13/09/1940: Ý xâm lược Ai Cập

italienische_Panzer_M13-40

Nguồn:Italy invades Egypt”, History.com, truy cập 13/09/2015.

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1940, các lực lượng của Mussolini cuối cùng đã vượt qua biên giới Libya tiến sang Ai Cập, giành được cái mà Mussolini gọi là “vinh quang” mà nước Ý đã tìm kiếm trong ba thế kỷ.

Ý đã chiếm đóng Libya từ năm 1912, một sự “bành trướng” kinh tế thuần túy. Năm 1935, Mussolini đã bắt đầu gửi hàng vạn người Ý sang Libya, chủ yếu là nông dân và lao động nông thôn, một phần để làm giảm sự lo lắng về quá tải dân số ở Ý. Vì vậy, cho tới lúc bùng nổ Thế chiến II, Ý đã có sự hiện diện lâu dài tại Bắc Phi, và Mussolini bắt đầu mơ tưởng về việc mở rộng sự hiện diện đó – luôn luôn hướng tới các vùng lãnh thổ mà Đế chế La Mã xưa kia từng có trong các cuộc chinh phạt của mình. Đứng đầu trong số những nước này là Ai Cập.

Nhưng theo một hiệp ước năm 1936, quân đội Anh đã đóng ở Ai Cập để bảo vệ Kênh đào Suez và các căn cứ Hải quân Hoàng gia tại Alexandria và Cảng Said. Hitler đã mở lời hỗ trợ Mussolini tiến hành xâm lược, đồng ý gửi quân Đức đến để giúp chống lại sự phản công của quân Anh. Nhưng Mussolini từng bị từ chối khi đề nghị hỗ trợ Đức trong chiến dịch không kích nước Anh, nên giờ lấy lý do tự hào dân tộc, Ý sẽ tự tạo ra một khu vực ảnh hưởng ở Địa Trung Hải cho riêng mình, nếu không có nguy cơ trở thành một đối tác “đàn em” của nước Đức.

Khi chiến dịch không kích nước Anh bắt đầu và việc Đức xâm lược Anh “sắp xảy ra” (ít nhất theo suy đoán của Ý), Mussolini tin rằng quân đội Anh ở Ai Cập đang ở thế yếu và thông báo cho các tướng lĩnh về kế hoạch tiến quân vào Ai Cập. Tướng Rodolfo Graziani, thống đốc của Ý tại Ethiopia, không đồng ý, tin rằng các lực lượng của Ý tại Libya không đủ mạnh để phát động một cuộc tấn công vượt qua sa mạc. Graziani cũng nhắc nhở Mussolini rằng các tuyên bố của Ý về ưu thế không quân ở Địa Trung Hải chỉ là tuyên truyền.

Nhưng Mussolini, vốn là một nhà độc tài thực sự, đã bỏ qua những lời phản đối và ra lệnh cho Graziani tiến vào Ai Cập – một quyết định chứng minh câu ngạn ngữ “chiến tranh là quá quan trọng, không thể để cho các vị tướng toàn quyền quyết định” là sai (do quân Ý cuối cùng đã thất bại).

Hình: Xe tăng Fiat M13/40 của Ý tiến vào Ai Cập tháng 10 năm 1940. Nguồn: Wikipedia.