Nguồn: “Iraq invades Kuwait,” History.com (truy cập ngày 01/8/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1990, khoảng 2h sáng theo giờ địa phương, Iraq bắt đầu xâm chiếm Kuwait, nước láng giềng nhỏ nhưng giàu dầu mỏ của mình. Các lực lượng quốc phòng của Kuwait nhanh chóng bị áp đảo, những lực lượng chưa bị tiêu diệt phải rút về Ả Rập Xê-út. Quốc vương Kuwait cùng gia đình ông và những lãnh đạo chính phủ khác cũng phải tháo chạy sang Ả Rập Xê-út. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Thành phố Kuwait (thủ đô của Kuwait) đã bị chiếm đóng, và Iraq đã lập tức lập nên một chính quyền cấp tỉnh ở đây.
Bằng cách sáp nhập Kuwait, Iraq đã giành quyền kiểm soát hơn 20% trữ lượng dầu lửa của thế giới và lần đầu tiên giành được một vùng bờ biển lớn trên Vịnh Ba Tư. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí lên án cuộc xâm lược và yêu cầu Iraq rút quân ngay lập tức khỏi Kuwait. Ngày mùng 6 tháng 8, Hội đồng Bảo an áp đặt một lệnh cấm vận thương mại đối với Iraq trên toàn cầu.
Ngày mùng 9 tháng 8, Lá chắn Sa mạc (Operation Desert Shield) – chiến dịch của Mỹ giúp bảo vệ Ả Rập Xê-út – bắt đầu khi các lực lượng quân sự Mỹ được điều động tới vùng Vịnh Ba Tư. Trong khi đó, nhà độc tài Iraq Saddam Hussein đã xây dựng lực lượng quân đội chiếm đóng Kuwait lên đến khoảng 300.000 người. Ngày 29 tháng 11, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực quân sự chống lại Iraq nếu nước này từ chối rút quân trước ngày 15 tháng 1 năm 1991. Hussein đã từ chối rút quân khỏi Kuwait, nơi mà ông đã thành lập chính quyền như một tỉnh của Iraq, và khoảng 700.000 quân đồng minh, chủ yếu là Mỹ, đã tập trung tại Trung Đông để buộc Iraq tuân thủ thời hạn cuối cùng.
Lúc 4:30 chiều theo giờ EST ngày 16 tháng 1 năm 1991 (tức 2:30 sáng 17 tháng 1 theo giờ Hà Nội), chiến dịch Bão táp Sa mạc (Operation Desert Storm) – cuộc tấn công lớn do Mỹ dẫn đầu chống lại Iraq – bắt đầu khi những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên cất cánh từ Ả Rập Xê-út và các tàu sân bay của Mỹ và Anh trong vùng Vịnh Ba Tư. Trong buổi tối ngày hôm đó, các máy bay trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã không kích các mục tiêu trong và xung quanh Baghdad trong khi thế giới chú ý theo dõi những sự kiện diễn ra được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh từ Iraq. Chiến dịch Bão táp sa mạc được tiến hành bởi một liên minh quốc tế dưới sự chỉ huy tối cao của Đại tướng Mỹ Norman Schwarzkopf và các lực lượng từ 32 quốc gia, trong đó có Anh, Ai Cập, Pháp, Ả Rập Xê-út, và Kuwait.
Trong sáu tuần tiếp theo, các lực lượng đồng minh tham gia vào một cuộc không chiến ác liệt chống lại quân đội và các cơ sở hạ tầng dân dụng của Iraq, và gặp phải sự chống cự hiệu quả từ lực lượng không quân và phòng không của nước này. Các lực lượng bộ binh của Iraq đã trở nên bất lực trong giai đoạn này của cuộc chiến, và biện pháp trả đũa đáng kể duy nhất của Hussein là các cuộc tấn công bằng tên lửa Scud (một loại tên lửa do Liên Xô phát triển thời kỳ Chiến tranh Lạnh) nhằm vào Israel và Ả Rập Xê-út. Saddam hy vọng rằng các cuộc tấn công tên lửa sẽ khiêu khích Israel tham gia vào cuộc xung đột, từ đó làm tiêu tan sự ủng hộ của khối Ả Rập đối với cuộc chiến. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Israel vẫn nằm ngoài cuộc chiến.
Ngày 24 tháng 1, lực lượng liên minh bắt đầu một cuộc tấn công lớn trên bộ, các lực lượng vũ trang đã lỗi thời và thiếu trang bị của Iraq nhanh chóng bị áp đảo. Đến cuối ngày, quân đội Iraq về cơ bản đã bị vô hiệu hóa, hơn 10.000 binh lính bị bắt giữ làm tù nhân, và một căn cứ không quân Mỹ đã được thành lập ở sâu bên trong lãnh thổ Iraq. Chưa đến bốn ngày sau đó, Kuwait được giải phóng, và phần lớn các lực lượng vũ trang Iraq hoặc đã đầu hàng và rút về Iraq, hoặc bị tiêu diệt.
Ngày 28 tháng 2, Tổng thống Mỹ George W.H. Bush tuyên bố ngừng bắn, và đến ngày mùng 3 tháng 4 thì Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 687, quy định cụ thể các điều kiện để chính thức kết thúc cuộc xung đột. Theo nghị quyết này, lệnh ngừng bắn của Tổng thống Bush sẽ được chính thức hóa, một số biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ, nhưng lệnh cấm Iraq bán dầu sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi nào Iraq chấp nhận tiêu hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Ngày mùng 6 tháng 4, Iraq chấp nhận nghị quyết này, và vào ngày 11, Hội đồng Bảo an tuyên bố nghị quyết bắt đầu có hiệu lực. Trong thập niên sau đó, Saddam Hussein vẫn thường xuyên vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hòa bình, khiến quân đội liên minh phải tiến hành thêm nhiều trận không kích và các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iraq tiếp tục được thi hành.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh, 148 lính Mỹ đã hi sinh và 457 người khác bị thương. Các quốc gia đồng minh khác mất đi tổng cộng khoảng 100 binh sĩ trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Không có con số chính thức về số lượng thương vong của Iraq, nhưng người ta tin rằng có ít nhất 25.000 binh sĩ đã thiệt mạng và hơn 75.000 người bị thương, khiến Chiến tranh vùng Vịnh trở thành một trong những cuộc xung đột quân sự chênh lệch nhất trong lịch sử. Ước tính có khoảng 100.000 dân thường Iraq đã thiệt mạng vì bị thương hoặc do thiếu nước, đồ ăn, và vật tư y tế có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến ở vùng Vịnh.
Chú thích trong ngoặc đơn là của người dịch.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]