Tác động của thông tin lên chính sách tiền tệ

Print Friendly, PDF & Email

nyse026_16x9

Nguồn: Will Hickney, “Currency Wars Fool Few in the Age of Social Media”, YaleGlobal, 03/03/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Bảo Trân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

“Chiến tranh tiền tệ” đang quay trở lại tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Về lý thuyết, bằng cách hạ giá đồng tiền một cách đáng kể, một quốc gia có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, làm cho các sản phẩm và dịch vụ của mình hấp dẫn khi xuất khẩu, từ đó kích thích tăng trưởng và tạo thêm việc làm. Công cụ đang được sử dụng rộng rãi là QE, hay còn gọi là nới lỏng định lượng, thực chất là in thêm tiền. Giải pháp này được Nhật Bản thử nghiệm vào năm 2001 và được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sử dụng rộng rãi vào năm 2008, chủ yếu nhằm nỗ lực giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao của thị trường lao động Mỹ.

Vào năm 2014, Tạp chí Economist chỉ ra rằng vẫn còn những hoài nghi về chương trình nới lỏng định lượng. Một số người lo ngại “cơn lũ tiền mặt đã khuyến khích những hành vi tài chính thiếu thận trọng và hướng dòng tiền ồ ạt chảy sang các nền kinh tế mới nổi vốn không thể quản lý nổi khối lượng tiền mặt này” và sự phục hồi sẽ chỉ mang tính chất tạm thời cho đến khi “các ngân hàng trung ương bán ra các tài sản mà họ đã tích lũy.”

Trong khi đó, đồng Đô la Mỹ tăng giá nhanh đã gây khó khăn cho các nền kinh tế mới nổi trong việc trả nợ bằng Đô la Mỹ.

Trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh, tại các nước sản xuất dầu lớn như Nga, Nigeria và Venezuela, các thị trường này có thể gây áp lực phá giá hoặc giảm giá đồng tiền do dòng vốn đang di tản ra khỏi những nước này. Đầu tư nước ngoài chuyển sang nước khác, và đồng nội tệ mất đảm bảo do các ngân hàng trung ương phải bán ra lượng dự trữ các ngoại tệ mạnh.

Một cách khái quát, đồng tiền rẻ có nghĩa là lao động giá rẻ hơn, dẫn đến xuất khẩu giá rẻ và chi phí rẻ đối với hoạt động kinh doanh nội địa có nguyên liệu đầu vào nội địa. Có thể thấy rõ vấn đề này ở Indonesia, Malaysia và Ấn Độ khi đồng nội tệ sụt giá gần đây. Điều này sẽ ổn nếu trong năm 2015 các nước vận hành kinh tế độc lập, nhưng thực tế không phải vậy. Các nền kinh tế đều liên kết chặt chẽ với nhau.

Đồng tiền yếu, vì bất kỳ lý do gì, chứa đựng trong nó những cái giá phải trả mà công dân của một nước phải gánh chịu, đặc biệt là nếu họ lệ thuộc vào thực phẩm, thuốc tây, năng lượng và công nghệ nhập khẩu. Do hầu hết các sản phẩm này được tính giá bằng Đô la Mỹ, gọi nôm na là đồng tiền “tham khảo” của thế giới, người tiêu dùng có thể phải chịu đựng sự tăng giá sốc, đôi khi với tần suất mỗi ngày như tại Venezuela, Argentina hay Ukraine.

Nhờ có truyền thông xã hội và internet, những ý định của các ngân hàng trung ương ngay lập tức được phát ra thị trường. Chỉ cách đây 15 năm, các ngân hàng trung ương sẽ công bố việc phá giá đồng tiền vào cuối ngày thứ Sáu sau khi các thị trường đã đóng cửa và người dân khi thức dậy vào sáng thứ Hai mới phát hiện tài khoản của mình bị sụt giảm giá trị. Trong tình hình đồng Rúp mất giá đang diễn ra tại Nga và sự giảm giá đồng euro có thể diễn ra với khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Liên minh Châu Âu và quay trở lại dùng đồng drachma, người dân đổ xô nhau rút tiền khỏi tài khoản ngân hàng, chuyển những gì họ có sang Đô la Mỹ hoặc những đồng tiền khác ổn định hơn như đồng franc Thụy Sỹ. Không ai muốn giữ đồng tiền bị phá giá, những người gửi tiền tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn cho tài sản của mình.

Sự hiểu biết có được nhờ internet và các phương tiện truyền thông đang tác động lớn đến điều này, dẫn đến các hệ lụy kinh tế vĩ mô lớn hơn trong một thế giới liên kết chặt chẽ. Nếu người dân có thể thu gom tiền của mình và gửi chúng ra nước ngoài trước khi đồng tiền bị phá giá thì những hành động này có thể làm suy yếu các chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, khi nhiều người có tiền gửi rút tiền ra khỏi Nga, chuyển đồng Rúp thành Đô la Mỹ hoặc Euro thì giá trị đồng tiền của Nga đã  lao dốc, tỷ giá từ 35:1 tăng lên thành 61:1. Nga đã cố gắng ngăn việc rút tiền, tăng lãi suất cho vay liên ngân hàng và tránh kiểm soát tiền tệ, dù vậy vẫn không thể thuyết phục được người Nga.

Có lẽ ví dụ tiêu biểu nhất về việc phá giá đồng tiền bị truyền thông xã hội khuynh đảo là trường hợp Venezuela và Argentina. Venezuela cùng lúc có nhiều chế độ tỷ giá: tỷ giá chính thức CENCOEX (6:1), SICAD (12:1), tỷ giá đấu giá hàng tuần SICAD II (52:1), một tỷ giá dành cho nhà đầu tư nước ngoài và một tỷ giá thị trường chợ đen (200:1). Gần đây, tỷ giá SICAD II được cho phép thả nổi tự do, thực chất là chính phủ phá giá đồng tiền nhưng chỉ áp dụng cho một lượng ít ỏi tiền Đô la Mỹ. Tỷ giá lập tức nhảy lên 172:1, và gần đây lập đỉnh 200:1. Chiêu trò này không lừa được ai. Dòng người xếp hàng dài đã hình thành; người dân không thể mua được các nhu yếu phẩm, hàng hóa nhập khẩu quá đắt đỏ. Các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Venezuela phải chịu lỗ nặng từ doanh thu bán vé và phải đình chỉ các chuyến bay. Thử nghiệm học thuyết kinh tế Marx kiểu Chavez khi dựa vào giá một loại hàng hóa là dầu lửa đã thất bại hoàn toàn. “Di sản” để lại là bất ổn kinh tế, bạo loạn đường phố và thiếu hụt thực phẩm.

Argentina có số phận tương tự với đồng peso bị phá giá, và việc vỡ nợ vào tháng Bảy làm sự việc trở nên trầm trọng hơn. Tỷ giá của Argentina vào đầu năm 2010 là 4:1 và từ đó sụt giảm phân nửa giá trị khi tỷ giá chính thức tăng lên mức 8:1. Do Argentina lệ thuộc nhiều vào Đô la Mỹ trong các giao dịch thương mại nên một thị trường đô la chợ đen được gọi là “đô la xanh dương” đã nổi lên, hiện giao dịch tại tỷ giá 14:1.

Trong trường hợp Nga, Venezuela và Argentina, đồng tiền rẻ đã đem đến nhiều khổ sở. Các ngân hàng trung ương đã không kiểm soát được các tổn thất xảy ra khi những vấn đề rắc rối này được nêu tường tận trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, các diễn đàn kinh tế và các trang du lịch. Các trang truyền thông xã hội đưa ra tất cả các loại giải pháp và cách né tránh cho những ai đang tìm cách rút tiền, mua Đô la Mỹ giá rẻ, tránh sự kiểm soát của chính phủ và cả việc làm tiền giả.

Ngược lại, các thông tin kinh tế cũng tạo ra một nhu cầu khác đối với việc tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Từ trước đến nay đồng Đô la Mỹ là đồng tiền được lựa chọn nhưng những năm qua việc đồng tiền này có mức lãi suất gần như bằng 0 và thâm hụt ngân sách 18 nghìn tỷ Đô la Mỹ (của Hoa Kỳ) đang là những phép thử cho tình trạng này.

Người ta tìm kiếm đồng tiền được hỗ trợ bởi những nền kinh tế có bảng cân đối kế toán mạnh, xuất khẩu lớn, dân số nhỏ, và hơn hết là có ổn định xã hội. Đồng Đô la Hong Kong, đồng curon Đan Mạch và đồng franc Thụy Sỹ nổi trội hơn hết.

Điều này không thoát khỏi sự để ý của các ngân hàng trung ương. Mua vào các đồng tiền mạnh góp phần làm chúng tăng giá thêm và tăng khả năng hàng hóa và dịch vụ của nước đó trở nên ngày càng đắt đỏ và không cạnh tranh. Giải pháp cho vần đề này là cố định tỷ giá, nghĩa là neo giá trị đồng tiền đó vào một đồng tiền khác, thường là đồng tiền của đối tác thương mại lớn hơn. Hong Kong neo đồng tiền của mình vào đồng Đô la Mỹ với tỷ giá 7,8:1; đồng curon Đan Mạch neo vào đồng euro với tỷ giá 7,45:1, và cho đến tháng rồi, đồng franc Thụy Sỹ có mức trần (cố định) so với đồng euro là 1,20:1.

Thụy Sỹ đột ngột bỏ neo tỷ giá vào giữa tháng 1. Trong chốc lát, giá trị franc Thụy Sỹ tăng 13,5% so với đồng Euro, đẩy thị trường đi vào hỗn loạn và xua tan dự đoán của nhiều nhà đầu tư về việc đồng franc Thụy Sỹ sẽ yếu đi do tuyên bố nới lỏng định lượng của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi. Việc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ SNB bỏ neo tỷ giá chỉ để mua vào đồng Euro mất giá đã không còn ý nghĩa kinh tế và đã phải có những động thái thay đổi âm thầm do e ngại tính tức thời của truyền thông. Ngân hàng này không có nhiều lựa chọn. Âm thầm phát trước tín hiệu về những ý định của mình có thể làm lợi hơn cho một vài nhà đầu tư có vị thế tốt so với những người khác, tạo ra sự thiên vị thị trường nhưng có cùng một kết quả.

Tiến thêm một bước, ngân hàng trung ương Thụy Sỹ và Đan Mạch giờ đây áp dụng lãi suất âm để ngăn chặn làn sóng người tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho túi tiền của mình. Tiền gửi thương mại tại các ngân hàng của các nước này sẽ bị tính mức phí lãi suất hàng năm là 0,5% ở Đan Mạch và 0,75% ở Thụy Sỹ. Những nước này rất cứng rắn – họ không còn muốn làn sóng tiền đến từ nước ngoài làm tăng tỷ giá của nền kinh tế nhỏ bé của họ.

Tin tức về sự mạnh yếu của của đồng tiền được truyền đi ngay lập tức. Các ngân hàng trung ương không còn có thể gây ngạc nhiên cho các thị trường và những biện pháp hà khắc của họ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và dân thường như nhau. Không quốc gia nào phá giá đồng tiền của nó để đi tìm thịnh vượng, cũng không nước nào có thể ngăn cản dòng tiền nóng không chảy vào nước mình nếu các nhà đầu tư cảm nhận đó là nơi trú ẩn an toàn giữa cơn biển động. Với truyền thông xã hội và các thông tin kinh tế phát đi tức thì, chúng ta không còn thể nào quay lại ngày xưa khi mà sự lan truyền của tin tức và sự hoảng sợ diễn ra chậm chạp. Các ngân hàng trung ương phải tạo ra một cẩm nang tiền tệ khuyến khích sự kiểm soát đứng đắn và niềm tin của công chúng hơn là những mánh khóe.

Will Hickney là phó giáo sư tại Trường Quản trị và Chính sách Công tại Indonesia.