Nguồn: Mohamed A. El-erian, “Shelter from the Storm in Europe”, Project Syndicate, 20/06/2015.
Biên dịch: Trần Thị Thu Hiền | Hiệu đính: Phạm Thị Huyền Trang
Mây đen đang bao phủ tương lai kinh tế của châu Âu khi ba cơn bão đang cùng ập đến: khủng hoảng Hy Lạp, Nga xâm phạm Ukraine và sự nổi lên của các đảng chính trị theo chủ nghĩa dân túy. Mặc dù mỗi cơn bão này đều để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng nền kinh tế vốn được tiếp sức bởi một sự cải thiện theo chu kỳ gần đây cho thấy châu Âu có khả năng đối phó với từng cơn bão một, với nguy cơ chỉ là một số các gián đoạn kinh tế nhất thời. Tuy nhiên, nếu những cơn bão này cùng cộng hưởng với nhau tạo thành một “siêu bão,” thì sự trở lại những ngày nắng ấm sẽ rất khó đoán định được trong tương lai gần.
Thực tế cho thấy ba cơn bão này đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau. Cuộc khủng hoảng Hy Lạp, vốn nhức nhối nhiều năm nay, đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Không chỉ có nguy cơ trở thành thành viên đầu tiên bị loại khỏi khu vực đồng Euro, Hy Lạp còn đứng trước nguy cơ rơi vào trạng thái quốc gia thất bại (failed state) – một kết quả có thể kéo theo hệ lụy đa chiều đối với các quốc gia còn lại ở châu Âu. Việc giảm thiểu những hệ quả nhân đạo bất lợi (liên quan đến việc di cư qua biên giới) và ảnh hưởng địa chính trị của cơn bão này sẽ không phải là một việc dễ dàng.
Cơn bão thứ hai, đến từ khu vực Đông Âu, chính là cuộc xung đột quân sự ở vùng Donbas của Ukraine. Mặc dù đã được kiểm soát phần nào bằng thỏa thuận ngừng bắn Minsk II, cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine đánh dấu sự đổ vỡ nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa phương Tây và Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Sự can thiệp sâu rộng hơn của Nga vào Ukraine – một cách trực tiếp và/hoặc thông qua những phiến quân ly khai ở Donbas – sẽ đặt phương Tây trước một lựa chọn khó khăn. Hoặc là phải thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Nga mặc dù sẽ phải đối mặt với nguy cơ đẩy châu Âu lâm vào khủng hoảng bởi những lệnh trừng phạt đáp trả từ phía Nga, hoặc là phải chiều theo tham vọng bành trướng của Nga, và đồng nghĩa với việc đặt các quốc gia khác có cộng đồng nói tiếng Nga sinh sống vào thế nguy hiểm (bao gồm các thành viên Baltic của Liên minh châu Âu).
Cơn bão thứ ba – bất ổn chính trị gây ra bởi sự nổi lên của các phong trào chính trị dân túy – tiếp tục là một mối đe dọa nghiêm trọng khác nữa. Được thúc đẩy bởi những bất mãn của các cử tri, đặc biệt là ở các nền kinh tế khó khăn, những phong trào chính trị này có xu hướng tập trung vào một vài vấn đề, cụ thể như dân di cư, nghèo đói, hoặc Liên minh châu Âu – đặc biệt là bất cứ vấn đề nào mà họ có thể đổ lỗi là gây nên những khó khăn trong nước.
Ở Hy Lạp, cử tri đã giúp mang lại một chiến thắng lớn cho đảng Syriza – đảng cực tả đấu tranh chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng (mà các chủ nợ áp đặt). Ở Pháp, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (National Front) hiện đứng thứ hai trong các cuộc trưng cầu dân ý. Đảng Nhân Dân Đan Mạch (Danish People’s Party) chủ trương chống nhập cư cũng xếp thứ hai theo kết quả bầu cử gần đây với 22% số phiếu bầu. Và ở Tây Ban Nha, Đảng cánh tả chống thắt lưng buộc bụng Podemos cũng đang giành được tỉ lệ ủng hộ hai con số.
Xu hướng cực đoan và cương lĩnh chính trị hạn hẹp của những đảng này đang làm hạn chế tính linh động trong chính sách của các chính quyền bằng khiến các đảng và các chính trị gia ôn hòa chấp nhận những quan điểm cấp tiến. Chính những lo ngại rằng đảng Độc lập ở Anh (một đảng cực hữu, ủng hộ Anh ra khỏi EU – NBT) có khả năng hủy hoại nền tảng chính trị của đảng Bảo Thủ đã khiến thủ tướng David Cameron phải tiến hành trưng cầu ý dân về việc đất nước có nên tiếp tục là thành viên của EU hay không.
Với cả ba cơn bão cùng ập đến, các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải hành động nhanh chóng để đảm bảo rằng họ có thể làm đánh tan từng cơn bão một trước khi chúng cộng hưởng lại với nhau và cần phải xử lý bất kỳ đổ vỡ nào mà chúng gây ra một cách hiệu quả. Một tin tốt là những công cụ kiểm soát khủng hoảng trong khu vực đã được củng cố đáng kể thời gian qua, đặc biệt là từ mùa hè năm 2012, khi đồng Euro đứng trên bờ vực sụp đổ.
Trên thực tế, không chỉ có các cơ chế kiểm soát mới như Cơ quan Hỗ trợ Ổn định Tài chính Châu Âu (European Financial Stability Facility) hoạt động hiệu quả, mà những cơ chế đã tồn tại cũng được cải tiến linh hoạt và hiệu quả hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang tham gia vào một sáng kiến thu mua tài sản quy mô lớn – đây là chương trình có thể được mở rộng dễ dàng và nhanh chóng. Đồng thời, bằng nỗ lực của mình, những quốc gia như Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã giảm thiểu được nguy cơ bị tác động trước những ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng lân cận.
Tuy nhiên, những biện pháp chống đỡ này có thể sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng nếu như những cơn bão này hòa nhập với nhau thành một trận cuồng phong. Chính bởi tính phụ thuộc lẫn nhau rất đặc thù của EU giữa các lĩnh vực kinh tế, tài chính, địa chính trị và xã hội, những ảnh hưởng có sức tàn phá của mỗi cú sốc có thể càng làm khếch đại các cú sốc khác, vượt quá sức kiểm soát của các cơ chế, dẫn đến suy thoái kinh tế, làm sống lại sự bất ổn tài chính và tạo ra những điểm căng thẳng xã hội. Điều này sẽ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp vốn đã cao, tạo ra quá nhiều sự mạo hiểm tài chính, cũng như khuyến khích thêm những toan tính của Nga và thúc đẩy phong trào chính trị dân túy đi xa hơn, do vậy càng gây trở ngại cho những chính sách đối phó toàn diện.
May mắn thay, khả năng xảy ra một trận cuồng phong như vậy trong thời điểm hiện nay mới chỉ là nguy cơ, chứ không hẳn là thực tế. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đặc biệt chú ý đến trận cuồng phong này bởi hậu quả khủng khiếp mà nó có thể mang lại.
Trong hoàn cảnh này, đảm bảo tương lai kinh tế của châu Âu cần trước nhất là một cam kết mới về nỗ lực hội nhập khu vực – hoàn thiện liên minh ngân hàng, củng cố liên minh tài khóa và hướng tới một liên minh chính trị, những thứ đã mất đi sự ưu tiên do một chuỗi các cuộc gặp mặt và họp thượng đỉnh không hồi kết về vấn đề Hy Lạp. Tương tự, các quốc gia cần phải hồi sinh những sáng kiến cải cách kinh tế – thứ có vẻ như gần đây đã bị mất đi tính cấp thiết trước một thị trường tài chính quá mức tự mãn và dễ dãi. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chính sách đối với ECB, tổ chức hiện nay đang bị buộc phải theo đuổi quá nhiều mục tiêu tham vọng, vượt quá khả năng đem lại những kết quả bền vững về phát triển, việc làm, lạm phát và ổn định tài chính.
Sự tập trung hiện nay vào cơn bão ở Hy Lạp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không nên quá bị phân tâm bởi vấn đề này mà bỏ quên hai cơn bão tiềm tàng còn lại – và khả năng cả ba cơn bão hội tụ lại thành một trận cuồng phong có sức tàn phá khủng khiếp còn đáng quan ngại hơn rất nhiều. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu tối đa các nguy cơ và tránh trường hợp họ nhận ra rằng những giải pháp của mình là không còn phù hợp với tình hình khắc nghiệt có thể xảy ra phía trước.
Mohamed A. El-Erian hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Barack Obama. Trước đây ông từng giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành của PIMCO. Ông được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong 100 Nhà tư tưởng Toàn cầu năm 2009, 2010, 2011 và 2012. Cuốn When Markets Collide của ông đã được tờ Financial Times/Goldman Sachs bình chọn là Cuốn sách của Năm và được tờ The Economist bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2008.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Shelter from the Storm in Europe