Kinh Thánh nói gì về vấn đề di cư và tị nạn?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Joel Baden | Biên dịch: Nghiêm Anh Thảo

Nhằm hồi đáp lại sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump, nhà truyền giáo Franklin Graham đã nêu quan điểm: tị nạn vốn không phải là mối quan tâm của Kinh Thánh (“not a Bible issue!”) Tuy nhiên, nhận định đó có chính xác hay không?

Thật ra, cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đều đề cập rất rõ ràng và đồng nhất về thái độ và cách hành xử đối với người ngoại xứ. Bắt nguồn từ những mẩu chuyện lịch sử, những điều khoản luật pháp, đến văn thơ, ngụ ngôn, lời tiên tri, Kinh Thánh đều nhất quán khẳng định rằng người bản xứ có nhiệm vụ phải tôn trọng, quan tâm, và bảo vệ khách ngoại kiều, hay người lạ đến trong xứ mình.

Cả Kinh Thánh là một bản tường thuật về hành trình của những người di cư xa xứ. Sách Sáng Thế Ký mở đầu với cuộc hành trình của Áp-ra-ham, “ông tổ đức tin,” khi rời bỏ quê cha đất tổ Ur để đi đến Ca-na-an, vùng đất được Chúa Trời hứa ban cho mình. Sách Sáng Thế Ký tiếp tục với những câu chuyện khi gia đình Áp-ra-ham đến vùng đất hứa, nơi lúc này đã có dân bản xứ đang sinh sống, và cách ông và gia đình được chấp nhận và đón tiếp vào cư ngụ ở giữa họ.

Câu chuyện Xuất Ê-díp-tô ký một lần nữa khẳng định cuộc sống của dân Israel trong xứ lạ Ai Cập. Cách hành xử tàn nhẫn của Pha-ra-ôn đối với dân Israel cũng xuất phát từ một luận điệu khá quen thuộc: “Nầy, dân Y-sơ-ra-ên đông và mạnh hơn chúng ta. Ta hãy dùng mưu chước khôn ngoan đối cùng họ, kẻo họ thêm nhiều lên, một mai nếu có cơn chinh chiến xảy đến, họ sẽ hiệp cùng quân nghịch đánh lại ta, và ra khỏi xứ chăng.” (Xuất 1:9-10) Rõ ràng chính sách cai trị của vị Pha-ra-ôn này dựa trên nỗi sợ hãi và sự dè chừng. Khi rời khỏi Ai Cập, dân Israel đã tiếp tục không ít lần bị dân các xứ khác từ chối cho quá cảnh qua đất của mình, chỉ vì nỗi sợ hãi mông lung về mối an nguy của bản thân họ.

Các điều luật trong bộ sách Ngũ Kinh đều hoàn toàn đồng nhất với nhau về cách dân Israel phải đối xử với những người khách lạ đến ở giữa mình: “Khi kẻ khách nào kiều ngụ trong xứ các ngươi, thì chớ hà hiếp người. Kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh đẻ giữa các ngươi; hãy thương yêu người như mình, vì các ngươi đã làm khách kiều ngụ trong xứ Ai Cập: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi.” (Lê-vi Ký 19:33-34)

Sách tiên tri Ê-sai cũng nêu rõ ràng ý muốn của Đức Chúa Trời đối với cách dân Israel đối xử với người ngoại bang tìm kiếm sự giúp đỡ: “Hãy che giấu kẻ bị đuổi; chớ bươi móc kẻ trốn tránh! Hãy cho phép những kẻ bị đuổi của ta trú ngụ nơi ngươi! Hãy làm nơi ẩn náu cho Mô-áp khỏi mặt kẻ tàn hại!” (Ê-sai 16:3-4)

Có lẽ minh hoạ rõ ràng và hùng hồn nhất về vấn đề này trong Kinh Thánh Cựu Ước là sách Ru-tơ. Ru-tơ kể lại câu chuyện của một người phụ nữ ngoại bang đến cư ngụ trên đất Israel, làm lụng nơi đồng ruộng để hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và chính người phụ nữ ngoại bang này, một người nhập cư tìm kiếm chốn an bình, bằng sự tận tuỵ và long trung tín, đã trở thành tổ phụ của vua David lừng lẫy, và sau đó Chúa Jesus đã đến trong dòng dõi của bà.

Kinh Thánh Tân Ước cũng mở đầu bằng câu chuyện cả gia đình hài nhi Jesus phải chạy tị nạn vì lệnh truy cùng diệt tận của vua Hê-rốt. Xoá bỏ những lằn ranh ngăn trở, phá đổ những bức tường chia cách cũng chính là sứ mạng của Chúa Jesus khi đến trên đất: “Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi. Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức thường ngăn cách… Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 2:14, 15, 19) Xuyên suốt các sách Tân Ước, lời răn dạy này cũng không ngừng được nhấn mạnh: “Chớ quên lòng hiếu khách đối với người lạ; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết.” (Hê-bơ-rơ 13:2)

Quan tâm và chăm sóc kẻ yếu thế không chỉ là việc Kinh Thánh khuyên chúng ta nên làm, mà đó là bản tính của chính Chúa Trời: “[Ngài] bào chữa công bình cho kẻ mồ côi và người góa bụa, thương người khách lạ, ban đồ ăn và áo xống cho người.” Vì lẽ đó, Cơ Đốc nhân cần nghe rõ và thực hành lời dạy dỗ này trong chính bối cảnh thực tế xung quanh mình hiện nay: “Vậy, các ngươi phải thương người khách lạ, vì các ngươi đã làm khách trong xứ Ê-díp-tô.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:18-19)

Thần học Tân Ước cũng hé lộ bức tranh về lai thế, một thiên đường tương lai được hứa trước và chuẩn bị sẵn. Theo đó, tất cả chúng ta đều là “kẻ tạm trú” hay “khách bộ hành” qua thế giới tạm bợ này, nên thật không khó để Cơ Đốc nhân định vị mình với danh tính của những người tị nạn, những kẻ rời bỏ thực trạng bất ổn để hướng về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn. Có lẽ không phân đoạn nào trong Tân Ước làm sáng rõ vấn đề này hơn khung cảnh Ngày Phán Xét được miêu tả trong Ma-thi-ơ 25. Lúc này Chúa Jesus sẽ phân chia người công bình và kẻ ác tuỳ theo cách họ đã đối xử với Ngài. Theo đó, người công bình sẽ được ban thưởng bởi lẽ: “Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta.” (Ma-thi-ơ 25:35) Trong khi đó, kẻ ác sẽ bị rủa sả vì khi “…ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước.” (Mat 25:43) Và khi họ chất vấn rằng, thưa Chúa, chúng tôi đã làm những việc này cho Ngài khi nào, họ sẽ nhận được câu trả lời: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy.” (Mat 25:40)

Nhiều Cơ Đốc nhân hiện nay kiên quyết khẳng định rằng vấn đề di cư và tị nạn chả liên quan gì đến tôi cả, hay tôi chẳng cần phải quan tâm, vì trong Kinh Thánh có đề cập đâu?! Qua bài viết này, tôi khẩn thiết mời các bạn nên cân nhắc lại quan điểm của mình. Nếu chúng ta đồng lòng tuyên xưng rằng, Kinh Thánh là lời sống và linh nghiệm, thì tôi tin rằng những lời dạy từ hàng ngàn năm trước, vẫn có giá trị hùng hồn và mạnh mẽ trên đời sống của mỗi một chúng ta trong giai đoạn hiện nay, trong một thế giới đầy sóng gió và biến động.

Nghiêm Anh Thảo dịch và biên soạn từ bài giảng của giáo sư Joel Baden, trường Thần học Đại học Yale, tháng 2/2017.

Tranh tiêu đề: Abraham’s Journey of Faith (Jozsef Molnar)

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]