Ai ám sát Boris Nemtsov?

nemtsov-murder-cctv-russia.si

Ngun: Nina L. Khrushcheva, “Kremlin Murder Incorporated,” Project Syndicate, 2/3/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong vở Murder in the Cathedral (Án mạng trong nhà thờ), T. S. Eliot mô tả vụ ám sát Tổng Giám mục Anh Thomas Becket là một động thái được âm thầm ra lệnh. Quốc vương Henry II của Anh không cần phải trực tiếp ra lệnh; những hiệp sĩ của ông ta biết phải làm gì với những ai bị cho là phá hoại đất nước.

Eliot có thể đã lấy bối cảnh của vở kịch là nước Anh thế kỷ 12, nhưng ông viết nó vào năm 1935, chỉ 2 năm sau khi Hitler lên nắm quyền ở Đức. Thế nên vở kịch chí ít phần nào là lời cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu. Đáng buồn là vở kịch vẫn còn nguyên tính thời sự. Ngày nay, vở kịch của Eliot có thể được hiểu như lời cảnh báo về đường lối của nước Nga, nơi nền chính trị dưới quyền Tổng thống Vladimir Putin ngày một trở nên đẫm máu như thời Trung cổ.

Những người chỉ trích Putin lần lượt bị thủ tiêu. Năm 2006, nhà báo Anna Politkovskaya bị bắn hạ trong thang máy, và Alexander Litvinenko, cựu nhân viên KGB từng chỉ trích Putin, chết do bị đầu độc phóng xạ polonium khi tị nạn ở London. Năm 2009, Sergei Magnitsky, luật sư vận động chống tham nhũng, chết trong tù sau khi bị từ chối chăm sóc y tế trong điều kiện đe dọa tới tính mạng. Cùng năm đó, luật sư nhân quyền Stanislav Markelov cũng bị bắn hạ sau một cuộc họp báo.

Vụ ám sát Boris Nemtsov, chính trị gia đối lập hàng đầu và là phó Thủ tướng dưới thời Boris Yeltsin, hồi tuần trước không có gì là bất ngờ. Nhưng nó là một cú sốc và là lời cảnh tỉnh cho những ai đến nay vẫn còn chấp nhận một nền văn hóa vô pháp và vô phạt chưa từng thấy kể từ những ngày đen tối nhất của nền chính trị độc tài của Stalin ở Liên Xô.

Trước khi chết, Nemtsov được cho là đang viết một bản báo cáo có tên “Putin và Chiến tranh,” cung cấp bằng chứng về sự tham gia của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina. Ông đã lên kế hoạch dẫn đầu cuộc biểu tình chống chiến tranh diễn ra hai ngày sau khi ông bị ám sát. Có người nghi ngờ rằng Putin lo lắng về những gì Nemtsov phát hiện ra nên đã ra lệnh ám sát ông.

Điều đó ít có khả năng xảy ra, ít nhất là đối với trường hợp Putin ra lệnh trực tiếp. Nói đơn giản, dàn dựng vụ ám sát Nemtsov là không đáng. Xét cho cùng, bộ máy tuyên truyền của Điện Kremlin sẽ không gặp nhiều rắc rối khi cần bóp méo báo cáo của Nemtsov theo hướng có lợi cho Putin.

Quả thật, ngay cả vụ ám sát trắng trợn Nemtsov cũng ít có khả năng gây tổn hại đến nền chính trị của Putin. Mức độ dân số ủng hộ Putin hiện ở mức 86%. Với nhiều người Nga, quan điểm đối lập của Nemtsov với cuộc chiến Ukraina khiến ông trở thành kẻ phản quốc, và cái chết của ông được biện minh – gần như là đòi hỏi – bởi yêu cầu của đất nước.

Putin đã tuyên bố ông sẽ đích thân giám sát cuộc điều tra vụ ám sát. Nhưng những người đứng đầu cuộc điều tra đã nêu rõ kết luận khả dĩ từ trước: vụ ám sát Nemtsov là một nỗ lực nhằm gây bất ổn cho Nga. Chúng ta gần như có thể chắc rằng thủ phạm sẽ bị “tìm ra,” và tội ác của hắn ta sẽ là một phần trong âm mưu của CIA hay chính quyền Ukraina.

Điện Kremlin chẳng lạ gì với việc bóp méo sự thật theo hướng có lợi cho nó. Trước khi Nga sáp nhập Crimea, từng có lập luận cho rằng Mỹ đã thuê lính bắn tỉa để ám sát những người biểu tình thân phương Tây ở Kiev nhằm đổ lỗi cho Nga vì cái chết của bọn họ. Khi máy bay dân sự của Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời Ukraina – nhiều khả năng là do phiến quân thân Nga – câu chuyện chính thức của Điện Kremlin là mật vụ phương Tây đã bắn hạ nó để phá hoại danh tiếng của Putin. Những cáo buộc như vậy làm dấy lên chủ nghĩa dân tộc, lòng thù hận, và kích động chống phương Tây, khiến người Nga quên đi trách nhiệm của Putin trong cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước họ.

Tuy nhiên, cũng như mối đe dọa từ nước Nga của Putin, chuyện này không có gì là mới. Năm 1934, Joseph Stalin cũng đã ra lệnh điều tra kỹ lưỡng vụ ám sát Sergei Kirov, lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Leningrad. NKVD,[1] tiền thân của KGB, đã dàn xếp vụ ám sát theo lệnh Stalin, nhưng cuộc điều tra đã cho kẻ độc tài Xô Viết này một cái cớ để loại bỏ những đối thủ khác. Cuộc tìm kiếm kẻ ám sát Kirov cuối cùng lên đến đỉnh điểm trong cuộc Đại Thanh trừng, nhắm đến rất nhiều lãnh đạo Đảng, chỉ huy quân sự, và các trí thức.

Putin có thể không ra lệnh ám sát Nemtsov hay bất cứ ai khác. Nhưng như Stalin, ông ta đã dung dưỡng một bầu không khí sợ hãi và vô pháp, khiến những người núp sau Điện Kremlin cảm thấy có nghĩa vụ phải thủ tiêu các đối thủ của nhà lãnh đạo bằng mọi cách có thể, và bằng cách đoán trước ý muốn của ông ta.

Bầu không khí ngột ngạt mà trong đó những hành động vô pháp trở nên anh hùng là dấu hiệu đặc trưng của chính quyền Stalin. Nó đã trở lại dưới thời Putin. Trong những ngày đen tối nhất của Liên Xô, lãnh đạo NKVD là nhân vật quan trọng thứ hai của đất nước. Ngày nay, Andrei Lugovoi, đặc vụ KGB mà chính phủ Anh ngờ rằng đã cung cấp polonium để ám sát Litvinenko, đang ngồi trong Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga.

Chuyện gì sẽ đến tiếp theo? Liệu Putin, như Stalin, có mở ra cuộc đại thanh trừng của riêng mình và theo đuổi việc triệt hạ các đối thủ? Hay cái chết của Nemtsov cuối cùng cũng khiến những người Nga tự mãn và dễ bảo đứng lên hành động?

Thật dễ yêu mến Putin trong thập niên đầu của thế kỷ này. Ông đã khiến người Nga trở nên giàu có, mang tính toàn cầu hóa, và được nể trọng. Ngày nay, với những hậu quả của các biện pháp trừng phạt đến từ phương Tây và giá dầu rẻ mạt, ông ta đã khiến họ nghèo khó và gần như bị khinh thường trên khắp thế giới. Hôm mùng 1 tháng 3, cái ngày mà Nemtsov dự định sẽ dẫn đầu đoàn biểu tình, hàng ngàn người Nga đã tràn xuống đường với những khẩu hiệu như “Nemtsov là tình yêu, Putin là chiến tranh.”

Liệu có phải văn hóa vô phạt đã đạt đến điểm uốn? Chế độ của Putin dựa trên lời hứa về sự thịnh vượng kinh tế, mà nếu không có điều đó nó sẽ bắt đầu sụp đổ – nếu không phải kết quả của cuộc biểu tình quần chúng thì là bởi những người trong cuộc sẽ không còn lợi ích gì trong sự sống còn chính trị của nó. Đến lúc đó, khi Putin đang dễ bị tổn thương nhất, các đồng minh của ông ta sẽ phải hành động cẩn trọng, và tiếp tục cảnh giác.

Nina L. Khrushcheva là giáo sư giảng dạy Chương trình sau đại học về Quan hệ quốc tế tại New School ở New York, và là thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới, nơi bà phụ trách Dự án nghiên cứu về Nga. Trước đó, bà đã giảng dạy tại Đại học Columbia, và là tác giả cuốn Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics và The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind.

———————–

[1] Narodnyy Komissariat Vnutrennikh Del, tức Ủy ban Nội vụ Nhân dân, một cơ quan cảnh sát mật của Liên Xô thành lập năm 1934 và giải thể năm 1946 (theo Wikipedia) – NBT.