Nguồn: Dani Rodrik, “The Mirage of Structural Reform”, Project Syndicate, 08/10/2015.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Mọi chương trình kinh tế áp đặt lên Hy Lạp bởi các chủ nợ của nước này kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2009 đều xoay quanh một sự tự phụ chính: rằng các cuộc tái cấu trúc, nếu được xây dựng táo bạo và thi hành đúng thời hạn, sẽ mang lại sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự đoán rằng việc thắt lưng buộc bụng về tài khóa sẽ gây thiệt hại về thu nhập và việc làm – dù họ đã đánh giá thấp hơn đáng kể mức độ thiệt hại mà nó gây ra. Tuy vậy họ lập luận rằng các cải cách theo hướng thị trường vốn bị trì hoãn từ lâu (và rất cần thiết) sẽ tạo ra tăng trưởng bù lại cho kinh tế Hy Lạp.
Bất cứ đánh giá nghiêm túc vào về các kết quả thực sự được tạo ra bởi các cuộc tái cấu trúc trên thế giới – đặc biệt là ở Mỹ Latinh và Đông Âu kể từ 1990- sẽ dội một gáo nước lạnh vào những kỳ vọng ấy. Trong kịch bản khả quan nhất, tư nhân hóa, phi điều tiết và tự do hóa về cơ bản sẽ tạo ra tăng trưởng trong dài hạn, nhưng đi kèm với những ảnh hưởng thường tiêu cực trong ngắn hạn.
Không phải là các chính phủ không thể nghĩ ra những cách tăng tốc tăng trưởng nhanh chóng. Thật ra, việc tăng tốc tăng trưởng như vậy khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, điều này là nhờ gỡ bỏ các rào cản một cách mang tính chọn lọc và có chủ đích hơn là tự do hóa tràn lan và nỗ lực cải cách toàn bộ nền kinh tế.
Học thuyết đứng sau các cuộc tái cấu trúc rất đơn giản: mở cửa nền kinh tế cho cạnh tranh sẽ tăng hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực. Mở cửa các ngành nghề bị điều tiết – ví dụ dược, công chứng và taxi – và các nhà cung cấp kém hiệu quả sẽ bị thay thế bởi các công ty năng suất hơn. Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, và các nhà quản lý mới sẽ hợp lý hóa sản xuất (và sa thải tất cả những nhân công thừa, những người có việc làm nhờ vào đỡ đầu chính trị).
Những thay đổi này không trực tiếp đem lại tăng trưởng kinh tế, nhưng nó tăng tiềm năng của nền kinh tế, hoặc tăng thu nhập tiềm năng trong dài hạn. Tăng trưởng tự nó xảy ra khi thực tiễn và tiềm năng của nền kinh tế bắt đầu hội tụ về cùng mức thu nhập cao hơn trong dài hạn này.
Rất nhiều nghiên cứu học thuật đã tìm ra rằng tốc độ hội tụ thường vào khoảng 2% mỗi năm. Nghĩa là mỗi năm một nền kinh tế thường rút ngắn được 2% khoảng cách giữa thu nhập thật sự và thu nhập tiềm năng của nó.
Cách ước lượng này giúp chúng ra đo được quy mô tăng trưởng mà chúng ta có thể kỳ vọng từ tái cấu trúc. Hãy thử cực kỳ lạc quan và cho rằng các cuộc tái cấu trúc cho phép Hy Lạp tăng gấp đôi thu nhập tiềm năng của mình trong ba năm – đẩy GDP bình quân đầu người của Hy Lạp vượt lên đáng kể so với mức trung bình của châu Âu. Sử dụng bài toán hội tụ, điều này sẽ chỉ tạo ra mức gia tăng tăng trưởng hàng năm trung bình khoảng 1,3% trong ba năm tới. Để có cách nhìn tổng quan về con số này, hãy nhớ rằng GDP của Hy Lạp đã giảm 25% kể từ năm 2009.
Vậy nên, nếu các cuộc tái cấu trúc không mang lại kết quả tại Hy Lạp thì đó không phải là bởi chính phủ Hy Lạp đã lơ là. Hồ sơ của Hy Lạp trong việc thi hành các cải cách thật ra là khá tốt. Từ 2010 đến 2015, Hy Lạp đã leo gần 40 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Thay vào đó, sự thất vọng hiện nay nảy sinh từ logic cốt lõi nhất trong tái cấu trúc: hầu hết các lợi ích phải rất lâu sau đó mới xuất hiện, không phải khi đất nước đang thật sự cần chúng.
Có một chiến lược thay thế có thể tạo ra tăng trưởng đáng kể nhanh chóng hơn. Một cách tiếp cận mang tính chọn lọc nhắm vào các “yếu tố kìm hãm chính” (binding constraint) – những khu vực mà lợi ích tăng trưởng lớn nhất – sẽ giúp tối đa hóa những lợi ích ban đầu. Điều này cũng sẽ đảm bảo rằng chính quyền Hy Lạp sẽ dùng nguồn vốn chính trị và nhân lực vào những trận đánh thực sự quan trọng nhất.
Vậy, nền kinh tế Hy Lạp nên nhắm vào những yếu tố kìm hãm chính nào?
Lợi ích lớn nhất của cải cách sẽ đến từ sự gia tăng lợi nhuận của các hàng hóa và dịch vụ có thể trao đổi thương mại (tradables) – gia tăng đầu tư và khả năng kinh doanh trong các hoạt động xuất khẩu mới và hiện có. Tất nhiên là Hy Lạp thiếu công cụ trực tiếp nhất để đạt được điều này – tức hạ giá đồng tiền – vì đang là thành viên Eurozone. Nhưng kinh nghiệm của các nước khác cung cấp một kho tàng phong phú các biện pháp thay thế để gia tăng xuất khẩu – từ các khuyến khích về thuế, tới các đặc khu, hay các dự án cơ sở hạ tầng có chọn lọc.
Cấp thiết nhất, Hy Lạp cần lập nên một cơ quan gần với thủ tướng, có nhiệm vụ thúc đẩy đối thoại với các nhà đầu tư tiềm năng. Cơ quan này cần có thẩm quyền để gỡ bỏ các trở ngại nó phát hiện ra hơn là để cho những đề xuất của mình lay lắt đi qua các bộ. Những chướng ngại này thường rất cụ thể – ví dụ như quy định về phân vùng đất đai ở chỗ này, hay một chương trình huấn luyện ở chỗ kia – những thứ thường bị bỏ qua trong các cuộc tái cấu trúc lớn.
Việc tới nay chưa có một sự tập trung vào các hàng hóa và dịch vụ có thể trao đổi thương mại đã gây nhiều thiệt hại. Các cuộc cải cách khác nhau đã có các tác động trái ngược nhau lên khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Ví dụ, trong ngành chế tạo, lợi ích cạnh tranh của việc cắt giảm lương (“phá giá nội bộ”) thường bị vô hiệu hóa bởi sự gia tăng chi phí năng lượng do các biện pháp thắt chặt tài khóa và điều chỉnh giá bởi các doanh nghiệp nhà nước gây ra. Một chiến lược cải cách tập trung hơn có thể bảo vệ các hoạt động xuất khẩu khỏi các hiệu ứng bất lợi như vậy.
Cải cách cơ cấu thông thường có xu hướng thiên về “các thực tiễn tốt nhất” – những biện pháp chính sách được cho là có giá trị phổ quát. Nhưng, như các quốc gia thành công trên thế giới đã phát hiện ra, cách tiếp cận dựa trên “các thực tiễn tốt nhất” không giúp gì nhiều trong việc gia tăng xuất khẩu mới. Không có đồng tiền riêng của mình, chính phủ Hy Lạp sẽ phải cực kỳ sáng tạo và giàu trí tưởng tượng.
Đặc biệt, kinh nghiệm của các nước khác cho thấy một sự phục hồi nguồn cung nhanh chóng có thể đòi hỏi các chính sách mang tính chọn lọc và có sự điều chỉnh tùy ý có lợi cho các nhà xuất khẩu, chứ không phải là chính sách “theo chiều ngang” mà những người ủng hộ cải cách cơ cấu thường ưa thích. Đây chính là nơi tồn tại một nghịch lý: Chiến lược vĩ mô và tài chính của Hy Lạp càng chính thống bao nhiêu thì chiến lược tăng trưởng của nó sẽ càng phải phi chính thống bấy nhiêu.
Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Thế giới tại Trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard. Ông là tác giả của các cuốn sách One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth (Princeton University Press, 2009) và, gần đây nhất, là The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy (W. W. Norton & Company, 2012).
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Mirage of Structural Reform
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]