#258 – Cách mạng thông tin, các chủ thể phi quốc gia và sự phân tán quyền lực (P3)

Print Friendly, PDF & Email

8585345251_3c6d58b922_o-620x372

Nguồn: Joseph S. Nye (2007). “Globalization and Interdependence” (Chapter 8), in Joseph S. Nye, Understanding International Conflicts (New York: Longman), pp. 233-260.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Understanding International Conflicts

Thông tin và quyền lực giữa các quốc gia

Cuộc cách mạng thông tin đang làm cho chính trị thế giới trở nên phức tạp hơn bởi nó tăng cường quyền lực cho các chủ thể phi quốc gia, cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực, đồng thời hạn chế khả năng kiểm soát của các chính phủ trung ương. Nó cũng làm thay đổi tương quan quyền lực giữa các quốc gia trên thế giới. Mỹ là nước được lợi nhiều nhất, trong khi rất nhiều quốc gia nghèo hơn bị bỏ lại phía sau. Trong khi một số nước nghèo như Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia đã phát triển đáng kể bằng việc gia nhập vào nền kinh tế thông tin, hơn một nửa số người sử dụng internet trên thế giới vào năm 2005 vẫn là người Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Trong thời đại thông tin, thế giới vẫn bao gồm các nền kinh tế lấy nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ làm chủ đạo. Những xã hội và chính quyền hậu công nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời đại thông tin sẽ tiếp tục tồn tại song song và tương tác với những quốc gia ít bị tác động hơn bởi cuộc cách mạng thông tin này.

Liệu khoảng cách số này có tiếp tục kéo dài? Mức chi phí giảm có thể giúp các nước nghèo thực hiện các bước nhảy vọt hoặc bỏ qua vài giai đoạn phát triển nhất định. Ví dụ, các cách thức liên lạc vô tuyến đã và đang thay thế dạng truyền thông hữu tuyến tốn kém. Công nghệ nhận dạng giọng nói cũng có thể giúp nhiều người mù chữ tiếp cận với phương thức liên lạc qua máy tính. Ngày nay, Internet có thể giúp những người nông dân nghèo biết được tình hình thời tiết cũng như nhu cầu của thị trường trước khi bắt tay vào sản xuất; và việc tiếp cận được nhiều thông tin hơn cũng sẽ giúp loại bỏ vai trò của những phương tiện truyền tin trung gian thiếu tin cậy. Kết nối internet và giáo dục từ xa cũng có thể giúp cho các bác sĩ và các nhà nghiên cứu thiếu thông tin ở những nước nghèo. Tuy nhiên, điều các nước nghèo cần nhất hiện nay chính là nền giáo dục và cơ sở hạ tầng cơ bản.

Công nghệ lan rộng nhanh chóng khiến cho nhiều nước mong muốn xây dựng những Thung lũng Silicon riêng của mình. Nhưng việc xác định những điều kiện cần thiết để xây dựng được nền công nghệ cao bao giờ cũng dễ dàng hơn là việc thực hiện chúng. Cơ sở hạ tầng thông tin phát triển, luật sở hữu trí tuệ được bảo đảm, chính sách hợp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường vốn vững chắc, và một lực lượng lao động có kỹ năng với khả năng sử dụng tiếng Anh (ngôn ngữ được sử dụng bởi 80% các trang web trên internet) sẽ là những điều kiện mà các nước nghèo đến một lúc nào đó sẽ đạt được, nhưng không thể trong một sáng một chiều. Ngay như ở Ấn Độ, nơi một số các điều kiện trên đã được thỏa mãn và các công ty phần mềm thuê hàng trăm ngàn lao động thì vẫn còn đến một nửa trong tổng số hơn 1 tỷ dân của Ấn Độ vẫn còn mù chữ.

Cuộc cách mạng thông tin đã gây nên các tác động theo hướng phi tập trung và cân bằng, tuy nhiên nó có giúp san bằng khoảng cách quyền lực giữa các quốc gia hay không? Thông qua việc giúp giảm bớt chi phí và tháo dỡ rào cản tham gia các thị trường, cuộc cách mạng thông tin đáng lẽ cũng có thể giảm bớt quyền lực của các nước lớn trong khi tăng cường quyền lực cho các nước nhỏ và các chủ thể phi quốc gia. Tuy nhiên trong thực tế, quan hệ quốc tế phức tạp hơn câu chuyện công nghệ kia rất nhiều. Xét ở một vài khía cạnh, cuộc cách mạng thông tin đang giúp đỡ các quốc gia nhỏ, trong khi ở những góc độ khác, nó lại đang trợ giúp cho các quốc gia vốn đã hùng mạnh và giàu có. Có một vài lý do giải thích cho thực tế này.

Thứ nhất, quy mô vẫn là một vấn đề quan trọng. Một số yếu tố mà các nhà kinh tế gọi là rào cản đối với việc gia nhập và tính hiệu quả của quy mô vẫn tiếp tục tồn tại trong một số khía cạnh quyền lực có liên quan tới thông tin. Ví dụ, quyền lực mềm bị tác động mạnh mẽ bởi nội dung văn hóa của những gì được phát sóng, hoặc xuất hiện trong các bộ phim hay chương trình truyền hình. Những nền công nghiệp giải trí lớn thường được hưởng tính hiệu quả của quy mô trong việc sản xuất và phân phối các nội dung. Thị phần thống trị của Mỹ trong lĩnh vực phim ảnh và chương trình truyền hình là một ví dụ điển hình cho điều này. Những công ty mới gia nhập thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với Hollywood (dù “Bollywood” của Ấn Độ bám theo sau với khoảng cách khá xa). Hơn thế nữa, trong nền kinh tế thông tin tồn tại “tác động mạng lưới” ảnh hưởng trở lại đối với quy mô. Như chúng ta đã biết, một chiếc điện thoại thì hoàn toàn vô dụng. Khi có hai chiếc, giá trị của chúng sẽ được tăng lên, và cứ như vậy, giá trị của chiếc điện thoại ngày càng gia tăng khi mạng lưới được mở rộng.

Thứ hai, mặc dù việc phổ biến các thông tin sẵn có đã trở nên rẻ hơn, việc thu thập và sản xuất các thông tin mới vẫn cần những nguồn vốn đầu tư lớn. Trong rất nhiều trường hợp cạnh tranh, thông tin mới chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất. Ở một vài khía cạnh nào đó, thông tin là một loại hàng hóa công không gây nên tình trạng cạnh tranh: mức tiêu thụ của người này không làm suy giảm mức tiêu thụ của người khác. Thomas Jefferson đã dùng hình ảnh so sánh của ngọn nến để nói về điều này. Nếu tôi chia cho bạn ánh sáng, ánh sáng của tôi không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong những trường hợp cạnh tranh lẫn nhau, tôi sẽ tạo ra được khác biệt lớn nếu như tôi là người đầu tiên có được ánh sáng và nhìn thấy mọi thứ trước bạn. Việc thu thập thông tin tình báo là một ví dụ điển hình cho điều này. Mỹ, Nga, Anh và Pháp là những quốc gia có năng lực thu thập thông tin tình báo vượt trội so với các quốc gia khác. Những tài liệu thống kê được công bố cho thấy Mỹ chi khoảng 44 tỷ đô la mỗi năm cho ngành tình báo. Trong một vài trường hợp mang tính thương mại, người đi theo sau nhưng nhanh chân có thể đạt được nhiều thành công hơn so với người đi tiên phong, nhưng khi nói về quyền lực giữa các quốc gia, thường người đi tiên phong có lợi hơn so với người đi sau. Thật đáng ngạc nhiên nhưng không có gì khó hiểu khi cho dù người ta đã thảo luận rất nhiều về việc Internet thu hẹp khoảng cách không gian nhưng các công ty vẫn tập trung ở Thung lũng Silicon, một khu vực nhỏ bé và vô cùng đông đúc ở phía Nam San Francisco, vì cái mà người ta gọi là “hiệu ứng tiệc cocktail.” Điều đem lại thành công chính là cách có được thông tin mới một cách không chính thức trước khi những thông tin đó được công khai. Douglas McGray đã cho rằng “Trong một ngành công nghiệp nơi mà những công nghệ mới luôn luôn đứng trước nguy cơ trở nên lạc hậu, lỗi thời, các công ty cần phải luôn nhận ra các nhu cầu, đảm bảo nguồn vốn và nhanh chóng đưa ra thị trường những mặt hàng mới nếu không sẽ bị các đối thủ cạnh tranh đánh bại.”[1] Quy mô của thị trường và việc ở gần các đối thủ cạnh tranh, các nhà cung ứng và các khách hàng vẫn là những vấn đề quan trọng trong nền kinh tế thông tin.

Thứ ba, những người đi tiên phong thường là những người tạo ra các chuẩn mực và kiến trúc của các hệ thống thông tin. Giống như một bài thơ nổi tiếng của Robert Frost đã ví von, trước một con đường chia ra thành nhiều con đường nhỏ dẫn lối vào rừng, một khi bạn đã chọn một con đường thì sẽ khó lòng quay trở về những con đường còn lại. Đôi khi, những công nghệ thô với chi phí thấp sẽ mở ra những con đường tắt giúp những kẻ đi sau vượt qua người tiên phong. Nhưng trong nhiều trường hợp, cách phát triển theo trình tự của hệ thống thông tin khiến cho người đi đầu vẫn có được nhiều thuận lợi nhất. Việc sử dụng tiếng Anh và hình thức các tên miền hàng đầu hiện nay trên internet là một ví dụ tiêu biểu. Một phần do sự biến chuyển của nền kinh tế Mỹ trong thập niên 1980, một phần khác do đầu tư vào việc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh lạnh, nước Mỹ thường xuyên là người đi tiên phong và tiếp tục là quốc gia đứng đầu trong việc ứng dụng các công nghệ thông tin đa dạng vào đời sống.

Thứ tư, như chúng ta đã thấy, sức mạnh quân sự vẫn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính yếu của quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, công nghệ thông tin cũng có những tác động đối với việc sử dụng vũ lực có lợi cho các nước nhỏ, trong khi một số tác động khác lại có lợi cho các cường quốc. Nhiều kỹ thuật quân sự tốn kém trước đây giờ được đưa ra khỏi kho và trở thành hàng hóa thương mại, điều này đem lại lợi ích cho các quốc gia nhỏ hơn, các chủ thể phi chính phủ, cũng như gia tăng mức độ dễ bị tổn thương của các nước lớn. Ví dụ, ngày nay bất cứ ai cũng có thể yêu cầu có được những tấm ảnh chụp từ vệ tinh với độ phân giải tới 1 mét về hoạt động diễn ra trên lãnh thổ các quốc gia khác với một mức phí không hề đắt từ các công ty thương mại. Các công ty thương mại và các cá nhân cũng có thể lên internet để thu thập các bức ảnh chụp từ vệ tinh, những thứ mà chỉ vài năm trước đây vốn là tư liệu thuộc diện tuyệt mật và tốn hàng tỷ đô la các chính phủ mới có được. Khi cảm thấy chính sách của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên một vài năm trước đây quá nguy hiểm, một nhóm phi chính phủ đã quyết định công bố các hình ảnh riêng thu được từ vệ tinh về các địa điểm phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Rõ ràng, các nước khác cũng sẽ có thể mua được những tấm hình tương tự về các căn cứ của Mỹ.

Các thiết bị định vị toàn cầu giúp cung cấp một cách chính xác các vị trí một thời vốn là tài sản của quân đội thì nay đã trở thành hàng hóa phổ biến tại các cửa hàng như hệ thống Wal-Mart. Hơn nữa, hệ thống thông tin cũng khiến cho các nước lớn bị đe dọa nhiều hơn khi bổ sung thêm các mục tiêu tấn công hấp dẫn cho các nhóm khủng bố (bao gồm cả những nhóm được hậu thuẫn bởi các quốc gia). Chúng ta có thể hình dung ra trong vòng 25 năm tới, một đối thủ nguy hiểm (chẳng hạn như một quốc gia nhỏ nhưng có công nghệ chiến tranh mạng) có thể quyết định tấn công nước Mỹ. Cũng có khả năng sẽ xảy ra các cuộc tấn công mạng của các cá nhân tự do.

Tuy nhiên, các xu hướng khác lại giúp củng cố quyền lực của những quốc gia vốn đã hùng mạnh. Công nghệ thông tin đã tạo ra một cuộc cách mạng về quân sự. Những bộ cảm biến được đặt trong không gian, các thiết bị thu phát trực tiếp, máy tính tốc độ cao, và các phần mềm phức tạp cho phép thu thập, phân loại, xử lý, truyền tải và phổ biến thông tin về những sự kiện phức tạp diễn ra trên một khu vực địa lý rộng lớn. Sự am hiểu về không gian chiến trường này kết hợp với việc định vị mục tiêu chính xác đang tạo ra một ưu thế vượt trội. Hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh đã cho thấy những đánh giá truyền thống về cân bằng vũ khí như xe tăng hay máy bay đang trở nên không thích hợp, trừ khi chúng bao gồm cả đánh giá về khả năng kết hợp công nghệ thông tin với những vũ khí trên. Đó chính là sai lầm mà Saddam Hussein (cũng như những thành viên Quốc hội Mỹ năm 1990 dự đoán về tổn thất nặng nề của Mỹ) đã mắc phải. Rất nhiều công nghệ phù hợp đang được bày bán ở các thị trường thương mại và những nước yếu hơn có thể hy vọng mua được nhiều công nghệ như vậy từ thị trường đó. Tuy nhiên, điều mấu chốt ở đây không phải là việc sở hữu được những vũ khí hạng nặng hoặc các hệ thống quân sự tiên tiến mà là khả năng kết hợp các hệ thống lại với nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh. Theo hướng này, nước Mỹ dường như vẫn đang duy trì vai trò dẫn đầu của mình. Trong một cuộc chiến tranh thông tin, chỉ cần một lợi thế nhỏ cũng có thể tạo ra những khác biệt lớn.

Cuộc cách mạng thông tin và sự phụ thuộc lẫn nhau phức tạp

Cuộc cách mạng thông tin và quá trình dân chủ hóa

…………

Download phần còn lại của văn bản tại ĐÂY.

———————

[1] Walter Laquer, “Left, Right, and Beyond: The Changing Face of Terror,” trong How Did This Happen? Terrorism and the New War, James F. Hogue và Gideon Rose, biên tập. (New York: Council on Foreign Relations, Public Affairs, 2001) trang 73.