Nguồn: Bill Emmott, “What Comes after Lee Kuan Yew?”, Project Syndicate, 25/03/2015.
Biên dịch: Trương Thị Thanh Hiền | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tất cả các nhà lãnh đạo chính trị đều lo lắng về các di sản của họ. Lý Quang Diệu – người đã nắm quyền lãnh đạo Singapore trực tiếp hoặc gián tiếp hơn nửa thế kỷ và vẫn duy trì được ảnh hưởng cho đến khi qua đời ở tuổi 91 – có nhiều thời gian cầm quyền hơn hầu hết các nhà lãnh đạo khác để làm việc đó. Nhiều cuốn hồi ký đã chứng thực mối bận tâm của Lý Quang Diệu về di sản của mình, mặc dù thành công phi thường của Singapore dưới sự lãnh đạo của ông là minh chứng cho di sản đó. Thích ông hay không – và có nhiều người đã không thích ông – thì không ai có thể phủ nhận sự thịnh vượng và ổn định lâu dài và nổi bật của quốc gia-thành phố này.
Tuy nhiên, nỗ lực đưa vào những cuốn hồi ký của người đàn ông đã tự gọi mình là “Bộ trưởng Cố vấn” trong những năm gần đây cung cấp một đầu mối về mối quan tâm chủ yếu của Lý Quang Diệu. Di sản của ông về sự thành công trong quá khứ của Singapore có thể rõ ràng, nhưng còn tương lai thì sao?
Tất nhiên, đó là một trong số ít những điều mà ông ấy không thể kiểm soát, ngoại trừ việc để lại những bài học cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên ở một khía cạnh quan trọng – quyết định ai sẽ là thế hệ lãnh đạo mới của Singapore – sự kiểm soát chặt chẽ mà Lý Quang Diệu đã thực hiện trong quá khứ bây giờ có thể làm cho tương lai đó phức tạp hơn. Vấn đề này chắc chắn có khả năng giải quyết được, đặc biệt là với một hệ thống giáo dục tuyệt vời và đủ các loại thể chế chất lượng cao. Nhưng những hành động của chính Lý Quang Diệu cho thấy rằng ông đã có sự hoài nghi về điều đó.
Quá trình kế vị Lý Quang Diệu rất rõ ràng: sau khi chuyển giao chức vị Thủ tướng vào năm 1990 (đáng ngạc nhiên là ở độ tuổi còn rất trẻ, 66 tuổi) cho một người được tin cậy, Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong), ông đã chuẩn bị chu đáo cho người con cả của mình, Chuẩn tướng Lý Hiển Long, cho vị trí đó. Sau khi giữ chức Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Tài chính, và Phó Thủ Thướng của Singapore, ông Lý Hiển Long đã nắm giữ vị trí cao nhất năm 2004. Điều vẫn chưa được giải quyết là tiếp theo quyền lực sẽ đi về đâu, và như thế nào.
Có lẽ câu trả lời đơn giản sẽ là Đảng Hành động Nhân dân đang cầm quyền sẽ chọn một người kế nhiệm theo cách thông thường. Chắc chắn, số lượng đội ngũ quan chức và bộ trưởng tài năng và kinh nghiệm của Singapore là rất nhiều. Tuy nhiên, đây là một câu hỏi mở, bởi vì sự nhạy cảm hơi nghịch lý của Lý Quang Diệu đối với sự nổi bật của các thành viên gia đình ông trong các vị trí cấp cao nhất của đất nước.
Ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần xung đột với truyền thông quốc tế khi họ đưa tin về Singapore, đặc biệt là từ giữa những năm 1980 trở đi, khi mà sự thành công của đất nước đã trở nên rất rõ ràng. Là một luật sư được đào tạo tại Cambridge, ông đặc biệt quan tâm đến việc dùng luật pháp để đe dọa những người chỉ trích từ giới truyền thông (và chính trị) của mình, những người biết rõ rằng ông ấy không thể bị đánh bại trong các phiên tòa của chính đất nước Singapore.
Trong thời gian tôi giữ cương vị Tổng Biên tập của tạp chí The Economist (1993-2006), tôi đã nhận được sự đe dọa như vậy trong nhiều trường hợp. Điều cuối cùng đã trở nên sáng tỏ là dù trong hoàn cảnh nào Lý Quang Diệu cũng không ủng hộ một từ hoặc khái niệm đặc biệt: chủ nghĩa gia đình trị.
Xét cho cùng, ông ấy đã thiết lập nên đất nước Singapore như một xã hội trọng dụng nhân tài mạnh mẽ, nơi mà sự cạnh tranh theo những quy định rõ ràng và được chấp nhận, đang thống trị. Vì vậy, khi con trai của ông trở thành Thủ tướng, và con dâu ông, bà Hà Tinh (Ho Ching), nắm quyền lãnh đạo tại Temasek, một trong những công ty đầu tư lớn của nhà nước, bất kỳ lời nói bóng gió nào cho rằng họ đạt được như vậy không phải nhờ năng lực thật sự của họ là điều không thể chấp nhận được.
Lý Quang Diệu đã thành lập một ủy ban cao cấp để chứng minh rằng chủ nghĩa gia đình trị không phải là lí do, và sau đó bắt đầu khởi kiện bất kỳ ai dám nêu ra điều ngược lại. Song, sự ghét bỏ chủ nghĩa gia đình trị là không logic – và Lý Quang Diệu nhìn chung là người rất logic, thậm chí là logic một cách tàn nhẫn – bởi vì trong trường hợp này sự biện minh hoàn hảo cho chủ nghĩa gia đình trị đến từ chính sự phân tích của ông về Singapore.
Là một xã hội đa sắc tộc nhỏ bé bị trục xuất khỏi Malaysia năm 1965, Singapore được sinh ra trong bầu không khí của sự dễ bị tổn thương, thiếu tính chính danh và sự tin tưởng, cũng như xung đột sắc tộc. Cho đến những năm 1980 và 1990, Lý Quang Diệu thường biện minh cho sự tiếp tục các chính sách độc đoán bằng cách viện dẫn đến những cuộc bạo loạn xã hội đó, và khả năng luôn hiện diện sự mất niềm tin xã hội và trở lại tình trạng xung đột.
Vì vậy, với việc trao quyền cho con trai cả của mình, người ta có thể cho rằng ông đã xử lý rủi ro đó theo cách thức hợp lý nhất có thể. Nếu bạn tin tưởng người sáng lập ra Singapore và nghĩ rằng ông ấy có tính chính danh, thì ai sẽ đáng tin tưởng hơn chính con trai của người sáng lập? Thật vậy, người cha vẫn còn ở phía sau chính trường, đầu tiên là với vai trò “Bộ trưởng Cấp cao” và sau đó là trong vai trò cố vấn, và đã làm cho con trai của mình chứng minh được năng lực một cách công khai trong hàng loạt những vị trí nổi bật.
Điều đó đã có tác dụng, và theo sự đánh giá chung, Lý Hiển Long đã làm tốt vai trò Thủ tướng, bất chấp người ta giải thích thế nào về sự vươn lên vị trí Thủ tướng của ông ấy. Không có rủi ro cận kề nào đối với sự ổn định chính trị của Singapore, và ông Lý Hiển Long chỉ mới 63 tuổi; ông có thể tiếp tục cương vị này trong một thời gian dài nữa.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vẫn còn đó: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Lý Quang Diệu đã giải quyết câu hỏi về vấn đề kế vị bằng cách trì hoãn nó. Con trai ông sẽ cần phải đưa ra câu trả lời.
Bill Emmott, nguyên Tổng Biên tập tạp chí The Economist, là tác giả của cuốn Good Italy, Bad Italy, và The Rivals: How the Power Struggle Between China, India, and Japan Will Shape Our Next Decade.