Nguồn: David Chovanec, “Let the Global Race to the Bottom Begin”, Foreign Policy, 11/08/2015.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tại sao việc phá giá tiền tệ quy mô lớn của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đối với Trung Quốc, Mỹ, và toàn thế giới.
Vào ngày 11/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố quyết định phá giá đồng nhân dân tệ ở mức 1,9 phần trăm bằng cách điều chỉnh biên độ tỷ giá hằng ngày. Đây là đợt phá giá lớn nhất trong một ngày của đồng nhân dân tệ từ năm 1994 – gây nên các ảnh hưởng quan trọng đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ.
Để hiểu ý nghĩa của nước đi này và những phát ngôn đi cùng với nó, những nhà quan sát trước tiên cần phải nhận ra là những tranh luận chính trị ở Mỹ liên quan đến câu hỏi về đồng nhân dân tệ đang đi chậm hơn so với thời đại.
Vài năm trước, Mỹ có thể kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thả nổi đồng tiền, đồng thời kêu gọi một đồng nhân dân tệ mạnh hơn, và tin rằng hai điều này thúc đẩy lẫn nhau. Ngày hôm nay, dòng vốn ra khỏi Trung Quốc đang gây sức ép đẩy giá đồng nhân dân tệ đi xuống, tức là đồng nhân dân tệ khi thả nổi thì chắc chắn sẽ giảm giá, chứ không phải tăng, so với đồng đôla Mỹ. Điều này đem đến cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ một nhóm những ưu tiên chính sách bớt rõ ràng hơn và ít lý do thuyết phục hơn để ủng hộ các chính sách như vậy.
Người Trung Quốc sẽ cố gắng biện hộ rằng họ chỉ đi theo hướng thị trường. Điều này có phần sai lệch: trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã ngăn đồng nhân dân tệ tăng giá bằng cách mua gần 4 ngàn tỷ đôla Mỹ. Sự “cân bằng” thị trường hiện tại được dựa lên những bóp méo đó. Bây giờ, cách duy nhất để đồng nhân dân tệ dựa theo thị trường một cách thực thụ là trước tiên phải xóa bỏ những can thiệp trước kia của Trung Quốc bằng cách hỗ trợ đồng nhân dân tệ (tăng giá) và giảm dần khoản dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Chúng ta không nên muốn đồng nhân dân tệ được thả nổi trước khi điều này xảy ra.
Một số người cho rằng đồng nhân dân tệ hiện tại đang được định giá quá cao, nhưng điều mà họ quên là Trung Quốc cần một đồng tiền được định giá cao để cân bằng nền kinh tế. Bằng cách duy trì một đồng nhân dân tệ mạnh và cởi trói cho nhu cầu tiêu dùng hiện đang bị đóng băng trong kho dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc sẽ giúp cân bằng, về mặt đối nội để đi đến một nền kinh tế được dẫn dắt bởi tiêu dùng (điều các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã công khai thừa nhận là cần thiết) và về mặt đối ngoại để đi đến một mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn với nước Mỹ (điều sẽ có lợi cho cả hai nước).
Cũng phải công nhận rằng đây là điều mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang cam kết làm. Họ hiểu là đồng nhân dân tệ mạnh sẽ giúp tái cân bằng để đi đến một mô hình phát triển bền vững hơn. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ngân hàng trung ương, hoặc ai đó cấp cao hơn, đẫ mất tinh thần và bây giờ họ lại cố xốc dậy mô hình phát triển hiện hữu vốn đang thất bại.
Điều này thật đáng tiếc, vì nó có nghĩa là Trung Quốc bây giờ gia nhập cùng Nhật và Đức trong nỗ lực tiếp cận nhu cầu tiêu dùng của Mỹ để làm bệ phóng cho tăng trưởng, chứ không phải tiêu dùng những khoản tiết kiệm quá mức của họ để kích thích nhu cầu trong nước. Hậu quả là họ đang cố gắng để quay lại mô hình phát triển toàn cầu vào trước năm 2008: đó là phụ thuộc vào việc Mỹ vay những món nợ khổng lồ để trở thành người tiêu dùng toàn cầu cuối cùng. Điều này không bền vững cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Đây là một cuộc đua xuống đáy không có kẻ thắng.
Nước đi của ngân hàng trung ương Trung Quốc quan trọng không phải bởi vì mức điều chỉnh, vào khoảng -1,9 phần trăm, mà bởi những tín hiệu chính sách họ phát ra. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được dự báo sẽ tăng lãi suất vào mùa thu này do nền kinh tế Mỹ ngày càng vững mạnh. Bởi vì châu Âu và Nhật vẫn đang tiếp tục in thêm tiền và giảm lãi suất để giúp nền kinh tế của họ, điều này sẽ thu hút tiền đến nước Mỹ và làm đồng đôla Mỹ tăng giá tương đối. Điều thú vị là đợt phá giá này gần như xóa hoàn toàn tác động từ mức tăng 2% của đồng đôla Mỹ vào tháng 7, theo cách tính trọng số thương mại. Trung Quốc có thể xem là đã nói rằng họ sẽ không thụ động khi Fed chuẩn bị tăng lãi suất. Đây là một sai lầm, bởi vì Trung Quốc hơn ai hết đang cần phải cắt đứt nguồn tín dụng giá rẻ này.
Ở bất kỳ mức nào, phá giá sẽ không thực sự giải quyết được các vấn đề của kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đã phát triển vượt ra ngoài mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu mà họ đã phụ thuộc vào trong các thập niên vừa qua, và họ không thể quay đầu lại. Phá giá sẽ tiếp tục đẩy càng nhiều vốn ra khỏi Trung Quốc, làm gia tăng sức ép giảm giá lên đồng nhân dân tệ. Phá giá ở mức 2 phần trăm sẽ không làm hài lòng ai cả và sẽ làm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khó khăn hơn trong việc hỗ trợ đồng nhân dân tệ khỏi bị mất giá thêm.
Ảnh hưởng trực tiếp nhất đến nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ mất giá là việc hồi phục và tăng cường tác động tiêu cực của một đồng đô la Mỹ mạnh, điều làm giảm mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý 4 năm 2014 và quý 1 năm 2015. Trong quý 1, mức thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng vì đô la Mỹ mạnh làm giảm gần 2 phần trăm tăng trưởng GDP Mỹ. Điều đó cũng ảnh hưởng xấu đến giá trị tính bằng đô la của doanh thu doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài, qua đó tác động đến mức lãi của các doanh nghiệp. Điều này tưởng chừng đã cải thiện vào quý 2, nhưng bây giờ thì tất cả đều bị đặt lên bàn cược.
Vì những quan ngại trên, và ảnh hưởng của chúng lên mức tăng trưởng quý 3, Fed có thể không còn muốn tăng lãi suất vào mùa thu này. Điều này có thể bù lại một số tác động xấu, nhưng đó không phải là điều mà Mỹ và toàn thế giới mong muốn. Đáng lẽ là tái cân bằng sẽ giúp tăng nhu cầu toàn cầu từ những quốc gia có thặng dư triền miên như Trung Quốc, nhưng chúng ta lại thấy sự khởi đầu của viễn cảnh một nền kinh tế thế giới phát triển chậm hơn do những chính sách lợi mình hại người.
Patrick Chovanec là chiến lược gia trưởng kiêm giám đốc điều hành Quỹ Quản lý tài sản Silvercrest, và là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Chính sách Công và Quốc tế, Đại học Columbia.