#232 – Hỗ trợ anh em: Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức và Việt Nam DCCH trong Chiến tranh VN

Print Friendly, PDF & Email

eastgermanpolice2

Nguồn: Martin Grossheim, “Fraternal Support: The East German ‘Stasi’ and the Democratic Republic of Vietnam during the Vietnam War”, Cold War International History Project Working Paper #71, September 2014.>>PDF

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Bài liên quan: “Chủ nghĩa xét lại” ở Việt Nam DCCH: Bằng chứng mới từ kho tư liệu Đông Đức

Giới thiệu

Trong thế giới thời kỳ hậu Thế Chiến II, nhiều mối liên kết mới được thiết lập giữa cái gọi là “Thế giới thứ hai” và “các nước phương Nam.” Tài liệu này nghiên cứu vai trò của Cộng hòa Dân chủ Đức, hay Đông Đức, như là thành viên thứ cấp của phe xã hội chủ nghĩa trong sự phát triển của chủ nghĩa xã hội nhà nước và hiện đại hóa nhà nước tại Việt Nam. Bài viết phân tích những mối liên hệ được tạo nên giữa cơ quan mật vụ của một nước nhỏ trong Chiến tranh Lạnh, Đông Đức, và cơ quan tình báo mới được thành lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Việt Nam DCCH) thời kỳ hậu thuộc địa. Tổng quát hơn, bài viết nhấn mạnh vai trò của các nước ngoại vi và chứng minh tầm quan trọng của những nước vừa và nhỏ trong lịch sử Chiến tranh Lạnh.[1]

Bên cạnh đó, bài viết này là một đóng góp cho lịch sử tình báo. Năm 1984, nhà sử học người Anh Christopher Andrew đã than phiền rằng tình báo là một khía cạnh còn thiếu trong sử sách.[2] Kể từ đó, “nghiên cứu tình báo” đã nở rộ và “cung cấp những hiểu biết mới và thú vị về chiến tranh, xã hội, tư tưởng, thể chế, và thậm chí là văn hóa và tư duy.”[3] Tuy nhiên, hầu hết những nghiên cứu này có xu hướng tập trung vào thế giới phương Tây, và các quốc gia-dân tộc hậu thuộc địa thường không được tính đến.[4] Nhưng các tổ chức và cơ quan tình báo cũng quan trọng đối với sự phát triển chính trị và xã hội trong các nước phương Nam như chúng đã từng ở phương Tây. Trong nghiên cứu đầu tiên của mình về vai trò của tình báo ở Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Christopher Goscha đã chứng minh “cơ quan an ninh và tình báo Việt Nam đã tham gia sâu vào việc xây dựng, bảo vệ và mở rộng nhà nước, lực lượng vũ trang, và quyền lực cộng sản của Việt Nam” như thế nào.[5] Mục đích của tôi trong bài viết này là xây dựng dựa trên nghiên cứu tiên phong của Goscha bằng cách tập trung vào vai trò của bộ máy an ninh Bắc Việt sau năm 1953 và mối quan hệ của nó với Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức. Dù bộ máy an ninh Việt Nam đã bắt đầu hình thành trước năm 1953 và dựa trên mô hình của Pháp (Sûreté), Anh (MI6), Nhật Bản, và Trung Quốc, bài viết này chỉ tập trung vào giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 1953 với việc thành lập một bộ chính thức.

Tôi sử dụng các hồ sơ của Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức trước đây, thường được gọi là “Stasi,” lịch sử chính thức của Bộ Công an Việt Nam, và các bài báo được viết bởi các cán bộ đã nghỉ hưu của bộ máy an ninh Việt Nam. Trong những tháng hỗn loạn sau sự sụp đổ của bức tường Berlin vào tháng 11 năm 1989, hầu hết các hồ sơ của Cục X thuộc Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức, cơ quan phụ trách quan hệ quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa khác, bị phá hủy, nhưng may mắn thay rất nhiều tài liệu về mối quan hệ giữa cơ quan an ninh Đông Đức và Việt Nam lại “sống sót.” Những hồ sơ này đến nay vẫn chưa được sử dụng, mặc dù chúng không chỉ cung cấp thông tin về một chương lịch sử Chiến tranh Lạnh bị lãng quên, sự hợp tác giữa Stasi Đông Đức và Bộ Công an Việt Nam, mà còn đưa ra một cái nhìn sâu hơn vào các hoạt động nội bộ của bộ máy an ninh Việt Nam.[6]

Đến tận gần đây, lịch sử chính thức của Bộ Công An bằng tiếng Việt vẫn được phân loại là “tối mật” và “lưu hành nội bộ.” May mắn là điều này đã thay đổi, nhưng tất nhiên phải cẩn thận khi sử dụng các ấn phẩm đã trở nên sẵn có bởi họ đưa ra một phiên bản lịch sử của các cơ quan an ninh Việt Nam bị chỉnh sửa rất nhiều và mang tính định hướng. Tuy nhiên, chúng chứa thông tin quý giá và rất chi tiết về nền tảng tư tưởng của Bộ Công an Việt Nam và những thay đổi về thể chế sau những năm 1950. Kết hợp với những bài viết của các cán bộ an ninh Việt Nam đã nghỉ hưu, những người luôn tự hào kể lại những thành công của họ trong cuộc đấu tranh chống lại cái gọi là kẻ thù nội bộ và bên ngoài, những ấn phẩm chính thức này cho phép chúng ta đưa thông tin từ các hồ sơ của Stasi Đông Đức vào bối cảnh rộng lớn hơn của sự phát triển của bộ máy an ninh Việt Nam.

Tình hình an ninh Bắc Việt những năm 1950 và cuộc đấu tranh chống lại “kẻ thù”

Năm 1949, trong một cuộc họp của tổ chức Liên Việt, Lê Đức Thọ, người sau này là chính trị gia quyền lực thứ hai ở Bắc Việt bên cạnh Lê Duẩn, đã phản ứng lại những lời chỉ trích của một số thành viên phi cộng sản của tổ chức mặt trận này bằng cách đưa ra một tuyên bố đã trở thành nguyên lý cơ bản của lực lượng cộng sản ở Việt Nam và các cơ quan an ninh của họ cho đến tận ngày nay: “Chống lại chủ nghĩa cộng sản là chống lại cuộc kháng chiến và phản bội Tổ quốc.”[7] Khái niệm “Việt Gian” được áp dụng cho tất cả những người Việt Nam nào không ủng hộ tuyên bố độc quyền lãnh đạo của cộng sản Việt Nam hoặc bị tình nghi do tầng lớp xuất thân của họ hay do có mối liên hệ với các lực lượng phi cộng sản.

Sau khi đánh bại Pháp trong trận Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954, quân đội Việt Minh chiến thắng trở về Hà Nội và chính thức nắm quyền kiểm soát miền Bắc đất nước. Tuy nhiên, chiến thắng vẫn chưa trọn vẹn bởi Việt Nam đã bị chia cắt tạm thời ở vĩ tuyến 17: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc dưới sự lãnh đạo của chính phủ Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam, và Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam với Tổng thống Ngô Đình Diệm, sớm được dựng nên như một bức tường chống lại chủ nghĩa cộng sản được Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Các nhà lãnh đạo ở miền Bắc tập trung đầu tiên vào tái thiết đất nước và củng cố sự kiểm soát của họ. Bộ Công an đóng vai trò quan trọng trong quá trình này và trở thành một công cụ mạnh mẽ để kiểm soát xã hội và củng cố nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong sắc lệnh chính thức thành lập Bộ năm 1953.[8] Theo sắc lệnh này, nhiệm vụ đầu tiên của Bộ là “Chống gián điệp, phản động ở trong nước để bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ quân đội nhân dân, [và] bảo vệ kinh tế quốc dân; bảo vệ biên giới, [và] chống đặc vụ và gián điệp quốc tế.”[9]

Giữa những năm 1950, các lãnh đạo tại Hà Nội phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn: thứ nhất, họ phải đối phó với Nhân Văn Giai Phẩm, một phong trào phản kháng chính trị do những trí thức dẫn đầu; và thứ hai, họ phải ổn định một vùng nông thôn đã rơi vào hỗn loạn hoàn toàn sau chiến dịch cải cách ruộng đất thất bại. Đảng Lao động Việt Nam đã vượt qua được các cuộc khủng hoảng này, nhưng cả hai sự cố cho thấy Đảng vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được đất nước. Do đó, chính phủ Bắc Việt đã tiến hành những bước tiếp theo để mở rộng và hiện đại hóa lực lượng cảnh sát của mình, và từ giữa những năm 1950, Ủy ban An ninh Quốc gia của Liên Xô (KGB) bắt đầu cung cấp hỗ trợ cho Bộ Công An Bắc Việt.[10]

Năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn chính thức được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam, và từ đó, cùng với các thành viên Bộ Chính trị, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, và Nguyễn Chí Thanh, ông tiếp tục thúc đẩy một chiến lược quân sự tại miền Nam Việt Nam và chính trị trong nước ở miền Bắc Việt Nam. Đầu tiên chiến lược này kết hợp chính trị và đấu tranh quân sự, nhưng dần dần tập trung vào cuộc đấu tranh quân sự sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập năm 1960.

Đồng thời, phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ quyết định đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế Bắc Việt vốn đã được triển khai từ cuối những năm 1950 thông qua các chiến dịch tập thể hóa. Để củng cố quyền lực và đảm bảo phương pháp tích cực mới này được tiến hành, Lê Duẩn ngày càng dựa nhiều vào bộ máy an ninh và Bộ trưởng Bộ Công an, Trần Quốc Hoàn.[11] Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của miền Bắc Việt Nam, là người lính trên tiền tuyến chịu trách nhiệm việc khẳng định quyền kiểm soát của đảng đối với chính quyền Việt Nam và nhắm mục tiêu tới bất kỳ kẻ thù nội bộ cũng như bên ngoài nào. Từ những năm đầu 1960, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị định mở rộng vai trò của Bộ Công an, cho phép nó trở thành một “công cụ của chế độ chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng” và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống phản cách mạng. Ví dụ, trong tháng 6 năm 1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam DCCH đã ban hành Nghị quyết số 49 về việc giáo dục cải tạo những người bị xem là nguy hại cho xã hội.[12]

Một nghị quyết bổ sung từ tháng 1 năm 1962 liệt kê nhiều nhóm “phần tử” khác nhau được phân loại là phản cách mạng, bao gồm “gián điệp miền Nam Việt Nam, người Công Giáo phản động, các phần tử từng phục vụ Pháp hoặc từng là các thành viên của các tổ chức phản động, phần tử phản động ngoan cố không chịu cải tạo trong các giai cấp bóc lột cũ, và tất cả các phần tử thù địch, phản cách mạng khác.” Nghị định còn quy định rằng đến năm 1963, tất cả các cơ quan lãnh đạo, các nhà máy quan trọng, và các tổ chức vũ trang phải loại bỏ hoàn toàn các “phần tử” này. Trong điều kiện cụ thể, các phần tử tình nghi phải được điều chuyển đến những nơi khác “không quan trọng” (có nghĩa là những vùng xa xôi), trong khi những ai chưa điều chuyển được phải bị theo dõi chặt chẽ và không được cung cấp bí mật nhà nước. Mục tiêu tổng thể của các biện pháp này về cơ bản là quét sạch bất kỳ lực lượng phản cách mạng có thật hay tưởng tượng nào ra khỏi miền Bắc.[13]

Để khai thác các phương tiện thể chế nhằm thực hiện chiến dịch làm sạch rộng lớn này, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội quyết định mở rộng Bộ Công an và trao cho nó toàn quyền giám sát an ninh nội bộ của Việt Nam DCCH và tiến hành chống lại tất cả các nghi phạm phản cách mạng. Bộ Công an được lệnh tiếp tục thành lập các phòng ban khoa học và kỹ thuật, những đơn vị được cho cần thiết cho công việc hoạt động nghiệp vụ và để đối phó hiệu quả với hoạt động của đối phương.[14] Hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa Bộ Công an là ưu tiên số một của Trần Quốc Hoàn.[15] Do đó, các nghị quyết từ năm 1961 đến năm 1962 không chỉ nhằm thiết lập một nhà nước an ninh, mà còn nhằm hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa lực lượng an ninh ở miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, nghị quyết của Bộ Chính trị vào tháng Giêng năm 1962 chính thức được coi là “quyết định cơ bản của Đảng về việc thành lập Lực lượng Công an Nhân dân.”[16]

Các nghị quyết ngay lập tức được thực hiện. Vòng đầu tiên đã có khoảng 570 “phần tử phản cách mạng” trong năm 1961, chiến dịch được tăng cường những năm sau đó. Năm 1962, tại Hà Nội, Hải Phòng, và các thành phố khác, khoảng 4.000 người từng làm việc cho chính quyền thuộc địa và chính quyền Bảo Đại thân Pháp, cùng nhiều người khác được coi là không đáng tin về chính trị đã bị gửi đến các trại giáo dục cải tạo ở các khu vực vùng sâu vùng xa ở phía Bắc.[17] Theo một ấn phẩm bằng tiếng Việt chính thức, trong giai đoạn 1961-1965, Bộ Công an đã gửi 11.365 cá nhân “được xem là nguy hiểm đối với an ninh của chúng tôi và trật tự xã hội đi cải tạo tập thể [tức là nhà tù].”[18] Sau chiến dịch chỉnh đốn diễn ra vào đầu những năm 1950 và việc giải quyết cuộc khủng hoảng năm 1956 (tức là các chiến dịch cải cách ruộng đất và phong trào Nhân Văn Giai Phẩm), những cuộc thanh trừng có hệ thống trong các khu vực thành thị của miền Bắc Việt Nam và việc điều chuyển những người tình nghi và không đáng tin cậy đến những vùng xa xôi trong những năm 1962-1965 là một bước tiến xa hơn trong việc củng cố quyền lực của Đảng đối với Việt Nam DCCH. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, các chương trình tái định cư trở thành một hình mẫu để xử lý những “phần tử” ở phía Nam được coi là không đáng tin cậy và là một mối đe dọa cho “chính quyền cách mạng” mới. Mục đích của việc điều chuyển những “phần tử” tình nghi là để loại trừ họ ra khỏi xã hội Việt Nam.

“Stasi” Đông Đức và Việt Nam

“Những chuyến hàng đoàn kết”

Từ những năm 1950, Bộ Công an Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng những nội dung và phạm vi cụ thể mà Trung Quốc hỗ trợ hiện không rõ ràng. Theo các nguồn tin tiếng Việt chính thức, vào cuối những năm 1950, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã nhờ cơ quan an ninh các nước Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và thậm chí là cả Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên giúp đỡ xây dựng bộ máy an ninh.[19] Trong khi có bằng chứng cho thấy sự hỗ trợ này là khá đáng kể, ít nhất là trong trường hợp của Liên Xô, thì trong trường hợp Đông Đức mới chỉ có những tiếp xúc ban đầu được thiết lập.[20]

Tất cả đã thay đổi khi chiến tranh Việt Nam leo thang với việc Mỹ ném bom ở phía Bắc vĩ tuyến 17 và những người lính Mỹ đầu tiên xuất hiện tại Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1965. Trong bối cảnh mới này, Việt Nam DCCH không chỉ có nhu cầu bức thiết về các loại vũ khí tinh vi để đối phó với máy bay B-52 của Mỹ, mà còn về các thiết bị tình báo tân tiến để chống lại “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” và để xử lý tốt hơn các mối đe dọa thực sự cũng như có thể cảm thấy đối với an ninh quốc gia. Thực tế, chiến tranh và sự can thiệp trực tiếp của Mỹ đã thúc đẩy những nỗ lực của Lê Duẩn trong việc xây dựng một nhà nước an ninh quốc gia. Trong khía cạnh này, câu nói nổi tiếng của Charles Tilly, “chiến tranh sinh ra nhà nước, và nhà nước sinh ra chiến tranh” không chỉ đúng đối với cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), mà còn đúng với cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa (1964- 1975).[21] Chiến tranh định hình một nhà nước Việt Nam trong đó Đảng Cộng sản sử dụng chiến tranh để kiểm soát dân số ở miền Bắc Việt Nam chặt chẽ hơn và theo dõi những thế lực thù địch của chế độ. Chính trong bối cảnh của chiến tranh mà Bộ Công an Bắc Việt được tiếp cận với Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức, vốn nổi tiếng là một trong những cơ quan tình báo được tổ chức chặt chẽ và hoạt động hiệu quả nhất trong khối xã hội chủ nghĩa.

Những liên lạc đầu tiên giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức bắt đầu năm 1957 khi Bắc Việt đệ trình một lời đề nghị về các thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả máy ghi âm nhỏ và máy ảnh nhỏ, đến Đại sứ quán Đông Đức ở Hà Nội.[22] Năm 1959, phái đoàn đầu tiên của Bộ Công an đã tới Berlin, dẫn đầu là Nguyễn Minh Tiến. Đoàn làm quen với các thiết bị viễn thông và thiết bị hoạt động trong các lĩnh vực khác như công nghệ hồng ngoại.[23] Năm 1960, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm Đông Đức lần đầu tiên, nhưng không có thông tin về chuyến đi này.[24] Trong những năm sau đó, hai bên vẫn giữ liên lạc và Bộ Công an Bắc Việt tiếp tục nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Đông Đức.

Tuy nhiên, sau chuyến thăm lần đầu tiên vào năm 1959, phải mất sáu năm sự hợp tác giữa Đông Đức và các cơ quan an ninh Việt Nam mới thực sự vào guồng. Tháng 12 năm 1965, một đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm Đông Đức và lần này trình bày một danh sách dài bao gồm tất cả các loại thiết bị mong muốn để nâng cấp khả năng công nghệ của Bộ Công an Việt Nam.[25] Erich Mielke, Bộ trưởng tai tiếng của Bộ An ninh Quốc gia, đã phàn nàn về thời gian dài gián đoạn trong mối quan hệ hai nước: không rõ tại sao Bắc Việt Nam phải mất một thời gian dài mới nối lại đàm phán với những người đồng chí Đông Đức của họ. Như đã đề cập ở trên, họ nối lại đàm phán trong năm 1965 chủ yếu là do bùng nổ chiến tranh, nhưng điều này cũng nên được nhìn nhận trong một bối cảnh thứ hai.

Trong hai năm 1963-1964, quan hệ giữa Việt Nam DCCH và Liên Xô đi xuống đến mức rất thấp – đặc biệt là bởi Moscow không tán thành chủ trương đấu tranh quân sự thống nhất đất nước của Lê Duẩn, thay vào đó họ ủng hộ khái niệm chung sống hoà bình. Năm 1964, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội thậm chí còn đưa ra một chiến dịch chống lại “chủ nghĩa xét lại hiện đại.” Chiến dịch này nhằm vào các cán bộ bị nghi là bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng có nguồn gốc từ Liên Xô. Các nước xã hội chủ nghĩa khác như Đông Đức cũng bị nhắm tới, nhưng Liên Xô mới là mục tiêu chính trong chiến dịch chống chủ nghĩa xét lại nội bộ này.[26]

Sau sự sụp đổ của Khrushchev tháng 10 năm 1964, mối quan hệ hai nước nhanh chóng được cải thiện. Trong chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 2 năm 1965, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Aleksei Kosygin hứa sẽ viện trợ quân sự, nhưng khi nói đến các vấn đề tình báo, rõ ràng là Bắc Việt muốn thoát khỏi sự phụ thuộc đơn phương của mình vào KGB và đa dạng hóa các mối liên kết với những cơ quan tình báo trong thế giới cộng sản. Hồ sơ của Stasi và các ấn phẩm chính thức bằng tiếng Việt có những bằng chứng cho thấy Việt Nam DCCH bắt đầu nhận viện trợ từ các cơ quan an ninh của Ba Lan, Hungary, Đông Đức, Liên Xô, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1965.[27]

Từ quan điểm của khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, đây cũng là một dạng phân công lao động.

Theo một ấn phẩm chính thức về Trần Quốc Hoàn, vị Bộ trưởng Bộ Công an này đặc biệt quan tâm đến Bộ An ninh quốc gia Đông Đức bởi ông đã nghe nhiều về “phong cách làm việc công nghiệp, hiện đại, và khoa học” ở Đông Đức. Ông cũng thường xuyên trao đổi với Nguyễn Song Tùng, Đại sứ Việt Nam tại Đông Đức. Nguyễn Song Tùng thậm chí còn biên tập một số tài liệu về kinh nghiệm của Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức.[28] Trong lịch sử chính thức về Bộ Công an bằng tiếng Việt, sự hỗ trợ từ các cơ quan tình báo Liên Xô và Đông Đức thường được đánh giá là quan trọng nhất trong khối xã hội chủ nghĩa.[29] Do đó, việc hiện đại hóa cơ quan an ninh mà Trần Quốc Hoàn đã dự tính trong một vài năm trước đó bắt đầu trở thành hiện thực vào giữa năm 1960, chủ yếu là nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô và CHDC Đức.[30]

Tháng 11 năm 1965, Bộ trưởng Bộ Công an Bắc Việt Trần Quốc Hoàn đã gửi một bức thư cho Erich Mielke, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức, và tái lập lại liên lạc với các đối tác Đông Đức của ông.[31] Đoàn đại biểu do Nguyễn Minh Tiến dẫn đầu đến Đông Berlin vào tháng 12 năm 1965. Nguyễn Minh Tiến là người đứng đầu Tổng cục Kỹ thuật của Bộ Công an Bắc Việt và sau này trở thành một trong những Thứ trưởng của nó. Đây là chuyến đi thứ hai của ông đến Đông Đức, sau này còn rất nhiều chuyến đi khác nữa. Trên thực tế, Nguyễn Tiến Minh đã trở thành người liên lạc chính với Stasi trong bộ máy an ninh Bắc Việt.

Trong cuộc gặp với Erich Mielke, đầu tiên Trần Quốc Hoàn giải thích chi tiết về những thành công mà Việt Nam DCCH đã đạt được trong cuộc chiến chống lại “đế quốc Mỹ và tay sai,” nhưng sau đó là lý do thực sự cho chuyến thăm của ông tới Đông Berlin:

Chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc chiến của mình, bởi kẻ thù rất tinh ranh mà chúng tôi còn quá thô sơ. Do đó chúng tôi vẫn chưa thể kiểm soát được nhiều… Như đồng chí Bộ trưởng biết, các đồng chí của chúng tôi ở Đông Đức phải tiếp xúc hàng ngày với kẻ thù và không ngừng chiến đấu với chúng. Các đồng chí đã thực hiện nhiều sáng kiến ​​trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù và có một truyền thống lâu đời về khoa học và công nghệ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các đồng chí cho phép chúng tôi được nghiên cứu những kinh nghiệm quý báu của các đồng chí, để chúng tôi có thể thực hiện công việc của chúng tôi hiệu quả hơn.[32]

Nguyễn Minh Tiến trình bày với Mielke một danh sách mong muốn dài và chi tiết: phía Việt Nam đề nghị các đồng chí Đông Đức giúp họ thiết lập một khu vực nghiệp vụ kỹ thuật cũng như đào tạo và cung cấp các thiết bị cần thiết. Cụ thể, Việt Nam muốn học tập kinh nghiệm của Stasi trong các lĩnh vực sau và đề nghị phía Đông Đức giúp xây dựng một bộ phận có thể phân tích và thiết kế các thiết bị gồm: kỹ thuật nghe lén, bảo vệ chống thiết bị nghe lén, thiết bị che giấu, thiết bị phá khóa, bí mật giám sát trực tiếp qua hình ảnh, chặn và theo dõi thư từ, làm giả tài liệu, và soạn thảo văn bản bí mật.[33]

Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật.[34] Năm 1966, Stasi đã cung cấp trợ giúp kỹ thuật cho những người đồng chí của mình tại Hà Nội. Một số thiết bị cung cấp cho Việt Nam thực ra đã phải được mua ở Tây Đức hoặc các nước phương Tây khác. Ví dụ, vào tháng 3 năm 1966, Stasi đã đặt nhiều thiết bị đặc biệt trị giá 38.000 Mác Đức ở phương Tây, bao gồm một máy phay Aciera vi cơ học do Thụy Sĩ sản xuất.[35]

Sự hỗ trợ của Đông Đức cho bộ máy an ninh Việt Nam tiếp tục được mở rộng trong tháng 9 năm 1966 khi lần đầu tiên Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm chính thức và gặp gỡ đối tác Đông Đức Erich Mielke của mình. Trong đoàn còn có Phạm Văn Mẫn, Tổng cục phó Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an. Điều này phản ánh mục tiêu tối quan trọng của chuyến thăm, đó là đề nghị Đông Đức trợ giúp nâng cấp và hiện đại hóa các ngành kỹ thuật nghiệp vụ.

Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh các nguyên tắc của “quốc tế vô sản.” Khi kêu gọi sự hỗ trợ của các đồng chí Đông Đức trong cuộc đấu tranh chung của họ chống lại “đế quốc Mỹ,” ông đã không gặp khó khăn gì. Erich Mielke nói với ông rằng sự giúp đỡ của Đông Đức cần được xem xét như là một “đóng góp đoàn kết” trong cuộc đấu tranh chung chống lại “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” của hai nước.[36] Mielke chỉ yêu cầu đối tác Bắc Việt của mình gửi vũ khí và các thiết bị khác của Mỹ đến Đông Đức: “Như vậy chúng ta có thể đạt được những hiểu biết mới.”[37] Trong một cuộc họp trước đó với Nguyễn Minh Tiến, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Đông Đức đã đề nghị gửi hai cán bộ Stasi đến Việt Nam DCCH để tìm hiểu hoạt động của các cơ quan Mỹ tại Việt Nam.[38]

Trong cuộc họp, Erich Mielke cũng thông báo rằng Bộ An ninh Quốc gia sẽ cung cấp viện trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu Mác (Đông Đức) và 200.000 Mác (Tây Đức) cho cơ quan an ninh miền Bắc Việt Nam.[39] Trần Quốc Hoàn rất vui mừng về việc các đồng chí Đông Đức sẵn sàng giúp đỡ và thậm chí còn mua thiết bị kỹ thuật cao từ phía kẻ thù đến nỗi ông cảm ơn Erich Mielke bằng cách trích dẫn câu nói nổi tiếng của người Việt Nam. “chia cơm sẻ áo.”[40]

Ngay sau chuyến thăm Đông Đức của Trần Quốc Hoàn vào tháng Mười năm 1966, Stasi đã bắt đầu khóa đào tạo đầu tiên trong lĩnh vực thiết bị điện tử cho các cán bộ cấp cao của Bộ Công an Việt Nam, như Cục trưởng Cục an ninh sóng vô tuyến.[41] Từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 4 năm 1967, nhiều nhân viên an ninh cao cấp Bắc Việt đã tham gia khóa đào tạo đầu tiên ở Đông Đức được tổ chức bởi bộ phận kỹ thuật nghiệp vụ của Stasi (OTS) và học các kỹ năng trong những lĩnh vực như thu thập tình báo, kiểm soát bưu điện, vân tay, điều tra thư tín bằng văn bản, sản xuất mực bí mật, phân tích và khôi phục tài liệu.[42] Được chỉ định là người đứng đầu các bộ phận tương ứng trong Bộ Công an Bắc Việt, Nghiêm Sĩ Tạo được đào tạo phân tích và sản xuất các tài liệu và mực in bí mật từ tháng 12 năm 1967 đến tháng 4 năm 1968.[43] Tương tự như vậy, Châu Diệu Ái, sau này là thành viên của Cục kỹ thuật nghiệp vụ, được đào tạo viết văn bản bí mật và phân tích chế tạo tài liệu vào năm 1970. Trong những năm sau, Stasi tổ chức các khóa học bổ sung cho các chuyên gia từ Hà Nội với một giáo trình được mở rộng. Theo một báo cáo chính thức của OTS Stasi,

các khóa đào tạo kéo dài trong khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng, khoảng 20 đồng chí Việt Nam đã được OTS đào tạo trong các lĩnh vực sau: [phân tích và tái tạo] tài liệu, văn bản bí mật, tội phạm học, đặc vụ; thiết bị điện tử (giám sát phòng và khai thác điện thoại), vi cơ/quang học, sản xuất công-ten-nơ [các thiết bị che giấu], [và] công nghệ bảo mật.[44]

Do đó, Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức đã đào tạo các chuyên viên cao cấp, những người sau này được cho là nắm giữ các vị trí quan trọng trong Bộ Công an Việt Nam và có công trong việc hiện đại hóa bộ phận kỹ thuật của nó.[45]

Đáp ứng một đề nghị khác của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Đông Đức cũng hỗ trợ Bộ Công an trong việc quy hoạch và xây dựng một viện pháp y và đào tạo đội ngũ cán bộ.[46] Theo một ấn phẩm chính thức của Việt Nam, trong tháng 4 năm 1966, 9 cán bộ đã được gửi đến đào tạo tại Trường Khoa học pháp y thuộc Bộ Nội vụ Đông Đức.[47] Trong nhiệm vụ khảo sát tình hình thực tế ở Hà Nội trong tháng 1 và tháng 2 năm 1967, một phái đoàn của Bộ Nội vụ Đông Đức thấy rằng pháp y tại Việt Nam DCCH vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và thiếu thốn chuyên gia, thiết bị và chuyên môn. Phía Việt Nam đã đề nghị Bộ Nội vụ Đông Đức hỗ trợ thêm. Rychlik, Trưởng đoàn Đông Đức, hoàn toàn chấp thuận đề nghị này với nhận xét hơi khó hiểu: “Những mong muốn của phía Việt Nam tương ứng với các nhu cầu thiết yếu trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam DCCH.”[48] Vào cuối năm 1968, mười cán bộ bổ sung đã được gửi đến Đông Đức để tham dự các khóa học về khoa học pháp y. Sau đó Hà Nội đã mời các chuyên gia từ Bộ Nội vụ Đông Đức đến đào tạo cho các chuyên gia bổ sung tại Hà Nội. Như vậy, trong vòng một năm đã có khoảng 100 cán bộ Việt Nam được đào tạo về Pháp y tội phạm (trong các lĩnh vực như dấu vân tay, đạn, hóa học và sinh học pháp y), mặc dù phải mất thêm năm năm Bộ Chính trị Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa Đông Đức mới quyết định xây dựng một Viện Pháp y hoàn chỉnh tại Hà Nội.[49]

“Xâm nhập miền Nam Việt Nam”

Ý nghĩa của tất cả những “lô hàng đoàn kết” mà CHDC Đức gửi đến Việt Nam trước đây là gì? Chúng có thể phục vụ cả nhu cầu tình báo nước ngoài và phản gián và an ninh nội bộ trong nước. Trong trường hợp của Bắc Việt, điều này có nghĩa là chiến đấu chống “đế quốc Mỹ” và cái gọi là “chính phủ bù nhìn” miền Nam Việt Nam và theo dõi những kẻ thù nội bộ. Một ví dụ về đế quốc Mỹ là vào năm 1967, Hoa Kỳ đã cung cấp một loại tài liệu nhận dạng mới với các tính năng kỹ thuật rất hiện đại và tinh vi cho chế độ Sài Gòn. Cái gọi là thẻ căn cước “Rồng Xanh” rất khó sao chép và khiến nhiều cán bộ Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng đang hoạt động trong các khu vực dưới sự kiểm soát của địch gặp nhiều rắc rối. Tuy nhiên, trong năm 1972, Văn phòng Tài liệu Nghiệp vụ tại Hà Nội với đội ngũ nhân viên được đào tạo ở Đông Đức, đã có thể làm giả thẻ căn cước – chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ của Stasi. OTS tại Berlin đã phân tích một trong những thẻ căn cước Rồng Xanh và cam kết sẽ hỗ trợ các đồng nghiệp Việt Nam của họ sao chép chúng bằng cách mua vật liệu và thiết bị đặc biệt, thậm chí từ các nước tư bản chủ nghĩa. Vấn đề làm giả tài liệu luôn có mặt trên chương trình nghị sự trong các cuộc họp giữa các thành viên cấp cao của Bộ Công an Bắc Việt với các đồng nghiệp Đông Đức của họ từ giữa những năm 1966 cho đến khi kết thúc chiến tranh.[50]

Theo một tài liệu tiếng Việt gần đây, “năm 1973, một số lượng lớn thẻ căn cước Rồng Xanh và các bộ phận của thiết bị hỗ trợ đã được những người bạn [Đông Đức] của chúng ta vận chuyển đến Văn phòng Tài liệu. Chúng tôi tiếp tục mở các lớp đào tạo cán bộ và vận chuyển thẻ căn cước Rồng Xanh và các bộ phận thiết bị mới được những người bạn [Đông Đức] của chúng ta cung cấp để gửi cán bộ vào Nam cho đến cuộc Tổng Tiến công chiến thắng vào năm 1975.”[51] Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề này, cần lưu ý rằng các cán bộ cấp cao hoạt động ở phía Nam được cung cấp thẻ căn cước giả gồm có Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, và Võ Văn Kiệt, sau này là Thủ tướng Việt Nam.

Ở mức độ tổng quát hơn, tuyển tập chính thức hoành tráng mang tên 60 năm lịch sử của Lực lượng Công an Nhân dân nói rằng dưới sự giúp đỡ của Đông Đức và Liên Xô, cục kỹ thuật nghiệp vụ Bắc Việt đã có thể sản xuất nhiều thiết bị phục vụ cho công tác hoạt động của cán bộ miền Nam Việt Nam, bao gồm làm giả con dấu và tài liệu, thiết bị quang học, các công cụ phá khóa, và ngòi nổ cháy chậm.[52]

Trong khi sự hỗ trợ kỹ thuật từ Stasi Đông Đức đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cán bộ cộng sản cấp cao ở miền Nam khỏi bị các lực lượng an ninh Sài Gòn phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của họ, các thiết bị kỹ thuật và chương trình đào tạo hiện đại mà Đông Đức cung cấp cũng tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát và giám sát dân cư của các đồng nghiệp miền Bắc Việt Nam – khía cạnh thứ hai của liên minh tình báo Đông Đức-Việt Nam.

“Kiểm soát nội bộ ở miền Bắc”

“Ngờ vực”

Hỗ trợ của Stasi sau Chiến tranh Việt Nam

Kết luận

….

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Stasi Dong Duc va Viet Nam DCCH.pdf

————

Ghi chú của Ban Biên tập: 1. Tài liệu mang tính chất tham khảo, thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của người dịch và Ban Biên tập Nghiencuuquocte.net; 2. Do không thể tìm được tất cả các văn bản gốc để đối chiếu, một số trích dẫn được dịch từ tiếng Anh có thể không đúng như nguyên văn tiếng Việt. Một số tên gọi của các cơ quan, cục vụ… khi dịch sang tiếng Việt có thể không chính xác.

[1] Tony Smith, “New Bottles for New Wine: A Pericentric Framework for the Study of the Cold War,” Diplomatic History 24, no. 4 (Fall 2000): 567-591.

[2] Christopher Andrew and David Dilks, eds., The Missing Dimension: Governments and Intelligence Communities in the Twentieth Century (London: Macmillan, 1984), 1.

[3] Christopher E. Goscha, “Intelligence in a Time of Decolonization: The Case of the Democratic Republic of Vietnam at War (1945-1950),” Intelligence and National Security 22, no. 1 (February 2007): 100.

[4] Goscha, “Intelligence in a Time of Decolonization.”See also Richard J. Aldrich, Introduction, in: same, Gary D. Rawnsley and Ming-Yeh T. Rawnsley, eds., The Clandestine Cold War in Asia, 1945-1965: Western Intelligence, Propaganda and Special Operations (Portland, OR: Frank Cass, 2000), 1.

Về một nghiên cứu mới về bộ máy an ninh ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, xem Guo Xuezhi, China’s Security State: Philosophy, Evolution, and Politics (Cambridge: Cambridge University Press, 2012). Về nghiên cứu đầu tiên về tình báo quốc gia “ngoài văn hóa quyển tiếng Anh,” xem Philip H. J. Davies and Kristian C. Gustafson, eds., Intelligence Elsewhere: Spies and Espionage Outside the Anglosphere (Washington, DC: Georgetown University Press, 2013).

[5] Goscha, “Intelligence in a Time of Decolonization,” 104.

[6] Ngoại lệ duy nhất là trong cuộc thảo luận trong Kristie Macrakis, Seduced by Secrets: Inside the Stasi’s Spy-Tech World (Cambridge: Cambridge University Press, 2008).

[7] Trích trong Christopher E. Goscha, Vietnam. Un État né de la Guerre, 1945-1954 (Paris: Armand Colin, 2012), 88.

[8] “Sắc Lệnh của Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, số 141/SL ngày 16 tháng 2 năm 1953” (“Decree of the President of the Democratic Republic of Vietnam, no. 141, 16 Febr. 1953”), <http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=1129> (truy cập vào February 12, 2014).

[9] Như trên. Về sự bắt đầu của cơ quan an ninh Bắc Việt và khái niệm “kẻ thù,” xem bài viết của Franҫois Guillemot, “De l’invention et de l’usage de ‘l’ennemi intérieur’: Vraie et fausse contre-révolution au Nord-Vietnam 1945-1967” (“The Invention and Use of the ‘Enemy Within’: True and False Counterrevolution in North Vietnam, 1945-1967”), Communisme 2013. Vietnam de l’insurrection à la dictature, 1920-2012, 259-302.

[10] Nguyễn Thanh et al., eds., Những Kỷ Niệm Sâu Sắc Về Bộ Trưởng Trần Quốc Hoàn (Profound Memories of Minister Tran Quoc Hoan) (Hà Nội: NXB Công An Nhân Dân, 2004), 290-291.

[11] Về lí lịch ngắn của Trần Quốc Hoàn, xem Liên-Hằng T. Nguyễn. Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2012), 55-56.

[12] “Nghị quyết số 49 NQ/TVQH về việc quy định việc tập trung giáo dục cải tạo có thời hạn đối với các phần tử phản cách mạng ngoan cố và lưu manh chuyên nghiệp” (“Resolution No. 49 on Regulating the Temporary Reeducation of Obstinate Counterrevolutionary Elements and Professional Hooligans”), <http://www.na.gov.vn/Sach_QH/VKQHTap2/Nam%201961/UBTVQH1961_12.htm> (accessed April 24, 2014). Xem Bộ Công An. Tổng cục Xây dựng Lực lượng. Cục Công Tác Chính Trị (Ministry of Public Security. General Department of Building up the Forces. Political Department), 65 năm Công an Nhân dân Việt Nam. Xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (Sơ thảo) (People’s Public Security of Vietnam: Building, Fighting, Growing Up) (Hà Nội: Công An Nhân Dân, 2010), 148.

[13] “Nghị quyết của Bộ Chính trị số 39-NQ/TW, ngày 20 tháng 1 năm 1962, về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh” (“Politburo Resolution No. 39, 20 Jan. 1962, on Intensifying the Struggle against the Anti-Revolutionary Clique to Serve the Building Up of Socialism in the North and the Fight” ), <http://cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30063&cn_id=160987> (accessed January 10, 2014). See Bộ Công An, 65 năm Công an nhân dân Việt Nam,157.

[14] “Nghị quyết của Bộ Chính trị số 40-NQ/TW, ngày 20 tháng 1 năm 1962, về vấn đề củng cố và tăng cường lực lượng công an” (“Politburo Resolution No. 40, 20 Jan. 1962, on Strengthening and Reinforcing the Public Security Forces”], <http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30063&cn_id=160986> (accessed January 10, 2014); “Nghị định của H ội đồng Chính phủ số 132-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chúc bộ máy của Bộ Công An” (“Decree 132 of the Council of Ministers, 29 Sept. 1961, Regulating the Tasks, Responsibility, and Organization of the Ministry of Public Security”), <http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-dinh-132-CP-Quy-dinh-nhiem-vu-quyen-han-va-to-chuc-bo-may- cua-Bo-Cong-an-vb43783t11.aspx> (accessed February 13, 2014). Về việc thiết lập tình hình an ninh nhà nước Bắc Việt, xem Nguyen, Hanoi’s War, 53-56.

[15] Trịnh Thúc Huỳnh, ed., Đồng chí Trần Quốc Hoàn – chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Công an Việt Nam (Comrade Trần Quốc Hoàn: Faithful Revolutionary Soldier of the Party, Outstanding Leader of the Public Security of Vietnam) (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2006), 171.

[16] Bộ Công An, 65 năm Công an nhân dân Việt Nam, 157.

[17] Phạm Văn Quyền et al., eds., Bộ Công An. 60 năm Công An Nhân Dân Việt Nam (1945-2005) (Sixty Years of the

People’s Public Security Forces, 1945-2005) (Hà Nội: NXB Công An Nhân Dân, 2006), 201-202; Bộ Công An, 65 năm Công an Nhân dân Việt Nam, 148.

[18] Bộ Nội Vụ. Tổng cục I (Ministry of Interior. General Department I), Major Nguyen Hung Linh and Lieutenant Colonel Hoang Mac, Lực lượng chống phản động: Lịch sử biên niên (1954-1975) (Anti- Reactionary Forces: Chronology of Events, 1954-1975) (Hà Nội: NXB Công An, 1997), 134. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Merle Pribbenow vì đã cung cấp cho tôi những nguồn tiếng Việt và bản dịch của anh ấy.

[19] Trịnh Thúc Huỳnh, ed., Đồng chí Trần Quốc Hoàn – chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, 167.

[20] Về những đối thoại ban đầu với Đông Đức, xem BStU MfS AP 1839/61.

[21] Về cuộc kháng chiến chống Pháp, xem Goscha, Vietnam: Un État né de la Guerre 1945-1954.

[22] BStU MfS AP 1839/61, 737-738.

[23] BstU MfS AP 1839/61, 724, 737.

[24] BstU MfS AP 1839/61, 737.

[25] BStU MfS Abt. X, 652. Note on a Meeting of Comrade Minister with Vietnamese comrade Nguyen Minh Tien, Head of the Operational-Technical Sector in the Ministry for State Security of the Democratic Republic of Vietnam on Dec. 13, 1965. Dec. 14, 1965: 31-49.

[26] Xem Pierre Asselin, Hanoi’s Road to the War 1954-1965 (Berkeley: University of California Press, 2013), 162-189; Nguyen. Hanoi’s War, 60-70; Martin Grossheim, “The Lao Động Party, Culture, and the Campaign against ‘Modern Revisionism’: The Democratic Republic of Vietnam before the Second Indochina War,”Journal of Vietnamese Studies 9, no. 1 (May 2013): 80-129; Martin Grossheim,“Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam: New Evidence from the East German Archives,” Cold War History 5, no. 4 (November 2005): 451-477.

[27] Xem Phạm Văn Quyền et al., eds., Bộ Công An. 60 năm Công An Nhân Dân Việt Nam, 757. Một cuốn sách viết về Trần Quốc

Hoàn thậm chí còn đề cập rằng Triều Tiên đã cử chuyên gia đến Hà Nội, nhưng đây là bằng chứng duy nhất tôi tìm được về mối quan hệ đồng minh giữa Bắc Việt và Triều Tiên. Xem Trịnh Thúc Huỳnh, ed., Đồng chí Trần Quốc Hoàn, 167. Về những bằng chứng trong hồ sơ của Stasi về viện trợ từ Hungary, xem BStU MfS Abt. X, 652, Andras Benkei, Ministry of Interior of the People’s Republic of Hungary, to Mielke, Translation from Russian, Dec. 11, 1965: 384-385.

[28] Nguyễn Thanh et al., eds., Những Kỷ Niệm Sâu Sắc Về Bộ Trưởng Trần Quốc Hoàn, 210; Trịnh Thúc Huỳnh, ed., Đồng chí Trần Quốc Hoàn, 189.

[29] Một ví dụ, xem Trịnh Thúc Huỳnh, ed., Đồng chí Trần Quốc Hoàn, 63-64, 94.

[30] Trần Quốc Hoàn thường được ghi nhận là người đã khởi xướng công cuộc hiện đại hóa lực lượng an ninh (Bắc) Việt Nam. Xem Trịnh Thúc Huỳnh, ed., Đồng chí Trần Quốc Hoàn, 63, 94, 253.

[31] BStU MfS Abt. 652, Tran Quoc Hoan, Hanoi, to Erich Mielke, Nov. 1, 1965: 24-26.

[32] BStU MfS Abt. X 652, Note on a Meeting of Comrade Minister with the Vietnamese Comrades Nguyen-Minh-Tien, Head OTS in the MfS of the Democratic Republic of Vietnam and [name blacked out] interpreter on 13 December 1965 from 4 to 7 pm: 13.

[33] BStU MfS Abt. X, 652, Note on a Meeting of Comrade Minister with Vietnamese comrade Nguyen Minh Tien, Head of the Operational-Technical Sector in the Ministry for State Security of the Democratic Republic of Vietnam on Dec. 13, 1965. Dec. 14, 1965: 31-49.

[34] Về sự trợ giúp của Stasi cho các nước hậu thuộc địa trong khối “các nước phương Nam” nói chung, xem Gerhard Ehlert, Jochen Staadt, and Tobias Voigt, Die Zusammenarbeit zwischen dem Ministerium für Staatssicherheit der DDR (MfS) und dem Ministerium des Innern Kubas (MINIINT) (Berlin: Forschungsverbund SED-Staat, 2002); Jens Gieseke, Die Stasi 1945-1990 (Munich: Pantheon, 2011), 243-247; Ilko-Sascha Kowalczuk, Stasi konkret. Überwachung und Repression in der DDR (Munich: C.H. Beck, 2013), 247-262; Bernhard Marquardt, “Die Kooperation des Ministeriums für Staatssicherheit (MfS) mit dem KGB und anderen Geheimdiensten,” in Materialien der Enquete-Kommission : “Überwindung der Folgen der SED-Diktatur im Prozeß der deutschen Einheit”, vol. 8 (Baden-Baden 1999), 1.966–2.007; and Monika Tantzscher, “Die Stasi und ihre geheimen Brüder. Die internationale geheimdienstliche Kooperation des MfS,: in Diktaturen in Europa im 20. Jahrhundert – der Fall DDR (Berlin: Duncker & Humblot, 1996), 595-621.

[35] BStU MfS Abt. X, 652. Dept. X: 115.

[36] BStU MfS Abt. X, 652, Note on a Meeting between high-level members of the MfS of the DRV and MfS of the GDR on Sept. 24, 1966, from 9:30 to 12:00 am, Sept. 27, 1966, 141. See also BStU MfS Abt. X, 652, Note on a Meeting of Comrade Minister with the Vietnamese comrades on Febr. 1, 1966, Febr. 10, 1966: 55.

[37] BStU MfS Abt. X, 652: 141.

[38] BStU MfS Abt. X, 652. Note on a Meeting of Comrade Minister with the Vietnamese comrade on Febr. 1, 1966, Febr. 10, 1966: 58.

[39] BStU MfS Abt. X, 652: 135.

[40] BStU MfS Abt. X, 652: 142.

[41] Xem BStU MfS, OTS, 1775. Training of Vietnamese Comrades by the MfS in the GDR, Dec. 10, 1971: 2. Trong một tài liệu khác người này được xác định là cục phó. Xem BStU MfS, OTS, 1775. Exchange of specialists/meetings of heads of departments/short consultations, no date. 7. Về viện trợ của Đông Đức cho Việt Nam, xem thêm Macrakis, Seduced by Secret, 165-166, and Bộ Công An. Tổng Cục Xây Dựng Lực Lượng Công An Nhân Dân Việt Nam (Ministry of Public Security. General Department of Building up the Forces of the People’s Public Security of Vietnam), Lịch sử xây dựng lực lượng công an nhân dân Việt Nam, Tập II (1954–1975) (Sơ thảo) (History of Building up the Forces of the People’s Public Security of Vietnam, Volume II, 1954–1975, (Draft)) (Hà Nội: NXB Công An Nhân Dân, 2010), 153-154.

[42] Về ngành kỹ thuật nghiệp vụ của Stasi (OTS), xem Roland Wiedmann: Die Diensteinheiten des MfS 1950– 1989. Eine organisatorische Übersicht (MfS-Handbuch). Hg. BStU. Berlin 2012. <http://www.nbn-resolving.org/urn:nbn:de:0292-97839421302889> (accessed March 19, 2014): 160-167.

[43] Như trên. 2; MfS, OTS, 1775. Important results and activities of the previous cooperation: 6, no date; MfS, OTS, 1775. Exchange of specialists/meetings of heads of departments/short consultations: 7-10, no date.

[44] BStU MfS, OTS, 1775. Information on the Cooperation of the MfS OTS of the GDR with the Main Department Technology I of the Ministry of Interior of the SR of Vietnam: 14, no date; BStU MfS Abt. X, 652. Hentschke, Head OTS, Training of Vietnamese comrades, Dec. 11, 1967: 303; BStU MfS Abt. X, 562. OTS Der Leiter, Schmidt, Berlin, 7. 11.1969: 333-334. Comment on the training program of the Vietnamese comrade Ai, Letter from 20 Oct. 1969; BStU MfS, OTS, 1775. Training of Vietnamese Comrades by the MfS in the GDR, Dec. 10, 1971: 2.

[45] Nghiêm Sĩ Tạo, người tham gia một trong những khóa học đầu tiên Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức tổ chức năm 1967/68 sau này trở thành Phó Giáo sư và Phó Giám đốc trường H18; Phạm Tất Lanh and Nguyễn Kim Quý, những người tham gia khóa đào tạo làm giả tài liệu năm 1974 sau này trở thành Chánh văn phòng Cục Hồ sơ An ninh and Phó chánh văn phòng Tư liệu nghiệp vụ. Xem “Nhớ mãi những kỷ niệm về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn” (“Unforgettable Memories of Minister Tran Quoc Hoan”), Công An Nhân Dân (People’s Public Security Newspaper), January 21, 2014, <http://www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2014/1/221014.cand>(accessed 21 January 2014); and BStU MfS Abt. X, 652, Hentschke, Head OTS, Training of Vietnamese comrades, 303, Dec. 11, 1967, 303-304; MfS, OTS, 1775. Exchange of specialists/meetings of heads of departments/short consultations, 7-10, no date.

[46] BStU MfS Abt. X, 652, Tran Quoc Hoan, Hà Nội, to Erich Mielke, Nov. 1, 1965: 28.

[47] Bộ Công An, Lịch sử xây dựng lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam, Tập II (1954–1975), 149.

[48] BStU MfS Abt. X, 652. Ministry of Interior. Account of the Visit of a Delegation of the Ministry of Interior in the Democratic Republic of Vietnam from 12 Jan. 1967 to 15 Febr. 1967. Rychlik: 497.

[49] Bộ Công An, Lịch sử xây dựng lực lượng công an nhân dân Việt Nam, Tập II (1954–1975), 149-150; BStU MfS Abt. X 348. Mielke an Ministerrat der DDR, Stellv. Vors. Dr. Weiss, 11.10.1973: 270. For further details see the files in the Federal Archives BArch DO 1/11602, Bd. 12, DO 1/11493, and DO 1/40386, Bd. 3.

[50] MfS, OTS, 1775. Exchange of specialists/meetings of heads of departments/short consultations, 7-10, no date.

[51] “Nhớ mãi những kỷ niệm về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.” Xem BStU MfS Abt. X 348, Support of the Security Organs of the Democratic Republic of Vietnam, Dec. 6, 1971. 261-267.

[52] Phạm Văn Quyền et al., eds., Bộ Công An. 60 năm Công An Nhân Dân Việt Nam, 758.