Tính toán sai lầm của Kremlin về NATO và EU

07212014_Putin_European_Union

Nguồn: Anders Fogh Rasmussen, “The Kremlin’s Tragic Miscalculation,” Project Syndicate, 03/11/2015.

Biên dịch: Phạm Phan Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Sự gây hấn của Nga đối với Ukraine là một trong những bi kịch lớn của thời đại chúng ta, không chỉ vì phí tổn nhân lực khổng lồ mà còn vì nó hoàn toàn vô nghĩa. Thực vậy, các nhà lãnh đạo Nga về cơ bản đã đánh giá sai ý định của phương Tây và tạo ra một cuộc đối đầu hoàn toàn không cần thiết khiến lợi ích của cả hai bên đều bị hủy hoại.

Nga và phương Tây – với nền kinh tế liên kết chặt chẽ lẫn nhau và nhiều mục tiêu chính trị chung ở châu Âu và xa hơn nữa – có nhiều lợi ích từ một mối quan hệ hợp tác hòa bình. Nhưng thay vì hợp tác với các cường quốc phương Tây nhằm tăng cường thịnh vượng chung, điện Kremlin lại quay lưng với các đối tác của nó ở nước ngoài.

Nguyên nhân rất đơn giản: Nga nhìn nhận sự mở rộng dần dần của Liên minh châu Âu (EU) và NATO – đạt được thông qua các chính sách “láng giềng” và “mở cửa” – là các nỗ lực được dàn dựng cẩn thận nhằm bao vây và đe dọa Nga. Theo lời lẽ của Kremlin, bằng cách tiếp nhận các nước Liên Xô cũ, EU và NATO đang cố gắng làm suy yếu Nga một cách lộ liễu. Cách diễn giải này buộc Nga phải phản ứng với kế hoạch ký một thỏa thuận liên kết giữa EU và Ukraine bằng cách sáp nhập Crimea và cố gắng tạo ra một cuộc “xung đột bị đóng băng” tại miền Đông Ukraine.

Nhưng cách diễn giải của Nga hiển nhiên là sai lầm – và tôi có thể khẳng định như vậy với đầy đủ thẩm quyền. Với tư cách Thủ tướng Đan Mạch, tôi đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh EU năm 2002 tại Copenhagen, nơi các lãnh đạo châu Âu thống nhất kế hoạch mở rộng lớn nhất của khối. Và với tư cách Tổng Thư ký NATO, tôi đã dành năm năm làm Chủ tịch Hội đồng Nga-NATO nhằm xây dựng quan hệ hợp tác với nước láng giềng lớn nhất của chúng ta.

Sự thật là các nền dân chủ non trẻ tại Trung và Đông Âu đã tìm cách gia nhập EU và NATO – và nỗ lực để đạt được tư cách thành viên – bởi họ mong muốn được hòa bình, tiến bộ, và thịnh vượng. Chính tham vọng của các nước này, chứ không phải sự thù địch với Nga, đã giúp đẩy mạnh sự mở rộng của EU và NATO.

Nga không nên than vãn về quyết định gia nhập EU và NATO của các nước láng giềng, mà suy cho cùng thì chính điều này sẽ mở đường cho sự phát triển kinh tế và cải thiện an ninh. EU và NATO ủng hộ việc xây dựng các thể chế dân chủ mạnh mẽ dựa trên pháp quyền và sự tôn trọng đối với các nhóm thiểu số, sự nổi lên của các nền kinh tế bền vững và năng động, và giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp biên giới.

Một Trung và Đông Âu an ninh và thịnh vượng có lợi cho các tất cả các bên – đặc biệt là Nga. Ngày nay, EU là thị trường nước ngoài lớn nhất của Nga, với một phần lớn tỷ trọng xuất khẩu là sang thị trường các nước thành viên gia nhập hồi năm 2004. Và biên giới của Nga với EU là một trong những biên giới ổn định và an ninh nhất của nước này, còn lâu mới là một mối đe dọa.

Trên thực tế, không một đồng minh nào của NATO sẽ tấn công Nga, vì hành động như vậy sẽ đi ngược lại nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế: tôn trọng chủ quyền của các nước khác. Trong trường hợp tranh chấp biên giới, các thành viên NATO cam kết sẽ tìm kiếm các giải pháp phi bạo lực.

Nói ngắn gọn, nhờ EU và NATO mà sự ổn định tại biên giới phía Tây mà Nga tìm kiếm hàng thế kỷ nay giờ đã đạt được. Nga nên vui mừng – và nên nắm bắt cơ hội này để làm sâu sắc hơn mối quan hệ với phương Tây.

Khi trở thành Tổng Thư ký NATO năm 2009, tôi đã xác định tăng cường quan hệ với Nga là một ưu tiên hàng đầu. Tới cuối năm 2010, có vẻ như chúng tôi đang tiến nhanh tới một mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn. Tại hội nghị thượng đỉnh thứ ba của Hội đồng Nga-NATO, Tổng thống Nga đương nhiệm Dmitri Medvedev và những người đồng cấp của ông từ 28 nước trong khối đã thông qua một tuyên bố chung, cam kết phát triển quan hệ “đối tác chiến lược thực sự.”

Nhưng năm năm sau, Nga vẫn chưa hề là đối tác chiến lược của chúng tôi; và đây là vấn đề chiến lược của chúng tôi. Trên thực tế, học thuyết quân sự hiện tại của Nga gọi NATO là một trong những mối đe dọa chính từ bên ngoài đối với an ninh của Nga.

Đã đến lúc cần định nghĩa lại quan hệ của Nga với phương Tây. Bước đầu tiên là EU, Hoa Kỳ, và các thành viên NATO cần thể hiện rõ ràng rằng hợp tác sẽ đem lại lợi ích – và đối đầu đi kèm với phí tổn. Điều này có nghĩa là nên tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, cùng với viện trợ kinh tế cho Ukraine. Từ góc nhìn an ninh, NATO cần tăng cường bảo vệ lãnh thổ, trong khi các đồng minh NATO nên giúp Ukraine tăng cường khả năng quốc phòng của mình. EU và Hoa Kỳ phải duy trì sự kiên định và thống nhất trong chính sách đối với Nga.

Cách tiếp cận này đem lại cơ hội tốt nhất nhằm kết thúc xung đột hiện tại, và thuyết phục Nga can dự một cách xây dựng với phương Tây. Đương nhiên, để việc hợp tác thành công, Nga phải giành lại niềm tin nó đã đánh mất, thể hiện cam kết tuân thủ các điều ước và chuẩn mực quốc tế mà Nga đã nhất trí.

Đối với nước Nga ngày nay, xoa dịu không dẫn tới hòa bình; trái lại, một cách tiếp cận mang tính hòa hoãn sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Phương Tây thuyết phục được các nhà lãnh đạo Nga rằng phương Tây sẽ không nhường bước sớm ngày nào thì xung đột sẽ chấm dứt sớm ngày ấy. Chỉ khi ấy Nga mới quay lại con đường hợp tác xây dựng với EU, NATO, và Hoa Kỳ – và tiến tới một tương lai thịnh vượng hơn.

Anders Fogh Rasmussen, cựu Thủ tướng Đan Mạch và Tổng Thư ký NATO, là người sáng lập và Chủ tịch của hãng Ramussen Global.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Kremlin’s Tragic Miscalculation
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]