17/11/1869: Khánh thành Kênh đào Suez

Suez

Nguồn:Suez Canal opens,” History.com (truy cập ngày 16/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1869, kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải với biển Đỏ được khánh thành trong một buổi lễ công phu có sự tham dự của Hoàng hậu Pháp Eugénie, vợ của Napoléon III.

Năm 1854, cựu lãnh sự Pháp tại Cairo Ferdinand de Lesseps đã đạt được một thỏa thuận với toàn quyền Ottoman tại Ai Cập để xây dựng một kênh đào kéo dài 100 dặm qua eo đất Suez. Một nhóm kỹ sư quốc tế đã lên kế hoạch xây dựng, và đến năm 1856 Công ty Kênh đào Suez được thành lập và được cấp quyền khai thác kênh đào trong 99 năm sau khi hoàn thành công trình.

Quá trình xây dựng bắt đầu từ tháng 4 năm 1859, và ban đầu công việc được thực hiện thủ công bằng cuốc xẻng bởi những người lao động cưỡng bức. Sau đó công nhân châu Âu tới với tàu hút bùn và máy đào chạy bằng hơi nước. Tranh chấp lao động và dịch tả đã làm chậm tiến độ xây dựng, và phải đến năm 1869 – chậm bốn năm so với kế hoạch ban đầu – kênh đào Suez mới được hoàn thành. Ngày 17 tháng 11 năm 1869, kênh đào Suez bắt đầu thông thương. Ferdinand de Lesseps sau này đã cố gắng xây dựng một con kênh dẫn qua eo đất Panama, nhưng không thành công.

Khi mới mở cửa, kênh đào Suez chỉ sâu 8 mét, rộng 22 mét dưới đáy và 60 đến 90 mét trên mặt nước. Do vậy chỉ có chưa đến 500 tàu đi qua nó trong năm đầu tiên hoạt động. Tuy nhiên, các cuộc cải tiến lớn đã bắt đầu được tiến hành từ năm 1876, và kênh đào Suez nhanh chóng phát triển thành một trong những tuyến vận chuyển lớn nhất trên thế giới. Năm 1875, Anh trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Kênh đào Suez sau khi mua hết lượng cổ phiếu của tân toàn quyền Ottoman tại Ai Cập. Bảy năm sau, vào năm 1882, Anh xâm lược Ai Cập, bắt đầu một giai đoạn chiếm đóng kéo dài trên đất nước này. Hiệp ước Anh-Ai Cập năm 1936 đã giúp Ai Cập gần như độc lập, nhưng Anh vẫn bảo lưu quyền bảo hộ con kênh.

Sau Thế chiến II, Ai Cập buộc quân đội Anh phải di tản khỏi Khu vực Kênh đào Suez, và đến tháng 7 năm 1956 Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser đã quốc hữu hóa kênh đào Suez với hy vọng lệ phí đường thủy của con kênh sẽ trang trải cho việc xây dựng một con đập khổng lồ trên sông Nile. Đáp lại, Israel tiến hành xâm lược Ai Cập vào cuối tháng 10, sau đó quân đội Anh và Pháp đổ bộ vào đầu tháng 11, chiếm đóng vùng kênh đào. Dưới áp lực của Liên Hợp Quốc, Anh và Pháp rút quân trong tháng 12, và các lực lượng Israel rời đi từ tháng 3 năm 1957. Cũng trong tháng đó, Ai Cập nắm quyền kiểm soát kênh đào và mở cửa trở lại cho các tàu thương mại.

Mười năm sau, Ai Cập đóng cửa kênh đào Suez sau Chiến tranh sáu ngày và việc Israel chiếm đóng bán đảo Sinai. Trong tám năm sau đó, kênh đào Suez, vốn ngăn cách bán đảo Sinai với phần còn lại của Ai Cập, tồn tại như tiền tuyến giữa quân đội Ai Cập và Israel. Năm 1975, Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat mở cửa kênh đào Suez trở lại như một cử chỉ hòa bình sau các cuộc đàm phán với Israel. Ngày nay, trung bình mỗi ngày có 50 tàu đi qua kênh đào Suez, chở theo hơn 300 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]