Nguồn: Peter Singer, “The Ransom Dilemma,” Project Syndicate, Dec. 14, 2014.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hoàng Giang
Bài liên quan: Làm sao để răn đe được chủ nghĩa khủng bố?
Bất kỳ ai không có cùng hệ tư tưởng với cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq và Syria có thể đều đồng ý rằng việc nhóm này chặt đầu một số người mà họ giữ làm con tin là sai trái. Thế nhưng điều gây nhiều tranh cãi hơn hẳn là quyết định bí mật trả tiền chuộc cho những nhóm như vậy của chính phủ các nước châu Âu để đổi lại tự do cho công dân của mình.
Cho dù các con tin của Nhà nước Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cho tới nay mới chỉ có công dân của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh bị chặt đầu.
Con tin châu Âu duy nhất được cho là đã bị Nhà nước Hồi giáo hành quyết trực tiếp có thể là một người Nga, Sergey Gorbunov, nhưng có rất ít thông tin về người này. Không có ai đứng ra nhận là bạn bè hay người thân của anh ta, và cũng không có đoạn phim nào ghi hình cái chết của anh ta. Các quan chức Nga đã công khai nghi ngờ việc liệu anh ta có phải công dân Nga hay không.
Mặt khác, Nhà nước Hồi giáo đã trả tự do cho 15 con tin, bao gồm công dân của Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch, và Tây Ban Nha.
Trên tờ New York Times, Rukmini Callimachi đã giải thích sự khác biệt trong cách giải quyết vấn đề. Chính phủ Mỹ và Anh từ lâu đã kiên định với chính sách từ chối trả tiền chuộc cho các tổ chức khủng bố. Hơn nữa, khi em trai của James Foley, một trong những con tin, là Michael Foley nhận được yêu cầu đòi tiền chuộc, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo anh ta rằng theo luật Hoa Kỳ, trả tiền cho khủng bố là phạm tội. James Foley đã bị hành quyết sau đó.
Ngược lại, trong hơn một thập kỷ qua, nhiều chính phủ các nước châu Âu sẵn sàng trả hàng triệu euro cho những kẻ khủng bố để công dân bị bắt giữ của họ được thả, hoặc tạo điều kiện cho người thân và bạn bè con tin thanh toán tiền chuộc. Điều này là bất chấp nghị quyết được nhất trí thông qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc phản đối chi trả những khoản tiền chuộc như vậy, và một tuyên bố tương tự tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8 năm ngoái mà nhiều chính phủ dù đã ký nhưng vẫn tiếp tục chi trả.
Theo Callimachi, Pháp là nước chi trả nhiều tiền chuộc hơn hẳn các nước khác, tổng cộng là 58 triệu USD tính từ năm 2008, trong đó có một lần chi trả 40 triệu USD để đổi lại 4 công dân Pháp bị giam giữ tại Mali năm 2013. Nhưng chính sách của Pháp có thể đang thay đổi. Sau khi Pháp tham gia không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo hồi tháng 9 năm 2014, một nhóm thánh chiến người Algeria đã bắt cóc nhà báo người Pháp Hervé Gourdel và đe dọa sẽ hành quyết anh ta trừ khi Pháp ngừng tham gia tác chiến. Lần này Pháp đã tỏ ra cương quyết, và Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã tuyên bố rằng rút lui dù chỉ một phân cũng là trao chiến thắng cho phiến quân. Gourdel đã bị chặt đầu.
Áp lực bắt buộc chính phủ phải trả tiền chuộc hoặc ít nhất là tạo điều kiện cho những gia đình đang cố gắng cứu sống người thân của họ chi trả tiền chuộc là điều dễ hiểu. Đó là thực tiễn của một nguyên tắc gọi là “Nguyên tắc Giải cứu” (Rule of Rescue): người ta nhận thức cần phải thực hiện nghĩa vụ là dành hầu như bất kỳ số tiền nào cần thiết để cứu một nạn nhân có thể nhận diện được, chẳng hạn như một thợ mỏ bị mắc kẹt, một người leo núi bị thương, hoặc một đứa trẻ bị sinh non. Nhưng chúng ta lại không sẵn lòng hơn hẳn nếu phải đầu tư vào việc cứu giúp khi nạn nhân không thể được xác định từ trước, ngay cả khi số người được cứu sống có thể cao hơn, chẳng hạn như bằng cách cải thiện chất lượng an toàn đường bộ hoặc giáo dục các biện pháp y tế phòng ngừa.
Nguyên tắc Giải cứu nên được hiểu như là một quy luật về tâm lý con người, không phải về đạo đức. Việc áp dụng nguyên tắc này có thể có vẻ chính đáng nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của người bị bắt, hoặc tưởng tượng rằng con cái, cha mẹ, hay vợ chồng chúng ta bị những kẻ khủng bố bắt cóc và chúng đưa ra một đề nghị đáng tin rằng người thân của chúng ta sẽ được thả nếu chúng nhận được tiền chuộc.
Nhưng lập luận này lợi dụng việc chúng ta không thể đặt mình vào địa vị của bất kỳ ai trong số rất nhiều người đã bị Nhà nước Hồi giáo và những tổ chức khủng bố khác giết hại. Họ trở thành nạn nhân chỉ vì khoản tiền chuộc ước tính trị giá 125 triệu USD cho những nhóm khủng bố trong 6 năm qua đã cho phép chúng vũ trang cho thêm nhiều phiến quân để tiến hành các cuộc tấn công chết người. Chúng ta phải nên sử dụng nguồn lực của mình để cứu sống nhiều người nhất có thể; và nhìn chung thì việc trả tiền chuộc có khả năng làm mất thêm nhiều sinh mạng.
Hơn nữa, sức mạnh quân sự mà những kẻ khủng bố có thêm được từ nguồn thu tiền chuộc không phải là hậu quả duy nhất mà việc chi trả tiền chuộc có thể gây ra. Chuộc lấy một con tin phương Tây sẽ khiến phiến quân có động cơ để bắt thêm một con tin phương Tây khác. Graeme Wood, một nhà báo đã trải qua bốn năm làm việc tại Trung Đông, ghi nhận rằng những nhà báo tại các khu vực nguy hiểm luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc hoặc bị giết vì lý do tư tưởng; nhưng sẽ còn tệ hơn nữa nếu một nhà báo phương Tây còn có thể đáng giá hàng triệu đô la, một khoản tiền mà ông gọi là “động lực phổ quát.”
Đại tướng John Allen, một cựu chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan và hiện là đặc phái viên của Tổng thống Barack Obama tại liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo, cho rằng chúng ta không thể biết có bao nhiêu người Mỹ đã không bị bắt cóc bởi chúng biết chúng sẽ không nhận được khoản tiền chuộc nào cho họ. Ông chỉ ra rằng “cần phải quan tâm đến thực tế là có nhiều người Mỹ trong khu vực chưa bao giờ bị bắt bởi [Nhà nước Hồi giáo và các đồng minh của chúng] biết rằng làm như vậy chẳng có lợi ích gì.”
Những chính phủ chịu trả tiền chuộc đang cứu sống một vài công dân của họ, nhưng lại đặt những công dân còn lại và những người khác vào vòng nguy hiểm lớn hơn. Từ chối trả tiền chuộc cho khủng bố có thể là nhẫn tâm, nhưng thực sự thì đó là chính sách đạo đức duy nhất. Mọi chính phủ nên tuân thủ điều này.
Peter Singer là Giáo sư Đạo đức sinh học (Bioethics) tại Đại học Princeton và Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne. Các cuốn sách của ông bao gồm Animal Liberation, Practical Ethics, One World, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death và gần đây nhất là The Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh là “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất” thứ ba trên thế giới.