Nguồn: Jerome Cohen, “Glimpses of Lee Kuan Yew”, East Asia Forum, 25/05/2015.
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Hiếm có một nhà lãnh đạo châu Á vĩ đại nào mà sự ra đi lại nhận được nhiều sự trân trọng của phương Tây như ông Lý Quang Diệu. Con số các lời ca ngợi dành cho người đã lãnh đạo Singapore trở thành một quốc gia thành công và có tầm ảnh hưởng là rất lớn.
Bất chấp sự khác biệt rất lớn về quy mô và văn hóa chính trị – pháp luật giữa Singapore và Trung Quốc đại lục, nhiều nhà quan sát đã nhấn mạnh sức thu hút đầy quyễn rũ mà “mô hình Singapore” đã tạo ra đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người đang tìm kiếm một công thức giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế phi thường của Trung Quốc mà không phải hy sinh quyền kiểm soát mang tính chuyên quyền của Đảng Cộng sản.
Các tác giả khác tập trung thể hiện sự thông thái, tính cách tự tin và sự am hiểu nền chính trị thế giới của ông Lý, những điều mà ông đã truyền lại “miễn phí” cho các nhà lãnh đạo của các nước khác nhau trên thế giới vốn đang háo hức xóa bỏ khoảng cách giữa Đông và Tây. Trong khi đó, một số bài bình luận sau sự ra đi của ông Lý lại vượt ra ngoài xu hướng tự nhiên đó, khi đánh giá thấp giá trị những thành tựu của ông Lý, đặc biệt là các chính sách và phong cách làm việc độc đoán của ông.
Bài viết này sẽ góp thêm một số tư liệu vào kho tàng tư liệu của các nhà sử học bằng cách cung cấp những câu chuyện cá nhân giữa tôi với Thủ tướng Lý Quang Diệu mấy chục năm trước.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi Richard Nixon được bầu làm tổng thống Mỹ tháng 11 năm 1968. Ngay lập tức sau đó, theo lời mời của Học viện Chính trị Kennedy mới được thành lập, ông Lý Quang Diệu xuất hiện ở Đại học Harvard không phải để có những phóng sự ảnh như hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới ưa thích, mà để ngụ lại ở đó trong vòng một tháng. Khi đó, tôi đang là một giáo sư trường luật và chủ trì công trình nghiên cứu mật vừa mới hoàn thành về nhu cầu cần có một chính sách mới của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Giám đốc của Học viện Richard Neustadt đã yêu cầu tôi đảm nhận một số trách nhiệm trong việc tiếp đón ông Lý Quang Diệu.
Tôi biết rằng, ông Lý, người từng đạt thành tích học tập nổi trội khi còn là một sinh viên luật ở Cambridge của Anh, tham gia cùng với chúng tôi không phải để có một kỳ nghỉ phép kết hợp nghiên cứu nhằm nạp lại năng lượng vốn đã tràn đầy của ông. Ông nói rõ với chúng tôi rằng, ông tới với chúng tôi là vì công việc và công việc của ông là tìm hiểu các động lực đang định hình một xã hội Hoa Kỳ đầy biến động, để từ đó ông có thể vạch đường phát triển tốt hơn cho Singapore.
Sớm hơn so với hầu hết các chính khách, ông nhận thấy rằng Hoa Kỳ – bị chia rẽ bởi cuộc chiến tranh Việt Nam – đang xem xét việc thay đổi chính sách đối với châu Á, đặc biệt là quan hệ của nước này với Trung Quốc, bất chấp những điều tồi tệ đang diễn ra trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Một năm trước khi đắc cử, Nixon dù chủ trương chống Cộng nhưng đã ám chỉ nhu cầu cần một cách tiếp cận mở hơn với Bắc Kinh nhằm cân bằng tốt hơn cán cân quyền lực với Liên Xô. Ông Lý đã quyết định rằng, bằng cách ngụ lại tại một nơi ở Mỹ, nghiên cứu các phương tiện truyền thông và khai thác các ý tưởng trong cộng đồng chính trị và chính sách ngoại giao của khu vực Boston, ông có thể dự đoán tốt nhất xu hướng mới của Washington.
Ông Lý đã làm việc rất chăm chỉ tại Đại học Harvard. Ông không tìm kiếm các cơ hội thuyết trình mà tận dụng mọi cơ hội để học hỏi. Tôi đã mời ông tới một seminar kết hợp ăn trưa dành cho các sinh viên luật quan tâm tới châu Á và ông đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn, thoải mái về cả các vấn đề của châu Á cũng như chính trị của Hoa Kỳ. Ông đặt nhiều câu hỏi và cũng trả lời nhiều câu hỏi của các sinh viên. Ông không thể hiện một chút kiêu ngạo nào mà trước đó bản thân ông đã bị cáo buộc.
Tôi thích ông ấy. Và vợ tôi, Joan Lebold Cohen – một chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật châu Á – cũng vậy. Tôi đã mời ông tới nhà ăn tối cùng một vài đồng nghiệp của chúng tôi tại Đại học Harvard. Một lần nữa, các cuộc đối thoại rất sống động, giàu thông tin và thân thiện. Có lẽ vì chúng tôi chưa có kinh nghiệm tiếp đãi giới ngoại giao, chúng tôi thấy thật lạ khi nhận các hướng dẫn viết bằng tay từ các nhân viên của ông Lý về việc không nên hút thuốc khi có sự hiện diện của Thủ tướng, rằng nên để điều hòa của căn phòng ở một nhiệt độ cụ thể nào đó và không nên phục vụ một số loại thực phẩm nhất định. Nhưng đó là một buổi tối vui vẻ.
Mùa hè năm kế đó, 1969, Joan và tôi thăm Singapore ngắn ngày trong khuôn khổ chuyến đi nghiên cứu châu Á. Thủ tướng Lý Quang Diệu đã chứng minh ông là một chủ nhà chu đáo. Để bày tỏ lòng mếm khách, ông đã mời chúng tôi tới một bữa tiệc bàn tròn cùng với giới tinh hoa trong ngành tư pháp của Singapore, bao gồm Tổng chưởng lý (attorney general), Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Tổng chưởng lý (solicitor general), một hoặc hai giáo sư luật và vợ ông, người bản thân cũng là một luật sư hàng đầu.
Cuộc trò chuyện bao quát nhiều chủ đề. Biết tôi đang cố vấn cho Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, người dù còn rất trẻ nhưng đã được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ trong cuộc tái tranh cử của Nixon sau 3 năm nữa, chúng tôi thảo luận về những diễn tiến trong chính trị Hoa Kỳ kể từ khi ông Lý rời Harvard. Ông Lý, trong thời gian ở Harvard cảm thấy không hài lòng trước phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam và làn sóng chống chính phủ, đã bày tỏ lo ngại về sự khôn ngoan (hay thiếu khôn ngoan) cũng như sức ảnh hưởng của thanh niên Mỹ. Sau khi trở về nước, ông Lý bắt đầu yêu cầu những thanh niên phương Tây xuất hiện tại các sân bay của Singapore phải cắt tóc trước khi được vào đất nước này. Ông muốn hạn chế nguy cơ lây lan tinh thần đó sang những thanh niên Singapore.
Tối hôm đó, ông Lý còn bày tỏ sự không hài lòng đối với tuyên bố mới đây của chính phủ Malaysia yêu cầu tất cả sinh viên học tiếng Malay. Với nguồn cảm hứng mạnh mẽ hơn so với những gì tôi thấy ông thể hiện tại Harvard, ông hỏi một cách hoa mỹ rằng, mục đích tốt đẹp của việc thực hiện mệnh lệnh đó là gì. Nếu Malaysia muốn triển khai tốt công cuộc hiện đại hóa của mình, nước này cần đảm bảo rằng mọi sinh viên phải thành thạo tiếng Anh. Ông cho rằng tiếng Malay đơn giản là một tấm hộ chiếu để vào rừng (chỉ sự lạc hậu – ND).
Chỉ một điều khác nữa của tối hôm đó mà tôi còn nhớ chính là cuộc trò chuyện giữa tôi và Tổng chưởng lý Tan Boon Teik khi ông lái xe đưa chúng tôi về khách sạn sau bữa tối. Ông thành thật: “Tôi thích cách anh đối đáp với ngài Thủ tướng”. Trên thực tế, không ai trong bàn ăn dám nói đế vào một từ trong suốt cuộc trao đổi dài của tôi với ông Lý.
Bốn năm sau, năm 1973, chủ yếu là nhờ chuyến công du ngoạn mục của Nixon tới Trung Quốc năm 1972, thế giới bắt đầu thay đổi đúng như dự đoán của ông Lý. Nhiều cựu sinh viên luật Đại học Harvard của tôi mong muốn tham gia vào kỷ nguyên mới này. Một nhóm trong số họ, những người đã tìm được công việc trong công ty luật quốc tế nổi tiếng Coudert Brothers, đã nhờ tôi giúp Coudert thiết lập các văn phòng ở Hồng Kông và Singapore. Chính phủ thực dân Anh ở Hồng Kông đã cho phép một công ty luật của Canada mở văn phòng, nhưng đất nước Singapore mới giành độc lập vẫn chưa cho phép bất cứ công ty nước ngoài nào thiết lập chi nhánh.
Như hầu hết các thủ đô của các nước châu Á hấp dẫn các công ty luật nước ngoài, giới luật sư trong nước phản đối mạnh mẽ sự gia nhập của các công ty này nhằm duy trì thế độc quyền trong hành nghề luật. Tuy nhiên, chính phủ Singapore, được dẫn dắt bởi quyết tâm của Thủ tướng Lý Quang Diệu nhằm đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa đất nước, kỳ vọng rằng sự xuất hiện của các công ty luật quốc tế lớn giàu kinh nghiệm trong việc thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giúp nâng cao chất lượng nghề luật của nước này. Các công ty này sẽ cung cấp sự đào tạo tốt hơn và tạo nhiều việc làm cho các luật sư trẻ của Singapore cũng như củng cố niềm tin của các công ty đa quốc gia vào Singapore.
Dĩ nhiên, chính phủ Singapore không muốn làm ngơ sự phản đối của các luật sư trong nước. Chính Thủ tướng Lý đã hành nghề luật trong nhiều năm trước khi bước chân vào chính trường và vợ cùng em trai ông vẫn tiếp tục điều hành một trong những công ty luật nhiều lợi nhuận. Ông đã khéo léo thực hiện sự thay đổi từng bước, với sự dẫn đường của Coudert, và các công ty nước ngoài khác đã được chấp nhận (cho vào Singapore) khi thị trường dịch vụ dần phát triển.
Nghề luật ở Singapore thực sự rất khó chống lại sự thay đổi đó, bởi tới lúc đó những ảnh hưởng và uy tín hạn chế mà nó được thừa hưởng từ hệ thống thuộc địa của Anh đã bị suy giảm đáng kể.
Một trong những điểm nổi bật trong những hoạt động không ngừng nghỉ của ông Lý nhằm bảo đảm và duy trì quyền lực chính là việc khiến các luật sư, các nhà lập pháp, các công tố viên và các thẩm phán tuân phục theo ý chí của ông. Việc “giam giữ phòng ngừa” mà không cần xét xử đối với các luật sư và các nhà dân chủ bất đồng chính kiến khác chỉ là một trong những công cụ ông sử dụng để đàn áp không chỉ các thiết chế luật pháp mà còn cả giới truyền thông, xã hội dân sự và các đảng đối lập. Năm 1969, khi Thủ tướng Lý Quang Diệu không hài lòng với một số phán quyết của bồi thẩm đoàn trong một vụ án lớn, ông đã bãi bỏ hoàn toàn bồi thẩm đoàn, một trong những thiết chế thiêng liêng nhất của thông luật (common law), và các luật sư nào phàn nàn đã bị đe dọa.
Tháng 5 năm 1988, tôi thực hiện chuyến thăm cuối cùng tới Singapore theo yêu cầu khẩn cấp của các tổ chức nhân quyền quốc tế. Quay trở lại về vấn đề giam giữ mà không cần xét xử của Lý Quang Diệu, ông đã bỏ tù nhiều nhà hoạt động xã hội Thiên chúa giáo và các luật sư có khuynh hướng cải cách khi các nhà hoạt động và các luật sư này cố gắng giáo dục công chúng về sự bóc lột của Singapore đối với các công dân chịu thiệt thòi nhất của nước này và các công nhân nước ngoài, cũng như nhu cầu tăng cường các luật và quy định về lao động.
Dựa trên công thức đã được thử nghiệm qua thời gian trong việc quy những sự bất đồng chính kiến hợp pháp thành các mối đe dọa an ninh quốc gia, chính quyền của ông Lý đã tố cáo một cách không phù hợp nhóm này là một phần của một ‘âm mưu Mác-xít’ có trụ sở tại Luân Đôn quyết tâm lật đổ nhà nước. Lời buộc tội vô căn cứ này cho phép chính phủ Singapore viện dẫn Đạo luật An ninh Nội bộ khét tiếng – vốn có âm hưởng giống các luật lệ hà khắc nhất của chế độ thuộc địa Anh – để bắt giữ các nhà phê bình của nước này mà không cần phải để lộ bất kỳ thông tin liên quan nào cho tòa án hoặc cộng đồng giám sát.
Khi báo cáo cho biết ông Lý Quang Diệu sẽ chuẩn bị bắt giam luật sư bào chữa chính, Francis Seow, cộng đồng nhân quyền quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng hơn lúc nào hết. Seow, một cựu Phó Tổng chưởng lý năng nổ và là Chủ tịch của Hội luật gia, đã chống lại một cách bất thành những động thái độc đoán của ông Lý trong nhiều năm, nhưng những nỗ lực trước đó nhằm kiềm chế và bịt miệng Seow của chính quyền Singapore đã không thể hăm dọa nổi ông.
Lúc đó tôi đang làm việc và sinh sống tại Hồng Kông và vì hai tổ chức nhân quyền quốc tế biết mối liên hệ trước đây của tôi với ông Lý nên họ yêu cầu tôi bay đến Singapore trong một nỗ lực nhằm ngăn cản ông Lý bắt giữ Seow. Tôi nhanh chóng sắp xếp một chuyến đi thú vị trong ngày. Buổi sáng tôi tới tòa án để xem Seow nỗ lực trong vô vọng để giành được sự giảm án cho các thân chủ vốn bị bỏ tù bất hợp pháp bằng cách viện dẫn các quy định bảo vệ (người dân) theo hiến pháp tự do của nhà nước trước các vị thẩm phán lạnh lùng.
Sau đó tôi ăn trưa với người bạn cũ của tôi, Tan Boon Teik, người vẫn còn là Tổng chưởng lý. Ông lịch sự nghe tất cả các lập luận của tôi về lý do tại sao sẽ là một tai họa cho uy tín của Singapore trong giới nhân quyền và pháp lý phương Tây nếu chính phủ nước này tiếp tục ngang nhiên vi phạm hiến pháp của quốc gia và làm xói mòn các quy tắc của pháp luật bằng cách bắt giữ các luật sư biện hộ, những người bảo vệ hợp pháp của các bị cáo. Đúng như mong đợi của tôi, ông đã nói với tôi rằng, mọi thứ sẽ được đề cập trong cuộc họp một tiếng đồng hồ mà tôi đã được đặt lịch với Thủ tướng Lý Quang Diệu bắt đầu từ 4 giờ. Tôi biết đó sẽ là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, thử thách.
Ông Lý đã tiếp đón tôi hết sức thân mật. Khi tôi chia tay ông lúc 5 giờ chiều, tôi nghĩ rằng có lẽ chuyến đi của tôi đã không tỏ ra vô ích. Tuy nhiên, khi tôi trở về khách sạn để xem tin tức truyền hình lúc 6 giờ, tôi biết được rằng Francis Seow đã bị bắt giam ngay sau lúc 4 giờ với tội danh cấu kết với một nhà ngoại giao Mỹ để thúc đẩy sự can thiệp của Mỹ vào chính trị Singapore.
Tôi ít khi nổi giận nhưng tôi tin rằng sự tiếp đón của ông Lý là một trò lừa khéo léo. Sau khi trở về Hồng Kông, BBC, cơ quan báo chí gần như là duy nhất của phương Tây được phép tự do tiếp cận Singapore vào thời điểm đó, đã gọi điện để hỏi quan điểm của tôi đối với vụ giam giữ Seow. Tôi công kích hành động của ông Lý vì những gì thực tế đã diễn ra. Những người bạn ở Singapore sớm báo cho tôi biết rằng cuộc phỏng vấn đã được phát sóng nhiều lần trong ngày hôm đó và khiến ông Lý tức giận. Họ khuyên tôi nên chờ đợi một khoảng thời gian hợp lý trước khi lên kế hoạch quay lại Singapore. Mặc dù cách đây hơn chục năm, tôi được nhắn rằng dù tất cả mọi việc vẫn chưa được tha thứ, nhưng một chuyến thăm Singapore khác vẫn được chấp nhận, tôi đã không bao giờ quay trở lại.
Hiện nay, các nhà sử học sẽ là những người phải tiến hành các nghiên cứu cần thiết để có một quan điểm cân bằng và toàn diện về sự nghiệp đầy phức tạp của Thủ tướng Lý Quang Diệu. Cho đến tận bây giờ, nhiệm vụ này đã bị cản trở bởi những hạn chế khắc nghiệt mà ông Lý và những người ủng hộ ông đã áp đặt lên sự nghiên cứu và thể hiện (quan điểm) tự do trong quốc gia của họ. Tuy nhiên, may mắn thay, một lượng công trình nghiên cứu đầy ấn tượng đang nổi lên liên quan đến những thành tựu và hạn chế trong những nỗ lực đặc biệt và thành công của Lý Quang Diệu trong việc khoác lên sự tiến bộ kinh tế và xã hội của Singapore một vẻ bề ngoài của tính chính danh mà sự thao túng khéo léo ‘nền pháp quyền’ có thể mang lại cho một chính phủ chuyên quyền và tùy ý.
Phần lớn các nghiên cứu này đã được thực hiện bởi những người Singapore không thể theo đuổi việc nghiên cứu của họ trong nước, mà phải nỗ lực để có những đóng góp lớn ở nước ngoài. Nổi bật trong nhóm này là Giáo sư nghiên cứu Jothie Rajah của Quỹ Luật sư Hoa Kỳ. Cuốn sách Authoritarian Rule of Law (Nền pháp quyền chuyên chế) xuất bản năm 2012 của bà phơi bày thành công “một cấu hình của pháp luật, chính trị và tính chính danh vốn có thể tạo ra những hệ quả sâu rộng cho lý luận và chính trị trên toàn thế giới”.
Nghiên cứu về Singapore của Rajah gián tiếp làm sáng tỏ nỗ lực liên tục của Bắc Kinh trong việc phát triển một hệ thống pháp luật phù hợp với nhu cầu hiện tại. Bất chấp sự sản sinh liên tục các quy phạm và hình thức pháp luật kiểu phương Tây của Trung Quốc, trên thực tế Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như có ý định khôi phục và áp dụng tinh thần của sự pha trộn độc đáo của Trung Quốc truyền thống giữa đạo Khổng vốn đề cao thứ bậc và chủ nghĩa pháp trị hà khắc.
Ông Tập hẳn đã hối hận rằng những người tiền nhiệm trong Đảng Cộng sản của ông đã cam kết nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn trọng những hạn chế chính thức đối với chính phủ theo quy định của ít nhất 26 hiệp ước về nhân quyền quốc tế. Ngược lại, mặc dù là một luật sư được đào tạo ở Cambridge rất đáng tự hào, ông Lý đã quá khôn ngoan để có thể để đất nước của ông tham gia các công ước chính về nhân quyền. Dưới vỏ bề ngoài chính thức theo pháp luật phương Tây, Singapore của ông Lý Quang Diệu mang những dấu vết quan trọng của một Trung Quốc phong kiến vốn sử dụng pháp luật như là một công cụ cho việc cai trị của chính phủ mà không bị ràng buộc bởi những quan niệm về các quyền cá nhân – bao gồm quyền có luật sư biện hộ độc lập.
Năm 1988, tôi đã có dịp chứng kiến thoáng qua cách thức hoạt động của một hệ thống chính trị như thế và nó không hề tốt đẹp.
Jerome A.Cohen là Giáo sư luật học tại Đại học New York. Ông là đồng Giám đốc của Viện Luật Mỹ – châu Á thuộc Đại học New York và là nghiên cứu viên dự thính cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.