm ở mức thấp đến nực cười.
Tại sao các công dân có quyền bỏ phiếu ở Pháp đã không bầu ra các chính trị gia người mà sẽ tiếp quản giai cấp những người sống vào tích lũy vốn? Vâng, ngày xưa cũng như bây giờ, sự giàu có vô cùng có thể mang lại tác động lớn lao, không chỉ về chính sách mà còn trên các phương diện công chúng. Upton Sinclair đã có một phát biểu nổi tiếng rằng: “Rất khó để làm một người hiểu điều gì khi thu nhập của anh ta lại phụ thuộc vào thứ mà anh ta không hiểu”. Piketty khi nhìn vào lịch sử của chính quốc gia mình đã rút ra một nhận xét tương tự: “Nếu bằng chứng là cần thiết, thì kinh nghiệm của Pháp trong thời kì Belle Époque đã chứng minh rằng thói đạo đức giả không là quá trớn khi nhóm những người thượng lưu buộc phải bảo vệ quyền lợi kinh tế và tài chính của mình”
Ngày nay chúng ta cũng có thể thấy những hiện tương tương tự. Thực ra, một khía cạnh kỳ lạ của đời sống ở Mỹ là quan điểm chính trị về tính bất bình đẳng dường như chạy trước thực tế.Như chúng ta đã thấy, hiện nay các nhóm thượng lưu ở Mỹ có được địa vì của mình là nhờ tiền lương chứ không phải là nhờ vào thu nhập vốn. Tuy nhiên, những lời phát biểu bảo thủ về kinh rế đã nhấn mạnh và tán dương tư bản chứ không phải lao động, lực lượng “tạo ra công việc” chứ không phải là lực lượng làm việc.
Vào năm 2012, Eric Cantor, lãnh đạo Chính viện, đã kỉ niệm ngày Quốc tế lao động bằng một dòng tweet (dòng tin ngắn tự viết trên mạng xã hội) tôn vinh các chủ doanh nghiệp:
“Hôm nay, chúng ca ngợi những người đã chấp nhận rủi ro, làm việc cật lực, xây dựng doanh nghiệp và mang lại thành công cho chính mình.”
Có lẽ bị kiềm chế bởi các phản ứng, sau đó ông cảm thấy cần phải nhắc nhở các đồng nghiệp của mình tại một đảng Cộng hòa rằng hầu hết mọi người không sở hữu doanh nghiệp riêng của họ- nhưng điều này tự nó cho thấy đảng này đã triệt để như thế nào trong việc định hình bản thân với nguồn vốn loại trừ ảo của lao động.
Xu hướng này về phía nguồn vốn cũng không chỉ là cách nói phô trương. Gánh nặng về thuế đối với những người Mỹ có thu nhập cao đã giảm trên diện rộng từ những năm 1970, nhưng mức giảm lớn nhất lại rơi vào thu nhập từ vốn- bao gồm một mức giảm mạnh thuế doanh nghiệp, điều này gián tiếp mang lại lợi ích cho các cổ đông cũng như người thừa kế. Đôi khi dường như một phần đáng kể của giai cấp chính trị đang tích cực trong việc khôi phục lại chủ nghĩa tư bản gia sản mà Piketty đã chỉ ra. Và nếu xem xét tới nguồn gốc của các đồ quyên góp mang tính chính trị, mà phần lớn đến từ các gia đình giàu có, khả năng này trở nên không phải là quá lạ lùng.
Piketty kết thúc cuốn sách với lời kêu gọi đưa ra các động thái tích cực, cụ thể là xác lập hệ thống thuế tài sản, ở quy mô toàn cầu nếu có thể, để kìm nén sự gia tăng sức mạnh kinh tế của những người được hưởng của cải thông qua thừa kế. Người ta dễ dàng hoài nghi về triển vọng để bất cứ một động thái nào tương tự sẽ xảy ra.Tuy nhiên những tiên đoán của Piketty về vị trí hiện tại của chúng ta và con đường chúng ta sẽ bước trong tương lai làm cho ý tưởng đó khả quan hơn. Vì vậy có thể nói “Tư bản ở thế kỉ 21” là một cuốn sách quan trọng về tất cả các khía cạnh. Piketty đã thay đổi những suy nghĩ về kinh tế trong chúng ta, thay đổi cả cách chúng ta vẫn thường bàn luận về sự giàu có và tính bất bình đẳng.
Hiệu đính: Nguyễn Thị Thu Trang
Nguồn: Bản dịch tiếng Việt: Vietnamese Policy Online | Bản gốc tiếng Anh: NYBooks.com