25/05/1977: Trung Quốc bỏ lệnh cấm tác phẩm của Shakespeare

140228-prince-zidan-fiche

Nguồn:Chinese government removes ban on Shakespeare,” History.com (truy cập ngày 24/5/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 25 tháng 5 năm 1977, một dấu hiệu mới của sự tự do hóa chính trị đã xuất hiện ở Trung Quốc khi chính quyền cộng sản nước này dỡ bỏ lệnh cấm đã kéo dài 10 năm đối với các tác phẩm của William Shakespeare. Động thái này của Trung Quốc là một bằng chứng nữa cho thấy cuộc Cách mạng Văn hóa đã chấm dứt.

Năm 1966, nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông đã khởi xướng cuộc “Cách mạng Văn hóa,” được thiết kế nhằm mục đích khôi phục lòng nhiệt tình cách mạng cộng sản và sinh lực cho xã hội Trung Quốc. Giang Thanh, phu nhân của Mao Trạch Đông, giữ chức Bộ trưởng Văn hóa không chính thức của Trung Quốc.

Nhưng trên thực tế, cuộc cách mạng này lại là những vụ ám sát các quan chức đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cộng sản và việc bắt bớ và giam giữ hàng ngàn quan chức và công dân khác vì những “tội phạm chống phá nhà nước” được định nghĩa hết sức mơ hồ. Cách mạng Văn hóa cũng đồng nghĩa với việc cấm mọi tác phẩm văn hóa – âm nhạc, văn học, điện ảnh, hay các vở kịch – không đáp ứng được nội dung tư tưởng theo yêu cầu.

Đến năm 1976, Trung Quốc lại mong muốn mở các mối quan hệ mới tốt đẹp hơn với phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, một phần vì muốn tìm kiếm các nguồn thương mại mới, một phần vì Trung Quốc ngày càng lo ngại nguy cơ đối đầu với Liên Xô. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon là một phần trong chiến dịch này.

Tháng 10 năm 1976, Cách mạng Văn hóa được tuyên bố chính thức chấm dứt, và thông báo hồi cuối tháng 5 năm 1977 về việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với các tác phẩm của William Shakespeare là bằng chứng rõ ràng cho điều này. Bước đi này của Trung Quốc không gây tổn hại gì đáng kể (đối với Đảng Cộng sản) nhưng chắc chắn đã giúp gặt hái được nhiều lợi ích quan hệ công chúng với xã hội phương Tây vốn thường nhìn nhận đời sống văn hóa khắt khe và áp đặt của Trung Quốc một cách đầy ngờ vực.

Cùng với thông báo dỡ bỏ lệnh cấm, Trung Quốc cũng tuyên bố rằng một phiên bản tiếng Trung của những tác phẩm của Shakespeare sẽ sớm được xuất bản.

Ảnh: Một cảnh trong phiên bản kich kịch Trung Quốc The Revenge of Prince Zidan của vở kịch Hamlet của Shakespeare, do Công ty Kinh kịch Thượng Hải biểu diễn.