Nguồn: Dominique Moisi, “We Are At War,” Project Syndicate, 16/11/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và một siêu thị kosher (bán thực phẩm dành cho người Do Thái – NBT) hồi tháng Giêng, người dân Paris đều biết rằng những kẻ man rợ vẫn còn lẩn khuất đâu đó, và chúng sẽ lại tấn công. Nhưng biết hay dự đoán điều đó và đối mặt với thực tế nghiệt ngã là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đêm thứ 6 tuần trước, thực tế đã khiến chúng ta vô cùng bàng hoàng. Chúng ta đang lâm chiến. Sẽ là sai lầm – thậm chí nguy hiểm – nếu chúng ta không thừa nhận điều này. Và chiến thắng trong cuộc chiến này đòi hỏi sự rõ ràng, đoàn kết, và kiên định.
Điều chúng ta cần nhất hiện nay là sự rõ ràng trong phân tích. Chúng ta gần như không biết rõ kẻ thù, ngoại trừ mức độ hận thù và tàn ác của chúng. Để hiểu chiến lược của chúng, chúng ta phải thừa nhận bản chất của chúng: một đối thủ thông minh, và duy lý theo cách của riêng chúng. Bao lâu nay chúng ta đã xem thường và đánh giá thấp chúng. Giờ chúng ta nhất thiết phải thay đổi cách suy nghĩ.
Trong một vài tuần qua, chiến lược khủng bố của Nhà nước Hồi giáo đã gây ra cái chết trên những đường phố của Ankara, Beirut, và Paris, và trên bầu trời Sinai. Danh tính của những nạn nhân để lại một thông điệp rõ ràng. “Người Kurd, người Nga, người Shia ở Li-băng, người Pháp: Các ngươi tấn công bọn ta, nên bọn ta sẽ giết các ngươi.”
Tương tự như quốc tịch của các nạn nhân, thời điểm xảy ra các vụ tấn công cũng cho ta biết nhiều điều. Càng bị đánh bại dưới mặt đất và càng mất kiểm soát lãnh thổ ở Syria và Iraq bao nhiêu, Nhà nước Hồi giáo càng muốn gây chiến ở bên ngoài để ngăn chặn sự can thiệp sâu hơn nữa bấy nhiêu. Ví dụ, các cuộc tấn công diễn ra đồng thời ở Paris cũng trùng với thời điểm Nhà nước Hồi giáo đánh mất thành phố Sinjar ở Iraq.
Dĩ nhiên, những phần tử khủng bố vừa tấn công Paris không phải mới được tạo ra sau những trận chiến thất bại gần đây của Nhà nước Hồi giáo. Chúng đã ở sẵn đó, chờ được kích hoạt (có thể còn những kẻ khác cũng vậy). Điều đó chứng tỏ sự linh hoạt chiến thuật của Nhà nước Hồi giáo, chưa kể đến việc luôn sẵn có những kẻ sẵn sàng tự sát.
Khi Nhà nước Hồi giáo chọn thời điểm này ở Paris để nhắm đến những người không phải họa sĩ châm biếm, cảnh sát, hay người Do Thái, thì đó chính là vì “sự bình thường” của những nạn nhân này khiến họ không được bảo vệ. Lần này, những kẻ tấn công đã chọn “số lượng” hơn là “chất lượng” (xin thứ lỗi vì một công thức thô thiển như vậy). Mục tiêu là giết nhiều người nhất có thể.
Chiến lược này có thể thực hiện được là bởi các vùng lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát đã cung cấp nơi trú ẩn và đào tạo (cho những kẻ khủng bố). Các vùng lãnh thổ của caliphate (vương quốc Hồi giáo) tự xưng đem lại cho Nhà nước Hồi giáo những gì mà Afghanistan do Taliban kiểm soát đã đem lại cho Al Qaeda trong những năm 1990.
Chúng ta buộc phải giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này. Và việc phá hủy các “tỉnh” của Nhà nước Hồi giáo ở Libya, Sinai, và ở những nơi khác phải trở thành ưu tiên số một của cộng đồng quốc tế.
Ngoài những phân tích rõ ràng, chúng ta còn cần đoàn kết, bắt đầu từ Pháp, nơi các công dân cần loại bỏ (tư duy) tầng lớp chính trị của mình nếu họ không muốn tiếp tục hành xử một cách chia rẽ trước một bước ngoặt lịch sử rõ ràng như hiện nay.
Cần phải đạt được sự đoàn kết trên toàn châu Âu. Người ta liên tục nói rằng châu Âu đang lâm vào một cuộc khủng hoảng bản sắc, cần một số dự án mới. Nếu vậy thì giờ châu Âu đã có một dự án. Là người châu Âu đồng nghĩa với việc cùng nhau đối đầu với tai họa từ sự man rợ, bảo vệ các giá trị, cách sống của mỗi người, cũng như cách chúng ta cùng chung sống, bất chấp sự khác biệt.
Sự đoàn kết cũng đòi hỏi thế giới phương Tây phải thống nhất. Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama sau các cuộc tấn công Paris đã chứng tỏ rằng những gì gắn kết châu Âu với nước Mỹ quan trọng hơn nhiều so với những gì chia rẽ chúng ta. Chúng ta đang trên cùng một con thuyền, đối mặt với cùng một kẻ thù. Và sự đoàn kết theo ý nghĩa này phải lan rộng ra ngoài châu Âu và thế giới phương Tây, bởi Nhà nước Hồi giáo đe dọa các nước như Iran và Nga, chưa kể đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng nhiều như – nếu không nói là hơn – nó đe dọa phương Tây.
Dĩ nhiên, chúng ta phải có đầu óc thực tế. Liên minh do tình thế của chúng ta với các nước này sẽ không thể vượt qua mọi vấn đề giữa họ với chúng ta. Vì vậy, bên cạnh sự rõ ràng và đoàn kết, chúng ta cần kiên định, cả trong việc đối phó với mối đe dọa ISIS và trong việc bảo vệ các giá trị của chúng ta, đặc biệt là việc tuân thủ pháp quyền.
Nhà nước Hồi giáo đang mong đợi sự hèn nhát và hành xử thái quá của chúng ta. Tham vọng cuối cùng của chúng là kích động một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh của phương Tây và thế giới Hồi giáo. Chúng ta không được trở thành con mồi của chiến lược đó.
Nhưng sự rõ ràng là quan trọng hơn cả. Khi Paris bị tấn công như hôm thứ 6 vừa qua, người ta phải nói về chiến tranh. Không ai muốn lặp lại những sai lầm của Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush; nhưng sử dụng những sai lầm này như một cái cớ để tránh đối mặt với thế giới như nó vốn có sẽ chỉ đơn thuần là một sai lầm khác. Phản ứng của châu Âu cần phải cứng rắn, nhưng không được đi chệch khỏi pháp quyền. Suy cho cùng, chúng ta đang lâm vào một trận chiến chính trị với Nhà nước Hồi giáo, một trận chiến mà tình yêu của chúng ta dành cho sự sống phải chiến thắng tình yêu của chúng dành cho cái chết.
Dominique Moisi, Giáo sư Học viện Chính trị Paris (Sciences Po), là Cố vấn cao cấp của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) và là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học King’s College London. Ông là tác giả cuốn The Geopolitics of Emotion: How Cultures of Fear, Humiliation, and Hope are Reshaping the World.
Copyright: Project Syndicate 2015 – We Are At War
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]