Lý giải sự kình địch giữa Iran và Ả-rập Saudi

iransaudi-1

Nguồn: Nawaf Obaid, “Iran’s Syrian Power Grab”, Project Syndicate, 19/11/2015.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Việc mời Iran tham gia vòng đàm phán kế tiếp về cuộc khủng hoảng Syria tại Thủ đô Vienna (Áo) – lời mời vốn đã được nhắc lại vào tuần trước – có những ảnh hưởng sâu rộng. Trên thực tế, chính quyền hiện tại của Iran đang cố gắng phá vỡ thế cân bằng quyền lực đã kéo dài khoảng 1.400 năm, còn Ả-rập Saudi, vốn là cái nôi là thế giới Hồi giáo, sẽ không chấp nhận điều này.

Sự chia rẽ giữa Iran và Ả-rập Saudi, hai cường quốc nổi bật nhất Trung Đông của hai nhánh Hồi giáo Shia và Sunni, có nguồn gốc sâu xa. Nếu chúng ta muốn hiểu được những gì thật sự đang diễn ra tại Trung Đông ngày nay – không chỉ ở Syria – thì cần phải nhắc lại nguồn gốc của sự phân chia hai dòng Sunni và Shia, sự chia rẽ giữa Ả-rập và Ba Tư, và những cuộc đấu tranh giành quyền lực trong quá khứ của Đạo Hồi.

Đạo Hồi được phân chia thành hai dòng Sunni và Shia sau khi Nhà tiên tri Muhammad, người sáng lập ra Đạo Hồi, qua đời và phải có một người để kế vị. Hầu hết các tín đồ của Ngài, những người sau này được gọi là người Hồi giáo dòng Sunni, cảm thấy rằng họ nên đưa ra quyết định dựa trên năng lực (của người kế vị), và họ ủng hộ cha vợ của Muhammad là Abu Bakr. Tuy nhiên có một nhóm nhỏ, về sau trở thành những người Hồi giáo dòng Shia, lại phản đối quyết định này khi họ kiên quyết cho rằng vị caliph mới phải là người có quan hệ huyết thống với nhà tiên tri. Vì vậy họ quyết định người con rể và cũng là anh họ của Muhammad là Ali ibn Abi Talib (theo những người Sunni thì đây là vị caliph thứ tư) mới là người thừa kế hợp pháp. Ngày nay, 90% tín đồ Hồi giáo theo dòng Sunni, và 10% theo dòng Shia.

Khi sự bất đồng còn đang diễn ra, người Hồi giáo đã tiến hành chinh phạt Ba Tư chỉ một năm sau cái chết của Nhà Tiên tri (năm 632). Đế chế Ba Tư của Nhà Sassanid đang kiệt quệ về kinh tế và quân sự sau hàng thập kỷ chiến tranh với Đế chế Byzantine đã phải hứng chịu thất bại quyết định tại Trận Qadisiyyah năm 636.

Năm tiếp theo, Hoàng đế Ba Tư Yazdegerd III phải tháo chạy đến tỉnh biên giới Khorasan và quá trình Ả-rập hóa Ba Tư bắt đầu với việc người Ba Tư đặt tên theo tiếng Ả-rập và cải đạo sang Hồi giáo. Đến năm 651, hầu như tất cả các trung tâm đô thị sầm uất ở Ba Tư đều đã nằm dưới sự cai trị của người Ả-rập, điều càng đẩy nhanh quá trình Ả-rập hóa.

Sự cải đạo sang Hồi giáo trên quy mô lớn của người Ba Tư là bước đầu tiên cho việc thành lập một Nhà nước Hồi giáo (caliphate) đầu tiên, một nhà nước mang tính chính trị-tôn giáo trải rộng trên mọi vùng đất của người Hồi giáo. Tại những thời điểm khác nhau trong lịch sử, các caliphate này từng được mở rộng đến Châu Á, Châu Phi và nhiều khu vực ở Châu Âu. Nỗ lực của các thế lực khác nhau nhằm tìm kiếm quyền kiểm soát hoặc khôi phục lại các caliphate chính là chủ đề xuyên suốt trong lịch sử Đạo Hồi. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chính là ví dụ gần đây nhất.

Đến năm 1500, hầu như tất cả người Ba Tư đều theo Hồi giáo dòng Sunni. Sau đó, Shah (Vua Ba Tư) Ismail – vị Shah đầu tiên và cũng là người lập nên Triều đại Safavid – bắt đầu thực hiện chính sách hà khắc ép buộc những người Hồi giáo Ba Tư theo dòng Shia để tách biệt đế chế Ba Tư của ông với Đế quốc Ottoman hùng mạnh hơn – vốn đặt kinh đô tại thành Constantinople và theo dòng Sunni.

Lịch sử này rõ ràng báo hiệu trước những hành động của Iran ngày nay. Là những người Shia, người Iran là một nhóm thiểu số trong cộng đồng Hồi giáo, một sự thật luôn khiến họ cảm thấy bị phân biệt đối xử. Thay vì chấp nhận vị thế thiểu số, nhiều chính quyền Iran khác nhau luôn cố gắng giành thế bá quyền trong thế giới Ả-rập.

Dĩ nhiên, vấn đề là Iran không chỉ đại diện cho một nhóm thiểu số trong thế giới Hồi giáo; mà họ còn không phải là người Ả-rập. Vì vậy, việc họ sẽ ra lệnh cho các nước Ả-rập dù trong bất kỳ vai trò gì thì cũng không thể hiểu được. Nhưng điều này đã không thể ngăn cản được chính phủ Iran tham vọng sử dụng những đòn bẩy ảnh hưởng của Hồi giáo về chính trị lẫn thần học. Sử dụng cộng đồng Shia tại các nước Ả-rập, Iran đang cố gắng kiểm soát những cộng đồng này với mục tiêu tối thượng là thâu tóm luôn hai địa điểm thiêng liêng nhất của Đạo Hồi, Mecca và Medina, nơi Hoàng gia Saudi đang quản lý với tư cách Người trông coi Hai Nhà thờ thánh.

Là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong dòng Sunni, Ả-rập Saudi hiểu rằng mình phải cố gắng kiềm chế Iran. Năm 2011, liên minh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh do Hoàng gia Saudi dẫn dắt đã đánh bại một nhóm phiến quân Shia do Iran bảo trợ tại Bahrain. Trong năm nay tại Yemen (chủ yếu theo dòng Sunni), liên minh do Ả-rập Saudi đứng đầu chiến đấu với các nhóm nổi loạn Houthi thuộc nhánh Zaydi của dòng Shia, vốn được Iran vũ trang nhằm thâu tóm quốc gia này và giành một chỗ đứng tại Bán đảo Ả-rập.

Tại Syria, quốc gia có đa số người Sunni – và là nơi caliphate dòng Sunni Umayyad từng có một thời hoàng kim trong lịch sử – Iran đang chi hàng tỉ đô la để nâng đỡ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, một chế độ bị chi phối bởi một nhánh thiểu số của dòng Shia là Alawite (trong lịch sử được biết đến với tên gọi là Nusayri).

Clip: Tại sao người Iran và người Ả-rập Saudi lại ghét nhau? Nguồn: Youtube.

Hành động của những người ủng hộ chính quyền Assad cho đến nay đã gây ra cái chết của hơn 270.000 người, khiến bảy triệu người trong nước phải di dời, gần bốn triệu người phải tị nạn, và 12 triệu người rơi vào cảnh cần trợ giúp khẩn cấp. Những người này đã châm ngòi cho sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo và gây ra một mối đe dọa ngày càng lớn đến trật tự toàn cầu, như những cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng liên tiếp xảy ra tại Sharm el-Sheikh, Beirut và Paris đã cho thấy. Chính vì vậy, giới lãnh đạo của Ả-rập Saudi sẽ tiếp tục tìm cách đảm bảo rằng Assad phải bị lật đổ và tình trạng hỗn loạn phải bị chấm dứt, bất kể kết quả tạm thời thu được tại cuộc đàm phán ở Vienna là như thế nào đi nữa.

Chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh ủy nhiệm, buôn bán vũ khí, tham vọng hạt nhân và ảo tưởng sức mạnh bắt nguồn từ Iran là một phần trong cuộc đấu tranh lâu đời mà người Saudi đã chịu đựng quá đủ. Đó là lí do vì sao Quốc vương Salman đang giám sát việc thực hiện chương trình mua sắm vũ khí và mở rộng quân sự lớn nhất trong lịch sử Ả-rập Saudi. Và Ả-rập Saudi sẽ không ngừng lại đến khi nào Iran – và các nhóm Shia được Iran ủy nhiệm – từ bỏ ảo tưởng cách mạng và bắt đầu xây dựng hòa bình và ổn định cho khu vực Trung Đông nói riêng và thế giới Ả-rập nói chung.

Nawaf Obaid là nghiên cứu viên khách mời tại Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Belfer tại Trường Quản trị Kennedy, Đại học Harvard.

Xem thêm: Người Hồi giáo Sunni và Shia khác nhau ở chỗ nào?

Copyright: Project Syndicate 2015 – Iran’s Syrian Power Grab
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]