Nguồn: “U.S. takes possession of Alaska,” History.com (truy cập ngày 17/10/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1867, Mỹ chính thức sở hữu Alaska sau khi mua lại vùng lãnh thổ này từ Đế quốc Nga với giá 7,2 triệu USD (tương đương 120 triệu USD năm 2015), tức là chưa đến 4,74 USD một kilômét vuông. Vùng lãnh thổ Alaska rộng 1.518.800 kilômét vuông, gấp đôi diện tích bang Texas, và được mua với sự ủng hộ của William Henry Seward, vị ngoại trưởng đầy tham vọng bành trướng của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Andrew Johnson.
Trước đó, Nga đang muốn bán vùng lãnh thổ Alaska – vốn nằm ở vị trí biệt lập, dân cư thưa thớt, và khó phòng thủ – cho Hoa Kỳ hơn là có nguy cơ đánh mất nó trong một trận chiến với một đối thủ như Đế quốc Anh. Các cuộc đàm phán giữa Seward và Công sứ Nga tại Mỹ là Eduard de Stoeckl bắt đầu từ tháng 3 năm 1867. Tuy nhiên, dân chúng Mỹ lại tin vùng đất này là cằn cỗi và vô dụng, và họ gọi vụ mua bán này là “Sự điên rồ của Seward” và “Khu vườn gấu bắc cực của Andrew Johnson,” cùng nhiều cái tên nhạo báng khác.
Một số thái độ thù địch đối với dự án mua đất này có thể là do sự mất lòng dân của Tổng thống Johnson. Là tổng thống thứ 17 của Hoa Kỳ, Johnson đã đối đầu với Đảng Cộng hòa Cấp tiến trong Quốc hội về những chính sách tái thiết sau Nội chiến Mỹ. Ông bị luận tội năm 1868 và sau đó được tha bổng vì thiếu một phiếu thuận (có 35 thượng nghị sĩ bỏ phiếu luận tội và 19 bỏ phiếu chống, thiếu một phiếu duy nhất để đủ đa số hai phần ba). Tuy nhiên, Quốc hội cuối cùng cũng phê chuẩn thương vụ Alaska.
Dư luận bắt đầu chuyển sang hướng ủng hộ hơn khi người ta tìm thấy vàng trên một nhánh sông Klondike của Alaska vào năm 1896, làm dấy lên một cơn sốt vàng. Alaska trở thành tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ vào ngày mùng 3 tháng 1 năm 1959, và hiện được ghi nhận là có nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Ngày nay, 25% dầu lửa và hơn 50% hải sản của Mỹ đến từ Alaska.
Alaska cũng là tiểu bang lớn nhất trong khu vực, bằng khoảng một phần năm diện tích của 48 tiểu bang trước đó cộng lại, cho dù vẫn còn thưa thớt dân cư. Cái tên Alaska có nguồn gốc từ chữ alyaska trong tiếng Aleut, có nghĩa là vùng đất rộng lớn. Alaska có hai ngày lễ nhà nước chính thức để kỷ niệm nguồn gốc của nó: Ngày Seward, được tổ chức vào ngày thứ hai cuối cùng của tháng 3, kỷ niệm ngày 30 tháng 3 năm 1867, khi hiệp ước mua bán đất giữa Mỹ và Nga được ký; và Ngày Alaska, được tổ chức vào ngày 18 tháng 10 hàng năm, kỷ niệm ngày chính thức chuyển giao quyền sở hữu vùng lãnh thổ này.
Ảnh: Lễ ký hiệp ước chuyển nhượng vùng lãnh thổ Alaska cho Hoa Kỳ ngày 30 tháng 3 năm 1867. Từ trái sang: Robert S. Chew, Ngoại trưởng Mỹ William H. Seward, William Hunter, Mr. Bodisco, Công sứ Nga de Stoeckl, Charles Sumner, và Fredrick W. Seward. Nguồn: Alaska Library.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]