Nguồn: “Kim Philby dies,” History.com (truy cập ngày 10/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 11 tháng 5 năm 1988, Kim Philby, cựu sĩ quan của Cục tình báo mật Anh Quốc (MI6) và là gián điệp hai mang của Liên Xô, qua đời tại Moskva ở tuổi 76. Philby có lẽ là một trong những người nổi tiếng nhất trong nhóm quan chức chính phủ Anh từng làm điệp viên cho Nga từ những năm 1930 đến những năm 1950.
Philby xuất thân từ một giai tầng có địa vị và được kính trọng trong xã hội Anh. Ông theo học Trường Trinity College thuộc Đại học Cambridge hồi đầu những năm 1930, và dần theo đuổi sự nghiệp chính trị cấp tiến. Năm 1934, ông tới Vienna, nơi ông gặp và cưới, rồi nhanh chóng ly dị, với một người phụ nữ trẻ là thành viên của Đảng Cộng sản Áo. Sau này Philby thừa nhận chính phủ Liên Xô đã tuyển dụng ông làm gián điệp cho họ ở Vương quốc Anh trong thời gian này.
Năm 1941, Philby gia nhập thành công vào hàng ngũ của Cục tình báo mật Anh Quốc – Cơ quan MI6 danh tiếng. Ông nhanh chóng thăng tiến trong đội ngũ, nhưng sau một loạt các sự kiện đầy trớ trêu, ông bị cáo buộc phụ trách một đường dây các điệp viên hai mang trong Cục.
Trong chiến tranh, ông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tình báo của cả Mỹ và Liên Xô để chống lại nước Đức của Hitler. Sau chiến tranh, ông tiếp tục thăng tiến trong Cục; nhiều người tin rằng ông đã được chỉ định làm giám đốc tiếp theo của MI6. Nhưng trong khi hoạt động ở Washington năm 1951, ông đã liều mình lộ mặt. Ông biết được rằng Donald Maclean, một đồng nghiệp cũng đang hoạt động cho Liên Xô và cũng đang nằm vùng ở Washington, đang bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra. Philby sắp xếp cho Guy Burgess, một đồng nghiệp khác cũng làm điệp viên hai mang cho Liên Xô, được gửi trở về Anh Quốc từ cơ sở của mình ở Washington để cảnh báo Maclean. Burgess và Maclean đã đào thoát khỏi Anh và sau đó xuất hiện ở Liên Xô. Philby bị nghi ngờ rất nhiều và dù bị xóa các cáo buộc, ông vẫn bị sa thải khỏi MI6 vào năm 1955.
Đến năm 1963, nhiều cuộc điều tra mới có liên quan đến Philby và mối quan hệ của ông với tình báo Liên Xô được mở ra. Lần này, Philby đào thoát và gia nhập cùng Burgess và Maclean ở Liên Xô.
Trong những cuộc phỏng vấn ở Liên Xô và trong cuốn hồi ký có nhan đề “My Silent War: The Soviet Master Spy’s Own Story” (Cuộc chiến thầm lặng của tôi: Câu chuyện của gián điệp cấp cao Xô viết), Philby tuyên bố rằng ông chuyển sang làm gián điệp cho Liên Xô trong những năm 1930 vì ông không tin rằng các nền dân chủ phương Tây đã làm hết sức mình để ngăn chặn Hitler. Nhưng lòng trung thành với Liên Xô và lý tưởng cộng sản của ông cũng không hề suy giảm sau khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Năm 1988, ông qua đời ở Moskva, được cho là vì một cơn đột quỵ.
Sự phản bội của Burgess, Maclean, và Philby là một cú giáng mạnh vào ngành ngoại giao và tình báo Anh, cũng như tinh thần của dân chúng nơi đây. Việc ba người, đều là những sản phẩm sáng giá nhất của xã hội Anh, có thể quay lại chống tổ quốc đã khiến cả đất nước bàng hoàng. Cuộc đào ngũ của Philby được coi là một trong những sự kiện tai tiếng nhất của Chiến tranh Lạnh.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]