Những điều cần biết về khủng hoảng di dân châu Âu

migrants_austria_640x360_reuters_nocredit

Tác giả: Nguyễn Phương Mai

Cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu đang leo thang

Liên tiếp các thảm cảnh trên bộ và trên thuyền được cập nhật từng giờ. Làn sóng thông tin này tạo sức ép lớn, khiến bối cảnh của bức tranh tị nạn thay đổi liên tục, trong đó có cả những quyết định lớn của quan chức chính phủ.

Bức hình cậu bé 3 tuổi nằm chết úp mặt trên bờ cát khiến thủ tướng Anh ngay lập tức thay đổi chính sách về người tị nạn. Tuy nhiên, cũng chính những hình ảnh đau thương này có thể khiến chúng ta phản ứng hoàn toàn dựa trên cảm tính.

Để tránh việc phán xét thiếu cơ sở, sau đây là một số kiến thức và thông tin thực tế cơ bản để chúng ta có thể nhìn nhận cuộc khủng hoàng này một cách toàn diện và khách quan:

1. Tại sao Hungary và Macedonia ngăn không cho đoàn người tị nạn vượt qua biên giới trên đường đến Đức?

Đây đang là câu chuyện hàng đầu trên các bản tin. Lý do để Hungary và Macedonia cấm cản người tị nạn là do các nước này kiên quyết căn cứ vào điều luật Dublin (Dublin Regulation), yêu cầu người xin tị nạn (asylum seekers) phải đăng ký tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến, và quốc gia này sẽ chịu trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu xin tị nạn.

Điều luật Dublin thực tế không công bằng, vì các nước ven biển và tiếp giáp với các quốc gia đang gặp chiến tranh như Ý, Hy Lạp sẽ phải tiếp nhận một lượng người xin tị nạn lớn hơn nhiều so với các nước sâu trong địa phận châu Âu.

Các hòn đảo của Hy Lạp trở thành nơi cập bến của hàng trăm người tị nạn mỗi ngày. Đức và Phần Lan đã quyết định vô hiệu hoá điều luật Dublin và tiếp nhận tất cả các đơn xin tị nạn với cam kết không gửi trả họ về quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến.

2. Tại sao người xin tị nạn lại muốn đến Đức để nộp đơn xin tị nạn?

Năm 2014, số lượng người được chấp nhận và chính thức trở thành người tị nạn (refugee) ở Đức là 48.000, Thuỵ Điển 33.000, Ý và Pháp 21.000, Anh 14.000 và Hà Lan 13.000. Sáu nước châu Âu này chiếm 81% tổng số người được chấp nhận tị nạn tại châu Âu. Với vị trí đầu bảng, dễ hiểu vì sao Đức là lựa chọn đầu tiên cho người xin tị nạn và họ sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, kể cả việc phải chấp nhận đi bộ đến Đức như những người đang bị cảnh sát Hungary từ chối cho lên tàu hiện nay.

Internet cũng khiến nguời xin tị nạn tiếp cận với các thông tin dễ dàng hơn để có thể quyết định đất nước nào có thể cứu giúp họ một cách tốt nhất. Hungary, Macedonia và Serbia có nền kinh tế khá yếu, Hy Lạp đang khủng hoảng. Các thông số khác cũng khá quan trọng như chất lượng của các trại tị nạn, số lượng các trại tị nạn không quá tải, thời gian chờ xét duyệt đơn, họ được tự do trong thời gian ở trại đến mức nào, ngôn ngữ mới họ cần phải học có khó không, họ có thể tìm được việc làm dễ dàng không? Người bản địa có thân thiện với dân tị nạn không…vv

Một đất nước mà Tổng Thống hùng hồn cho rằng họ không muốn có một cộng đồng Hồi giáo tồn tại, như người đứng đầu nhà nước Hungary tuyên bố, thì đương nhiên, khả năng được chấp nhận tị nạn, và sau đó có một cuộc sống yên ổn là rất mong manh.

3. Quá trình duyệt đơn xin tị nạn

Để được chấp nhận là người tị nạn (refugee), người xin tị nạn (asylum seekers) phải chứng minh được là họ đang bị truy sát, hoặc đang chạy trốn khỏi sự nguy hiểm, và nếu quay trở về sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trong quá trình chờ đợi xét duyệt có thể lên đến hàng tháng hoặc vài năm, người xin tị nạn được chăm sóc và có quyền đi làm sau thời gian 9 tháng.

Nếu đơn của người xin tị nạn bị bác bỏ, họ có quyền khiếu nại lên toà. 45% tổng số người xin tị nạn (xấp xỉ 104.000 người) tại châu Âu năm 2014 được chấp nhận là người tị nạn. Bên cạnh đó còn có 60.000 người được công nhận có quyền được bảo vệ (subsidiary protection status) và 20.000 được công nhận có quyền tạm trú với lý do nhân đạo (humanitarian reasons).

Sau khi bị từ chối tị nạn, người xin tị nạn phải rời khỏi đất nước. Nhiều chính phủ áp dụng chính sách ép buộc bay, trong đó có Anh Quốc.

4. Thế còn các nước khác thì sao?

Trong tổng số hơn 4 triệu người tị nạn từ Syria, 1,8 triệu người đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, 600.000 người đang ở Jordan, và 1 triệu nguời đang ở Lebanon. Ở Lebanon, cứ 4 người dân thì có một người Syria tị nạn.

Theo số liệu mới nhất của UNHCR, trong bảy tháng đầu năm 2015, có 126.232 người Syria xin tị nạn tại châu Âu, trong đó có 39.254 người tại Đức, 38.002 người tại Serbia và Kosovo, và 10.847 tại Hungary. Ngoài Syria, một số lượng lớn nguời tị nạn đến từ Afghanistan (77.731), Iraq (61.463), Albania (33.767), Eritrea (21.631), và Pakistan (17.021).

Số lượng người xin tị nạn tại châu Âu tính tới thời điểm này là 600.000 ngàn, nghe có vẻ nhiều, nhưng theo lời của ông Morgan Johanssonso, bộ trưởng bộ di cư của Thuỵ Điển, với dân số 500 triệu của châu Âu thì không là gì so với tỷ lệ tị nạn mà các nước như Thổ, Lebanon, và Jordan đang gánh chịu.

Tuy nhiên, số người xin tị nạn không tương thích với số người được chấp nhận tị nạn. Lược đồ dưới đây cho thấy Bỉ và Đan Mạch có xu hướng chấp nhận cao hơn một số nưốc như Hungary và Pháp. Điều này giải thích tại sao nhiều người xin tị nạn không muốn nộp đơn tại đây.

Cho tới nay, các nước láng giềng của Syria tại vùng Vịnh, dù rất giàu có nhưng vẫn kiên quyết đóng cửa với người tị nạn Syria. Dù người Syria có thể xin visa tại đây nhưng các nước này dường như đã thống nhất một điều luật bất thành văn là ngăn cản và gây khó dễ để dân Syria có thể đặt chân vào vùng Vịnh.

150905092902_migrants

5. Tại sao Đức lại tốt như thế?

Đức đang dẫn đầu bảng với ước tính sẽ tiếp nhận tới 1 triệu đơn xin tị nạn trong năm nay. Một cách nhìn những người tị nạn này là coi họ như 1 triệu người thất nghiệp, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hoá, thậm chí khủng hoảng tâm lý, và không có nhiều thế mạnh về tiềm năng kinh tế. Họ cần được nhanh chóng tìm việc làm nhưng rất có khả năng là những kỹ năng họ có không hoàn toàn tương thích với yêu cầu của thị trường lao động tại Đức.

Vậy tại sao Đức lại khoan dung như thế?

Một giả thuyết được nêu ra là người Đức đang coi đây là dịp để giải thoát chính bản thân mình khỏi sự ám ảnh kinh hoàng của cuộc diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc xã gây ra. Người Syria là dân Do Thái của người Đức hiện đại, và họ sẽ cứu rỗi nguời Syria khỏi thảm hoạ tại Trung Đông.

Về khía cạnh kinh tế, từ giữa những năm 1960, Đức đã luôn là một nền kinh tế nhập cư với hơn 1 triệu người lao động nước ngoài. Hiện nay, Đức là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, nhưng vẫn liên tục cần nguồn lao động. Tính đến tháng 7 năm 2015, Đức còn tới 589.000 vị trí lao động chưa được đáp ứng.

6. Tại sao các nước khác không mặn mà với dân tị nạn?

Ngoài những lý do như đã kể ở trên, nhiều quốc gia tiếp tục đóng cửa với dân tị nạn là do hệ quả của sự kỳ thị dân Hồi giáo. Lý do quan trọng nhất mà chính quyền các nước này đưa ra là mối lo sợ các phần tử cực đoan và khủng bố sẽ trà trộn vào với dân tị nạn và gây hoạ cho đất nước sau này. Một vài nguồn tin cũng khuyến cáo rằng IS có cài người vào dòng dân tị nạn.

7. Đâu là giải pháp?

Hiển nhiên rằng việc chấp nhận người xin tị nạn dù nhiều đến đâu cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Không một quốc gia hay một liên minh kinh tế nào đủ mạnh để chấp nhận tất cả số người xin tị nạn từ Trung Đông và châu Phi.

Mặt khác, điều đó thậm chí còn có thể đóng vai trò gián tiếp thúc đẩy việc gia tăng con số 30.000 thương lái đưa người vượt biên, rất nhiều trong số họ chỉ tìm cách moi tiền, vô trách nhiệm, và bỏ mặc người xin tị nạn giữa đường hoặc trong cơn hoạn nạn như trường hợp chủ thuyền nơi bố mẹ cậu bé 3 tuổi bị chết đuối dạt vào bờ cát.

Việc phân chia người xin tị nạn thành hai nhóm: người xin tị nạn chiến tranh, và nguời xin tị nạn kinh tế, cũng là một điều khó khăn. Thêm vào đó, chính quyền nào cũng lo ngại về lời tuyên bố của IS trong việc cài các chiến binh thánh chiến vào dòng nguời nhập cư.

Những gì mà chính quyền châu Âu cần phải làm ngay bây giờ là sửa lại điều luật Dublin, đưa ra các hạn ngạch về số lượng người có thể xin tị nạn cao hơn cho các nước thành viên dựa trên thu nhập bình quân, tỉ lệ thất nghiệp, dân số…vv.

Châu Âu cũng cần kêu gọi các nước khác góp tay giải quyết cơn khủng hoảng, trong đó có các nước phát triển ở phía Đông như Úc, New Zealand, và các nước châu Á khác, đặc biệt là các nước Hồi giáo như Brunei và Malaysia.

Tuy nhiên giải pháp tối ưu nhất, bền vững nhất, theo như lời một cậu bé Syria 13 tuổi thổn thức chia sẻ tại sân ga Budapest khi cậu và hàng trăm người xin tị nạn bị cảnh sát Hungarry chặn lại trên chuyến tàu sang Đức: “Hãy chấm dứt cuộc chiến ở Syria”.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, TS. Nguyễn Phương Mai, hiện đang giảng dạy môn Trung Đông Học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là tác giả cuốn Con Đường Hồi Giáo viết về 12 quốc gia Trung Đông thời hậu Mùa Xuân Ả Rập.

Nguồn: BBC Việt ngữ