Trung Quốc theo đuổi trật tự kinh tế quốc tế mới

china-_WORKERS_IN_BEIJING

Nguồn: Zhang Jun, “China’s Pursuit of a New Economic Order”, Project Syndicate, 02/06/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Các nhà kinh tế học đang ngày càng bất đồng ý kiến về tương lai kinh tế của Trung Quốc. Những người lạc quan đề cao khả năng học hỏi và tích lũy nguồn vốn con người nhanh chóng của đất nước này. Những người bi quan lại tập trung vào sự sụt giảm đáng kể về lợi thế nhân khẩu, tỉ lệ nợ trên GDP cao, sự thu hẹp của các thị trường xuất khẩu, và sự dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc. Nhưng cả hai nhóm đều bỏ qua một yếu tố quyết định cơ bản hơn đối với những viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc: trật tự thế giới.

Câu hỏi rất đơn giản: Liệu Trung Quốc có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao trong giới hạn của trật tự toàn cầu hiện nay, bao gồm cả các nguyên tắc thương mại của nó, hay trật tự thế giới mà Hoa Kỳ đang thống trị cần phải thay đổi đáng kể để có thể thích nghi với sự tăng trưởng kinh tế liên tục của Trung Quốc? Tuy nhiên, câu trả lời vẫn chưa rõ ràng.

Một cách mà Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi là đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dùng để tính giá trị tài sản dự trữ của Quỹ Tiền tệ Tuốc tế (IMF), được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Hiện tại, rổ tiền tệ này bao gồm đồng euro, đồng yên Nhật, đồng bảng Anh, và đồng đô la Mỹ.

Vấn đề về SDR là mối quan tâm chính của người nghe trong buổi nói chuyện của Giám đốc điều hành IMF Christine Largarde tại Thượng Hải hồi tháng 4 vừa qua. Quan điểm của bà – đó là việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ chỉ còn là vấn đề thời gian – thu hút khá nhiều sự chú ý của truyền thông. (Tuy nhiên, đáng tiếc là giới truyền thông lại suy diễn quá nhiều từ lời phát biểu của bà.)

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Ben Bernanke cũng phải đối mặt với câu hỏi tương tự tại Thượng Hải tháng trước. Ông cố ý lập lờ trong câu trả lời của mình: việc đưa đồng nhân dân tệ vào SDR sẽ là một bước đi tích cực, ông nói, nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được cho đến khi Trung Quốc tiến xa hơn trong việc cải tổ lĩnh vực tài chính và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

IMF dự kiến sẽ biểu quyết việc đưa đồng nhân dân tệ vào SDR trong tháng 10 tới, vào đợt rà soát 5 năm một lần thành phần của rổ tiền SDR. Nhưng dù tình hình có không giống với năm 2010, tức là ngay cả khi đa số biểu quyết đồng ý đưa đồng nhân dân tệ vào SDR thì nước Mỹ vẫn có quyền phủ quyết. Đây sẽ không phải là một kết quả đáng ngạc nhiên khi lập trường của Hoa Kỳ (đến từ Quốc hội chứ không phải từ chính quyền Obama) đã ngăn cản những cải cách nhằm tăng quyền biểu quyết của Trung Quốc trong IMF được thỏa thuận năm 2010.

Việc SDR chỉ được sử dụng hạn chế có nghĩa rằng việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ chủ yếu sẽ chỉ là một động thái mang tính hình thức; nhưng đó lại là hành động biểu tượng mạnh mẽ đóng vai trò hỗ trợ đảm bảo cho đồng tiền này trong giao dịch toàn cầu. Một kết quả như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy quá trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ; mà còn cung cấp một cái nhìn sâu sắc về không gian dành cho Trung Quốc trong trật tự kinh tế toàn cầu hiện nay.

Cho đến nay, không gian đó dường như là chưa đủ. Trong một cuốn sách xuất bản năm 2011, nhà kinh tế học Arvin Subramanian dự báo rằng đồng nhân dân tệ sẽ trở thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu vào cuối thập niên này, hoặc đầu thập niên tới, dựa trên quan sát của ông về  việc độ trễ giữa sự thống trị kinh tế và tiền tệ giờ đây đã trở nên ngắn hơn so với ước tính truyền thống. Ngày nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới (tính trên sức mua tương đương – PPP) và là thành viên lớn nhất tham gia vào thương mại quốc tế, và chính phủ nước này đã và đang tích cực thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, ví dụ như thông qua việc nới lỏng các quy định về ngoại hối. Tuy vậy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế vẫn ít hơn nhiều so với mô hình dự đoán của Subramanian.

Kết quả là Trung Quốc tiếp tục phải lệ thuộc vào chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất, Trung Quốc cũng buộc phải hành động tương tự nhằm ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài, bất chấp tác động tiêu cực của lãi suất cao hơn tới tăng trưởng nội địa. Với việc đồng đô la Mỹ thống trị các giao dịch quốc tế, các công ty Trung Quốc hiện đang đầu tư tại nước ngoài cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến động tỉ giá hối đoái.

Trên thực tế, trong thập niên vừa qua, các quy tắc thương mại quốc tế đã tạo ra căng thẳng đáng kể giữa Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán – cụ thể là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lượng xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TATIP) – sẽ làm suy yếu sự bành trướng của xuất khẩu Trung Quốc thông qua việc các hiệp định này sẽ tăng những rào cản thâm nhập thị trường đối với các công ty của Trung Quốc.

Rõ ràng là Trung Quốc đang phải đối mặt với những thử thách lớn trong hệ thống toàn cầu hiện nay trong quá trình nỗ lực tìm kiếm một vị thế để củng cố sức mạnh kinh tế của mình. Điều đó có thể giải thích lý do tại sao, với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và sự thành lập của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), chính phủ Trung Quốc đang ngày một nỗ lực xây dựng lại trật tự thế giới – đặc biệt là các hệ thống tiền tệ và thương mại – dựa trên những điều khoản của riêng mình.

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” có tham vọng tái tạo lại các con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển thời cổ đại dùng để vận chuyển hàng hóa và mang ý tưởng từ châu Á đến châu Âu. Với việc những khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc mà dự án này kéo theo có ảnh hưởng đến khoảng 50 quốc gia thì sức hấp dẫn của nó đối với những nước đang đang phát triển là không hề khó hiểu.

Ngân hàng AIIB cũng đã chứng tỏ được sức hấp dẫn của nó – và không chỉ đối với các nước đang phát triển. Trên thực tế, 57 nước – trong đó có những cường quốc như Pháp, Đức, và Vương quốc Anh – cũng đã đăng ký làm thành viên sáng lập. Điều đó có thể phản ánh nhận thức ngày càng tăng của các quốc gia nói trên về lợi ích giảm dần của một trật tự thế giới mà Hoa Kỳ thống trị.

Từ góc nhìn của Trung Quốc, việc duy trì tăng trưởng kinh tế nội địa dường như là không thể trong hệ thống toàn cầu hiện tại – đây là một thử thách mà Nhật Bản và các nền kinh tế Đông Á khác không gặp phải vào thời kỳ kinh tế đột phá. Trên thực tế, quốc gia duy nhất phải đối mặt với vấn đề này là Hoa Kỳ, khi quốc gia này thay thế Vương quốc Anh trở thành nước có quyền lực kinh tế và tài chính thống lĩnh thế giới trước khi nổ ra Thế chiến II; nhưng may thay, tiền lệ đó là một sự chung sống thỏa hiệp và diễn ra trong hòa bình.

Chắc chắn, Trung Quốc vẫn cần phải tiến hành những cải cách quan trọng trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, nhằm loại bỏ những sự bóp méo trong việc phân bổ nguồn tài nguyên và ngăn chặn nền kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối theo đuổi chính sách giảm giá tiền tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu, ngay cả khi phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại, cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh cần thiết để đảm bảo vai trò quốc tế của đồng nhân dân tệ và cùng với đó là tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế dài hạn.

Dù đồng nhân dân tệ có được được đưa vào rổ tiền tệ của SDR trong tháng 10 tới hay không thì sự dần chuyển mình của hệ thống toàn cầu nhằm thích nghi với sự hiện diện của Trung Quốc vẫn có vẻ là không thể tránh khỏi.

Zhang Jun (Trương Quân) là Giáo sư Kinh tế và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải.