Nguồn: Lee Jong-Wha, “Containing China’s Slowdown”, Project Syndicate, 23/09/2015
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Các chuyên gia thường thích tranh luận về những viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, và hiện nay phe bi quan đang chiếm ưu thế. Dù Trung Quốc có một mẫu hình tăng trưởng kinh tế riêng biệt trong suốt ba thập kỷ qua nhưng rất nhiều người vẫn xây dựng dự đoán của mình dựa trên những bài học của các nền kinh tế khác. Vì thế, liệu viễn cảnh kinh tế Trung Quốc có thực sự tồi tệ như lời dự đoán của phe áp đảo không? Và, nếu sự thực đúng là như vậy thì làm thế nào để có thể cải thiện tình hình?
Tình trạng của Trung Quốc hiện khá nghiêm trọng. Nền kinh tế này tăng trưởng ở mức 7,4% trong năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 1990; và nó sẽ khó có thể đạt được mục tiêu chính thức là 7% trong năm nay, và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nền kinh tế này có khả năng sẽ chỉ tăng trưởng được khoảng 6,3% vào năm 2016. Rõ ràng là hoạt động nội địa yếu kém và nhu cầu giảm dần từ bên ngoài đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Trung Quốc cũng đang đánh mất động lực tăng trưởng về dài hạn khi tỷ lệ sinh sản và tỷ lệ hoàn vốn đầu tư giảm dần khiến việc mở rộng lực lượng lao động và tích lũy vốn bị suy yếu. Và Trung Quốc ngày càng khó có thể tận dụng được lợi thế từ việc tăng năng suất nhờ khoa học kỹ thuật.
Tất cả những thách thức này đã khiến nguyên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Lawrence Summers và cộng sự tại trường Đại học Havard là Lant Pritchett đưa ra quan điểm rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể chậm lại còn 2-4% trong hai thập niên tới, khi mà nước này phải tuân theo mô hình tăng trưởng phổ biến trong lịch sử theo hướng “dần giảm xuống trung bình” (regression to the mean). Nhưng do mẫu hình tăng trưởng mang tính ngoại lệ của Trung Quốc từ trước đến nay thì nhận định cho rằng nó sẽ đột ngột chuyển hướng và đi theo một quỹ đạo phổ biến dường như khó có thể xảy ra.
Một nhận định còn nhiều khiếm khuyết khác đến từ Justin Lin, nguyên Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Ông Lin cho rằng Trung Quốc có thể đạt tăng trưởng hàng năm ở mức 8% trong hai thập niên nữa do có nhiều lợi thế, một trong số đó là “lợi thế của nước đi sau” vốn đã giúp Trung Quốc tăng năng suất nhanh chóng nhờ bắt kịp công nghệ với Hoa Kỳ. Nhưng quan điểm này không thỏa mãn được thuyết tăng trưởng chuẩn về “hội tụ có điều kiện”: chỉ những nền kinh tế có các đặc điểm cấu trúc tương đồng, như kỹ năng lao động và chất lượng thể chế, mới có thể đồng quy về các mức thu nhập bình quân đầu người.
Với những lý do trên, tôi chọn một quan điểm trung hòa hơn, dự đoán rằng tăng trưởng GDP tiềm năng bình quân của Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng 5 – 6% cho tới năm 2030. Dự đoán tăng trưởng này được đưa ra dựa trên mô hình hội tụ có điều kiện hình thành từ chính các số liệu tạo ra bởi kinh nghiệm tăng trưởng độc đáo của Trung Quốc cũng như của những nền kinh tế khác trong ba thập kỷ qua.
Không giống với Lin, tôi tin rằng sự giảm tốc không thể tránh được của nền kinh tế Trung Quốc sẽ diễn ra. Nhưng, cũng không giống như Summers, tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ nghiêm trọng. Điểm mấu chốt của viễn cảnh này là các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đưa được nền kinh tế của họ tới một con đường tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn dựa trên những kỳ vọng thực tế. Họ không được phép mắc lỗi khi xử lý những thách thức không thể tránh được trong tương lai, ví dụ như những khó khăn bắt nguồn từ các yếu kém về thể chế trong nước, bất ổn chính trị và các cú sốc từ bên ngoài.
Bước đầu tiên trong bất kỳ chiến thuật có hiệu quả nào là cần phải nhận ra rằng trong một nền kinh tế lớn và khó dự đoán như vậy, chính phủ không thể dựa vào biện pháp can thiệp trực tiếp hay các chính sách kinh tế vĩ mô. Thay vì vậy, chính phủ cần phải thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy năng suất và chống lại những áp lực kéo tăng trưởng đi xuống.
Các cải cách ở những thị trường yếu tố sản xuất – như lao động, đất đai và tài chính – là tối cần thiết. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nâng cao tính linh hoạt của thị trường lao động và tính lưu động của người lao động; làm cho việc sử dụng đất, mua bán và đền bù đất hiệu quả hơn; và xây dựng một hệ thống tài chính dựa trên thị trường nhiều hơn.
Hiện tại, hệ thống tài chính của Trung Quốc bị điều tiết quá nhiều và bị thống trị bởi các ngân hàng, trong số đó rất nhiều ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Để thay đổi điều này, chính phủ cần phải đẩy mạnh phân bổ tín dụng theo cơ chế thị trường. Trung Quốc cần một nền tài chính linh hoạt và hiệu quả, được nâng đỡ bởi một thị trường vốn được giám sát và điều hành sát sao, nhằm tránh các bong bóng tài sản và hỗ trợ những công ty có hiệu suất và khả năng sáng tạo cao.
Tương tự như vậy, các chính sách đề cao sáng tạo khoa học kỹ thuật và cải tiến ngành nghề thường xuyên có thể góp phần tăng năng suất. Và các biện pháp nâng cao năng lực nghiên cứu trong nước – ví dụ như củng cố bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ – có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Cải cách khu vực quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc cũng sẽ làm tăng mạnh năng suất. Các cải cách doanh nghiệp nhà nước (SOE) được tuyên bố gần đây là một bước đi đầy hứa hẹn. Bên cạnh thúc đẩy đa chủ sở hữu các nguồn vốn bao gồm cả vốn tư nhân, tăng cường quản trị doanh nghiệp và hỗ trợ các hoạt động thương mại, những cải cách này còn hứa hẹn sẽ mở cửa các lĩnh vực về năng lượng, tài nguyên và viễn thông cho các nhà đầu tư ngoài quốc doanh. Đợt cải tổ doanh nghiệp nhà nước mới nhất này cần phải được theo đuổi một cách lâu dài.
Những nỗ lực kể trên nhằm tăng năng suất càng trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc chuyển hướng từ tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư sang mô hình tăng trưởng bền vững hơn dựa vào tiêu thụ nội địa và dịch vụ. Tái phân bổ các nguồn lực từ các ngành công nghiệp có định hướng xuất khẩu sang các hoạt động dịch vụ có thể gây ra sự sụt giảm năng suất khó có thể đảo chiều. Tương tự như vậy, trong khi các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng lương sẽ khiến thu nhập hộ và và tiêu thụ nội địa tăng lên thì nó cũng có thể gây xói mòn tính cạnh tranh xuất khẩu của nước này và làm giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do nếu chỉ dùng riêng các chính sách tái cân bằng thì Trung Quốc sẽ khó có khả năng nâng tăng trưởng sản lượng bình quân lên đáng kể; vì thế, tăng cường năng suất chính là mấu chốt để có được sự thịnh vượng cho Trung Quốc trong dài hạn.
Miếng ghép cuối cùng cho bức tranh Trung Quốc chính là một nhãn quan thực tế. Hiện tại, chính phủ Trung Quốc muốn duy trì tăng trưởng ở một mức tạm chấp nhận được là khoảng 7%/năm song song với việc theo đuổi tái cân bằng và cải cách. Rủi ro ở cách tiếp cận này là trước khi các biện pháp cải cách có hiệu quả, chính quyền có thể dựa quá nhiều vào các gói kích thích ngắn hạn để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và làm trầm trọng thêm sự phân bố lệch lạc các nguồn lực cũng như các điểm yếu về mặt cấu trúc. Nếu xét đến tổng nợ của Trung Quốc năm ngoái chạm ngưỡng 282% GDP – vượt trên cả mức nợ của Mỹ – thì việc cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân vay một cách bất cẩn thông qua các hoạt động ngân hàng ngầm (shadow banking) sẽ khiến nền kinh tế phải đối mặt với rủi ro ngày càng lớn về một cuộc khủng hoảng tài chính.
Để tránh kết cục đó, Trung Quốc nên giảm mục tiêu tăng trưởng xuống còn khoảng 6% trong những năm tới. Như vậy, đất nước này sẽ vẫn có thể theo đuổi những cải cách tận gốc cần thiết để đưa nền kinh tế đi theo hướng tăng trưởng dài hạn cân bằng và bền vững hơn.
Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Korea, là Chuyên gia Kinh tế Trưởng kiêm Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế Vùng, Ngân hàng Phát triển châu Á, và là cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Containing China’s Slowdown
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]