Nguồn: “Soviet counterattack at Stalingrad,” History.com (truy cập ngày 18/11/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1942, Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Georgi Zhukov đã mở chiến dịch Sao Thiên Vương, cuộc phản công lớn giúp xoay chuyển tình thế sang hướng có lợi cho Liên Xô so với Đức trong trận Stalingrad (17/07/1942–02/02/1943).
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, bất chấp những điều khoản của Hiệp ước Xô-Đức 1939, Đức Quốc xã vẫn phát động một cuộc xâm lược lớn vào Liên Xô. Được hỗ trợ bởi lực lượng không quân tinh nhuệ, quân đội Đức nhanh chóng tràn vào lãnh thổ Liên Xô, gây tổn thất rất lớn cho Hồng quân và nhân dân Xô viết. Với sự hỗ trợ của quân đội các nước đồng minh phe Trục, Đức đã chinh phục được một vùng lãnh thổ rộng lớn, và bao vây các thành phố lớn của Liên Xô là Leningrad và Moskva vào giữa tháng 10 cùng năm. Tuy nhiên, phía Liên Xô đã cầm cự được, và mùa đông sắp đến đã buộc Đức phải tạm dừng cuộc tấn công.
Trong cuộc tấn công mùa hè năm 1942, Adolf Hitler ra lệnh cho Tập đoàn quân số 6, dưới quyền Tướng Friedrich von Paulus, đánh chiếm Stalingrad ở miền Nam Liên Xô, một trung tâm công nghiệp và là trở ngại ngăn Đức Quốc xã kiểm soát các giếng dầu quý giá ở Caucasus. Tháng 8, Tập đoàn quân số 6 đã tiến qua sông Volga trong khi Quân đoàn Không quân số 4 của Đức oanh tạc Stalingrad thành đống đổ nát, cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 dân thường.
Đầu tháng 9, Tướng Paulus ra lệnh tiến hành các cuộc tấn công đầu tiên vào Stalingrad, ước tính rằng sẽ mất khoảng 10 ngày trước khi quân đội của ông chiếm được thành phố. Từ đây bắt đầu một trong những trận chiến khủng khiếp nhất và có thể nói là quan trọng nhất của Thế chiến II do nó là bước ngoặt trong cuộc chiến giữa Đức và Liên Xô.
Trong nỗ lực chiếm đóng Stalingrad, Tập đoàn quân số 6 của Đức phải đối mặt với Tướng Vasily Chuikov dẫn đầu một đoàn quân Hồng binh lợi dụng thành phố đổ nát làm lợi thế cho mình, biến các tòa nhà bị phá hủy và đống đổ nát thành công sự bảo vệ tự nhiên. Với phương pháp chiến đấu mà quân Đức bắt đầu gọi là Rattenkrieg, hay “chiến tranh của chuột,” các lực lượng Liên Xô chia thành các đội gồm 8 hoặc 10 người và chiến đấu giành từng ngôi nhà và khoảnh sân của lãnh thổ.
Cuộc chiến đã chứng kiến những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ chiến tranh đường phố, chẳng hạn như súng máy bắn xiên góc của Đức và máy bay cơ động của Nga âm thầm lướt qua vị trí chiếm đóng của Đức và bất ngờ thả bom vào ban đêm. Tuy nhiên, cả hai bên đều thiếu lương thực, nước, vật tư y tế thiết yếu, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng mỗi tuần.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin quyết tâm giải phóng thành phố mang tên ông, và đến tháng 12, ông ra lệnh cho một đội quân tiếp viện lớn tiến đến khu vực này. Ngày 19 tháng 11, Tướng Zhukov phát động một đợt phản công lớn của Liên Xô từ trong đống đổ nát của Stalingrad. Chỉ huy quân đội Đức đã đánh giá thấp quy mô của cuộc phản công, và Tập đoàn quân số 6 nhanh chóng bị áp đảo trước cuộc tấn công gồm 500.000 lính, 900 xe tăng, và 1.400 máy bay của Liên Xô. Chỉ trong ba ngày, toàn bộ lực lượng hơn 200.000 người của Đức đã bị bao vây.
Quân đội Ý và Rumani tại Stalingrad đã đầu hàng, nhưng Đức vẫn cố cầm cự, nhận cứu trợ hạn chế qua đường không và chờ quân tiếp viện. Hitler ra lệnh cho Von Paulus giữ vững vị trí và phong ông làm thống chế, bởi chưa bao giờ có thống chế Đức Quốc xã nào từng đầu hàng. Nạn đói và mùa đông khắc nghiệt cũng như quân đội Liên Xô tàn nhẫn đã lấy đi nhiều mạng sống của quân đội Đức, và đến ngày 21 tháng 1 năm 1943, sân bay cuối cùng Đức còn chiếm giữ đã rơi vào tay Liên Xô, cắt đứt hoàn toàn quân Đức với nguồn viện trợ.
Ngày 31 tháng 1, Von Paulus đầu hàng cùng quân đội Đức ở khu phía Nam, và đến ngày mùng 2 tháng 2 toàn bộ quân đội Đức còn lại đầu hàng. Chỉ có 90.000 binh sĩ Đức còn sống, và trong số này chỉ có 5.000 người sống sót qua những trại giam giữ tù binh chiến tranh của Liên Xô và trở lại được nước Đức.
Trận Stalingrad đã làm thay đổi tình thế trong cuộc chiến giữa Đức và Liên Xô. Tướng Zhukov, người có vai trò hết sức quan trọng trong chiến thắng này, sau này đã dẫn quân đội Xô viết tiến vào Berlin. Ngày mùng 1 tháng 5 năm 1945, với tư cách cá nhân, ông chấp nhận sự đầu hàng của Đức ở Berlin. Trong khi đó, Von Paulus đã vận động các tù nhân chiến tranh người Đức ở Liên Xô chống lại Adolf Hitler và cung cấp lời khai tại Tòa án Quân sự Quốc tế tại Nuremberg vào năm 1946. Sau khi được Liên Xô thả tự do vào năm 1953, Von Paulus định cư tại Đông Đức.
Ảnh: Một người lính Xô viết vẫy cờ đỏ trên quảng trường trung tâm Stalingrad năm 1943. Nguồn: Georgii Zelma | German Federal Archives.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]