Cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và tỷ phú Lý Gia Thành

sirkashingli

Nguồn: Sin-ming Shaw, “Beijing versus the billionaire”, Project Syndicate, 07/10/2015.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Giữa chính phủ Trung Quốc và người giàu nhất Hồng Kông được nhiều người mến mộ Lý Gia Thành (Li Ka-shing) đang diễn ra một cuộc cãi vã kịch liệt ngày càng trông giống một cuộc ly hôn cay đắng được phơi bày trên các báo lá cải. Thật vậy, truyền thông Trung Quốc gần đây đã đả kích không thương tiếc ông Lý. “Tội danh” của ông Lý ư? Mua rẻ ở châu Âu và bán đắt ở Trung Quốc, nghĩa là vì ông Lý hành động như một nhà đầu tư.

Việc kích hoạt cho làn sóng khinh miệt ông Lý ở Trung Quốc là do ông bán tháo các tài sản quan trọng ở Thượng Hải sau khi chuyển nơi đăng ký doanh nghiệp của mình từ Hồng Kông sang quần đảo Cayman. Đây là một quyết định kinh doanh hoàn toàn thực tế và hợp lý nhằm giảm thiểu nghĩa vụ thuế. Thật vậy, khoảng 70% các công ty niêm yết tại Hồng Kông có đăng ký doanh nghiệp tại vùng Caribê, và thậm chí một số công ty lớn của đại lục, bao gồm cả người khổng lồ Internet Alibaba, đã đăng ký trụ sở tại các thiên đường thuế ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong câu chuyện đầy tính trẻ con của truyền thông Trung Quốc, động thái này cho thấy ông Lý “vô ơn” và “không yêu nước”. Ông đang “bỏ rơi” Trung Quốc, nơi mà theo truyền thông khẳng định là đã tạo điều kiện để ông từ nghèo rớt mồng tơi vươn lên trở thành một trong những người giàu nhất thế giới – trong lúc đất nước này đang cần ông nhất.

Đánh giá vô lý này đã bỏ qua một thực tế rằng ông Lý đã là một trong những người giàu nhất thế giới trước khi ông đầu tư vào Trung Quốc. Có lẽ quan trọng hơn, nó không nhận ra rằng tài sản đất đai của ông Lý tại Trung Quốc vẫn còn hơn 20 triệu mét vuông – gần bằng một phần tư diện tích của Manhattan – và rằng số lượng các trung tâm bán lẻ mà ông sở hữu ở Trung Quốc đã tăng 70% trong hai năm qua.

Tuy nhiên, những thực tế này cũng chẳng liên quan. Đây là một vấn đề chính trị. Khi Trung Quốc nỗ lực siết chặt sự kiểm soát của nước này đối với Hồng Kông, ông Lý đang thể hiện sự độc lập, và các nhà cầm quyền mới của Trung Quốc – những người, đúng theo nguồn gốc cộng sản của họ, tin tưởng vững chắc vào sự kiểm soát từ trên xuống – không thích điều đó một chút nào.

Cuộc tranh cãi đang diễn ra đại diện cho một sự chuyển đổi đáng kể trong mối quan hệ giữa ông Lý với Chính phủ Trung Quốc. Nguyên là cố vấn cho Đặng Tiểu Bình và là bạn tri kỷ của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân (người có sức ảnh hưởng chính trị hiện đang suy giảm), ông Lý là một trong những người đầu tiên đầu tư vào Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Từ lâu, ông đã phát biểu phương châm “Tôi không làm bất cứ thứ gì đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, và tôi không nói bất cứ điều gì có thể làm tổn hại danh tiếng của Trung Quốc”.

Điều đó đã thay đổi vào năm 2012 khi ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) được bổ nhiệm làm Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông. Sự lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc cho vị trí này, ông Đường Anh Niên (Henry Tang) đã bị ép rút lui bởi những hành động vô ý cá nhân và một nỗ lực đáng hổ thẹn nhằm khiến vợ ông phải gánh trách nhiệm cho việc vi phạm một quy định về xây dựng.[1]

Ông Lương trở thành người đại diện cho chính phủ Trung Quốc ở Hồng Kông, chịu trách nhiệm tiến hành các mệnh lệnh của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm việc giữ một lập trường không khoan nhượng chống lại các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của sinh viên và trí thức. Quả thật, ngay cả khi các chính sách của Trung Quốc ở Hồng Kông trở nên ngày càng cứng rắn, ông Lương vẫn chứng minh bản thân ông hoàn toàn trung thành với các nhà cầm quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Lý luôn ủng hộ Đường Anh Niên. Đặc biệt vấn đề nằm ở chỗ, đôi khi ông công khai phản đối nhiều chính sách sai lầm của ông Lương. Như bất cứ sinh viên nào của Trung Quốc đại lục đều biết, những biểu hiện của sự bất đồng chính kiến, dù ở mức độ nhẹ nhất, cũng đều có thể có hậu quả nặng nề. Không có chuyện “đồng ý là có sự bất đồng” ở Trung Quốc; một khi các nhà lãnh đạo đã nói thì sẽ chỉ còn cách “tuân lệnh”.

Trong trường hợp của ông Lý, các yếu tố bị ảnh hưởng là rất lớn. Không giống như hầu hết các nhà tài phiệt của Hồng Kông, những người được coi là quá chú trọng vào thủ đoạn chính trị, ông Lý được xem là một người có lương tâm và do đó xứng đáng nhận được nhiều sự tôn trọng. Thậm chí ông còn được đặt một biệt danh đầy trìu mến là “Siêu nhân”.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà cầm quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh các chính sách thất bại tiềm tàng thông qua ông Lương nhằm “phi thực dân hóa” Hồng Kông, theo cách nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ, các quan chức mới đây tuyên bố rằng, sự độc lập tư pháp và tam quyền phân lập là di sản “thực dân” cần phải loại bỏ, với việc Chính phủ Trung Quốc và Trưởng đặc khu hành chính của Hồng Kông, chứ không phải các tòa án địa phương, là người quyết định tất cả mọi việc. Trong thời điểm chuyển giao này, sự bất đồng chính kiến ​​từ những người có địa vị như ông Lý chính là những tác nhân gây bất ổn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ. Vì vậy, ông Lý phải bị “giải thiêng”.

Những vụ tấn công của Trung Quốc đã buộc ông Lý sau gần ba tuần im hơi lặng tiếng phải làm những điều mà trước đây ông chưa từng làm: Tấn công trở lại. Không chỉ dẫn chứng rằng tất cả những cáo buộc về những dự tính nhằm bỏ rơi Trung Quốc của ông là sai lầm, ông còn công khai cáo buộc Trung Quốc sử dụng các chiến thuật từ thời Cách mạng Văn hóa vốn từng làm ông “run sợ” và “lạnh sống lưng”.

Ông Lý kết thúc tuyên bố của mình bằng một thông điệp được gửi gắm thông qua ba câu thơ của hai nhà thơ kinh điển thời Đường và Tống, rằng nhà của ông là nơi ông cảm thấy an toàn. Ẩn ý đối với bất cứ người Trung Quốc có học nào là rõ ràng: “Trung Quốc có thể là quốc gia của tổ tiên tôi, nhưng tôi là một con người tự do, sẽ tự do chọn nơi làm nhà của mình”.

Ông Lý, một người thích đọc lịch sử và văn học thế giới, rõ ràng đã không khắc cốt ghi tâm bài học mà rất nhiều người Trung Quốc đã học được, thông qua những bi kịch lớn của nhiều cá nhân kể từ năm 1949. Những giá trị cốt lõi của Chính phủ Trung Quốc không xuất phát từ sự văn minh nhân đạo của các bài thơ thời Đường hay Tống, mà bởi các phép biện chứng được bóp méo của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và truyền thống chuyên quyền phi luân lý của một đảng vẫn duy trì các thói quen cai trị thường hung hãn và bạo lực của mình.

Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát nhiều hơn đối với Hồng Kông, cảm giác lo sợ lạnh sống lưng chắc chắn sẽ trở thành đặc điểm chung đang gia tăng của cuộc sống ở đó.

Sin-ming Shaw, cựu nghiên cứu viên tại Đại học Oxford, hiện là học giả khách mời tại trường Đại học Michigan ở Ann Arbor.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Beijing versus the billionaire

—————

[1] Trong vụ này, ông Đường bị cáo buộc là đã cơi nới tầng hầm ngôi nhà của mình khi chưa có giấy phép của chính quyền (NBT).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]