26/09/1989: Xô viết Tối cao thông qua luật chống kiểm duyệt

Boris-Pasternak-1

Nguồn:Anti-censorship law approved by Soviet legislature,” History.com (truy cập ngày 25/9/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1989, trong một trong những dấu hiệu phấn khởi nhất cho thấy lời hứa của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev về sự cởi mở chính trị ở nước Nga đang trở thành hiện thực, các ủy ban của Xô viết Tối cao đã thông qua một dự luật cho phép xuất bản sách, báo, và tạp chí mà không cần sự phê duyệt của chính phủ. Đạo luật này là một lời cự tuyệt đối với quá khứ Xô viết, quãng thời gian mà sự kiểm duyệt của chính phủ đối với báo chí là một thực tế của cuộc sống.

Trong suốt thời kỳ hậu Thế chiến II, kiểm duyệt ở Liên Xô trở nên chặt chẽ hơn cả những năm trước chiến tranh. Dưới vỏ bọc là để “bảo vệ” công dân Liên Xô khỏi những lý tưởng phương Tây “suy đồi” và những tư tưởng “phản động,” chính phủ Liên Xô thường xuyên kiểm duyệt báo chí. Báo chí chỉ đơn thuần là một cơ quan của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sách và tạp chí phải được phê duyệt trước khi xuất bản. Các tác giả như Boris Pasternak, có tác phẩm Bác sĩ Zhivago bị cấm từ năm 1956, sẽ không thể xuất bản sách ở Liên Xô. Nền kiểm duyệt còn mở rộng sang cả các lĩnh vực nghệ thuật và âm nhạc.

Tuy nhiên, đến năm 1985, Mikhail Gorbachev lên nắm quyền ở Liên Xô, hứa hẹn cái mà ông gọi là “glasnost” – một bầu không khí chính trị tự do hơn cho Liên Xô. Trong những năm sau đó, ông bắt đầu phóng thích tù nhân chính trị và thậm chí còn cho phép Pasternak được kết nạp lại vào Hội nhà văn Liên Xô dù ông đã mất. Tháng 9 năm 1989, một bước tiến đặc biệt quan trọng đã được thực hiện để hạn chế quyền lực kiểm duyệt của chính phủ. Các ủy ban quan trọng của Xô viết Tối cao đã thông qua một đạo luật mới mà ít lâu sau cũng được Gorbachev phê chuẩn.

Đạo luật này cho phép công dân Xô viết được xuất bản sách, báo, tạp chí mà không cần sự phê duyệt của chính phủ. Một số hạn chế vẫn còn tồn tại – các nhà xuất bản phải đăng ký hoạt động với chính phủ, và các ấn phẩm của họ có thể bị đình bản nếu chúng bị cho là “cổ động chiến tranh hay phân biệt chủng tộc, ủng hộ bất khoan dung dân tộc hay tôn giáo, hoặc kêu gọi lật đổ hoặc thay đổi nhà nước và trật tự công cộng hiện tại bằng bạo lực.”

Bất chấp những hạn chế này, đạo luật chống kiểm duyệt 1989 là minh chứng cho thấy Gorbachev sẽ hoàn thành lới hứa của ông để mở cửa hệ thống chính trị Xô viết. Giới nhà báo và văn sĩ Liên Xô đón mừng động thái này, nhưng những cải cách của Gorbachev đối với chế độ của Liên Xô có thể là quá ít và quá muộn. Hơn hai năm sau đó, những bất ổn kinh tế và chính trị ở Liên Xô đã phá hủy nền tảng quyền lực của ông. Tháng 12 năm 1991, Gorbachev từ chức tổng thống, Liên Xô tan rã.

Ảnh: Nhà văn Liên Xô Boris Pasternak (1890-1960) đoạt giải Nobel Văn học năm 1958. Các tác phẩm của ông từng bị cấm in ở Liên Xô trong một thời gian dài vì nền kiểm duyệt của chế độ.