Nguồn: “Yeltsin resigns from Communist Party,” History.com (truy cập ngày 11/7/2015).
Biên dịch: Phạm Văn Chính | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1990, chỉ hai ngày sau khi Mikhail Gorbachev tái đắc cử chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Nga, thông báo ông sẽ rời khỏi Đảng. Hành động của Yeltsin là một đòn nghiêm trọng đối với những nỗ lực của Gorbachev nhằm giữ lại một Liên Xô đang tan rã.
Vào tháng 7 năm 1990, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã gặp nhau tại đại hội để thảo luận và tiến hành bầu cử. Gorbachev, người đã lên nắm quyền ở Liên Xô từ năm 1985, phải chịu đựng một cuộc tấn công nặng nề của những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng sản. Họ tin rằng những cải cách chính trị và kinh tế của ông đang hủy hoại sự kiểm soát của Đảng đối với đất nước.
Gorbachev đáp trả những lời chỉ trích nhằm vào ông bằng một bài phát biểu, qua đó ông bảo vệ những cải cách của mình và chỉ trích những người phản đối như những “di tích” lạc hậu sót lại từ quá khứ đen tối của Liên Xô. Gorbachev đã nhận được số phiếu áp đảo để tái đắc cử chức Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản.
Thế nhưng chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử đó, Yeltsin đã đập tan ảo tưởng rằng chiến thắng của Gorbachev đồng nghĩa với sự kết thúc cuộc đấu đá chính trị ở Liên Xô. Yeltsin từng là một người thường xuyên phê bình Gorbachev, nhưng những chỉ trích của ông bắt nguồn từ niềm tin rằng Gorbachev đang di chuyển quá chậm trong tiến trình dân chủ hóa hệ thống chính trị của Liên Xô.
Thông báo đầy kịch tính về việc Yeltsin rời bỏ Đảng Cộng sản là một chỉ dấu rõ ràng rằng ông đang đòi hỏi một hệ thống chính trị đa đảng ở Liên Xô. Nó được xem như một cái tát vào mặt Gorbachev và các chính sách của ông.
Trong một năm rưỡi sau đó, quyền lực của Gorbachev dần suy yếu, trong khi đó ngôi sao Yeltsin lại lên cao. Tháng 12 năm 1991, Gorbachev từ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên Xô chính thức tan rã. Tuy nhiên, Yeltsin vẫn giữ được vị trí quyền lực của mình là Tổng thống Nga. Theo cách riêng của mình, cả hai đều đã chứng kiến sự tan rã của Liên Xô và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.
Yeltsin tiếp tục giữ cương vị Tổng thống của Liên bang Nga cho đến ngày 31 tháng 12 năm 1999, khi ông từ chức. Bất chấp những nỗ lực cải cách kinh tế, nhiệm kỳ của ông đã chứng kiến nền kinh tế của quốc gia kiệt quệ, trong đó có sự sụp đổ gần như hoàn toàn của đồng tiền nước Nga.
Chính quyền của Yeltsin cũng được đánh dấu bởi nạn tham nhũng tràn lan, việc đưa quân vào Chechnya, và một loạt các sự cố kỳ lạ liên quan đến chứng nghiện rượu khét tiếng của Yeltsin. Các đối thủ của Yeltsin đã hai lần cố luận tội ông. Sau khi Yeltsin từ chức, Thủ tướng Vladimir Putin trở thành quyền tổng thống cho đến khi những cuộc bầu cử mới được tổ chức.
Ngày 26 tháng 3 năm 2000, Putin trở thành tổng thống mới của Liên bang Nga.
Ảnh: Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin (phải) sau cuộc đảo chính Xô viết năm 1991. Nguồn: Piko/AFP/Getty Images.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]